Gần 23 triệu học sinh cả nước khai giảng năm học mới 2020-2021

05/09/2020 05:32
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Hôm nay (5/9), gần 23 triệu học sinh cả nước chính thức bước vào năm học mới 2020-2021 với lễ khai giảng được tổ chức đồng loạt ở các trường.

Đây là năm đầu tiên thực hiện song song chương trình giáo dục phổ thông và sách giáo khoa mới (đối với lớp 1) và chương trình giáo dục hiện hành (đối với các khối lớp còn lại).

Ngày 4/9, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có thư gửi tới ngành Giáo dục, học sinh, sinh viên cả nước, nhân dịp khai giảng năm học mới 2020-2021.

ảnh minh họa: Thùy Linh

ảnh minh họa: Thùy Linh

Trước đó, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ ký ban hành Chỉ thị về nhiệm vụ và giải pháp năm học 2020-2021 của ngành Giáo dục. Trong đó nêu rõ 9 nhiệm vụ và 5 giải pháp của ngành.

Mục tiêu xuyên suốt trong 09 nhóm nhiệm vụ chủ yếu năm học 2020-2021 là tiếp tục đổi mới và đảm bảo chất lượng giáo dục.

Là năm học đầu tiên triển khai thực hiện chương trình, sách giáo khoa lớp 1, Chỉ thị yêu cầu, tiếp tục rà soát, bổ sung, đảm bảo đủ cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, lựa chọn và bố trí đủ giáo viên có kinh nghiệm triển khai chương trình, sách giáo khoa để dạy lớp 1.

Cũng trong năm học này, tổ chức thẩm định, phê duyệt sách giáo khoa các môn học và hoạt động giáo dục lớp 2, lớp 6 và tài liệu giáo dục địa phương theo lộ trình; tiếp tục triển khai xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời, thực hiện đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát triển phẩm chất, năng lực của học sinh; tinh giản nội dung dạy học; đẩy mạnh giáo dục STEM trong bậc phổ thông; đổi mới kiểm tra, đánh giá gắn với lộ trình thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Năm học 2020-2021 cũng chú trọng công tác giáo dục tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống cho học sinh, sinh viên thông qua hoạt động giáo dục và trải nghiệm; tăng cường an ninh, an toàn trường học và các giải pháp phòng, chống bạo lực học đường.

Để đảm bảo chất lượng giáo dục, Chỉ thị cũng đặt ra nhiệm vụ quan trọng là thúc đẩy chuyển đổi số, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong Giáo dục và Đào tạo, tập trung hoàn thiện chính sách phát triển phương thức Giáo dục và Đào tạo trực tuyến, quản lý giáo dục trên môi trường mạng; phát triển kho học liệu số toàn ngành;

Triển khai hiệu quả hệ thống quản lý học tập qua mạng để bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý theo phương thức thường xuyên, liên tục ngay tại nhà trường.

05 nhóm giải pháp cơ bản được duy trì và phát triển theo hướng trọng tâm, chi tiết. Cùng với hoàn thiện thể chế, tăng cường nguồn lực đầu tư, khảo thí, kiểm định chất lượng và truyền thông, đáng chú ý là nhóm giải pháp “Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của cán bộ quản lý giáo dục, đổi mới công tác quản lý; đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát; ngăn chặn, xử lý nghiêm những tiêu cực trong hoạt động Giáo dục và Đào tạo"…

Thùy Linh