Gần 100 học sinh lớp 12 thi thử vào đại học theo dạng đề thi mới

15/03/2015 08:13
Xuân Trung
(GDVN) - Học sinh và giáo viên Thái Nguyên cùng thi thử đề thi đánh giá năng lực của ĐHQGHN chiều ngày 14/3 đều nhận định đề thi phù hợp và thích với dạng thi này.

Chiều 14/3, Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức thi thử ở điểm trường THPT Đại Từ (huyện Đại Từ, Thái Nguyên). Sau 195 phút làm bài thi trong phòng máy tính với các giám thị trông thi là giảng viên của Đại học Quốc gia Hà Nội và giáo viên THPT trên địa bàn tỉnh, đa số thí sinh đều cho biết đề thi phù hợp với chuẩn kiến thức, cũng có câu dễ và khó, tỷ lệ rất phù hợp với trình độ của học sinh.

Bước ra khỏi phòng thi, em Phạm Phương Mai (lớp 12A14) cho biết, với dạng đề đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội có cảm giác đề không gây áp lực cho học sinh, đề có các câu từ dễ tới khó.

Theo mai, tỉ lệ câu khó chiếm khoảng 40%, còn lại là dễ. Đối với môn xã hội, Mai cho nhận định có khoảng 25% các câu cần có nền tảng kiến thức tốt mới làm được. Kỳ thi quốc gia tới Mai tiếp tục đăng ký dự thi, dự định của em là vào Học viện Báo chí tuyên truyền.

Gần 100 học sinh lớp 12 thi thử vào đại học theo dạng đề thi mới ảnh 1

Các thí sinh cảm thấy thoải mái và nhẹ nhàng khi được thi hình thức thi mới của Đại học Quốc gia Hà Nội. Ảnh Xuân Trung

Qua lần thi thử vào đại học này, em Phạm Phương Mai vẫn còn boăn khoăn rằng, nếu thi thật sắp tới thì cần hỏi mở rộng hơn đối với các môn xã hội, mục đích để học sinh bày tỏ kỹ năng.

Trao đổi với phóng viên sau khi hoàn thành phần thi của mình, em Nguyễn Thị Thuỳ Linh (lớp 12A9) cho biết sắp tới sẽ đăng ký dự kỳ thi đánh giá năng lực của Đại học Quốc gia Hà Nội vì cảm thấy không bị áp lực, kết quả cũng được biết ngay sau kỳ thi nên không phải đắn đo về tính công bằng trong thi cử.

Theo thí sinh này, đề thi đều là những kiến thức đã được học trong chương trình phổ thông, vừa với khả năng của thí sinh. Linh thích phần thi Văn bởi câu hỏi dễ hiểu, không gò bó. Tuy nhiên em cũng đề xuất ban đề thi nên cho thêm các câu hỏi mở về dân tộc, đời sống hoặc hiểu biết xã hội để thí sinh thể hiện được khả năng.

Trong buổi thi thử ở dạng đề này Linh cho biết em hoàn thành 71/140 câu, vậy là qua ngưỡng chuẩn đầu vào của Đại học Quốc gia Hà Nội.

Là một trong những thí sinh hoàn thành phần thi khá tốt (113/140 câu hỏi), em Trần Xuân Hảo (lớp 12A15) tỏ ra khá hài lòng với kết quả của bản thân. Hảo cho biết đề thi có 50 câu trắc nghiệm khá dễ, chỉ cần làm vài bước là ra kết quả.

"Hiện nay các trường cấp 3 đều học Tin học nên chúng em không gặp khó khăn gì trong quá trình làm bài. Một số bạn bị lỗi kỹ thuật cũng kịp thời được khắc phục. Thời gian tới em sẽ trau dồi thêm kiến thức các môn tự nhiên để có thể đạt kết quả cao hơn, trở thành sinh viên của Đại học Quốc gia trong tương lai", thí sinh cho biết.

Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Kim Sơn- Phó Giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội cho hay, việc chọn THPT Đại Từ là điểm thi thử vì đây là địa bàn có các thí sinh tập trung ở nhiều khu vực gồm thị xã, thị trấn, nông thôn, miền núi, đối tượng rất đa dạng. Học sinh ở khu vực 1 miền núi nên khả năng làm bài của các em sẽ cho trường những thông tin để hoàn thiện bộ đề và quy trình chính thức, phục vụ cho đợt thi sắp tới.

Gần 100 học sinh lớp 12 thi thử vào đại học theo dạng đề thi mới ảnh 2Kỳ thi quốc gia: Đang có nhiều điểm gây ngờ vực cho xã hội

(GDVN) - Nhiều băn khoăn trước thềm một kỳ thi quốc gia chung, những băn khoăn này sẽ được tháo gỡ như thế nào?

Hiệu trưởng THPT Đại Từ Trần Văn Hưng cho biết, trường không chọn những thí sinh giỏi nhất mà học sinh chỉ cần đảm bảo có học lực từ trung bình trở lên, ở tất cả các ban A, B, C, D...đều có thể tham gia thi thử.

"Chúng tôi đã tổ chức thăm dò học sinh về phương án thi của Đại học Quốc gia Hà Nội. Các em rất thích bởi vì với học sinh, không có kỳ thi nào không có áp lực, nhưng thi như Đại học Quốc gia thì áp lực thi đã được giải toả vì chỉ thi một hôm, thi xong biết điểm ngay, không sợ gian lận hay chấm điểm thiếukhách quan” hiệu trưởng Trần Văn Hưng cho hay.

Theo quy định của Đại học Quốc gia Hà Nội, người đã học hết chương trình THPT trong năm 2015, người đã tốt nghiệp THPT, người đã tốt nghiệp trung cấp đều có thể đăng ký dự thi. Phiếu đăng ký dự thi được đăng tải trên website của Trung tâm Khảo thí Đại học Quốc gia Hà Nội, mục “Đăng ký trực tuyến”.

Thời gian đăng ký dự thi đợt 1 từ ngày 25/3 đến ngày 15/4, đợt 2 từ ngày 20/6 đến ngày 10/7. Lệ phí đăng ký dự bài thi đánh giá năng lực là 100.000 đồng mỗi thí sinh trong một lượt thi. Lệ phí đăng ký dự thi bài thi Ngoại ngữ là 35.000 đồng mỗi thí sinh cho một lượt thi.

Đợt thi đầu tiên sẽ kéo dài từ ngày 30 – 31/5 (ngày 1 – 2/6 dự phòng). Đợt 2 từ ngày 1 – 2/8 (ngày 3 – 4/8 dự phòng). Riêng thí sinh dự tuyển vào Đại học Ngoại ngữ sẽ dự thi môn ngoại ngữ vào sáng ngày 30/5 (đợt 1) và sáng 1/8 (đợt 2). Sau khi dự thi môn ngoại ngữ sẽ dự thi đánh giá năng lực vào một trong các buổi thi còn lại.

Bài thi gồm 3 phần với 2 phần thi bắt buộc và 1 phần thi tự chọn có 140 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian đếm ngược được tính riêng với mỗi phần thi. Tổng thời gian làm bài là 195 phút.

Kết quả bài thi này có giá trị sử dụng để đăng ký dự tuyển vào Đại học Quốc gia Hà Nội trong thời gian 24 tháng kể từ ngày thi. Riêng bài thi ngoại ngữ gồm 80 câu hỏi trắc nghiệm. Thời gian làm bài là 90 phút. Kết quả thi ngoại ngữ có giá trị xét tuyển vào trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Quốc gia Hà Nội) trong năm 2015.

Đại học Quốc gia Hà Nội có 7 cụm thi: Trụ sở 144 Xuân Thuỷ (Cầu Giấy, Hà Nội); Đại học Kiến trúc Đà Nẵng (Đà Nẵng); Đại học Vinh (Nghệ An); Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), Đại học Hàng hải Việt Nam (Hải Phòng); Đại học Sư phạm kỹ thuật Nam Định (Nam Định) và Cao đẳng Kinh tế - Tài chính Thái Nguyên (Thái Nguyên).

Xuân Trung