FPT hợp tác Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo và nghiên cứu công nghệ 4.0

19/11/2020 06:20
Linh Hương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 18/11/2020, Lễ ký kết thỏa thuận hợp tác giữa Tập đoàn FPT và Đại học Bách khoa Hà Nội diễn ra tại Hà Nội.

Sự kiện khẳng định nỗ lực của hai bên trong việc hợp tác đào tạo nguồn nhân lực công nghệ chất lượng cao, đồng thời thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động nghiên cứu và phát triển các công nghệ lõi của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT và Phó giáo sư Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã đại diện hai bên ký kết biên bản hợp tác.

Theo đó, FPT và Đại học Bách khoa Hà Nội sẽ phối hợp mở rộng mạng lưới đào tạo và nghiên cứu khoa học trong các lĩnh vực công nghệ thông tin, Điện tử viễn thông, Toán tin ứng dụng, Điện, Cơ khí, Ngoại ngữ và Quản trị.

FPT hợp tác Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo và nghiên cứu công nghệ 4.0 ảnh 1

FPT hợp tác Đại học Bách khoa Hà Nội đào tạo và nghiên cứu công nghệ 4.0

Thông qua hoạt động hợp tác này, FPT kỳ vọng đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái doanh nghiệp với trường đại học, đào tạo nguồn nhân lực công nghệ thông tin chất lượng cao và góp phần tạo môi trường nghiên cứu phát triển các công nghệ mới nhất của cuộc cách mạng 4.0, đồng thời nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ công nghệ, mang lại lợi ích cho hàng triệu người.

Đại học Bách khoa mong muốn quá trình hợp tác sẽ rút ngắn việc đưa các công trình nghiên cứu vào thực tế, nâng cao chất lượng nguồn lực, tăng cường gắn kết đào tạo với thực tiễn, kiến tạo môi trường tốt nhất cho các tài năng công nghệ trẻ được ươm mầm và phát triển.

Cụ thể, hai bên đã thành lập nhóm nghiên cứu chung, gồm các chuyên gia hàng đầu tại FPT và các giảng viên của Viện Công nghệ Thông tin & Truyền thông (Đại học Bách Khoa); tập trung vào các công nghệ đang là xu hướng mới nhất của cách mạng công nghiệp 4.0 như Trí tuệ Nhân tạo (AI), Điện toán đám mây (Cloud), Dữ liệu lớn, Máy tính Lượng tử, Thiết bị thông minh, Phương tiện tự hành. Trên thực tế, hai bên đang triển khai những bước hợp tác đầu tiên nhằm nghiên cứu và giải các bài toán cụ thể về AI và Cloud.

Với vị thế tiên phong chuyển đổi số, FPT đã và đang phát triển các nền tảng, sản phẩm, giải pháp chuyển đổi số đa dạng “Make in Vietnam” phục vụ quá trình chuyển đổi số của Chính phủ, tổ chức, doanh nghiệp, hướng tới mô hình quốc gia số vững mạnh. Trong tương lai, hai bên sẽ tìm cơ hội cùng phát triển các sản phẩm công nghệ mang thương hiệu chung.

Cũng trong khuôn khổ hợp tác, FPT cam kết đồng hành, hỗ trợ Đại học Bách khoa Hà Nội xây dựng hệ thống học liệu chuyên ngành, hệ thống phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo. Cụ thể, vào tháng 10 vừa qua, FPT đã trao tặng hệ thống thiết bị thí nghiệm Trạm viễn thông để xây dựng hoàn thiện phòng thí nghiệm cho Viện Điện tử - Viễn Thông. Tiếp theo đây, FPT sẽ tài trợ Ứng dụng dịch thuật akaTrans CAT – một giải pháp trong bộ sản phẩm Made by FPT phục vụ quá trình đào tạo sinh viên của Viện Ngoại ngữ, Đai học Bách Khoa trong 1 năm.

Hai bên cũng sẽ đẩy mạnh tổ chức triển lãm, giới thiệu, chia sẻ các thành tựu, hội nghị chuyên đề về công nghệ.

Phát biểu tại sự kiện, ông Hoàng Việt Anh, Phó Tổng Giám đốc FPT cho biết: “Trong hơn 30 năm qua, những thế hệ sinh viên, cựu sinh viên xuất thân từ Đại học Bách khoa đã và đang có những đóng góp không nhỏ cho sự phát triển của FPT hôm nay. Với 30% lãnh đạo của tập đoàn tốt nghiệp từ ngôi trường này, “chất Bách khoa” trong FPT đến nay vẫn rất đậm đặc. FPT mong muốn hai bên sẽ có một sự hợp tác toàn diện, sâu rộng, cùng nhau đưa trí tuệ Việt Nam ra thế giới!

Về phía nhà trường,Phó giáo sư Huỳnh Đăng Chính, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Bách khoa Hà Nội chia sẻ: “Đại học Bách khoa và FPT là hai đơn vị hàng đầu Việt Nam về đào tạo, nghiên cứu và ứng dụng công nghệ, cùng chung một mong ước giải quyết những bài toán lớn của xã hội, mang lại lợi ích cho quốc gia và vươn tầm quốc tế. Nhà trường tin tưởng, sự cam kết đồng hành chặt chẽ của hai bên sẽ không chỉ mang lại những thành công cho người học, cho nhà trường và doanh nghiệp, mà còn đóng góp cho xã hội, cho sự phát triển của Việt Nam trong giai đoạn kinh tế số, chuyển đổi số quốc gia.

Linh Hương