Đường truyền không ổn định, "đứng mạng" khiến thầy trò học trực tuyến chật vật

07/09/2021 06:22
Phan Nga
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thầy Đỗ Đức Anh cho biết, ngày đầu tiên học trực tuyến, do đường truyền không ổn định nên bản thân thầy cảm thấy không hài lòng.

Ngày 6/9, ngày đầu tiên học sinh phổ thông chính thức bước vào năm học mới, bằng việc học trực tuyến các bài học đầu tiên của năm học, nhiều giáo viên và học sinh phản ánh, đường truyền mạng đã liên tục gặp trục trặc khiến việc học tập trở nên không thuận lợi.

Giáo viên không hài lòng về đường truyền

Để chuẩn bị cho buổi học đầu tiên, các trường phổ thông trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh đã gửi thời khóa biểu học trực tuyến, hướng dẫn học sinh các kỹ năng học, chạy thử phần mềm học…từ vài ngày trước.

Tuy nhiên, khi bước vào ngày học đầu tiên (6/9), theo phản ánh của nhiều giáo viên và học sinh, khi mà hàng trăm ngàn học sinh của thành phố cùng bước vào việc học trực tuyến cùng lúc, thì việc đường truyền trục trặc, nghẽn mạng, bị thoát ra liên tục…là điều khó có thể tránh khỏi. Cả giáo viên và học sinh đều khá mệt mỏi với tình trạng vị nghẽn hoặc bị thoát khỏi phòng học một cách vô cớ.

Thầy Đỗ Đức Anh (giáo viên Văn, trường trung học phổ thông Bùi Thị Xuân, quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh) phàn nàn: Sáng cùng ngày, thầy đã phải mất hơn 10 phút thì mới kết nối được với học sinh trong lớp, còn khi học sinh đang học thì có vài em đã bị tự động thoát ra ngoài.

Thầy Đỗ Đức Anh khi đang dạy học trực tuyến với học sinh (ảnh: NVCC)

Thầy Đỗ Đức Anh khi đang dạy học trực tuyến với học sinh (ảnh: NVCC)

“Đường truyền không ổn định…nên tôi cảm thấy không hài lòng” – thầy Đỗ Đức Anh nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Đỗ Đức Anh, trong buổi học đầu tiên thì thầy trò cũng không quá nặng nề về mặt kiến thức, nhưng do đường truyền kết nối chậm nên phải chờ đợi. Khi đang học thì vẫn có học sinh bị bật ra, nên cũng bị ảnh hưởng tinh thần, không khí của lớp học.

Theo thầy Đỗ Đức Anh, nếu tình trạng này kéo dài thì có thể sẽ ảnh hưởng đến chất lượng của buổi học.

Thầy Đỗ Đức Anh nhắn gửi tới học sinh, trong bối cảnh dịch bệnh như hiện nay thì ai cũng gặp khó khăn. Những khó khăn mà học sinh gặp phải là rất nhỏ, nên thầy và trò sẽ cùng nhau khắc phục.

Những buổi tiếp theo thì thầy trò sẽ quen dần hơn với việc học trực tuyến, đường truyền tốt hơn thì học sinh sẽ tiếp thu bài giảng hiệu quả hơn.

Tương tự như vậy, học sinh trường trung học cơ sở Nguyễn Du, quận 1 trong ngày 6/9 cũng bị “đứng mạng” khi sử dụng phần mềm K12 online. Ngay sau đó, nhà trường đã khắc phục bằng cách dạy trên phần mềm Microsoft Teams, và việc học đã tiến hành thuận lợi.

Phó Hiệu trưởng trường trung học cơ sở Nguyễn Du – thầy Nguyễn Công Phúc Khánh chia sẻ: Có khoảng 95% học sinh nhà trường tham gia học trực tuyến trong buổi sáng cùng ngày.

Để chủ động trong việc dạy học trực tuyến, trường có chuẩn bị phần mềm dự phòng.Trường hợp giáo viên đang giảng dạy mà phần mềm bị lỗi, thì sẽ linh động chuyển sang ngay phần mềm dự phòng.

Khởi đầu thuận lợi

Dù vậy, trong ngày đầu tiên cũng có trường khởi đầu cho việc học trực tuyến rất thuận lợi. Đó là trường trung học phổ thông Nguyễn Hữu Huân, thành phố Thủ Đức.

Theo thầy Phạm Phương Bình – Phó hiệu trưởng nhà trường, trong sáng ngày 6/9 đã có hơn 2.000 học sinh của trường tham gia học trực tuyến với giáo viên, đạt tỷ lệ 100% học sinh của trường.

Trường đã chuẩn bị kỹ lưỡng cho việc học trực tuyến của các lớp, chạy thử cho từng lớp, nên khi tiến hành thực tế thì rất thuận lợi.

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh học trực tuyến trong ngày học đầu tiên (Ảnh: NTCC)

Học sinh Thành phố Hồ Chí Minh học trực tuyến trong ngày học đầu tiên (Ảnh: NTCC)

Ban Giám hiệu nhà trường rất quan tâm, sâu sát, tham gia vào một số lớp học trực tuyến để nắm tình hình việc dạy và học của từng lớp.

Thầy Trần Minh – Phó hiệu trưởng trường trung học cơ sở, trung học phổ thông Đào Duy Anh (quận Tân Phú) chia sẻ, do năm học trước thầy và trò của trường đã học trực tuyến, nên năm nay học cũng không có gì bỡ ngỡ nhiều.

Tuần trước, nhà trường đã tập huấn về kỹ năng học trực tuyến cho toàn thể giáo viên, học sinh của trường.

Sau mỗi buổi học, thầy cô sẽ tạo ra một group lớp trên mạng xã hội để trao đổi bài, gửi đường link tài liệu, video bài giảng để học sinh có thể xem lại bài học bất cứ lúc nào.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phan Nga