Được chọn làm chủ nhiệm, tôi lo lắng và hào hứng

23/11/2019 07:50
Tùng Dương
(GDVN) - Hôm sau là ngày đón học sinh, chiều hôm trước tôi bần thần ngồi trong lớp đến hơn 20h, tưởng tượng ra các em vào lớp và nhìn tôi với những cảm xúc như thế nào?

“Sau 2 năm làm công việc chính là giúp việc cho cô chủ nhiệm, gần gũi tiếp cận tìm hiểu tâm lý học sinh, đến năm thứ 3 tôi chính thức được ban giám hiệu phân công làm chủ nhiệm lớp 10.

Lúc này tôi rất lo lắng, cảm giác vui và hào hứng lẫn lộn vì được nhà trường tin tưởng. Một giáo viên chủ nhiệm mới 25 tuổi trẻ nhất trường.

Tôi cũng ý thức được rằng làm chủ nhiệm lớp không phải là công việc đơn giản, không phải như giáo viên bộ môn dạy xong rồi về, còn lại tất cả mọi việc trong lớp đã có cô chủ nhiệm lo hết.

Tôi có chia sẻ với thầy hiệu trưởng rằng tôi còn quá trẻ chưa có nhiều kinh nghiệm, học sinh cũng chỉ bằng tuổi em tôi, và cũng toàn là phụ huynh lớn tuổi.

Thầy hiệu trưởng động viên tôi cố gắng phải làm được, sai đâu làm lại ở đấy, không sợ sai.

Hôm sau là ngày đón học sinh, cả chiều hôm trước tôi bần thần ngồi trong lớp đến hơn 20h tối và tưởng tượng ra cảnh các em vào lớp và nhìn tôi với những cảm xúc như thế nào?

Tôi đi lại chỉnh trang kê từng cái bàn, cái ghế, lau bảng và trong lòng hơi run, nghĩ ra khá nhiều tình huống khi học sinh vào lớp nhưng tôi thấy sợ vì mình không biết phải làm thế nào.

Để tỏ lòng sẵn sàng chào đón học sinh, tôi kẻ lên bản sơ đồ lớp và tên từng bạn để nhìn vào đó là tôi có thể biết em nào ngồi ở đâu.

Trước đó mấy hôm tôi đã dành thời gian đọc hết học bạ 4 năm của từng em, đọc cả những mong muốn của phụ huynh có trong tờ đơn xin học, tìm hiểu điểm mạnh điểm yếu, cá tinh của từng em.

Hôm sau khi đón các em vào lớp, trái ngược với tưởng tượng của tôi chiều hôm trước, các em tỏ thái độ khá cởi mở, vui vẻ khi thấy tôi tươi cười chào đón.

Câu chuyện đầu tiên tôi chia sẻ với các em là cô không muốn các em sợ cô và cũng không muốn chúng ta học với nhau 3 năm trong sự sợ hãi, xa cách và nếu sợ hãi thì sẽ không có kết quả học tập tốt.

Chúng ta không thể hạnh phúc được trong một môi trường sợ hãi nên cô muốn chúng ta hình thành tập thể lớp trên tinh thần yêu thương và tôn trọng lẫn nhau”, cô Ngọc cho biết.

Cô Phạm Thị Ngọc: Nghiêm khắc ở đây không phải là mắng hay phạt… mà ở đây là những biểu hiện trên khuôn mặt của mình để khi học sinh nhìn thấy thì các em thực sự thấy bản thân phải thay đổi.
Cô Phạm Thị Ngọc: Nghiêm khắc ở đây không phải là mắng hay phạt… mà ở đây là những biểu hiện trên khuôn mặt của mình để khi học sinh nhìn thấy thì các em thực sự thấy bản thân phải thay đổi.

Trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thị Ngọc - giáo viên dạy môn Văn trường Trung học cơ sở và Trung học phổ thông Nguyễn Bỉnh Khiêm, Hà Nội, chia sẻ:

“Ngày đầu tiên nhận công việc chủ nhiệm, sau khi xóa đi cảm giác xa lạ giữa cô và trò, tôi nói từ ngày mai đã vào học rồi nên chúng ta cần một ban cán sự lâm thời trong 1 tháng để các em làm quen với nhau.

Tôi có mời 1 em mà trong học bạ ghi rất rõ em đó là một lớp trưởng mẫu mực trong suốt 4 năm, học lực của em thuộc loại giỏi, kỹ năng thuyết trình, làm việc nhóm…rất tốt.

Nhưng khi tôi vừa đặt vấn đề mời thì em đó từ chối, với lý do em không muốn làm lớp trưởng nữa, bây giờ em muốn làm một học sinh bình thường, em không muốn lúc nào cũng bị áp lực trách nhiệm.

Tôi đặt sẵn là bạn đó làm lớp trưởng, nhưng chính em đó lại thay đổi kịch bản của tôi.

Trên cơ sở tôn trọng nên tôi đồng ý: Rồi, nếu em đã chia sẻ như vậy thì cô sẽ tôn trọng quyết định của em, chúng ta sẽ có một thời gian làm việc với nhau và cô hy vọng em nghĩ mình có muốn như vậy không.

Tôi quay sang nói vậy bạn nào xung phong làm lớp trưởng lâm thời, hãy thử sức mình trong 1 tháng, biết đâu mình lại có năng lực.

Mãi sau có một bạn rụt rè nói: Em chưa bao giờ làm lớp trưởng và cán sự lớp nhưng cô cho em thử xem sao, tôi đồng ý và ngoài sức tưởng tượng là bạn đó làm lớp trưởng cho đến tận bây giờ là lớp 12 rồi anh ạ, các bạn trong lớp rất tín nhiệm”.

Cần nhất là tôn trọng và yêu thương.

Có lúc tôi cũng chợt nghĩ rằng khi mình vào lớp thì tất cả các em sẽ im hết, bảo gì làm nấy, thế mới thích. Nhưng theo tôi đó là việc không nên.

Nhớ có lần tôi lớn tiếng với các em và cả lớp im phăng phắc, nhưng rồi ngay sau đó chính tôi lại là người pha trò vui để xóa cảm giác nặng nề, và đó cũng là lần duy nhất.

“Quan điểm của tôi là phải tôn trọng, thương yêu, gần gũi, đồng cảm, chia sẻ, cởi mở với học sinh, nhưng khi các em có lỗi thì mình vẫn phải nghiêm khắc.

Nghiêm khắc ở đây không phải là mắng hay phạt… mà ở đây là những biểu hiện trên khuôn mặt của mình để khi học sinh nhìn thấy thì các em thực sự thấy bản thân phải thay đổi.

Nhiều khi trong lúc cô trò đùa vui thì các em hay gọi tôi là "chị đại", tôi cũng thấy không có vấn đề gì, có quý và tin tưởng tôi thì các em mới gọi như thế.

Tôi hay dùng ngữ điệu biểu cảm trên khuôn mặt, giọng vui vẻ để nói với các bạn nam trong lớp: Đàn ông con trai ngời ngời thế này ai lại đi giải quyết với nhau bằng nắm đấm, đấy là thể hiện sự bất lực, còn nếu biết suy nghĩ thì không ai lại dùng nắm đấm.

Khi ngồi chơi với các em nữ ở sân trường, có bạn nói rằng: Em vừa đi qua lớp kia thấy có bạn nhíu mày với em, tôi nói nếu mình không nhìn người ta thì sao biết người ta nhíu mày.

Tôi luôn luôn nói chuyện với các em theo ngữ điệu và biểu cảm vui vẻ, chính vì vậy cô trò rất gần gũi tin tưởng lẫn nhau, những tình cảm đó giúp ích rất nhiều cho việc học tập của các em.

Trong lớp tôi có một bạn nữ chuyên đi học muộn, nhà em ở cách trường gần 20 km và luôn trong tình trạng tắc đường. Nếu như với các thầy cô khác thì có thể em đó sẽ bị phạt, bị viết cam kết…

Nhưng tôi thì khác, tôi đã lấy xe máy đi thử từ nhà em đến trường vào tầm giờ cao điểm buổi sáng, thực sự là tôi đã cố gắng hết sức nhưng kết quả là vẫn không thể có mặt tại trường vào lúc 7h 15 phút sáng.

Tôi vẫn thường ghi nhận, khen ngợi những buổi em đến lớp đúng giờ mặc dù rất ít, nhưng tôi biết đó là cả một sự cố gắng. Nhưng nếu đánh đồng cả tháng đi muộn sẽ khiến em buông xuôi vì có cố gắng đến sớm thì vẫn không thể đều được cả tháng.

Tôi có gặp thầy hiệu trưởng xin phép cho em đó đến trường hàng ngày nhưng muộn 15 phút, tôi thấy bản thân học sinh đó học lực giỏi, điểm số cao và em có rất nhiều lựa chọn để vào những ngôi trường tốt gần nhà.

Nhưng em đó và gia đình rất tin tưởng trường này nên đã xin vào đây để học, bản thân em đó cũng rất cố gắng ra khỏi nhà vào lúc 6h sáng, nhưng vì khách quan nên không thể đến trường được đúng giờ, vậy nên mong thầy hiệu trưởng cho phép.

Tôi nói với em đó rằng ở đây là nhà trường bao dung, thông cảm với em, nhưng sau này ra ngoài đời đi làm rồi thì người ta không thông cảm cho em đâu, vậy em phải cố gắng hơn nữa.

Chấp nhận để em đó đến lớp muộn thì cũng đồng nghĩa với việc cả lớp không được cờ thi đua và cá nhân tôi cũng mất danh hiệu trong 3 năm liền, nhưng không sao, tất cả vì học sinh”, cô Ngọc cho biết.

Với tôi, công tác giáo viên chủ nhiệm là một việc khó, không phải đơn giản chỉ là việc chuyên môn và còn phải giỏi về công tác tâm lý, thấu hiểu được học sinh, động viên và nhắc nhở đúng lúc.
Với tôi, công tác giáo viên chủ nhiệm là một việc khó, không phải đơn giản chỉ là việc chuyên môn và còn phải giỏi về công tác tâm lý, thấu hiểu được học sinh, động viên và nhắc nhở đúng lúc.

Khẳng định bản thân.

Thời gian đầu thì phụ huynh của một số bạn học hơi yếu có thường xuyên trao đổi với tôi, tại sao con được điểm kém, ngày trước con là học sinh giỏi nhưng sao bây giờ lại không đạt…?

Nhiều phụ huynh còn nói với tôi rằng cô phải dạy thế này, phải dạy thế kia, cô phải nghiêm vào…họ không phải là góp ý nữa mà là áp đặt.

“Tôi vẫn nghe tất cả những ý kiến đó và nói rằng rất cảm ơn anh chị đã góp ý và sau đây em sẽ có những thay đổi phù hợp để các em tiến bộ hơn.

Nói như vậy nhưng sau khi cúp máy thì tôi rất là buồn, tôi tâm sự với các chị đồng nghiệp rằng hay là vì em trẻ quá nên phụ huynh không tin tưởng, không tôn trọng?

Dần dần tôi đã cố gắng thay đổi chính mình, động viên học sinh cùng cố gắng, tôi tìm hiểu và có biện pháp giúp đỡ những em học yếu bằng nhiều hình thức như giảng lại những phần các em chưa hiểu, đưa ra phương pháp giúp học sinh nắm được kiến thức nhanh hơn.

Tôi nhớ lần họp phụ huynh cuối năm lớp 10 đã có mấy phụ huynh khóc và nói với tôi rằng: Chị rất cảm ơn em, nhờ có em mà con nhà chị đã mạnh dạn hơn, học hành tiến bộ và rất ngoan, từ trước đến nay chưa bao giờ chị nghĩ rằng cháu nó lại làm được những việc như vậy.

Và kết thúc năm học đầu tiên tôi làm chủ nhiệm thì không còn phụ huynh nào nói với tôi phải làm thế này, thế kia nữa, họ đã tin tưởng và tôn trọng tôi hơn.

Nhiều bác vẫn thường xuyên góp ý và cũng nhờ những lời góp ý đó đã giúp tôi có thêm động lực, kinh nghiệm để làm tốt công tác chủ nhiệm lớp.

Với tôi, công tác giáo viên chủ nhiệm là một việc khó, không phải đơn giản chỉ là việc chuyên môn và còn phải giỏi về công tác tâm lý, thấu hiểu được học sinh, động viên và nhắc nhở đúng lúc.

Những cái gọi là đúng lúc đó mình nói thì dễ, còn trong thực tế bao giờ được gọi là đúng lúc thì việc này hoàn toàn dựa vào cảm nhận của mỗi giáo viên”, cô Ngọc cho biết.

Những cánh thiệp của học trò gửi tặng cô Ngọc nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.
Những cánh thiệp của học trò gửi tặng cô Ngọc nhân ngày nhà giáo Việt Nam 20/11.

Học sinh luôn cần một môi trường học tập học tập thoải mái, không khí cởi mở và học sinh cảm thấy hạnh phúc khi được giáo viên thấu hiểu, chia sẻ.

“Khi bước chân vào lớp là các em phải cảm nhận được sự tin tưởng từ giáo viên chủ nhiệm, các em phải được tôn trọng khi các em dám nhận và chia sẻ lỗi đó với giáo viên, có như vậy thì giáo viên chủ nhiệm mới tính được tiếp việc sẽ thay đổi được học sinh.

Trong lớp các em có năng lực khác nhau, mỗi em có một thế mạnh về ngôn ngữ, về toán học, về hóa học…vậy bắt các em phải học giỏi đều như nhau hay sao?

Được chọn làm chủ nhiệm, tôi lo lắng và hào hứng ảnh 4

Các nhà trường đang đào tạo giáo viên chủ nhiệm như thế nào?

Tôi cho học sinh mọi cơ hội để phát triển thế mạnh và khắc phục điểm yếu của mình, có những em chỉ đạt 5 điểm toán là tôi đã bắt tay, tuyên dương vì biết là cả một sự cố gắng của em đó, mặc dù tôi vẫn động viên em phải cố gắng hơn nữa thì tốt.

Từ những việc rất đơn giản như vậy thì học sinh cảm thấy được tôn trọng và bao trùm lên tất cả là sự yêu thương.

Nếu là sự áp đặt từ một phía, sự kì vọng thành tích của giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh thì chỉ làm các em chán nản.

Nếu trong 3 năm cuối cấp các em sống trong áp lực, kìm kẹp, u uất thì sau này ra đời thì cuộc sống và suy nghĩ của các em cũng không tươi sáng được.

Tôi vẫn nói cô tin chắc rằng sau này khi ra đời các em sẽ thành đạt hơn cô, có bạn sẽ có địa vị xã hội cao hơn cô, nhưng cô vẫn hy vọng rằng lúc đó cô trò vẫn ôm nhau, các em cảm ơn vì cô đã cho em 3 năm cuối cấp được sống trong những trải nghiệm”, cô Ngọc nhấn mạnh.

Tùng Dương