Đừng xem nhẹ sai sót trong sách giáo khoa

21/11/2020 09:58
Sơn Quang Huyến
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nếu giáo viên thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa không chính xác, không đạt yêu cầu của mục tiêu giáo dục thì lợi đâu chẳng thấy, lại làm hỏng chương trình.

Chuyện sạn chi chít trong sách Tiếng Việt lớp 1 của bộ sách Cánh Diều đã mở ra nhiều vấn đề của giáo dục nước nhà.

Mới đây nhất là Giáo sư Phạm Hồng Tung - Viện trưởng Viện Việt Nam học và Khoa học phát triển (Đại học Quốc gia Hà Nội) khi nói về quá trình tham gia xây dựng chương trình giáo dục phổ thông tổng thể và phụ trách xây dựng chương trình giáo dục môn Lịch sử khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã chia sẻ:

“Phải thừa nhận là, tất cả chúng tôi không loại trừ ai đều không được đào tạo chuyên môn là phát triển chương trình giáo dục mà chúng tôi được đào tạo ở những chuyên môn khác nhau: Sử, Ngôn ngữ, Toán, Hóa… nên chúng tôi đều không phải là những nhà phát triển chương trình giáo dục chuyên nghiệp”.

Như vậy ngay cả chương trình tổng thể, “sợi chỉ đỏ” của lần cải cách giáo dục này, phải chăng chúng ta làm cũng thiếu chuyên nghiệp, may nhờ, rủi chịu?

Làm chương trình chưa có trường lớp nào đào tạo, vậy thay ngữ liệu đã trường lớp nào dạy cho giáo viên chưa?

Cá nhân người viết nhận thấy là chưa, giáo viên đang dạy lớp 1 đều được đào tạo để dạy theo sách giáo khoa. Trong tập huấn thay sách giáo khoa càng không có nội dung thay ngữ liệu này.

Giáo viên đang dạy lớp 1 đều được đào tạo để dạy theo sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Giáo viên đang dạy lớp 1 đều được đào tạo để dạy theo sách giáo khoa. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Vì vậy ngữ liệu giáo viên dùng để thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa có tin tưởng được không?

Để trả lời câu hỏi này, đơn giản nhất lả nhìn vào tài liệu điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều do Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh công khai để xin góp ý.

Ngay sau khi tài liệu được điều chỉnh và bổ sung ngữ liệu sách giáo khoa Tiếng Việt 1 bộ Cánh Diều công bố đã nhận dược sự phản ánh của giáo viên đang dạy lớp 1 và các chuyên gia.

“Đọc tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt lớp 1 bộ Cánh Diều, tôi có cảm giác Nhà xuất bản Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh chỉ làm cho có, đối phó với dư luận”.

“Giáo viên lớp 1 nhận xét nội dung chỉnh sửa sách giáo khoa lớp 1 Cánh Diều vẫn còn 'sạn'”.

“Bên cạnh đó, cũng có không ít chuyên gia cho rằng nội dung tài liệu chỉnh sửa sách giáo khoa Tiếng Việt 1 Cánh Diều còn sơ sài, nhiều ngữ liệu vẫn chưa hợp lý, thiếu nhất quán”.

Người viết dẫn chứng để bạn đọc biết được việc thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa không hề đơn giản chút nào.

Không đơn giản nói trao quyền thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa cho giáo viên là giáo viên sẽ làm được.

Nếu giáo viên thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa không chính xác, không đạt yêu cầu của mục tiêu giáo dục thì lợi đâu chẳng thấy, lại còn làm hỏng chương trình.

Đừng xem nhẹ sách giáo khoa, dù giáo viên được thay thế ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Minh chứng cụ thể ảnh hưởng của sách giáo khoa đến các thế hệ học sinh đã được phản ánh cụ thể trong bài viết “Giảng viên đại học than phiền sách giáo khoa Công nghệ 8 nhiều lỗi sai cơ bản”.

“Chỉ một vài bạn sai thì có thể cho là trường hợp cá biệt, thế nhưng gần cả lớp sai thì không còn cá biệt nữa.

Khi hỏi các em sao lại sai như vậy, các em trả lời là do chúng em được dạy như thế ở phổ thông.

Khi tôi hỏi thầy, cô nào dạy như vậy, sách nào viết như thế, các em đưa cho tôi sách Công nghệ lớp 8 - Công nghiệp.

Chúng tôi tá hỏa vì sách giáo khoa nhưng có quá nhiều lỗi sai sót cơ bản, nhất là trong phần Vẽ kỹ thuật.

Điều đó thật khó chấp nhận vì lỗi sai này sẽ được truyền dạy cho hàng triệu học sinh qua nhiều thế hệ.

Hơn nữa, lỗi này rất khó sửa vì học sinh, giáo viên phổ thông mặc định xem điều này là đúng”

Sách Công nghệ lớp 8 - Công nghiệp đã ra đời gần 20 năm, “giáo viên phổ thông mặc định xem điều này là đúng”, thế mới biết thay thế ngữ liệu không đơn giản chút nào.

Vì thế, trước khi bồi dưỡng cho giáo viên có thể thay ngữ liệu trong sách giáo khoa đạt yêu cầu, chúng ta phải có nội dung ngữ liệu trong sách giáo khoa đạt chuẩn về khoa học kỹ thuật, khoa học giáo dục.

Không thể vì sách giáo khoa chi chít sạn mà “bán cái” trách nhiệm sang cho giáo viên, giáo viên phải thay đổi ngữ liệu cho phù hợp, trong lúc đó giáo viên chưa được đào tạo để thay đổi ngữ liệu trong sách giáo khoa.

Sạn trong sách giáo khoa lớp 1 là bài học đắt giá cho ngành Giáo dục khi chúng ta đang tiến hành thẩm định sách giáo khoa lớp 2 và lớp 6.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/chua-truong-nao-day-viet-chuong-trinh-sach-giao-khoa-lay-dau-ra-chuyen-nghiep-post213694.gd

https://tuoitre.vn/chinh-sua-sgk-tieng-viet-1-bo-canh-dieu-lam-cho-co-doi-pho-du-luan-202011162202033.htm

https://infonet.vietnamnet.vn/gioi-tre/hoc-duong/tai-lieu-chinh-sua-sgk-lop-1-canh-dieu-van-con-san-ngu-lieu-270000.html

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/giang-vien-dai-hoc-than-phien-sach-giao-khoa-cong-nghe-8-nhieu-loi-sai-co-ban-post213716.gd

Sơn Quang Huyến