Đừng trách Bộ Giáo dục

03/03/2021 06:11
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục đã nỗ lực trong việc xin chuyển hình thức đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp sang hình thức học bồi dưỡng thường xuyên cho giáo viên...

Sau khi Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành chùm Thông tư 01;02;03;04/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập, đặc biệt có quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp thì trên các diễn đàn rất nhiều ý kiến của giáo viên than phiền, đổ lỗi, trách cứ Bộ Giáo dục một cách rất nặng nề.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định (Ảnh: moet.gov.vn)Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tại buổi tiếp xúc cử tri tại Bình Định (Ảnh: moet.gov.vn)

Người ngoài ngành không hiểu thì chẳng nói làm gì, đã là người trong ngành giáo dục cần có sự thấu hiểu, cảm thông, chia sẻ, ghi nhận và bảo vệ những nỗ lực cố gắng của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo.

Thứ nhất: Bộ Giáo dục và Bộ trưởng đã nỗ lực rất nhiều để bỏ yêu cầu chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học đối với giáo viên

Nếu trước đây, giáo viên các cấp buộc phải có 2 loại chứng chỉ là chứng chỉ ngoại ngữ và chứng chỉ tin học tương ứng với từng hạng chức danh thì từ 20/3 sẽ không còn quy định này.

Để có kết quả này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực rất lớn. Trong buổi tiếp xúc cử tri tại thị xã An Nhơn, tỉnh Bình Định Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã thông tin:

Thời gian vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã làm việc với Bộ Nội vụ để đi tới thống nhất, sẽ xóa bỏ chứng chỉ ngoại ngữ và tin học cho giáo viên. Dự kiến, tháng 12/2020 sẽ ban hành quy định cụ thể về vấn đề này”.

Bộ trưởng còn chia sẻ thêm: “Việc bỏ chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là mong mỏi từ lâu của giáo viên, trong quá trình đào tạo các thầy cô đã được đào tạo, bồi dưỡng ngoại ngữ, tin học ở những mức độ khác nhau rồi, nên việc tiếp tục phải bồi dưỡng thêm để có chứng chỉ là chưa thiết thực.

Những nội dung về ngoại ngữ, tin học tới đây sẽ được tính toán để đưa vào chương trình đào tạo giáo viên một cách phù hợp”. [1]

Và, đây không phải là lần đầu tiên Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đề cập đến vấn đề này bởi tại phiên chất vấn của đại biểu Quốc hội ngày 07/11/2019 thì Bộ trưởng Nhạ cũng đã cho biết:

Qua thực tiễn, Bộ Giáo dục và Đào tạo nhận thấy, đối với giáo viên nói riêng và công chức, viên chức nói chung, quy định về chứng chỉ ngoại ngữ, tin học là không cần thiết.

Những yêu cầu này cần lồng ghép trong quá trình bồi dưỡng chức năng nghề nghiệp và cũng đã được Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định trong chuẩn giáo viên”.[2]

Khi 2 loại chứng chỉ ngoại ngữ và tin học không còn là điều kiện bắt buộc đối với giáo viên thì nhiều thầy cô đã không bị mất thêm một khoản tiền vô ích.

Cùng với đó, môi trường giáo dục trở nên trong sạch và lành mạnh hơn vì chuyện “học gạo”, bỏ tiền lấy chứng chỉ đã không còn nhộn nhịp như trước nữa.

Cần nhớ rằng trong khi các viên chức ngành khác vẫn phải có 2 loại chứng chỉ này theo Luật Viên chức, Nghị định 115, thì nhờ sự nỗ lực không mệt mỏi của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng như cá nhân Bộ trưởng, giáo giới mới thoát được 2 loại chứng chỉ không phù hợp này.

Thẩm quyền việc này không nằm trong tay Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhưng Bộ đã làm được.

Thứ hai: Bộ Giáo dục đã nỗ lực để giữ phụ cấp thâm niên cho nhà giáo

Luật Giáo dục 2019 đã chính thức bỏ phụ cấp thâm niên nghề ra khỏi các chế độ dành cho giáo viên, từ ngày 1/7/2020.

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã nỗ lực bảo vệ quyền lợi nhà giáo khi trình Công văn 460/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 02/02/2021 lên Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên nhà giáo.

Sau đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý phương án tiếp tục thực hiện chế độ phụ cấp thâm niên với nhà giáo cho đến khi thực hiện chính sách tiền lương mới.

Giáo viên chủ yếu sống bằng thu nhập làm nghề dạy học chính khóa, bao gồm lương và phụ cấp nhưng lâu nay quen gọi gộp lại là "lương". Vì thế, khi mất đi tiền phụ cấp thâm niên gia đình của nhiều thầy cô giáo lớn tuổi cũng gặp không ít khó khăn.

Vì thế, bằng sự nỗ lực của Bộ Giáo dục trong việc chăm lo đời sống cho giáo viên hiện vẫn giữ được phụ cấp thâm niên đã giúp những thầy cô giáo có thâm niên nghề ổn định được cuộc sống và yên tâm công tác.

Những cố gắng đang thực hiện

Bằng sự ra đời của chùm Thông tư 01; 02; 03; 04/2021/TT-BGDĐT Quy định mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và bổ nhiệm, xếp lương viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập có quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp.

Thế nên, giáo viên các cấp đang nháo nhào đi học để bổ sung chứng chỉ chức danh nghề nghiệp theo đúng quy định của thông tư.

Mất một khoản tiền chỉ để học lấy cái chứng chỉ về kẹp hồ sơ, vừa xót tiền lại mất thời gian.

Nhiều giáo viên than vãn và không tránh khỏi những lời ca thán, chỉ trích nhằm vào Bộ Giáo dục cứ như là những quy định về chứng chỉ chức danh nghề nghiệp là do Bộ Giáo dục tự “đẻ ra” mà ít ai hiểu rằng đấy là quy định chung của Luật Viên chức do Bộ Nội vụ xây dựng dự thảo.

Luật Viên chức quy định chung đối với viên chức của tất cả các ngành, các lĩnh vực, mà không riêng gì ngành giáo dục. Và dù không muốn giáo viên phải học những chứng chỉ bất cập, vô bổ này, nhưng Bộ Giáo dục cũng không thể tự quyền quyết định.

Nhiều thứ liên quan đến giáo dục, giáo viên không thuộc thẩm quyền của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Những hễ có vấn đề gì xảy ra, thì Bộ Giáo dục và Đào tạo phải đứng mũi chịu sào, kể cả trước áp lực dư luận cũng như trên nghị trường.

Muốn bỏ quy định về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giáo viên thì cần thiết phải xem xét, sửa các quy định này tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP theo hướng mở rộng quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 101/2017/NĐ-CP là có thể sử dụng chứng chỉ của chuyên ngành thay thế.

Và, Bộ Giáo dục cũng đã nỗ lực trong việc xin chuyển hình thức đào tạo chứng chỉ chức danh nghề nghiệp như hiện nay sang hình thức học bồi dưỡng thường xuyên của giáo viên hàng năm nhưng chưa được.

Cụ thể, ngày 29/7/2020, Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản số 2814/BGD&ĐT-NGCBQLGD gửi Bộ Nội vụ, đề xuất điều chỉnh quy định về bồi dưỡng viên chức tại Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị Bộ Nội vụ tham mưu với Chính phủ sửa đổi Nghị định số 101 trong đó có một nội dung mà các thầy cô đặc biệt quan tâm đó là:

Đối với viên chức ngành Giáo dục, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp được thay thế bằng các chứng chỉ bồi dưỡng đáp ứng yêu cầu phát triển nghề nghiệp do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định (trong trường hợp không thể thay thế tất cả thì chỉ yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp đối với viên chức có nhu cầu thăng hạng chức danh nghề nghiệp).

Giáo viên hãy đồng hành cùng Bộ Giáo dục, đừng chỉ biết ngồi trách móc

Bộ Giáo dục đã rất nỗ lực bảo vệ quyền lợi cho nhà giáo, tuy nhiên do chưa hiểu sâu, hiểu kỹ về quyền hạn và trách nhiệm của Bộ Giáo dục nên những lời than trách từ giáo viên vẫn cứ bật ra.

Rồi nay mai, khi thực hiện chế độ tiền lương mới, phụ cấp thâm niên của nhà giáo sẽ bị cắt theo quy định của Luật Giáo dục 2019, nhiều nhà giáo đã cống hiến bao nhiêu năm cho giáo dục sẽ mất đi một khoản thu nhập hàng tháng đáng kể. Vì thế, những lời ca thán còn nhiều hơn.

Thay vì cứ trách cứ, cứ đổ trách nhiệm cho Bộ Giáo dục thì tất cả giáo viên chúng ta hãy sát cách cùng Bộ để kiến nghị lên các cấp có thẩm quyền xem xét thấu tình đạt lý, giữ lại thâm niên nhà giáo hoặc chuyển đổi thành hệ số đưa vào lương để đảm bảo cho nhiều thầy cô giáo không bị thiệt thòi về quyền lợi.

Tài liệu tham khảo:

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/bo-giao-duc-de-xuat-thay-chung-chi-chuc-danh-nghe-nghiep-bang-chung-chi-gi-post211251.gd

[1] https://moet.gov.vn/tintuc/Pages/tin-tong-hop.aspx?ItemID=7093

[2] https://www.sggp.org.vn/bo-truong-phung-xuan-nha-quy-dinh-ve-chung-chi-ngoai-ngu-tin-hoc-la-khong-can-thiet-627230.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Phan Tuyết