Đừng quá kỳ vọng vào chất lượng dạy - học trực tuyến bậc phổ thông

17/12/2021 08:50
KIM OANH
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài kiểm tra giữa kỳ, giáo viên đã cho làm lại đến lần thứ ba, thứ tư mà vẫn có học sinh không làm, thậm chí nhắn đến tên nhưng một số em vẫn không trả lời...

Gần hết học kỳ I rồi nhưng phần lớn các cấp học ở những tỉnh phía Nam vẫn đang phải dạy và học trực tuyến và có lẽ kỳ kiểm tra cuối kỳ tới đây vẫn phải tổ chức bằng hình thức trực tuyến chứ học sinh chưa thể đến trường trong một vài tuần tới đây.

Bởi, trong thời gian qua thì các nhà trường đã nhiều lần tổ chức lấy ý kiến phụ huynh về việc cho học sinh trở lại học trực tiếp ở trường nhưng phần lớn phụ huynh vẫn chưa muốn cho con em mình trở lại trường vào thời điểm này.

Thực tế thì dịch bệnh vẫn còn diễn biến khá phức tạp nên phụ huynh các khối lớp và lãnh đạo các địa phương chưa muốn cho học sinh đến học trực tiếp cũng là điều dễ hiểu.

Chính vì thế, kiểm tra trực tuyến là điều mà các địa phương, các nhà trường đã và đang hướng đến. Khó khăn có rất nhiều, không chỉ là nỗi lo chất lượng mà điều mà các nhà trường, thầy cô lo nhất là một bộ phận học sinh không tham gia làm bài kiểm tra- dù thầy cô đã nhắc nhở nhiều lần.

Chất lượng giáo dục vẫn là nỗi lo của nhiều giáo viên khi dạy và học trực tuyến (Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Thùy Linh)

Chất lượng giáo dục vẫn là nỗi lo của nhiều giáo viên khi dạy và học trực tuyến

(Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa, ảnh: Thùy Linh)

Một bộ phận học sinh chưa hợp tác với thầy cô trong quá trình học tập

Phải khẳng định rằng năm học 2021-2022 là năm học khó khăn nhất từ trước đến nay bởi hàng loạt tỉnh, thành trên cả nước vẫn chưa thể cho học sinh trở lại trường dù thời điểm này đã gần hết học kỳ I.

Các nhà trường, thầy cô giáo và phần lớn học sinh đã nỗ lực trong quá trình giảng dạy và học tập trong một điều kiện hết sức khó khăn- đó là điều rất đáng trân trọng. Thế nhưng, bên cạnh sự cố gắng của phần lớn học sinh thì hiện nay điều mà thầy cô giáo đang phải đối mặt đó là một bộ phận học sinh không có sự cố gắng trong học tập.

Nhiều em không chịu hợp tác với thầy cô giáo trong mỗi giờ học. Tình trạng vắng học vẫn xảy ra khá nhiều đối ở các lớp học không phải là học sinh cuối cấp.

Khi học, nhiều học sinh không bật webcam với lý do dùng máy tính bàn, nhiều em khi thầy cô gọi hỏi bài thì nhắn mic không nói được. Hiện tượng không có webcam hay mic không nói được thì vẫn có nhưng có những em không hợp tác với thầy cô thì viện lí do này để lơ là trong trong học tập.

Học trò không bật webcam thì thầy cô cũng chịu, không biết học sinh có học hay đang làm gì. Nhìn vào tài khoản thì có tên trên màn hình nhưng gọi phát biểu bài nhiều khi không lên tiếng, hoặc nhắn lý do để không trả lời thầy cô.

Điều mà nhiều thầy cô lo lắng hơn cả là những bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ (giữa kỳ) có những học sinh không chịu làm bài. Nhắc nhở nhiều lần học sinh vẫn không thực hiện.

Ngay như bài kiểm tra giữa kỳ, giáo viên đã cho làm đến lần thứ ba, thứ tư mà vẫn có những học sinh không làm, thậm chí nhắn đến tên nhưng mốt số em vẫn không trả lời, không lên tiếng.

Cho điểm 0 thì không thầy cô nào muốn bởi trong điều kiện khó khăn như hiện nay, các thầy cô đều cố gắng vận động học sinh học tập. Cho điểm 0 cũng đồng nghĩa là học sinh đó sẽ khó có cơ hội đủ điểm, nhất là đối với môn có ít tiết, ít bài kiểm tra.

Nhưng, giáo viên gửi đề bài nhiều lần mà học sinh vẫn không thực hiện…Có lẽ, đây cũng là những khó khăn chung của nhiều trường học đang phải dạy và học trực tuyến trong năm học này.

Việc học tập đều đặn, đúng yêu cầu của giáo viên có lẽ chỉ diễn ra đối với những học sinh cuối cấp, những học sinh đã lớn, còn các học sinh từ lớp 8 trở xuống hiện nay gần như đang có một bộ phận học sinh không chú trọng việc học hành. Cho dù thầy cô vẫn thường xuyên nhắc nhở, động viên…

Học trực tuyến nhưng điểm kiểm tra thường rất cao

Có một nghịch lí mà các thầy cô giáo ở các trường phổ thông đang phải chứng kiến là trong quá trình học thì chỉ có một số ít học sinh trong lớp tích cực và hợp tác với thầy cô.

Thế nhưng, trong những bài kiểm tra thường xuyên, định kỳ- nếu em nào chịu làm bài thì điểm số thường rất cao, đa số là điểm giỏi, rất hiếm em có điểm trung bình và dưới trung bình.

Bởi lẽ, trong điều kiện học trực tuyến ở nhiều tỉnh hiện nay chỉ có môn Ngữ văn là thực hiện theo hình thức kiểm tra tự luận, các môn còn lại thì đa phần đều thực hiện bằng hình thức trắc nghiệm. Vì thế, trong quá trình làm bài kiểm tra thì các em thường gửi đáp án cho nhau.

Gần như học sinh từ trung học cơ sở trở lên thì các em đều có những nhóm Zalo riêng để “trao đổi” với nhau trong quá trình kiểm tra nên thầy cô giáo không thể nào kiểm soát được việc này.

Dù các nhà trường cũng đã đề phòng những gian lận trong kiểm tra nên khi giáo viên xây dựng đề đã đảo đề, đảo câu hỏi nhưng không thể nào ngăn chặn được tình trạng gian lận trong quá trình làm bài của học trò.

Một vài học sinh trong lớp làm bài được là cả lớp làm bài được. Bởi, khi kiểm tra thì có em làm bài được, có em không làm bài được nhưng vì bạn bè trong lớp với nhau nên nhiều em làm bài đến đâu thì chụp màn hình rồi gửi lên Zalo nhóm nên cho dù có đảo câu thì học sinh vẫn nhìn thấy đáp án rất cụ thể.

Chỉ vài cái lick chuột, hay vài cái lướt điện thoại là học sinh có đáp án cụ thể của bạn mình đã gửi nên học sinh chỉ tích vào đáp án là dễ dàng được điểm cao mà có những em chẳng cần phải suy nghĩ gì.

Chính vì thế, nếu tình trạng học trực tuyến còn kéo dài thì chất lượng giáo dục thật vẫn đang thách thức. Những em học được, xem trọng việc học tập thì học trực tiếp hay trực tuyến thì các em vẫn cố gắng nhưng nhiều em không có động lực học tập thì việc học trực tuyến sẽ sa sút nhiều hơn.

Tuy nhiên, trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn phức tạp như hiện nay thì dạy và học vẫn là một giải pháp an toàn về sức khỏe cho học trò và đội ngũ nhà giáo. Nhưng, chất lượng giáo dục đại trà có lẽ rất khó để đánh giá chính xác, “vàng, thau sẽ lẫn lộn” với nhau- đó là một sự thật dễ dàng nhìn thấy sau mỗi bài kiểm tra thường xuyên, kiểm tra định kỳ.

Những em học giỏi thì điểm cao đã đành nhưng nhiều em không học hành gì vẫn đạt được điểm cao như thường.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

KIM OANH