"Đừng nói đến sự đam mê của học sinh khi họ không còn niềm tin vào GD"

23/08/2013 06:42
Độc giả Dương Văn Đạt
(GDVN) -"Tại sao người ta lại cứ cố gắng bằng mọi cách phải học ĐH làm gì khi ra trường không có việc làm hoặc là xin việc rất khó mà nếu có may mắn thì tiền lương được trả cũng bọt bèo. Với một tiền đồ vô cùng mờ mịt như vậy thì người ta chọn ra làm công nhân chắc hẳn còn hơn nhiều".
Đó là bày tỏ của bạn Dương Văn Đạt - Lớp Văn B, ĐHSP Thái Nguyên trong lá thư gửi đến Báo Giáo dục Việt Nam khi đề cập đến nhiều bất cập hiện nay trong nền giáo dục của nước nhà dưới góc nhìn của một người sinh viên. Báo Giáo dục trân trọng giới thiệu đến bạn đọc bài viết này của bạn Dương Văn Đạt.



Tôi là một sinh viên năm cuối đang theo học tại trường ĐHSP Thái Nguyên. Bất cứ khi nào có thời gian tôi đều tìm đến báo Giáo dục như một thói quen để cập nhật những tin tức xoay quanh nền GD nước nhà. Nhưng hầu như đã mấy năm gần đây tôi thấy người ta nói nhiều và thật ồn ào còn sự thật thì hình như người mình thích nói hơn thích làm?

Hiện tôi đang là nạn nhân trực tiếp của một nền GD đã tích tụ nhiều bất cập và không chỉ riêng tôi đâu. Chẳng thể đổ thừa trách nhiệm cho ai nhưng để thay đổi được thì phải bắt đầu từ những nhà quản lý. Tôi viết bài này cũng chỉ mong để thêm một tiếng nói như vô vàn tiếng nói khác còn bỏ ngỏ và coi đây như một sự đóng góp có ý nghĩa trong sự vô vọng vốn có của mình.

Có một vấn đề mà tôi cho rằng sẽ vô cùng tệ hại cho tương lai của GD cũng như của xã hội. Đó là rất ít HS giỏi thi vào sư phạm, đã thế khi học vào SP cũng rất ít SV có chí phấn đấu.

Có một số ít các bạn đến với sư phạm bằng tình yêu thực sự. Và tôi xin lấy bản thân mình làm ví dụ. Tôi không nhìn theo bạn bè mà chọn thi Sư phạm. Tôi trúng tuyển vào khoa Văn với số điểm không tồi 23,5. Nhưng tình yêu cũng phải "chết" khi đã hết nguồn nhựa sống. Thử hỏi ai có thể thành công khi không còn động lực.

Gia đình tôi không có người làm quan chức, nhà tôi cũng không có nhiều tiền và theo cách nói của nhiều người “thế thì mày còn hy vọng gì”. Đúng là chẳng còn hy vọng gì và khi ấy thì tôi chỉ thấy tiền đồ mình mờ mịt và đã nhiều khi chán nản. Không riêng tôi đâu mà hầu hết bạn bè tôi cũng vậy.

Nhiều khi không thể trả lời rõ câu hỏi học để làm gì? Đừng nhắc đến tình yêu hay sự đam mê vì nó quá xa xỉ khi tôi chưa thể sống và không còn niềm tin. Vậy đấy trong một bối cảnh như vậy nếu có được một nhà giáo tương lai thực thụ quả thật là điều kì diệu.
Có một điều nữa tôi thấy nó quá vô lý, vô lý một cách khó tả. Không cần học hành nghiên cứu gì cao siêu ai cũng dễ nhận ra giáo dục phổ thông (PT) của ta kiến thức quá nhiều nhưng lại là thiếu sót. Tôi cũng như hàng triệu HS đã tốt ngiệp PT phải thừa nhận dùng chưa đến 20% kiến thức đã học để ứng dụng còn lại 80% là không dùng, mà không dùng rồi thì rồi sẽ quên sạch sẽ thôi.

Những cái cần thiết để hòa nhập vào cuộc sống thì lại không được học. Tại sao chúng ta không dạy trẻ các môn như Đạo đức và lối sống; Quy tắc ứng xử, Văn hóa giao tiếp, kĩ năng thuyết trình và trình bày, kĩ năng tổ chức và hoạt động xã hội. Chính tôi sau khi tốt nghiệp PT không có những thứ ấy và sau này tôi nhận thấy mình thật vất vả để hòa nhập vào cuộc sống.

Nhiều người nói tại sao giới trẻ bây giờ phát triển lệch lạc và thiếu bản lĩnh sống đến vậy? Trước những luồng văn hóa mới chúng ta không giúp con em mình có đủ sức đề kháng mà chỉ mải mê bắt nó học những khối kiến thức có thể dễ dàng tra được sau nửa giây trên Google.

Tôi thiết nghĩ GDPT chỉ cần 10 năm là có thể cấp bằng và một năm học chuyên dành cho các em có mong muốn học lên Đại học. Tất nhiên cần thay đổi SGK theo hướng phát triển cân bằng toàn diện hơn.
Một điều cuối cùng mà tôi muốn nói là chất lượng đội ngũ giáo viên. Khi họ chưa thực sự xuất sắc thì họ còn chưa thể có vị trí xứng đáng trong xã hội. Nhưng phải biết cách để họ xuất sắc chứ bấy lâu nay ta bỏ rơi họ, không quan tâm tới họ vậy thì họ tủi thân lắm mà sinh ra tự ái chẳng muốn làm gì nữa.

Họ đặc biệt hơn bất cứ một nghề nghiệp nào bởi sứ mệnh nhào nặn nên trí tuệ và nhân cách của một cộng đồng. Tôi nghĩ rằng trước hết phải giải quyết được một khối lượng sinh viên sư phạm  ùn đọng trong mấy năm nay bằng cách ngừng tuyển sinh SP trong một thời gian. Và sẽ tổ chức tuyển công chức một cách minh bạch công khai bằng thi tuyển và công bố trên các phương tiện thông tin đại chúng.

Ngoài ra cũng cần tăng mức lương khởi điểm của giáo viên để thu hút những HS giỏi và người giỏi. Nên tổ chức kiểm định chất lượng GV định kì và trả tiền xứng đáng với năng lực và thành tích của họ.
Đó là tất cả suy nghĩ và nguyện vọng của tôi. Mong rằng có người để ý đến nó và khi đọc họ cũng thấy được trách nhiệm chấn hưng nền GD là thuộc về cả xã hội và tôi đã thể hiện điều ấy bằng việc viết những dòng này.

* Bài viết thể hiện quan điểm riêng của tác giả
Độc giả Dương Văn Đạt