Đừng đợi tới khi giàu mới xây dựng đại học đứng vào top cao thế giới

30/11/2019 06:46
Thùy Linh
(GDVN) - Nhờ vào tự chủ đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có sự phát triển vượt bậc một cách toàn diện từ giáo dục, nghiên cứu, quốc tế hóa, phục vụ cộng đồng.

LTS:Việc công bố kết quả của một số bảng xếp hạng đại học với sự có mặt của một số trường đại học Việt Nam mới đây, đã có nhiều kết quả khá bất ngờ. Cụ thể, trong Bảng xếp hạng đại học Châu Á 2020, ngoài có sự góp mặt của 2 Đại học Quốc gia thì còn có thêm 6 cơ sở giáo dục đại học khác. 

Trước kết quả này, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Lê Văn Út, Trưởng phòng Phòng quản lý phát triển khoa học-công nghệ Trường Đại học Tôn Đức Thắng. 

Được biết, Trường Đại học Tôn Đức Thắng vừa qua được Academic Ranking of World Universities (ARWU) xếp hạng 1 Việt Nam và hạng 901 thế giới. Nay lại ở vị trí 207 trong bảng xếp hạng QS Châu Á năm 2020.

Như vậy, đây là một năm mà Đại học Tôn Đức Thắng nhận được đánh giá rất cao của nhiều bảng xếp hạng thế giới. Ông có thấy bất ngờ về vấn đề này không? Theo ông đâu là lý do Trường Đại học Tôn Đức Thắng được đánh giá cao như vậy?

Tiến sĩ Lê Văn Út: Tôi không ngạc nhiên về kết quả tất yếu này. Tôi nghĩ Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải có hạng cao hơn nữa chứ không phải như vậy, bởi trước đó Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã là đại học Việt Nam duy nhất được vào bảng xếp hạng ARWU, một bảng xếp hạng đại học khó nhất và uy tín nhất hiện nay trên thế giới. 

Trong thời gian qua, nhờ vào tự chủ đại học nên Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có sự phát triển vượt bậc một cách toàn diện từ giáo dục, nghiên cứu, quốc tế hóa cho đến phục vụ cộng đồng.  

Tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, các tiêu chuẩn đánh giá từng hoạt động của Trường đều được quốc tế hóa và phù hợp thực tiễn Việt Nam. 

Về giáo dục, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã sớm nâng cấp các chương trình bậc đại học trên cơ sở du nhập các chương trình tiên tiến của các đại học TOP 100 đại học tốt nhất thế giới; yêu cầu đầu ra cho mỗi bậc học được chuẩn hóa một cách rõ ràng và cụ thể; nên chất lượng giáo dục rất cao và được kiểm soát để bảo đảm hằng năm.

Theo thầy Lê Văn Út, nhờ vào tự chủ đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có sự phát triển vượt bậc một cách toàn diện từ giáo dục, nghiên cứu, quốc tế hóa, phục vụ cộng đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Theo thầy Lê Văn Út, nhờ vào tự chủ đại học, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã có sự phát triển vượt bậc một cách toàn diện từ giáo dục, nghiên cứu, quốc tế hóa, phục vụ cộng đồng. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Theo thống kê thì hiện tỷ lệ có việc làm của sinh viên tốt nghiệp từ Trường Đại học Tôn Đức Thắng là 100% trong vòng 12 tháng sau khi tốt nghiệp. 

Nghiên cứu khoa học là một thế mạnh rất rõ rệt của Trường. Từ những năm 2010, Trường đã chú trọng chuẩn hóa hoạt động nghiên cứu: nghiên cứu khoa học phải được công bố trên các tạp chí ISI/Scopus uy tín; nghiên cứu công nghệ phải có sản phẩm đầu ra là bằng sáng chế; nghiên cứu ứng dụng phải đưa vào sản xuất/chuyển giao cho doanh nghiệp. 

Vì chọn mục tiêu đúng, hướng đi đúng; Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã dẫn đầu về khoa học-công nghệ trong cả nước nhiều năm qua. 

Về hợp tác thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng chỉ chọn hợp tác với những đối tác quốc tế uy tín cao thông qua hạng của họ trên các bảng xếp hạng đại học thế giới.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng không quan trọng việc ký kết nhiều MOU (biên bản ghi nhớ) mà chỉ quan tâm đến việc có triển khai được những công việc cụ thể, mang lại lợi ích cho người học và hai bên hay không?. 

Ngoài ra, Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng rất quan tâm hợp tác với các đại học và viện nghiên cứu cả nước, cũng như hợp tác toàn diện với các địa phương để góp phần phát triển cộng đồng. 

Phụng sự xã hội được xem là một hoạt động thường xuyên và tâm huyết của cả Trường. Hàng năm Trường tiếp đón và chia sẻ kinh nghiệm phát triển đại học với rất nhiều cơ sở giáo dục trong cả nước. Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã và đang hợp tác khắng khít với hơn 1.100 doanh nghiệp và khoảng 900 trường trung học phổ thông trong toàn quốc. 

Xóa cơ chế chủ quản phải đấu tranh lâu dài, vì dịch chuyển quyền lực không dễ

Tóm lại, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã phát huy một cách hiệu quả quyền tự chủ đại học mà Chính phủ cho phép; phát triển theo tiêu chuẩn quốc tế một cách nhanh chóng, nhưng phù hợp bối cảnh Việt Nam.

Xin ông cho biết, các tiêu chí của QS sẽ giúp chúng ta đánh giá được cơ sở giáo dục đó như thế nào? Riêng đối với Trường Đại học Tôn Đức Thắng có các chỉ số trong nghiên cứu rất cao, theo ông lý do nào để Nhà trường đạt được điều này?

Tiến sĩ Lê Văn Út: Bộ tiêu chí xếp hạng của QS có nhiều tiêu chí. Có thể phân làm 3 nhóm: giáo dục-nghiên cứu, hợp tác quốc tế, việc làm của sinh viên.

Trong các tiêu chí về giáo dục, nghiên cứu thì trong cách đánh giá có 2 phần: Một phần dựa vào dữ liệu cung cấp của các đại học, phần còn lại là dựa vào khảo sát dưới dạng uy tín học thuật chiếm 30%. Tiêu chí việc làm của sinh viên thì được đánh giá thông qua khảo sát nhà tuyển dụng chiếm 20%. Tiêu chí hợp tác quốc tế thì dựa vào dữ liệu mà các đại học cung cấp.

Nói chung thì những tiêu chí trên cơ bản có thể đánh giá được chất lượng của các đại học một cách khá tổng thể. 

Điều còn tranh cãi là kết quả từ khảo sát/bình bầu (voting) lại chiếm tổng cộng đến 50% tổng điểm đánh giá của QS. Tôi từng được QS chọn để bình bầu cho các đại học tham gia xếp hạng; và phải nói là rất khó có sự khách quan, mặc dù tôi luôn đề cao tính khách quan (dĩ nhiên mình không được bình bầu cho đại học mình). Vì sao? Vì có nhiều đại học tôi không biết rõ về họ, tiềm lực của họ.

Đây là điểm yếu mà tôi nghĩ QS nên cải tiến trong thời gian tới.

Gần đây, QS Châu Á bổ sung thêm 10% cho tiêu chí mạng lưới nghiên cứu quốc tế; và tôi cho rằng đây là một cải tiến đáng hoan nghênh. 

Tôi không ngạc nhiên khi các chỉ số nghiên cứu của Trường Đại học Tôn Đức Thắng khá cao. Dĩ nhiên kết quả này không hề đơn giản.

Trên 10 năm trước, Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã đưa ra mục tiêu phát triển thành đại học nghiên cứu nên chúng tôi đã sớm áp dụng các thông lệ quốc tế trong đánh giá nghiên cứu.

Với cách làm nghiên cứu đúng thông lệ quốc tế và chặt chẽ, chúng tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu vì nói thật là nhiều người chưa quen, nhưng càng về sau thì cả tập thể Nhà trường nhận thấy nghiên cứu khoa học phải là như thế; và không có con đường nào khác ngoài việc hòa nhập chung với thông lệ quốc tế. Nên mọi chuyện càng về sau càng thuận lợi.

Cần nhân rộng mô hình cơ chế tự chủ của Trường Đại học Tôn Đức Thắng

Đến bây giờ thì nghiên cứu là hoạt động quen thuộc với giảng viên của Trường, thậm chí với một số Khoa, quen thuộc còn hơn giảng dạy.

Việc đánh giá năng lực, bổ nhiệm nhà khoa học cũng theo thông lệ quốc tế. Tiêu chuẩn các chức vụ chuyên môn (giáo sư) tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng tương đương với chuẩn các đại học thuộc TOP 500 thế giới, và quan trọng là những nhà khoa học của Trường đều có thể sống tốt bằng thu nhập từ công việc.

Công bố khoa học tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng đã qua giai đoạn số lượng, mà hiện tại chúng tôi đã tập trung phát triển chất lượng, không chỉ thông qua chỉ số trích dẫn khoa học, mà còn là tác động xã hội của các kết quả nghiên cứu này. 

Trong quá trình xây dựng lực lượng nhân sự chuyên môn, chúng tôi đã bỏ qua khái niệm biên giới. Nhà khoa học của Trường Đại học Tôn Đức Thắng phải có năng lực cạnh tranh toàn cầu.

Trong thời gian gần đây, những tiến sĩ trẻ chưa có công bố khoa học hoặc công bố yếu, thì hầu như không có cơ hội xin việc tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng, trừ những ngành đặc thù.

Việc tuyển dụng nhiều chuyên gia nước ngoài làm việc toàn thời gian tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng cũng như việc hợp tác với những chuyên gia uy tín cao trên thế giới đã giúp hoạt động nghiên cứu tại Trường Đại học Tôn Đức Thắng luôn phát triển bền vững và luôn có tính cạnh tranh quốc tế cao.

Theo ông, bản chất và mục tiêu của các bảng xếp hạng là gì mà cộng đồng quan tâm đến thế?

Tiến sĩ Lê Văn Út: Theo tôi, đến thời điểm này vẫn khó có thể có một bảng xếp hạng đại học hoàn hảo. Các bảng xếp hạng cũng bị chi phối bởi nhiều yếu tố; trong đó yếu tố kinh doanh là yếu tố nguy hiểm nhất.

Tuy nhiên, có thể nói giáo dục là lĩnh vực luôn được toàn thế giới quan tâm và ai cũng muốn được hấp thụ những chương trình giáo dục tiên tiến nhất, uy tín nhất. Bản chất và mục tiêu chính của các bảng xếp hạng đại học là cung cấp cho cộng đồng thứ bậc của các đại học, và từ thứ bậc này, người học có thể lựa chọn được cơ sở giáo dục có chất lượng nhất. 

Do đó, cộng đồng quốc tế phải quan tâm đến các bảng xếp hạng đại học khi mà từng người trong mỗi gia đình đều cần biết những đại học có chất lượng để chọn cho con em họ theo học, hầu có thể có một tương lai công việc tốt đẹp.

Ngoài ra, chẳng những người học cần xếp hạng đại học để chọn cho mình đại học tốt nhất, mà các nhà quản trị/lãnh đạo các quốc gia cũng rất quan tâm đến đẳng cấp nền đại học của đất nước họ để có thể xem lại việc đầu tư/quản trị hệ thống đại học cho phù hợp.

Sẽ thật chua xót và đáng xấu hổ khi người dân, nhà quản lý giáo dục, nhà cầm quyền thấy rằng nền giáo dục đại học của đất nước luôn đứng bên lề thế giới văn minh vì số lượng các đại học (cơ sở giáo dục được xem là tinh hoa) của đất nước được thế giới công nhận và xếp hạng quá ít.

Nếu những người chủ trì các bảng xếp hạng đại học ý thức được trách nhiệm cao cả và thánh thiện đối với môi trường học thuật thế giới, thì họ sẽ không bị tha hóa quá nhiều bởi yếu tố kinh doanh trong xếp hạng.

Gần đây, đã có một số kết quả nghiên cứu về tính khách quan của các bảng xếp hạng đại học, thậm chí đã tiến tới việc xếp hạng các bảng xếp hạng đại học. Do đó, những bảng xếp hạng kém uy tín, không khách quan chắc chắn sẽ bị tẩy chay trong thời gian không xa.

Việt Nam chỉ có khoảng 1,75% tổng số đại học, trường đại học được xếp hạng trong Bảng QS Châu Á 2020; và chỉ hơn 0,2% được xếp hạng vào ARWU 2020 cũng là điều mà những nhà quản lý văn hóa, xã hội có trách nhiệm của đất nước đáng phải suy ngẫm. Chúng ta đang chọn kết quả công việc tốt cho đất nước hay đang chọn sự yên ổn cho ghế ngồi?

Nhưng có cảm giác là các bảng xếp hạng đại học thế giới và đại học châu lục chỉ dành cho một nhóm nhỏ các trường đại học nhà giàu, số còn lại rất đông đang đứng ngoài, ông nghĩ sao về điều này?

Tiến sĩ Lê Văn Út: Điều này hoàn toàn sai lầm. Tuy muốn phát triển một đại học đẳng cấp thì không thể không có tiền, thậm chí cần rất nhiều tiền. Thí dụ, để bắt đầu xây dựng Đại học khoa học và kỹ thuật Hong Kong (HKUST), chính quyền sở tại đã dành riêng 10 tỷ USD (khoảng 230.000 tỷ đồng) trong 10 năm.

Nhưng không có nghĩa là phải đợi tới khi giàu, hoặc có thật nhiều tiền như HKUST thì mới có thể xây dựng được đại học đứng vào TOP cao của thế giới. 

Trường Đại học Tôn Đức Thắng là một đại học còn rất trẻ. Quá trình hoạt động 22 năm không nhận ngân sách nhà nước để chi thường xuyên và đầu tư, trang bị nhưng đã được xếp vào đại học tốt nhất của cả 3 bảng ARWU, THE IMPACT và QS. Như vậy, không có tiền, không phải là “nhà giàu”, vẫn có thể xây dựng đại học vào các bảng xếp hạng đại học thế giới.

Trường Đại học Tôn Đức Thắng có năng suất khoa học công nghệ đứng đầu cả nước

Như vậy, vấn đề là nhà nước có tạo được cơ chế và môi trường tự chủ cho đại học phát triển hay không mà thôi!. Cái còn lại là quản trị. Quản trị hiệu quả quyết định tất cả. Trường đại học dân lập Duy Tân cũng không phải là “đại học nhà giàu”, mà nay cũng vào TOP Châu Á là thí dụ thứ 2.

Bên canh đó, một đất nước mà nền kinh tế tri thức yếu thì khó mà giàu được, ngoại trừ những nước có nhiều tài nguyên để bán. Mà muốn có nền kinh tế tri thức mạnh thì phải có hệ thống đại học phát triển, tiên tiến đi trước.

Như vậy, nếu chúng đợi tới khi giàu, hoặc bảo phải giàu thì mới phát triển đại học được thì sẽ mâu thuẫn. Thực tế, có tiền chỉ là điều kiện cần, cách thức quản trị đại học tốt và phù hợp với thông lệ quốc tế mới là điều kiện đủ.

Tóm lại, tôi cho rằng các đại học từ các nước đang phát triển vẫn có thể tham gia xếp hạng và thậm chí được xếp ngang hàng với nhiều đại học ở các nước đã phát triển.

Nếu để ý các đại học xếp cùng nhóm 207 của QS Châu Á 2020; sẽ thấy rằng trong khi 3 đại học kia phát triển ít ổn định, có vẻ đang xuống hạng; thì Trường Đại học Tôn Đức Thắng dù chỉ vào bảng này năm vừa rồi (2019) với thứ hạng 291, đến năm nay chúng tôi đã tăng hạng 84 bậc. Không có đại học nào trong bảng này tăng hạng được như Trường Đại học Tôn Đức Thắng trong năm 2020.

Vấn đề không phải là “anh đang ở đâu?”; mà vấn đề là “anh sẽ có thể đi được đến đâu, về đâu?”. Trên nền tảng hiện có, trong những năm tới, Trường Đại học Tôn Đức Thắng sẽ vượt qua nhiều đại học nhà giàu, ở các nước nhà giàu khác nếu cơ chế tự chủ của 22 năm qua được duy trì.

Trân trọng cảm ơn ông. 

Thùy Linh