Đừng để người ta nghĩ Bộ Giáo dục chỉ "tắm từ vai trở xuống"

04/09/2019 06:53
Bạch Đằng
(GDVN) - Theo ông Lê Như Tiến: "Những người liên quan trực tiếp như cán bộ cấp vụ, cục thì đã đành nhưng những cấp cao hơn như cấp Bộ cũng không thể nằm ngoài được".

Việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đang xem xét thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước của 13 cán bộ có trách nhiệm trong vụ bê bối gian lận thi cử tại ba tỉnh Hà Giang, Hòa Bình, Sơn La năm 2018 đang thu hút sự chú ý từ dư luận.

Sau khi danh sách này được báo chí đăng tải công khai, có nhiều ý kiến ủng hộ Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thực hiện nghiêm minh trong việc xử lý cán bộ.

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng có ý kiến cho rằng, “đừng để bỏ sót ai” trong việc xem xét kỷ luật.

Bởi, trong danh sách trên thì cán bộ có chức vụ cao nhất bị đem ra xem xét trách nhiệm là Cục trưởng và Chánh thanh tra trong khi vấn đề gian lận thi cử năm 2018 lại rất nghiêm trọng.

Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).
Ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội (ảnh nguồn quochoi.vn).

Liên quan đến vấn đề này, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội cho rằng: “Qua danh sách này tôi thấy cần xem xét đúng người, đúng sai phạm.

Những người có liên quan trực tiếp như cán bộ cấp cục, vụ thì đã đành nhưng những cấp cao hơn như cấp Bộ cũng không thể nằm ngoài được”.

Theo ông Lê Như Tiến, những lãnh đạo này phải chịu trách nhiệm khi để gian lận thi cử xảy ra nghiêm trọng.

Nếu không tiến hành xem xét kiểm điểm thì dư luận người ta cho rằng: “Bộ Giáo dục và Đào tạo chỉ tắm từ vai tắm xuống”.

Bộ Giáo dục xét kỷ luật 13 cán bộ là nghiêm minh, nhưng còn bỏ sót ai không?
Bộ Giáo dục xét kỷ luật 13 cán bộ là nghiêm minh, nhưng còn bỏ sót ai không?

Lý giải thêm, ông Lê Như Tiến cho rằng, nếu chỉ có cấp cục, vụ hoặc ở các tỉnh để xảy ra sai phạm trong thi cử mà chỉ xử lý cấp sở thôi là chưa đủ.

Ở tỉnh thì phải xử lý Phó Chủ tịch tỉnh phụ trách chỉ đạo thi cử. Tương tự như vậy, ở cấp Bộ cũng phải xử lý cấp chỉ đạo.

Nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Thanh niên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội nhấn mạnh: “Tôi đề nghị lãnh đạo Bộ nào chịu trách nhiệm về thi cử ở phổ thông thì cũng liên đới chịu trách nhiệm.

Mặc dù, không phải chịu trách nhiệm trực tiếp mà ở góc độ chịu trách nhiệm điều hành.  Nếu đã xử lý thì xử lý nghiêm minh, triệt để ngay từ đầu”.

Trước đó, Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, theo thứ trưởng Lê Hải An, căn cứ kết quả kiểm điểm của các đơn vị, có 13 cá nhân có trách nhiệm về mặt quản lý nhà nước liên quan đến tổ chức Kỳ thi.

"Đây chưa phải là các công chức bị kỷ luật, mà chỉ là một bước trong quy trình xem xét kỷ luật công chức theo quy định", Thứ trưởng An nhấn mạnh. 

Hội đồng kỷ luật của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ xem xét, đánh giá công tâm, khách quan để tư vấn cho Ban Cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo xem xét, quyết định thấu tình, đạt lý.

Danh sách 13 cá nhân có trách nhiệm về quản lý nhà nước đang trong quá trình xem xét kỷ luật (theo báo Người Lao Động):

1. Ông Mai Văn Trinh, Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng.

2. Ông Sái Công Hồng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý chất lượng

3. Ông Nguyễn Duy Kha, Trưởng phòng Quản lý thi, Cục Quản lý chất lượng

4. Ông Hà Xuân Thành, Phó Giám đốc phụ trách Trung tâm khảo thí quốc gia, Cục Quản lý chất lượng.

5. Ông Nguyễn Sơn Hải, Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin.

6. Ông Nguyễn Huy Bằng, Chánh Thanh tra.

7. Ông Tống Duy Hiến, Phó Chánh thanh tra

8. Ông Trịnh Minh Trường, Phó Trưởng phòng thanh tra chuyên ngành

9. Ông Lê Văn Vương, Phó Trưởng phòng thanh tra hành chính

10. Bà Thẩm Thị Minh Hằng, Thanh tra viên

11. Ông Nguyễn Ngọc Chính, Thanh tra viên

12. Bà Lê Thị Kim Dung, Vụ trưởng vụ Pháp chế

13. Ông Vũ Đình Chuẩn, Vụ trưởng vụ Giáo dục trung học.

Bạch Đằng