Đừng đẩy con mình vào bi kịch "sao con nhà người ta ăn gì mà học giỏi thế?"

15/01/2021 10:58
Thuận Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- “Cô ơi! Cô cứu em với! Cô cho em xin thêm 1 điểm để đạt 8.0 không thì ba mẹ em đánh em chết mất”.

Lời khẩu cầu của một học sinh

“Cô ơi! Cô cứu em với! Cô cho em xin thêm 1 điểm để đạt 8.0 không thì ba mẹ em đánh em chết mất”, đây là lời khẩn cầu của một học sinh có điểm tổng kết là 7.9, chưa đạt mức học sinh giỏi.

Tin nhắn xin điểm của một học sinh (Ảnh: CTV)

Tin nhắn xin điểm của một học sinh (Ảnh: CTV)

Lời khẩn cầu của cô học sinh lớp 9 đã làm cô giáo M. sửng sốt. Không muốn trả lời cô bé ngay vì sợ thất vọng, biết đâu cô bé nghỉ quẩn lại ân hận cả đời nên cô M. đã hẹn gặp cô bé để trò chuyện.

Vừa là cô giáo dạy Sinh, vừa là giáo viên phụ trách tư vấn học đường của nhà trường nên cô M. cũng dễ dàng trở nên gần gũi cô bé. Chỉ sau vài câu hỏi, cô bé học sinh tên H. đã thổn thức nói rằng, mẹ em luôn đòi hỏi ở con mình phải hơn “con nhà người ta” trong chuyện học hành.

Ngay từ nhỏ, cô bé đã trở thành niềm tự hào của ba mẹ và cũng vì thế mà suốt tuần phải miệt mài học thêm, hết học trên trường, học nhà cô lại học ở trung tâm. Mỗi khi đạt điểm cao, mẹ khoe khắp làng trên xóm dưới, nhưng khi bị điểm thấp, cô bé sợ đến run người vì những tiếng chì chiết, rủa xả của mẹ trút xuống đầu.

Do năng lực cũng có hạn nên càng lên lớp cao cô bé học càng đuối so với lớp dưới cũng đồng nghĩa với những trận chửi rủa, chì chiết, những lời nói so sánh cay nghiệt “con người ta ăn gì mà giỏi thế, còn con mình…” càng tăng lên mỗi ngày.

Nghe chuyện và thấu hiểu, cô M. nói mình rất thương cô học trò nhưng cũng không thể cho em thêm điểm để đạt học sinh giỏi.

Cô đã phân tích để em hiểu và bình tâm trước sự nổi giận của mẹ. Cô cũng hứa sẽ nói chuyện thân mật với mẹ em.

Dùng “tiểu xảo” hạ điểm bạn bè để mình vượt lên đầu lớp

Cô M. cho biết đây không phải là trường hợp cô gặp đầu tiên học sinh đi xin điểm để đạt học sinh giỏi trước áp lực của gia đình. Cô đã từng gặp một số em đã dùng “tiểu xảo” để hạ điểm bạn bè xuống cho bản thân dẫn đầu lớp.

Đó là hai chị em cô bé L. học sinh lớp 7 luôn mặc định hai vị trí nhất, nhì của lớp. Được 9 điểm đối với nhiều học sinh đã là kết quả tốt nhưng với 2 cô bé vẫn là số điểm thất bại.

Khi 2 bé đạt 9 thì đó phải là điểm 9 cao nhất mà trong lớp không có điểm 10. Ngộ nhỡ lần ấy có bạn được điểm 10 thì những lần kiểm tra sau cô bé phải tìm cách để hạ điểm của bạn xuống.

Là cán bộ lớp nên 2 chị em luôn đi thu bài kiểm tra của lớp để nộp lên cho giáo viên. Không biết 2 bé đã làm cách nào mà sửa được bài của bạn học giỏi (đang là đối thủ cạnh tranh) để bạn bị thua điểm mình.

Sự việc bị phanh phui khi quá nhiều lần bạn học giỏi kia thắc mắc bài ấy mình làm đúng nhưng sao giờ thành sai? Trong sự kỳ vọng của mình không đạt được như ý muốn, nhiều phụ huynh đã tìm cách trút giận lên con cái, mang ra so sánh với “con nhà người ta” học giỏi, điểm cao…

Ai cũng muốn học giỏi, nhưng muốn học giỏi một hay nhiều môn nào đó, ngoài sự chăm chỉ còn phụ thuộc phần lớn vào khả năng của bản thân, mà khả năng có được phần lớn cũng do gien di truyền.

Thế nhưng, không ít phụ huynh hiện nay chỉ biết đòi hỏi con cái phải điểm cao, học giỏi, phải đứng đầu lớp, phải học trường chuyên lớp chọn. Khi những kỳ vọng ấy không được thỏa mãn thì con trở thành đối tượng để ba mẹ trút giận.

Vì sợ những trận lôi đình xảy ra, sợ những cơn xỉ vả của cha mẹ những đứa trẻ phải căng mình học thêm, luyện thi vào trường điểm, trường chuyên.

Sau bao cố gắng nhưng không thành, nhiều em bị khủng hoảng tâm lý và đã có những hành động tiêu cực, dại dột và phải đánh đổi bằng cả tính mạng của mình, nhẹ hơn thì mặc cảm, tự ti hoặc sinh ra dối trá như tìm cách hạ điểm của bạn, quay bài copy…

Tuổi thơ của những đứa trẻ lại bị bó buộc từ nhà đến trường, từ trường đến lớp học thêm này rồi lớp học thêm khác. Tuổi thơ của các em bị cuốn vào vòng xoáy điểm số, thành tích…

Việc vở lỡ, trả lời lý do vì sao làm thế, hai chị em nói thẳng do cha mẹ đưa chỉ tiêu phải là học sinh giỏi nhất nhì lớp nên các bé thấy áp lực.

Khi phụ huynh còn hám thành tích dồn áp lực điểm số lên đầu con thì khi đó chuyện xin điểm hay chạy đua học thêm vẫn không thể chấm dứt.

Thuận Phương