Đừng áp chỉ tiêu thi đua cho giáo viên là cơ sở để có học thật, thi thật

16/06/2021 06:10
Hữu Đức
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Cô giáo trẻ Trần Thị Nguyệt Nga, Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) luôn tìm tòi phương án giảng dạy sinh động, thiết thực.

Nhờ phương pháp dạy học khoa học cộng với sự tận tâm trong bồi dưỡng học sinh giỏi nên liên tục trong những năm qua, các thế hệ học trò của cô Nguyệt Nga có nhiều em đạt giải cao trong cuộc thi học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh.

Trong 3 năm học vừa qua, học trò của cô Nga lần lượt đạt giải nhất, ba và khuyến khích học sinh giỏi cấp tỉnh.

Nhiều học sinh được tuyển thẳng vào chuyên Hùng Vương, ngôi trường danh giá nhất tỉnh mà nhiều học sinh hoàn thành chương trình học lớp 9 trên địa bàn tỉnh đều mơ ước được trúng tuyển vào lớp 10 tại đây.

Gần đây nhất, vào năm học 2020-2021, trường cô Nguyệt Nga có 2 học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 - Trường chuyên Hùng Vương.

Cô Trần Thị Nguyệt Nga, giáo viên Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Cô Trần Thị Nguyệt Nga, giáo viên Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương). Ảnh: Hữu Đức

Cùng với thành tích nổi bật của học trò, bản thân cô Nguyệt Nga cũng liên tục 03 năm liền đạt giải giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Riêng năm học 2018-2019, cô Nguyệt Nga đạt cùng một lúc 2 giải, đó là giải nhì Võ Minh Đức và danh hiệu giáo viên giỏi cấp tỉnh.

Không những thế, cô Nguyệt Nga còn tích cực tham gia các phong trào sáng kiến kinh nghiệm trong dạy học.

Mỗi năm, cô Nguyệt Nga đều tham gia làm sáng kiến phương pháp giảng dạy. Hiện tại, cô Nguyệt Nga sở hữu rất nhiều sáng kiến đổi mới công tác giảng dạy được cấp tỉnh và cấp thị xã công nhận đạt loại tốt.

Một mực đeo đuổi niềm đam mê

Sinh ra và lớn lên ở mảnh Phú Yên thân yêu, từ nhỏ cô Nguyệt Nga đã say sưa với vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng cho vùng quê yên bình của mình. Và từ đó, cô sớm đam mê môn học Địa lý.

Khi hoàn thành chương trình trình học phổ thông, cô Nguyệt Nga trở thành một học sinh giỏi môn Địa lý cấp tỉnh.

Để thỏa mãn niềm đam mê cháy bỏng đó, cô Nguyệt Nga đăng ký thi một trường đại học duy nhất là Trường Đại học sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh, ngành sư phạm Địa lý.

Thời đó, mỗi thí sinh đều có thể chọn cho mình tối đa 3 trường để thi vào 3 đợt thi khác nhau. Nhưng cô Nguyệt Nga không thi vào bất kì trường nào khác, vì cô xác định mình chỉ có một mong muốn duy nhất là làm giáo viên Địa lý.

Sau khi tốt nghiệp đại học, nhiều bạn bè cùng khóa đã xin vào làm nhiều vị trí công việc khác nhau không theo đuổi nghề giáo, còn cô Nga vẫn chờ đợi tin nơi nào tuyển dụng đúng ngành giáo viên Địa lý thì mới nộp đơn ứng tuyển.

Học sinh Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân say sưa làm sản phẩm học tập trong giờ học Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

Học sinh Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân say sưa làm sản phẩm học tập trong giờ học Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

May thay, năm 2013, Trường Trung học cơ sở Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương) có nhu cầu tuyển dụng, cô Nga nộp đơn xin vào và được nhận giảng dạy đến bây giờ. Nhờ chuyên môn tốt, được đào tạo bài bản nên cô sớm bắt nhịp với công việc đứng lớp của mình.

Mong muốn có được chuyên môn nghiệp vụ tốt hơn, cô Nga quyết định đi học lớp Thạc sĩ ngành Địa lý tại Trường Đại học Sư phạm Thành phố Hồ Chí Minh.

Là thân con gái “chân yếu tay mềm” nhưng cô vẫn tranh thủ sắp xếp thời gian di chuyển hơn 30 km, mỗi tuần 2 ngày, trong suốt 2 năm liền để hoàn thành chương trình học Thạc sĩ.

Học sinh tự tin thuyết trình trong giờ học Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

Học sinh tự tin thuyết trình trong giờ học Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

Quyết tâm truyền đam mê đến học sinh

“Ngày trước, mình trở thành học sinh giỏi môn Địa lý là nhờ sự truyền lửa đam mê từ các thầy cô. Giờ đây, trách nhiệm của mình là phải tiếp tục truyền ngọn lửa đó cho các thế hệ học sinh tiếp theo. Đây cũng là sự công bằng tất yếu mà mình đã xác định”, cô Nguyệt Nga cho biết.

Chia sẻ về kinh nghiệm giảng dạy của mình, cô Nguyệt Nga cho biết yêu cầu đầu tiên đối với giáo viên chính là chú trọng tích lũy kiến thức chuyên môn vững vàng. Để làm được điều đó, giáo viên cần luôn nỗ lực, tự học trau dồi kiến thức, kết hợp với học hỏi kinh nghiệm từ đồng nghiệp.

Yêu cầu thứ hai, theo cô Nguyệt Nga, đó là đổi mới trong công tác giảng dạy. Trong đó, gồm đổi mới về phương pháp học và cách kiểm tra đánh giá.

Đặc biệt, với môn Địa lý, để thu hút học sinh, giáo viên cần tích cực tổ chức cho học sinh làm các sản phẩm học tập để học sinh chủ động tiếp nhận kiến thức, còn giáo viên chỉ giữ vai trò hỗ trợ hướng dẫn cho học sinh.

Sau khi làm sản phẩm học tập xong, học sinh phải tự trình bày về sản phẩm của mình để bạn bè theo dõi, nhận xét và giáo viên sẽ đánh giá sản phẩm của học sinh.

Nhằm kích thích sự hứng thú cho học sinh, bản thân tôi hay cho học sinh đóng vai hướng dẫn viên du lịch để giới thiệu các địa danh đất nước hay làm bài thuyết trình khẳng định chủ quyền biển đảo Việt Nam. Tôi còn có những bài tập học sinh khác như: cho học sinh thiết kế tờ rơi tuyên truyền về sức khỏe, môi trường sống…

“Cũng nhằm duy trì sự hứng thú học tập cho các em, giáo viên nên tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, khai thác sử dụng hình ảnh trực quan, video…

Do môn học của mình là môn thực tế do đó việc ứng dụng công nghệ thông tin rất cần thiết, nếu không tiết dạy sẽ rất khô khan, dễ gây nhàm chán cho học sinh.

Lưu ý, việc chọn hình ảnh, video để khai thác kiến thức, chứ không phải minh họa cho bài học, ví dụ như khi mình chiếu hình ảnh về thuận lợi và khó khăn của môi trường nước ta thì mình cho các em xem một loạt video hình ảnh về vấn đề này, sau đó tự học sinh sẽ đưa ra những nhận định và từ đó rút ra nội dung của bài học.

Cách làm này sẽ đẩy mạnh cho học sinh khai thác kiến thức từ hình ảnh trực quan. Trước đây, có nhiều giáo viên cũng sử dụng hình ảnh, video những chỉ đơn thuần đề minh họa cho nội dung giáo viên vừa truyền đạt, tôi cho rằng các làm này không hiệu quả, không kích thích tư duy cho học sinh”, cô Nguyệt Nga chia sẻ.

Cô Trần Thị Nguyệt Nga đang hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

Cô Trần Thị Nguyệt Nga đang hướng dẫn học sinh thảo luận nhóm trong giờ học môn Địa lý. Ảnh: Hữu Đức

Cô Nguyệt Nga cho biết thêm: “Bản đồ được xem là ngôn ngữ thứ 2 của Địa lý nên từ ngay lúc học sinh học lớp 8, tôi đã cho học sinh khai thác kiến thức trong ATLAT (từ có nguồn gốc tiếng Hy Lạp cổ, là thuật ngữ dùng để chỉ một tập bản đồ), để học sinh tự mình chỉ lên bản đồ, tìm kiếm kiến thức từ ATLAT thì như vậy học sinh sẽ ghi nhớ lâu hơn và có tư duy về lãnh thổ.

Tôi cũng thường xuyên cho học sinh đi thực tế, chụp hình những hình ảnh, video,… Sau đó, học sinh tự thiết kế sản phẩm học tập để nói lên các vấn đề địa phương như: ô nhiễm môi trường nước, môi trường không khí… từ đó, học sinh cũng đưa ra giải pháp bảo vệ môi trường”.

Đánh giá về cô Nga, thầy Bùi Văn Lọ - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Cô Nga có tinh thần đổi mới sáng tạo, biết sắp xếp thời gian hợp lý và khoa học.

Trong quá trình giảng dạy, cô luôn xem học sinh là trung tâm, luôn bám sát với học sinh, tạo điều kiện cho học sinh có tinh thần phấn khởi học tập, gợi mở bằng hệ thống câu hỏi ngắn gọn, súc tích sát với chương trình. Ngoài ra cô còn liên hệ thực tế, thực tiễn trong cuộc sống, giúp học sinh dễ hiểu bài hơn”.

Không nên áp đặt cứng nhắc chỉ tiêu thi đua cho giáo viên

Chia sẻ về việc học thật, thi thật, nhân tài thật, cô Nga cho rằng: “Để học thật, thi thật, giáo viên phải quan sát, tìm kiếm học sinh yếu.

Sau khi đã nắm được số học sinh yếu, giáo viên cần đầu tư hơn một tí đối với học sinh đó, để tạo hứng thú trong việc học cho các em.

Ví dụ học sinh đang mệt mà mình cứ la để thúc giục học sinh học thì các em cũng không thích.

Thay vì vậy thì mình phải thay đổi cách dạy, đưa vào những hoạt động vui nhộn hơn hoặc từ ngữ mình nói cho nó sinh động gây thu hút học sinh hơn.

Đối với những học sinh điểm thấp, mình nên đổi mới hình thức đánh giá, cách đánh giá cho học sinh.

Hiện nay theo hướng dẫn của thông tư mới, cách đánh giá học sinh không chỉ làm bài trên giấy mà mình có thể thiết kế bài tập liên quan tới vẽ sơ đồ tư duy.

Mình phải khai thác điểm mạnh của từng em học sinh, từ đó động viên, khuyến khích các em tự tin, hứng thú hơn với môn học.

Bản thân tôi rất thích ngôi trường mình đang công tác, bởi trường mình thực sự dạy thật, học thật, thi thật. Tôi cho rằng cơ sở quan trọng giúp trường tôi đảm bảo học thật, thi thật, nhân tài thật là nhà trường không hề áp đặt chỉ tiêu thi đua cho giáo viên.

Theo tôi, chỉ tiêu là mục tiêu phấn đấu nên bắt buộc phải có, nhưng không được quá cứng nhắc, cần nới rộng hơn để không gây áp lực cho giáo viên, tạo tinh thần thoải mái cho giáo viên.

Đây cũng là động lực để giáo viên tự tin, sáng tạo, đổi mới, góp phần cải thiện chất lượng giáo dục, từ đó nâng cao thành tích chung của cả trường.

Hơn nữa, khi không buộc phải chạy đua theo con số thành tích thì động cơ để các thầy cô nâng điểm hoặc đánh giá không đúng năng lực học sinh gần như bị triệt tiêu”

Hữu Đức