Dù yêu nghề tôi cũng không thể cho con chọn nghề giáo

22/08/2017 07:00
Phan Tuyết
(GDVN) - Những học sinh giỏi quay lưng, những giáo viên tâm huyết dứt áo ra đi nhường chỗ cho những người kém cỏi hơn thì tương lai giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu?

LTS: Lựa chọn giữa việc theo đuổi đam mê và cuộc sống cơm áo gạo tiền chưa bao giờ là dễ dàng.

Cô giáo Phan Tuyết chia sẻ câu chuyện của một gia đình đồng nghiệp trong việc định hướng nghề nghiệp cho con.

Bản thân là giáo viên nhưng các nhà giáo đều không muốn con theo nghề của mình. Lý do của việc này được cô giáo Phan Tuyết tiết lộ trong bài viết sau.

Toà soạn trân trọng mời độc giả theo dõi.

Na, cô con gái của một người bạn thân của tôi năm nay học lớp 12.

Cháu từng 11 năm là học sinh giỏi xuất sắc của trường và giành nhiều giải thưởng trong các cuộc thi học sinh giỏi, các hội thi giao lưu cấp huyện tổ chức thường niên.

Với thành tích học tập, rèn luyện như thế, ai cũng nghĩ cô bé sẽ nuôi dưỡng ước mơ trở thành kĩ sư hay bác sĩ.

Thế nhưng nhiều người khá bất ngờ khi nghe Na thổ lộ “con muốn trở thành cô giáo mẫu giáo vì con rất yêu trẻ”.

Mẹ Na, một giáo viên dạy giỏi có tiếng khắp vùng, một người luôn được phụ huynh kính trọng, yêu thương bởi sự hết mình vì học sinh, vì những mảnh đời bất hạnh lại kịch liệt phản đối khi nghe con gái bày tỏ nguyện vọng thi vào sư phạm mầm non của mình.

Học giỏi, có đam mê có nên theo nghề giáo? (Ảnh: giaoducthoidai.vn).
Học giỏi, có đam mê có nên theo nghề giáo? (Ảnh: giaoducthoidai.vn).

Mẹ Na nói, cô bé rất yêu trẻ, thích được tự mình chăm sóc, dạy dỗ những đứa trẻ ngây thơ ấy.

Ai cũng biết, nghề giáo, đặc biệt là giáo viên mầm non nếu không có được tình yêu với trẻ sẽ chẳng bao giờ trở thành một cô giáo tốt.

Tình yêu với trẻ chính là điều quý giá nhất mà nhiều giáo viên mầm non hiện nay không có được.

Cô bạn tôi nói, mình biết để con gái thực hiện ước mơ sẽ tạo cho con sự đam mê, sẽ mang đến cho con niềm vui trong cuộc sống.

Không những thế, ngành giáo dục sẽ có thêm một giáo viên tốt. Nhiều gia đình phụ huynh sẽ có thêm niềm tin yêu khi gửi con cho những giáo viên như thế.

Nhiều trẻ em sẽ có được sự yêu thương, chăm sóc tận tình.

Dù yêu nghề tôi cũng không thể cho con chọn nghề giáo ảnh 2

Nếu em vào sư phạm...

Dù biết vậy nhưng biết làm sao khi cuộc sống “cơm áo gạo tiền lại không đùa được” cô bạn tôi mỉm cười chua chát.

Tôi hiểu điều này vì chính từ cuộc đời của bạn mình. L. H là học sinh giỏi xuất sắc trong suốt 12 năm liền.

Vốn là học sinh lớp chuyên Toán của Trường Trung học phổ thông Quảng Xương 1.

Trong học tập, L.H luôn đứng vào hàng “tốp ten” của lớp.

Cũng vì yêu trẻ nên L.H thi vào sư phạm. Học sư phạm mầm non hay tiểu học và sau này là lớp đại học quản lý L.H đều nhận bằng giỏi xuất sắc của trường.

Không chỉ những bạn bè cùng lớp, cùng khóa ngưỡng mộ về năng lực học tập mà chính những thầy cô giáo, những giảng viên đã từng dạy cũng phải ghi nhận sự thông minh vượt trội của bạn so với nhiều học sinh khác.

Ra trường về quê giảng dạy, nhiều năm liền L.H là giáo viên dạy giỏi cấp huyện rồi cấp tỉnh.

Vốn là dân chuyên Toán nên kiến thức của L.H rất sâu và rộng. Những học sinh được chính cô giáo L.H bồi dưỡng để tham dự các kì thi mũi nhọn của ngành bao giờ cũng đạt giải cao.

Phụ huynh quanh vùng luôn ao ước con mình sẽ được học với chính cô giáo L.H bởi không chỉ là giáo viên giỏi lại hết lòng dạy dỗ học sinh.

Nhiều lần L.H nói mình rất giàu, cái giàu không thể mua được bằng tiền cũng không phải ai muốn là có được đó chính là cái giàu về cuộc sống tinh thần khi được người người tin yêu.

Hằng ngày khi rời lớp học, L.H làm thêm bằng việc chăm sóc 100 trụ thanh long, dạy kèm cho một số học sinh trong vùng.

Thế nhưng, dù làm việc vất vả là thế, cuộc sống của hai mẹ con vẫn thiếu trước hụt sau.

Nếu hàng ngày chỉ lo chuyện ăn mặc thì chẳng nói làm gì. Nhưng mua đất cất nhà dù chỉ là căn nhà nhỏ tạm bợ thì đồng lương nhà giáo có tằn tiện bao nhiêu cũng chẳng thể có được, và ngân hàng trở thành cứu cánh duy nhất.

Dù yêu nghề tôi cũng không thể cho con chọn nghề giáo ảnh 3

“Con nhà giáo có bao nhiêu em nối nghiệp cha mẹ?”

Vay ngân hàng mua đất làm nhà, giáo viên trở thành con nợ hàng chục năm chưa trả xong và L.H bạn tôi cũng là một trong số đó.

Trong khi không ít người bạn của L.H trước đây dù có lực học kém hơn nhưng họ chọn ngành khác thì nay ai nấy đều có cuộc sống sung túc đủ đầy.

Thấy mẹ phản đối, và hàng ngày đối mặt với những khó khăn trong cuộc sống mưu sinh, trực tiếp chứng kiến sự vất vả, tất bật của mẹ mà chẳng dư giả gì nên Na cũng chẳng dám cãi lời.

Có điều em buồn. Buồn vì mình sẽ chẳng thực hiện được ước mơ trở thành cô giáo trong khi tình yêu và nhiệt huyết có đầy.

Trường hợp của Na chưa phải là duy nhất, còn nhiều, rất nhiều học sinh giỏi, xuất sắc mang trong mình ước mơ cháy bỏng với nghề giáo nhưng lại chẳng đủ can đảm để bước qua những khó khăn, trở ngại về cuộc sống mưu sinh sau này.

Biết bao người đành gác lại ước mơ để chọn cho mình một hướng đi khác.

Những học sinh giỏi quay lưng, những giáo viên tâm huyết dứt áo ra đi nhường chỗ cho những người kém cỏi hơn thì tương lai giáo dục của chúng ta sẽ đi về đâu?

Phan Tuyết