Dư luận Quốc tế lên án sao Trung Quốc vẫn ngang ngược xâm phạm trên Biển Đông?

05/10/2019 06:50
Vũ Phương
(GDVN) - Đó là một trong những câu hỏi của sinh viên Trường Đại học Đông Đô đặt tại Hội thảo về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông.

Ngày 4/10, tại Hà Nội, Báo điện tử Giáo dục Việt Nam phối hợp với Trường Đại học Đông Đô tổ chức Hội thảo "Tuyên truyền giáo dục về chủ quyền lãnh thổ, quyền lợi hợp pháp của Việt Nam trên Biển Đông".

Tham gia buổi hội thảo đặc biệt này có hàng trăm tân sinh viên K24, lãnh đạo, cán bộ, giảng viên Trường Đại học Đông Đô.

Diễn giả trong buổi hội thảo Tiến sĩ Trần Công Trục, nguyên Trưởng ban Biên giới chính phủ, chuyên gia hàng đầu về biên giới lãnh thổ và Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982.

Không để các bạn tân sinh viên K24 Trường Đại học Đông Đô phải chờ lâu, Tiến sĩ Trần Công Trục đi ngay vào những sự kiện nóng trên biển đông thời gian gần đây nhận được sự hưởng ứng, chăm chú lắng nghe của các bạn sinh viên.

Diễn giả Trần Công Trục đưa ra những khái niệm pháp lý chuyên ngành giúp các bạn sinh viên Đại học Đông Đô hiểu đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ảnh: Vũ Phương.
Diễn giả Trần Công Trục đưa ra những khái niệm pháp lý chuyên ngành giúp các bạn sinh viên Đại học Đông Đô hiểu đúng các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển. Ảnh: Vũ Phương. 

Nhắc đến sự kiện tàu khảo sát địa chất Hải dương 08 Trung Quốc xâm phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa hợp pháp của Việt Nam, nhiều sinh viên Đại học Đông Đô bày tỏ sự bất bình trước các hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc.

Tiến sĩ Trần Công Trục nhấn mạnh: “Các em sinh viên, thế hệ trẻ phải hết sức tỉnh táo để không mắc phải cái bẫy pháp lý của Trung Quốc.

Chúng ta đấu tranh phải hết sức khôn khéo, mềm mỏng, nhưng kiên quyết, cứng rắn. Để phản đối, đấu tranh những hành động xâm phạm chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông , các em cần trang bị cho mình những kiến thức cơ bản về những khái niệm pháp lý, luật biển…”.

Tại hội thảo, Tiến sĩ Trần Công Trục chia sẻ tại hội trường Đại học Đông Đô những tài liệu, khái niệm pháp lý chuyên ngành, Công ước Luật Biển Liên Hợp Quốc 1982 cũng như những căn cứ lịch sử của Việt Nam trên Biển Đông.

Diễn giả Trần Công Trục nhấn mạnh, có nhiều khái niệm pháp lý chuyên ngành chưa được hiểu đúng, dẫn đến những trở ngại cho những ai quan tâm khi tiếp cận các thông tin và đánh giá các vấn đề liên quan đến chủ quyền lãnh thổ, biên giới quốc gia, các quyền tài phán của quốc gia ven biển...

Tại buổi Hội thảo, các bạn sinh viên K24 được chuyên gia Trần Công Trục thông tin về các đảo ven bờ của quốc gia, có vị trí quan trọng được sử dụng làm các điểm mốc quốc gia trên biển để thiết lập đường cơ sở ven bờ lục địa Việt Nam.

Từ đó xác định vùng nội thủy, lãnh hải, vùng tiếp giáp lãnh hải, vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, làm cơ sở pháp lý để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên các vùng biển.

Theo quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Luật Biển Việt Nam năm 2012, vùng biển nước ta được quy định thành 5 vùng: Nội thủy nằm bên trong đường cơ sở; lãnh hải có chiều rộng 12 hải lý; vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa có chiều rộng 200 hải lý tính từ đường cơ sở; riêng thềm lục địa có thể kéo dài ra tới 350 hải lý.

Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam tuyên bố chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia đối với các vùng biển nói trên.

Các bạn sinh viên rất chăm chú lắng nghe diễn giả nói về các vấn đề nóng xảy ra trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương.
Các bạn sinh viên rất chăm chú lắng nghe diễn giả nói về các vấn đề nóng xảy ra trên Biển Đông. Ảnh: Vũ Phương. 
Diễn giả đến gần các em sinh viên chia sẻ, trao đổi. Ảnh: Vũ Phương.
Diễn giả đến gần các em sinh viên chia sẻ, trao đổi. Ảnh: Vũ Phương. 

Đi từ những sự kiện nóng diễn ra trên Biển Đông, cũng như cách ứng xử, đấu tranh mềm mỏng, khôn khéo, nhưng rất kiên quyết của Việt Nam trước sự ngang ngược của Trung Quốc, Tiến sĩ Trần Công Trục đã phần nào giúp cán bộ, giảng viên, sinh viên Trường Đại học Đông Đô hiểu về chủ quyền lãnh thổ, quyền và lợi ích hợp pháp của quốc gia trên Biển Đông.

Tiến sĩ Trần Công Trục khẳng định, Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng lịch sử khẳng định chủ quyền của mình với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, phù hợp với luật pháp quốc tế.

Trở lại sự kiện Bãi Tư Chính, diễn giả Trần Công Trục cho biết, trong những ngày qua, nhóm tàu khảo sát Hải Dương 8 của Trung Quốc đã có hành vi vi phạm vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam ở khu vực phía nam Biển Đông.

Đây là vùng biển hoàn toàn thuộc quyền chủ quyền và quyền tài phán của Việt Nam, được xác định theo đúng các quy định của Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 mà Việt Nam và Trung Quốc đều là thành viên.

Phản đối lại các hành động ngang ngược và bất chấp luật pháp quốc tế của Trung Quốc, Việt Nam đã gửi Công hàm, nêu vấn đề trong các cuộc gặp gỡ lãnh đạo cấp cao, tiến hành các hội thảo quốc tế, nêu lên các bằng chứng lịch sử, nhưng Trung Quốc vẫn ngang ngược.

Hội thảo thu hút sinh viên, cán bộ, giảng viên Đại học Đông Đô khiến hội trường chật kín. Ảnh: Vũ Phương.
Hội thảo thu hút sinh viên, cán bộ, giảng viên Đại học Đông Đô khiến hội trường chật kín. Ảnh: Vũ Phương. 

Sau gần 2 giờ trao đổi, phân tích nhiều khái niệm pháp lý, Tiến sĩ Trần Công Trục cũng dành hơn 30 phút để thầy cô giáo, các bạn sinh viên giao lưu, đặt câu hỏi với diễn giả.

Không khí hội trường sôi nổi hơn, khi những cánh tay của các bạn sinh viên giơ lên đặt câu hỏi với diễn giả.

Câu hỏi đầu tiên của nam sinh Nguyễn Nhật Tân, Khoa Tiếng Nhật mạnh dạn đặt câu hỏi, Trung Quốc ngang nhiên vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa Việt Nam nhằm mục đích gì? Căn cứ nào Trung Quốc khăng khăng đòi yêu sách đường lưỡi bò dù bị dư luận quốc tế lên án?

Sinh viên Nguyễn Nhật Tân. Ảnh: Vũ Phương
Sinh viên Nguyễn Nhật Tân. Ảnh: Vũ Phương

Còn em Đào Trung Hiếu, Khoa Tiếng Trung đặt vấn đề, đâu là lý do khiến Trung Quốc phải rút giàn khoan Hải Dương 981 hạ đặt trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam do thời tiết, hay không đạt được mục đích?

Em Đào Trung Hiếu. Ảnh: Vũ Phương
Em Đào Trung Hiếu. Ảnh: Vũ Phương

Nữ sinh Triệu Thị Lan Anh, tại sao Trung Quốc lại bất chấp quy định pháp luật quốc tế nhận chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa trong khi Việt Nam có đầy đủ căn cứ và bằng chứng lịch sử pháp lý khẳng định chủ quyền của hai quần đảo này?

Nữ sinh Triệu Thị Lan Anh. Ảnh: Vũ Phương
Nữ sinh Triệu Thị Lan Anh. Ảnh: Vũ Phương

Tất cả những câu hỏi của sinh viên Trường Đại học Đông Đô đều được Tiến sĩ Trần Công Trục trả lời, lý giải, phân tích thấu đáo.

Thay mặt nhà trường, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Lê Ngọc Tòng, Phó Hiệu trường phụ trách nhà trường bày tỏ sự cảm ơn sâu sắc Tiến sĩ Trần Công Trục và Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về buổi Hội thảo ý nghĩa này đến với cán bộ, giáo viên, học sinh Trường Đại học Đông Đô. 

Lãnh đạo nhà trường, sinh viên chụp ảnh lưu niệm với diễn giả Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương
Lãnh đạo nhà trường, sinh viên chụp ảnh lưu niệm với diễn giả Trần Công Trục. Ảnh: Vũ Phương
Vũ Phương