Dù bị can ngăn vì làm báo 'nguy hiểm', nữ sinh vẫn nhất quyết bám nghề

30/07/2021 06:55
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Thấy con gái gặp nguy hiểm khi đi tác nghiệp, từng chạm chán với “đầu gấu”, bố mẹ yêu cầu Phan Thị Quỳnh chuyển nghề khác, nhưng nữ sinh này nhất quyết theo nghề.

Nhìn lại chặng đường 4 năm ở giảng đường đại học, nữ sinh Phan Thị Quỳnh (sinh năm 1999, lớp đại học Báo chí 6, khoa văn thư Lưu trữ và Báo chí, trường Đại học Văn hóa Nghệ thuật Quân đội) vẫn không thể quên được những kỷ niệm với trường lớp, đặc biệt là trải nghiệm thực tế với nghề, khi em được chạm mặt “đầu gấu”.

Khi còn học phổ thông, Phan Thị Quỳnh là một nữ sinh năng động ở trường, lớp. Em có năng khiếu nghệ thuật nên xác định thi vào khoa Múa của trường Đại học Văn hóa nghệ thuật Quân đội. Tuy nhiên, do môt tai nạn ập đến khiến em phải thay đổi dự định. Không thể theo ngành múa của trường nên em quyết định thi ngành báo chí cũng tại trường này.

Phan Thị Quỳnh mặc đồng phục của nhà trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Phan Thị Quỳnh mặc đồng phục của nhà trường. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Quỳnh nhận định ngành báo chí sẽ giúp em được đi, khám phá nhiều nơi, cộng với lối nói chuyện tự tin, khả năng thuyết trình được rèn rũa từ cấp 3, nên em thấy mình có năng khiếu với nghề này.

Vào môi trường học báo chí ở trường quân đội, bên cạnh sự kỉ luật, Phan Thị Quỳnh cũng xác định mục tiêu để cho bản thân phấn đấu. Ngay từ năm nhất, khi đang được học môn báo chí điều tra, Quỳnh có cơ duyên được đi tác nghiệp với một phóng viên để điều tra về “đất tặc”.

“Đề tài điều tra phản ánh về đất đồi không được phép khai thác nhưng tại khu vực đó đang bị khai thác quá mức để mang đi bán, mà không có cơ quan chức năng xử lý”, Quỳnh nhớ lại.

Để chuẩn bị cho chuyến tác nghiệp này, Quỳnh trang bị cẩn thận các loại máy quay và lên kịch bản để ứng phó nếu chẳng may chạm chán “đất tặc”.

Mọi thứ dường như đã được chuẩn bị kỹ, nhưng khi Quỳnh và anh phóng viên đang thâm nhập vào hiện trường thì bị một nhóm người “đất tặc” phát hiện. Trước mắt nữ sinh là những kẻ bặm trợn, xăm trổ đầy mình lớn tiếng quát: “Chúng mày vào đây làm gì”. Sau đó, những người này chụp biển số xe…

Lần đầu chạm mặt với đầu gấu, Quỳnh khá lo lắng dù đã chuẩn bị sẵn tâm lý trước đó. Lúc này, phóng viên đi cùng đã giải thích với nhóm người là họ đang đi tìm mua đất để làm nhà, nhằm khai thác thông tin và đánh lạc hướng nhóm “đất tặc”.

Sau khi thu thập được khá đầy đủ thông tin tại hiện trường, cùng với đó lãnh đạo xã, Trưởng phòng tài nguyên môi trường huyện cung cấp thêm tài liệu, anh phóng viên và Quỳnh đã hoàn thành xong tuyến bài điều tra.

“Đề tài trên cũng là bài giúp em đạt điểm cao nhất lớp trong môn báo chí điều tra”, Quỳnh chia sẻ.

Tuy nhiên, khi nữ sinh kể lại sự việc chạm chán với “đầu gấu”, bố mẹ em cảm thấy lo lắng cho cô con gái chân yếu tay mềm về tính mạng, sức khỏe khi dấn thân vào nghề nguy hiểm. Bố mẹ đề xuất Quỳnh nên chuyển nghề, học ngành khác nhưng cô con gái út này kiên quyết giữ vững lập trường theo nghề báo.

“Những trải nghiệm của phóng viên điều tra khiến em lại càng muốn dấn thân vào điều tra nhiều hơn”, Quỳnh bộc bạch.

Dù là con gái, chân yếu tay mềm có thể gặp nguy hiểm, vất vả với nghề báo nhưng Phan Thị Quỳnh vẫn luôn đam mê với nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dù là con gái, chân yếu tay mềm có thể gặp nguy hiểm, vất vả với nghề báo nhưng Phan Thị Quỳnh vẫn luôn đam mê với nghề. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Dần dà, trải qua nhiều năm làm cộng tác viên cho các cơ quan báo chí, Quỳnh tích lũy được cho mình nhiều kiến thức về nghề. Điều này, giúp Quỳnh làm đúng nghành nghề mình học so với một số bạn học cùng lớp.

Chia sẻ về môi trường học tập tại trường quân đội, Phan Thị Quỳnh cho hay, ở trường em được sống trong môi trường kỷ luật, ngoài ra còn được giao lưu với các chiến sỹ, nghệ sỹ nói chung ở trong trường và bên báo quân đội.

Bên cạnh đó, Quỳnh và các bạn còn được học đa dạng các loại hình báo chí, giúp em có thể “đa di năng” trong công việc cộng tác viên mảng truyền hình hiện tại.

Chia sẻ về học tập của Phan Thị Quỳnh, cô Trịnh Lan Hương – Chủ nhiệm khoa văn thư lưu trữ và báo chí trường Đại học Văn hóa nghệ thuật quân đội cho hay, Phan Thị Quỳnh có kết quả tốt nghiệp loại giỏi và là một sinh viên năng động. Với những gì em đã cố gắng và đặc biệt là niềm đam mê với nghề, đó sẽ là những hành trang giúp em theo đuổi nghề báo.

Mạnh Đoàn