Dự báo và thực trạng, những bài học chưa cũ!

31/05/2019 06:25
Nguyễn Thị Lan Hương
(GDVN) - Câu chuyện của dự báo và thực trạng, hay thậm chí những định hướng không dựa trên thực tế và khoa học sẽ dẫn chúng ta đi về đâu.

LTS: Tác giả Nguyễn Thị Lan Hương - nghiên cứu sinh về giáo dục tại Hoa Kỳ tiếp tục chia sẻ cùng quý độc giả Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam bài viết "Dự báo và thực trạng, những bài học chưa cũ!".

Tòa soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết.

Việt Nam gần đây có đưa 2 tin làm tôi suy nghĩ:

(i) 5G và thị trường kinh tế số, đặc biệt là sử dụng ICT và công nghệ ứng dụng để phát triển Made in Việt Nam [1].

(ii) Dự kiến sắp xếp các trường đại học sư phạm còn khoảng 5 – 8 trường, đảm bảo nâng cao chất lượng đào tạo cho giáo dục mới [2].

Những thông tin này rất hay, hấp dẫn và xét dưới góc độ người Việt, tôi vui mừng trước những tiền đồ tươi sáng của tương lai. 

Đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).
Đảm bảo nâng cao chất lượng giáo dục (Ảnh minh họa: TTXVN).

Là người không trong công nghệ và cũng chả đi dạy học, tôi nghĩ có một số bài học có lẽ chưa cũ và nhắc lại cũng không thừa cho những ai đang làm các kế hoạch lớn cho chuyển đổi giáo dục và kinh tế xã hội ở Việt Nam. 

Câu chuyện của dự báo và thực trạng, hay thậm chí những định hướng không dựa trên thực tế và khoa học sẽ dẫn chúng ta đi về đâu.

Khủng hoảng kinh tế 1997/ 2008/ 2018

Hơn 4 năm qua, ở Việt Nam rộ lên phong trào 4.0. Mọi thứ có gì cũng gắn với 4.0, nhà nhà, người người 4.0, cũng như từ “AI”, “IoT” (internet vạn vật). 

Khi sang Mỹ học về quản trị lãnh đạo giáo dục ở bậc PhD/Doctorate (Tiến sỹ), người ta bảo tôi là thuộc diện “quý hiếm”, bởi người có PhD chỉ chiếm 0.00004% trên toàn thế giới, cho đến khi tôi nghỉ học vì một lý do lãng xẹt: tôi không chấp nhận phương thức giáo dục dành cho hàng “quý hiếm” mà hóa ra tôi là thử nghiệm của công nghệ giáo dục online, với nhiều nghiên cứu chỉ ra, chất lượng thấp, từ K-16.  

Hơn nữa, học tiến sỹ nghiên cứu khoa học giáo dục, mà hàng ngày đi làm rau, không có thời gian đọc sách và nghiên cứu khoa học, thì tiến đi đâu?   

Điều này để nói đến sự khác biệt lớn giữa “dự báo và thực trạng” của những khủng hoảng kinh tế - chính trị - xã hội ở thế giới và Việt Nam, trong gần 100 năm qua. 

Trong 2 cuốn khá hay viết về kinh tế thế giới:

(i) Bất Bình Đẳng Toàn cầu, Cách tiếp cận mới trong thời đại toàn cầu [3]

(ii) Đổ vỡ. Một Thập kỷ khủng hoảng tài chính đã thay đổi thế giới như thế nào [4]

Tất cả đều khẳng định rõ, trong 100 năm vừa qua, chúng ta phải “cảm ơn” vì những dự báo phát triển kinh tế - xã hội đã toàn sai, dù nó được đưa ra bởi những con người có uy tín, là “mỏ neo” tin cậy trong thời đại của họ.

Mà vì sai như vậy, nên khủng hoảng kinh tế, tài chính và những “bong bóng” (bubble) của những thứ có thể “bong bóng” được, cứ xảy ra theo chu kỳ 7 – 10 năm một lần [5], đặc biệt gần đây, đến độ những nhà đầu tư kỳ cựu trên toàn cầu xác định rõ, “chúng tôi không nhìn gì vượt quá 5 – 10 năm” [5] (cuốn Thăng Trầm của Những quốc gia. Lực đẩy cho cải cách sau khủng hoảng).

Lý do của “không nhìn gì vượt quá 10 năm”, đọc thật hài hước bởi “những dữ liệu hoặc được cung cấp bởi các chính phủ hoặc bởi các công ty tập đoàn có định hướng “lái” thị trường đều cung cấp dữ liệu giả, để đến nỗi ở Trung Quốc, người ta phải mang tên thủ tướng làm chỉ số kinh tế hoặc phải đi đếm ánh đèn của từng khu nhà để đảm bảo chúng tôi có được số liệu tương đối nào đó” (Thăng trầm của các quốc gia). 

Xếp hạng đại học cũng phức tạp như chấm thi hoa hậu

Nhưng lý do đúng đắn nhất, nguyên nhân của mọi nguyên nhân, như tác giả cuốn “Đổ vỡ. Một thập kỷ khủng hoảng tài chính đã thay đổi thế giới như thế nào”, nêu rõ “Thời đại hiện nay đã và đang được lèo lái bởi quyền lực. Dù đó là quyền lực chính trị hay kinh tế tập đoàn đa quốc gia”.  

Bởi vậy, nếu ai đọc lại Thăng Trầm của các Quốc gia, mới ngạc nhiên về tính “được sắp xếp” khi phân loại các quốc gia, được gọi là có tương lai tốt – khá – trung bình và không có tương lai.

Nhưng toàn bộ dự đoán đó lại dựa trên hệ thống liên kết giữa những phương tiện vận chuyển đường biển - đường bộ - đường hàng không mà kết nối cơ bản giữa Trung Quốc với các thị trường khác, đặc biệt là hệ thống xuyên qua châu Á – Âu và bắt sang với Mỹ (Một Vành đai, Một Con đường). 

Tôi không là chuyên gia, nhưng nhìn vào tấm bản đồ định vị liên kết hạ tầng đa quốc gia và dự báo tương lai được trình bày trong Thăng Trầm của các quốc gia, với sự phân định về “quá khứ ấn định hiện tại, hiện tại ấn định tương lai”, rằng vị trí của bạn trên bản đồ thế giới có thể hay không thể là định mệnh, rằng việc làm đúng là quan trọng hơn tất cả…nó cũng giống giống như những gì tôi ngẫm nghĩ về “Một thế giới, hai con đường” [6]. 

Theo đó, có những quyền lực đứng trên quyền lực, những ngài Câu Lạc Bộ Tỷ phú, quyết định đường hướng phát triển của thế giới, mà hoàn toàn theo chủ quan của họ!  

Bởi nếu không như vậy, chúng ta sẽ giải thích thế nào về:

(i) Thất bại về xóa đói nghèo hơn 100 năm qua ở châu Phi?

(ii) Những khủng hoảng tài chính kinh tế từ 1997 (khủng hoảng tài chính châu Á); 2008 (khủng hoảng tài chính ở Mỹ và sau đó lan rộng ra khắp thế giới) và cho đến nay, chưa ai dám nói, chúng ta đã “thoát” khủng hoảng, với tốc độ tăng trưởng toàn cầu dự kiến trung bình là 3% (chưa trừ đi lạm phát và vô số những tăng trưởng giả, như kiểu dữ liệu giả nói trên).

(iii) Những tăng trưởng và sụp đổ đáng suy ngẫm trong những ngành “hot”, như bài học của dot.com [7]; Lehmon Brother [8] và thậm chí, càng đáng phải học hơn, khi những tập đoàn công nghệ lớn nhất hiện nay chỉ đang tập trung vào vài hãng và vài quốc gia, nhưng sự bất ổn về những an ninh mạng, an ninh kinh tế qua mạng ngày càng cao [9]. 

(iv) Khi người ta nói đến một thế giới tăng trưởng dựa vào 18 quốc gia, mà hoàn toàn quên chính 18 quốc gia này gây ra nợ và khủng hoảng nhiều mặt cho thế giới [10]!

Trở lại với Thăng trầm của những quốc gia, điều lý thú đáng “bất bình” nhất của cuốn sách được coi là hàng đầu về “dự báo” tương lai, đó là những nhà đầu tư và Câu lạc bộ Tỷ phú không quan tâm đến giáo dục.

Theo đó, họ xác định rằng phải mất đến 17 năm cho giáo dục may ra mới kiếm được đôi chút, dù giáo dục có thể tác động thay đổi xã hội và theo đó, chỉ những gì “ăn theo” trong giáo dục thì nên đầu tư.

Một thế giới được dự báo mà như không dự báo, bởi hoặc họ nhìn nhận dưới góc độ “lợi ích” của ai hoặc “khủng hoảng” là cơ hội để kiếm tiền nhanh, xóa bài đi làm lại, mà chả hề quan tâm đến một tương lai ổn định và bền vững cho những kẻ, hoặc không nằm trong vị trí có tương lai (như những quốc gia không có đường biển hoặc hạ tầng quá kém, hay đang có chiến tranh), hoặc những đất nước mà ngoài người dân đói nghèo ra, họ không có gì cả để đổi chác trên thương trường toàn cầu.

Nhóm lập "bảng tử thần 49" tự đánh giá, họ chưa bao giờ gặp chúng tôi!

Một thế giới mà những đánh giá về tương lai được dựa trên ngắn hạn và không dựa trên phát triển trí thức con người, bởi đầu tư giáo dục là quá dài hạn và lợi nhuận quá ít, trong khi các chính phủ và quyền lực kinh tế đa quốc gia lại ăn theo “nhiệm kỳ” và lợi ích cổ đông.

Trong một loạt bài nghiên cứu và đánh giá về việc, cần xem xét lại những chỉ số đo lường kinh tế quốc tế và phát triển xã hội, dựa trên con người và phát triển tri thức của con người, tôi hiểu ra là, dự báo sai về kinh tế hơn 100 năm qua, có lẽ cũng là “định hướng”, bởi những khái niệm kinh tế và đo lường kinh tế cơ bản, nó có quá nhiều điểm không phản ánh đúng và chính xác thực tế đang diễn ra trong cuộc sống hàng ngày [11]. 

Thế nên, chúng ta cứ thế mà sống với khủng hoảng, nếu những đạo đức kinh doanh và những phương thức đo lường về kinh tế và đời sống xã hội không được đánh giá lại.  

Giống như vai trò của AI, IoT và công nghệ trong việc thay đổi cuộc sống kinh tế - xã hội hiện nay, hãy dùng nó đúng chỗ.

Chương trình phát triển “nóng” đại học Việt Nam trong 20 năm qua

Khi Bộ Giáo dục và Đào tạo Việt Nam dự kiến sắp xếp lại hệ thống đại học sư phạm, với kế hoạch giảm xuống còn 5-8 trường trọng điểm và đào tạo các cấp trong giáo dục gần đây, tôi muốn nhắc lại một bài học trong giáo dục của Việt Nam:

Từ những năm 1990, chúng ta đã xác định sai định hướng về chất lượng giáo dục, khi chạy theo “số lượng” và “đại trà” các hoạt động, các loại hình giáo dục, mà chỉ vì, có tư vấn quốc tế mong muốn Việt Nam nâng cao chỉ số phần trăm người có bằng đại học ở Việt Nam.

Cho đến nay, số người học và tốt nghiệp đại học của Việt Nam cũng vẫn thấp so với quốc tế, theo đó, có lý luận rằng chúng ta vẫn phải tiếp tục mở rộng đại học để đảm bảo cơ hội học tập cho tất cả. 

Đây là vấn đề trách nhiệm dự báo phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam dựa trên thực tế và nhu cầu của tương lai, của Chính phủ và những tổ chức có liên quan.

Việc dự kiến sắp xếp lại 5-8 trường đại học sư phạm sẽ giúp giải quyết những vấn nạn gì trong giáo dục liên cấp hiện nay?

Việc sắp xếp lại hệ thống mà chúng ta hay gọi là “máy cái”, có thực sự phù hợp với thực tiễn giáo dục mà chúng ta đang hướng đến: giáo dục suốt đời và giáo dục toàn dân? Dựa trên kinh tế - tri thức là cơ sở nền tảng cho phát triển xã hội Việt Nam?

Sắp xếp lại hệ thống giáo dục đại học sư phạm, mà không đi cùng với cơ chế tuyển dụng – chính sách lương thưởng thúc đẩy học sinh xuất sắc và có năng lực vào làm giáo viên, không tăng cường năng lực nghiên cứu giáo dục mở rộng cho “cộng đồng học tập”, thì chúng ta có lại đang lặp lại bài học “tách tỉnh – nhập tỉnh” rồi lại tách – nhập, toàn chỉ làm khó khăn cho bản thân mình, khi không có nền tảng nghiên cứu và khảo sát cẩn trọng từ thực tiễn?

Nền giáo dục huyền thoại, hay nhất thế giới có thực sự như mơ?

Nếu nói đến sắp xếp lại giáo dục sư phạm, việc chủ trương kinh tế số 5G của Việt Nam sẽ ảnh hưởng như thế nào đến toàn bộ hệ thống giáo dục phổ thông, đặc biệt cho những ngành liên quan trực tiếp đến các công nghệ mũi nhọn và tương lai?

Hay chúng ta sẽ lại sắp xếp lại, nhưng chất lượng đào tạo và nền tảng giáo dục vẫn dành cho 2G, để chạy trên nền 5G?

Tôi muốn nói đến tầm nhìn về giáo dục – chương trình – rồi mới là đào tạo nhân lực phục vụ cho chương trình phát triển đó, trong bối cảnh thực lực của giáo dục Việt Nam, cơ sở hạ tầng và xã hội đang ở đâu?

Nhìn về tương lai tươi sáng là rất quý, bởi đó là tương lai và hy vọng. Ai cũng mong có tương lai tốt đẹp hơn cho mình và thế hệ sau, nhưng trách nhiệm của thế hệ hiện tại, đó là tạo dựng tương lai, không để lại gánh nặng quá lớn về nợ, về những kế hoạch “vĩ đại” mà vượt quá thực tế, dẫn đến gây thất thoát và thiệt hại lớn cho những thế hệ sau này.

Vả lại, theo quy luật của cuộc sống, những gì chúng ta nói là vì thế hệ tương lai, chưa rõ thực ra chúng có thực sự coi đó là đúng hay không, bởi chỉ 20 – 50 năm nữa, biết đâu, xu hướng quay về với giá trị đích thực cuộc đời, giá trị làm người của thế hệ sau, lại mạnh mẽ hơn những giá trị công nghệ mà chúng ta đang cố công phát triển, dù đó là lên đến 10G, thì sẽ ra sao nhỉ?

Xin có vài lời về dự báo và thực trạng và trích dẫn câu của Phillip Altbach – Giáo sư của Boston College [12], chuyên gia về quốc tế hóa giáo dục, như một câu kết bài:

“Hãy tập trung vào điều gì là cơ bản nhất với các bạn - hãy giúp đỡ số đông học sinh học và lấy được những kiến thức, với mục tiêu phát triển bền vững và có công việc phù hợp, hơn là nỗ lực để cho trường của các bạn đáp ứng được những tiêu chí được người khác, những xếp hạng đại học lập lên”.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/vn/cong-nghe/vien-thong/song-di-dong-5g-da-co-tai-viet-nam-toc-do-tuong-duong-nha-mang-my-526689.html

[2] https://www.tienphong.vn/giao-duc/quy-hoach-con-10-truong-dh-su-pham-1282752.tpo

[3] Global Inequality: A New Approach for the Age of Globalization Paperback – April 9, 2018, by Branko Milanovic

[4] Crashed: How a Decade of Financial Crises Changed the World Hardcover – August 7, 2018, by Adam Tooze

[5] The Rise and Fall of Nations: Forces of Change in the Post-Crisis World, Ruchir Sharma;

[6] http://newasiagloballearning.com/tin-tuc/mot-the-gioi-hai-con-duong.html

[7] https://vi.wikipedia.org/wiki/Bong_b%C3%B3ng_dot-com

[8] https://en.wikipedia.org/wiki/Bankruptcy_of_Lehman_Brothers

[9] https://www.weforum.org/agenda/2015/01/companies-fighting-cyber-crime/; http://www.sggp.org.vn/su-co-an-ninh-mang-co-the-gay-thiet-hai-1745-ngan-ty-usd-549689.html

[10] https://www.visualcapitalist.com/63-trillion-world-debt-one-visualization/

[11] https://www.nytimes.com/2018/09/14/opinion/columnists/great-recession-economy-gdp.html; https://www.weforum.org/agenda/2018/01/gdp-frog-matchbox-david-pilling-growth-delusion/; https://www.imf.org/external/pubs/ft/fandd/2017/03/coyle.htm; https://www.weforum.org/agenda/2016/04/why-economic-policy-overlooks-women/; http://datatopics.worldbank.org/world-development-indicators/

[12] https://thanhnien.vn/giao-duc/tai-sao-hau-het-cac-dai-hoc-nen-tu-bo-tro-choi-xep-hang-782223.html

Nguyễn Thị Lan Hương