Dự báo thời tiết khu vực “đổi mới giáo dục”

11/11/2013 08:23
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành
(GDVN) - Kẻ địch của “trận đánh” này là ai, là gì? Đây là một khái niệm mơ hồ, đánh vào con người yếu kém kiểu cũ, đánh vào tư duy cổ hủ, lỗi thời kìm hãm giáo dục hay đánh vào thành trì bảo thủ mà giáo dục đang cố thủ?

Nhiều nhà khoa học, nhà giáo có uy tín đã thẳng thắn nêu qua điểm của mình trước và sau khi đề án “Đổi mới toàn diên giáo dục…” vừa được TW thông qua. PGS. TS Nguyễn Văn Nhã cho rằng: “May ra chúng ta sẽ thay đổi được nền giáo dục”[1]; GS Hoàng Tụy cũng có quan điểm tương tự: "Mong sao 'số phận' đổi mới giáo dục kỳ này sẽ may mắn" [2].

Về phía Bộ GD&ĐT thì đương nhiên phải hết lòng vun đắp cho "đứa con" mang nặng đẻ đau nên: "Tôi coi đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn" [3] hay "Đổi mới toàn diện giáo dục lần này xứng tầm là một cuộc cách mạng" [4].

Dường như có một cái gì đó không nhất quán, tại sao lại là “đổi mới” mà không phải là “cải cách” và vì sao đã không phải là “cải cách” lại xứng tầm “cách mạng”.

Các ý kiến nêu trên thể hiện quan điểm ở hai phía: Phía nhà nước và phía phản biện xã hội. Ý kiến của GS. Hoàng Tụy và PGS. TS. Nguyễn Văn Nhã cho thấy một cảm giác hồ nghi, thiếu tin tưởng vào cuộc đổi mới lần này, lẽ nào chủ trương đổi mới giáo dục lại là một sự “ăn may”. 

Về phía nhà nước mà đại diện là Bộ trưởng Phạm Vũ Luận, nhận định ban đầu: “đổi mới giáo dục lần này là trận đánh lớn" cũng cho thấy một tâm trạng chưa chắc chắn, chưa thực sự đặt cả niềm tin vào cuộc chiến “đổi mới”.

Một “trận đánh lớn” không có nghĩa là một trận đánh thắng, càng không phải là trận đánh cuối cùng. Tuy nhiên đến nhận định “đổi mới xứng tầm một cuộc cánh mạng” thì có vẻ như thắng lợi là điều không phải bàn cãi, dường như Bộ đã nhìn thấy viễn cảnh tươi đẹp mà cuộc “cách mạng” đem lại.

Hy vọng câu thành ngữ: “nói trước bước không qua” sẽ không vận vào Bộ như ba lần cải cách trước. Như thường nói “trong cuộc đấu, điều quan trọng không phải là người rút gươm ra trước mà là người tra gươm vào vỏ sau cùng”.

Trong chiến tranh, những trận đánh lớn đều gây tổn thất cho cả hai phía không phải chỉ là về vũ khí, trang thiết bị mà còn là sinh mạng hàng nghìn, hàng vạn binh lính. Có thể trận đánh mà Bộ trưởng Luận đề cập không có tổn thương nhân mạng, nhưng liệu có chắc nó không gây thiệt hại về kinh tế và những hệ lụy xã hội?

Nhiều người còn nhớ về “trận đánh” mà một lãnh đạo công an cấp tỉnh nói về một vụ cưỡng chế, “đánh ai và ai đánh” là câu hỏi đặt ra song không có câu trả lời. Sự khác nhau là lần này “trận đánh” được công bố công khai từ trước và nhận được sự quan tâm của toàn xã hội, đặc biệt đó là “trận đánh” mà sự chỉ đạo đến từ cấp cao nhất – Trung ương Đảng.

Với nghị quyết vừa được ban hành, Giáo dục Việt Nam có bao nhiêu phần trăm thắng?

Giáo dục trong mối liên hệ tổng thể

Không thể tách Giáo dục khỏi mối liên hệ tổng thể với kinh tế, xã hội, an ninh, quốc phòng. Có thể nói “cuộc chiến” trong lĩnh vực giáo dục chỉ mới bắt đầu trong khi cuộc chiến chống tham những, lãng phí, tiêu cực và xuống cấp đạo đức xã hội đã diễn ra gay gắt và phần thắng có vẻ đang thuộc về phía phản diện? Bằng chứng là tiêu cực, tham nhũng không bị đẩy lùi mà càng ngày càng tinh vi hơn, phổ biến hơn và sự bất lực của pháp luật thì từ dân thường đến người quản lý cấp cao đều nhận thấy.
 
Lực lượng “tham gia cách mạng” mà Bộ trưởng Luận có trong tay là hơn 22 triệu thầy, cô giáo và học sinh, sinh viên” [3]. Tất cả hoặc là tham gia thụ động (học sinh) hoặc là tham gia bắt buộc (giáo viên), họ không có vai trò dẫn dắt, không phải là người cầm cờ.

Vai trò dẫn dắt phải thuộc về các “hiền tài”, các “nguyên khí quốc gia” nhưng dường như phần đông (nếu không gọi là tuyệt đại đa số) các hiền tài và nguyên khí này đang quay lưng với giáo dục. Nếu nhận định này là sai thì có nghĩa là phần lớn những người có học hàm, học vị đang quay lưng với giáo dục không phải là “hiền tài”, không phải là “nguyên khí quốc gia”.

Đấy chính là trái đắng mà Giáo dục phải thu hoạch bởi những hạt non, hạt chín ép mà Giáo dục đã gieo mấy chục năm qua.
 
Về phía chủ quan như Nghị quyết nhận định: “Quản lý giáo dục và đào tạo còn nhiều yếu kém. Đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục bất cập về chất lượng, số lượng và cơ cấu; một bộ phận chưa theo kịp yêu cầu đổi mới và phát triển giáo dục, thiếu tâm huyết, thậm chí vi phạm đạo đức nghề nghiệp”. Nếu chưa thể thanh lý hết loại “hàng tồn chất lượng kém” này, nếu các ban bệ tương lai của “đổi mới” lại vẫn là những khuôn mặt xưa cũ thì liệu họ có chấp nhận không nếu người ta nói 1 + 1 = 10 (trong hệ đếm nhị phân)? 

Trở lại “trận đánh” của ngành Giáo dục, muốn thắng lợi, lực lượng “tham chiến” phải đủ mạnh, phải hiểu kẻ địch và phải có thời cơ. Giáo dục Việt nam có gì?

Lực lượng “tham chiến” là đội ngũ quản lý, giáo viên các cấp. Đó không phải là một lực lượng mạnh cả về kiến thức chuyên môn cũng như năng lực lãnh đạo. Nói ra thì thật đau lòng, đó còn là đạo quân “ăn đói, mặc rách” nhất nếu so sánh với các đạo quân Ngân hàng, Điện lực, Xăng dầu, Đất đai… Các lực lượng phối hợp, hỗ trợ như Văn hóa, Truyền thông, Tài chính… ai cũng có mối lo của mình, ai cũng cũng có “nghĩa vụ” quan tâm tới “nhóm” của mình trước khi chìa tay cho Giáo dục. 

Tư lệnh ngành đang đặt Giáo dục vào cuộc chiến giống như của Đông Ki Sốt trước cối xay gió. Cần phải nhớ rằng các trận đánh theo kiểu “lấy thịt đè người” chẳng bao giờ mang đến thắng lợi. Điều quan trọng trước mắt là phải có tướng tài và bộ tham mưu giỏi vậy cho nên việc đầu tiên mà Bộ cần làm là tìm người cho Ủy ban cải cách giáo dục quốc gia mà TW đã quyết định thành lập chứ chưa phải là vội vàng kết luận điều này, điều kia là then chốt, là đột phá.

Kẻ địch của “trận đánh” này là ai, là gì? Đây là một khái niệm mơ hồ, đánh vào con người yếu kém kiểu cũ, đánh vào tư duy cổ hủ, lỗi thời kìm hãm giáo dục hay đánh vào thành trì bảo thủ mà giáo dục đang cố thủ? 

Hiến pháp đã quy định, luật pháp, chủ trương, nghị quyết đều ghi rõ “giáo dục là quốc sách hàng đầu” vậy sao giáo dục cho đến nay vẫn chưa thể “lớn”. Thiết nghĩ đã là quốc sách hàng đầu thì phụ trách nó phải là một ủy viên Bộ Chính trị am hiểu về giáo dục chứ không phải chỉ là cấp ủy viên TW như lãnh đạo các tỉnh thành trên cả nước.

Đã là quốc sách hàng đầu thì nó phải được chú ý từ ít nhất vài chục năm trước, từ khi thống nhất đất nước chứ không phải đến tận ngày nay mới giật mình tỉnh ngộ.

Thói quen đã ăn rất sâu vào tiềm thức là nói nhiều nhưng làm ít, mập mờ không minh bạch. Con số 20% ngân sách chi cho giáo dục được quảng bá rộng rãi nhưng thực ra đâu có phải như vậy, đã đến lúc Ủy ban Ngân sách của Quốc hội cần công khai thực chất GD phổ thông, dạy nghề và đại học nhận được bao nhiêu, bao nhiêu trong số 20% ấy dành cho khối đào tạo chính trị, đoàn thể, an ninh, quốc phòng? Chắc chắn đó không phải là một con số ấn tượng mà chúng ta cứ cố tô hồng.
 
Dù muốn hay không, theo Nghị quyết đã ban hành, đoàn tầu giáo dục bắt buộc phải chuyển bánh, Giáo dục không thể tự bắc đường ray, vẫn phải chạy trên con đường đã tồn tại mấy chục năm qua với hai thanh ray “tham nhũng” ‘lãng phí”, với đầy đường ngang và rào cản. Liệu cố tăng tốc có tránh khỏi tai nạn?

Thời cơ đã chín muồi cho “cuộc cách mạng” hay chưa? Câu trả lởi là chưa. Chừng nào mà tham nhũng, tiêu cực chưa bị đẩy lùi, chừng nào mà chính sách ban hành vẫn bị chi phối bởi “lợi ích nhóm” thì “trận đánh” trong nội bộ ngành Giáo dục chỉ là chuyện “dội bom xuống biển”.

Ngành Giáo dục có trong sạch đến mấy, đội ngũ giáo viên có tài giỏi đến mấy cũng không thể tạo thành một ốc đảo trong xã hội đầy rẫy nhiễu nhương này. Nếu chống tham nhũng hiện nay mới chỉ như “gãi ghẻ”, (mượn ý câu nói của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng) thì làm sao giáo dục có thể tạo sự đột phá?

Xây dựng cho mình một sân chơi riêng không phải là cách làm khoa học, đổi mới giáo dục phải song hành, thậm chí có thể lùi sau lại một chút so với chống tham nhũng, giáo dục  không phải là “khâu đột phá” để trở thành động lực phát triển xã hội.

Mong muốn “đổi mới toàn diện, triệt để” nền giáo dục Việt Nam trong cơ chế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa cần lấy bài học từ các doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế này. Với một cơ chế thị trường đã định hình trên toàn thế giới, chúng ta thực ra vẫn chưa thể tham gia với tư cách là một thành viên đầy đủ năng lực.

Chúng ta không thể bắt thê giới chơi theo luật của riêng mình. Trong điều hành kinh tế vĩ mô, thật ra chúng ta vẫn đang mò mẫm tìm con đường cơ chế, vẫn còn thí điểm mô hình, vẫn chưa có kết luận cuối cùng về tính ưu việt của nó vậy nên đừng vội áp dụng nó cho giáo dục. 

Hãy nghe lời bà mẹ nông dân Việt dạy con: “Việc hôm nay chớ để ngày mai, chi bằng con nói thế này, mẹ ơi con muốn ngoan ngay bây giờ”. Đặt Giáo dục vào nền kinh tế thị trường thì phải theo quy luật của nó, như người ta vẫn nói: ‘thương trường là chiến trường”. Giáo dục hãy “ngoan” ngay đi, hãy mạnh dạn cắt bỏ bao cấp, để các trường CĐ-ĐH được cạnh tranh lành mạnh ngay từ hôm nay chứ không phải sau năm 2015, hãy để sự nghiệp xã hội hóa giáo dục phát triển theo con đường tự nhiên không bị rào cản. Giáo dục nhà nước chỉ nên tập trung vào phổ thông và đào tạo nhân tài, còn đào tạo nhân lực là việc của loại hình đào tạo khác.

“Đổi mới”, “cải cách” hay “cách mạng” có thể có những mức độ nặng nhẹ khác nhau, dẫu sao dám nói đến thay đổi đã là điều đáng quý. Vấn đề là chỉ với nội bộ ngành Giáo dục thì không thể thành công, thậm chí dù có sự chỉ đạo ở cấp cao nhất.

Cuộc “cách mạng” về giáo dục (theo ý Bộ trưởng Phạm Vũ Luận) sợ rằng sẽ đi theo vết xe của sự nghiệp chống tham nhũng, lãng phí chừng nào chưa có cuộc cách mạng về “chiếc ghế” và “cái ô” mà rất nhiều công bộc của dân vẫn đang khu khư nắm giữ.

Tài liệu tham khảo:
 [1] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/PGSTS-Nguyen-Van-Nha-May-ra-chung-ta-se-thay-doi-duoc-nen-giao-duc/318529.gd
[2] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/GS-Hoang-Tuy-Mong-sao-so-phan-doi-moi-giao-duc-ky-nay-se-may-man/322618.gd
[3] http://vnexpress.net/tin-tuc/xa-hoi/toi-coi-doi-moi-giao-duc-lan-nay-la-tran-danh-lon-2886136.html
[4] http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Doi-moi-toan-dien-giao-duc-lan-nay-xung-tam-la-mot-cuoc-cach-mang/324407.gd
Tác giả: TS. Dương Xuân Thành