Đống Đa, Hà Nội: Nghị định cho tuyển người học khá, đánh trượt người học giỏi

23/12/2015 06:51
Xuân Trung
(GDVN) - Thực tế, kỳ thi tuyển viên chức vừa qua, người học khá được tuyển, còn người học giỏi thì trượt. Quận Đống Đa, Hà Nội cho là do quy định tại Nghị định 29...

Liên quan tới sự việc thí sinh Vũ Phương Nhi có bằng giỏi nhưng tính theo Nghị định 29 thì điểm học tập chỉ là bằng khá, do đó trượt viên chức ngành giáo dục Q. Đống Đa, Hà Nội.

Ngày 22/12, làm việc với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam về nội dung liên quan, Hội đồng tuyển dụng viên chức Q. Đống Đa gồm có; bà Hà Thị Lê Nhung – Phó Chủ tịch UBND Q. Đống Đa, Chủ tịch Hội đồng tuyển dụng viên chức, ông Nguyễn Chí Long – Chánh thanh tra Q. Đống Đa, tổ phó tổ giám sát của Thành phố Hà Nội, ông Nguyễn Duy Long – Phó Chủ tịch thường trực Hội đồng tuyển dụng viên chức, ông Đàm Mạnh Cầu – Chuyên viên Phòng Nội vụ của Q. Đống Đa.

Theo thông tin từ bà Hà Thị Lê Nhung, đợt tuyển viên chức vừa qua của Q. Đống Đa đã làm đúng theo quy trình. Ngày 29/10 Hội đồng tuyển dụng có thu bảng điểm gốc của các thí sinh (sau khi làm khảo sát), đồng thời yêu cầu các thí sinh tự tính điểm học tập của mình và sau đó ký tên vào bảng điểm.

Lãnh đạo Q. Đống Đa trong buổi làm việc với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.
Lãnh đạo Q. Đống Đa trong buổi làm việc với Phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam.

Sau đó 3 ngày (2/11) Hội đồng tiến hành tính lại điểm học tập, theo đúng quy định là mời thí sinh đến đối chiếu điểm. Ngày 4/11, sau khi tổ chức đối chiếu điểm xong, thí sinh Vũ Phương Nhi đồng ý với kết quả tính điểm học tập của Hội đồng tuyển dụng là 79,24 (có ký tên).

Nhưng sau đó, thí sinh này đã có đơn khiếu nại vì kết quả học tập của mình đạt loại giỏi trong khi Hội đồng tuyển dụng Q. Đống Đa tính được thành 79,24 điểm (loại khá)? 

Theo giải thích từ bà Nhung, Hội đồng tuyển dụng đã đi tìm hiểu và đối chiếu với một số trường đại học để tìm nguyên nhân. Theo đó, có nhiều trường có cách tính điểm khác (tính điểm của Bộ GD&ĐT khác với đơn vị tuyển dụng).

“Loại giỏi là cách tính điểm của các trường, còn chúng tôi tuyển dụng là dựa vào cách tính tại Nghị định 29 của Chính phủ; để chắc hơn chúng tôi đã hỏi lại Sở Nội vụ bằng văn bản thì Sở nói chỉ tính tổng điểm chứ không tính điểm điều kiện hay không điều kiện” bà Nhung cho biết.

Khi thí sinh Vũ Phương Nhi có đơn khiếu nại liên quan tới điểm học tập, theo lời bà Nhung ngay sau đó Hội đồng đã cho rà soát lại và đã có văn bản trả lời thí sinh Nhi ( văn bản số 35).

Bà Nhung dẫn theo khoản 1, Điều 12 Nghị định 29: “Điểm học tập được xác định bằng trung bình cộng kết quả các môn học trong toàn bộ quá trình học tập của người dự xét tuyển ở trình độ, chuyên môn, nghiệp vụ theo yêu cầu của vị trí dự tuyển và được quy đổi theo thang điểm 100, tính hệ số 1”.

Bảng điểm của thí sinh Vũ Phương Nhi tốt nghiệp với điểm học tập loại giỏi do Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp, nhưng khi áp dụng cách tính điểm của Hội đồng tuyển dụng Q. Đống Đa theo Nghị định 29 của Chính phủ thì điểm học tập chỉ được loại khá với 79,24 điểm.
Bảng điểm của thí sinh Vũ Phương Nhi tốt nghiệp với điểm học tập loại giỏi do Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội cấp, nhưng khi áp dụng cách tính điểm của Hội đồng tuyển dụng Q. Đống Đa theo Nghị định 29 của Chính phủ thì điểm học tập chỉ được loại khá với 79,24 điểm.

Như vậy, theo cách tính này thì có bao nhiêu điểm trong bảng điểm của thí sinh Vũ Phương Nhi sẽ được cộng tổng lại và chia trung bình thì được 79,24 điểm.

Ngay sau đó, Sở Nội vụ Hà Nội tiếp tục có Công văn số 2973 yêu cầu Q. Đống Đa rà roát lại cách tính điểm, kể cả của bậc thạc sỹ và đã tính lại điểm cho 11 thí sinh khác. Vấn đề này, theo bà Nhung các quận, huyện khác cũng làm tương tự.

Đống Đa, Hà Nội: Nghị định cho tuyển người học khá, đánh trượt người học giỏi ảnh 3

Nghi quận Đống Đa khuất tất tính điểm thi viên chức, thí sinh yêu cầu thanh tra

(GDVN) - Tôi thấy không minh bạch trong cách tính điểm của Hội đồng tuyển dụng Q. Đống Đa. Tôi đề nghị được thanh tra, kiểm tra hai số báo danh 468 và 470".

“Hội đồng hoàn toàn tính theo quy định, Nghị định 29 là hàng đầu, còn những điều thắc mắc thì sẽ hỏi Sở Nội vụ và Sở Giáo dục. Chúng tôi chỉ làm theo kênh này, chứ chúng tôi không thể làm theo kênh của các nhà trường đại học được” bà Nhung cho biết.

Như vậy, điều bất cập lớn nhất ở đây là cách tính điểm học tập giữa trường đại học và nơi tuyển dụng đang có sự không thống nhất, điều này ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi các thí sinh trong quá trình tuyển dụng.

Bởi có những thí sinh điểm học tập loại giỏi (theo cách tính của trường), nhưng khi tham gia tuyển dụng (áp dụng cách tính theo Nghị định 29) điểm học tập lại trở về mức khá, trường hợp như của thí sinh Vũ Phương Nhi là một điển hình.

Theo lãnh đạo Q. Đống Đa, các năm trước quận cũng áp dụng theo cách tính như năm nay, và cũng đã nhìn ra bất cập, cũng đã có đề xuất, phản ánh. Nhưng theo quy định, vẫn phải chờ tới khi có hướng dẫn sửa thì các cơ sở mới làm theo. 

“Đề xuất nhiều lần nhưng Chính phủ, Bộ Nội vụ chưa sửa thì bắt buộc chúng tôi phải làm theo cái cũ. Bao giờ có cái mới phủ nhận cái cũ thì chúng tôi mới làm theo cái mới. Như vậy, rõ ràng giữa hệ thống đào tạo và hệ thống tuyển dụng là có bất cập, nhưng tuyển dụng phải theo cách của tuyển dụng chứ không theo cách tính của trường đào tạo được.

Trong khi đó, thí sinh Đào Ngọc Quỳnh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội loại khá, nhưng khi tính the Nghị định 29 lại có điểm cao hơn loại giỏi của thí sinh Vũ Phương Nhi. Điều này là một bất cập rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của thí sinh, nhất là thí sinh có điểm học tập cao.
Trong khi đó, thí sinh Đào Ngọc Quỳnh tốt nghiệp trường Đại học Sư phạm Hà Nội loại khá, nhưng khi tính the Nghị định 29 lại có điểm cao hơn loại giỏi của thí sinh Vũ Phương Nhi. Điều này là một bất cập rất lớn, ảnh hưởng trực tiếp tới quyền lợi của thí sinh, nhất là thí sinh có điểm học tập cao.

Điều này trong Hội đồng tuyển dụng cũng băn khoăn lắm, nhưng không có cách nào khác”.

Trường hợp của thí sinh Vũ Phương Nhi nếu tính theo kết quả học tập của Trường Đại học Giáo dục (nơi thí sinh Nhi tốt nghiệp) thì điểm học tập đạt 80,8 là loại giỏi, nhưng khi áp dụng cách tính tại khoản 1, Điều 12 Nghị định 29 thì điểm học tập của thí sinh Nhi chỉ được 79,24 điểm.

Đống Đa, Hà Nội: Nghị định cho tuyển người học khá, đánh trượt người học giỏi ảnh 5

Bộ Nội vụ có công văn hỏa tốc yêu cầu Hà Nội làm rõ cách tính điểm thi viên chức

(GDVN) - Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn ký công văn hỏa tốc đề nghị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra và có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về cách tính điểm xét tuyển.

Ngược lại, khác với trường hợp của thí sinh Vũ Phương Nhi, thí sinh Đào Ngọc Quỳnh, số báo danh 470 có điểm học tập toàn khóa của trường Đại học Sư phạm Hà Nội là 8,0, nhưng vẫn xếp loại khá. Và áp dụng theo cách tính của Nghị định 29 thì thí sinh này có điểm học tập khi cộng các môn và chia trung bình là 79,7 điểm (cao hơn điểm loại giỏi của thí sinh Nhi).

Theo bà Hà Thị Lê Nhung, không chỉ trường hợp của thí sinh Vũ Phương Nhi tốt nghiệp loại giỏi nhưng khi tính lại theo Nghị định 29 chỉ đạt loại khá mà còn có nhiều thí sinh khác cũng rơi vào cảnh tương tự. 

Rõ ràng, điều bất cập này đã nhìn thấy từ trước, nhưng là quy định mang tính chất khung cơ bản để tính điểm tuyển viên chức nên các cơ sở tuyển dụng vẫn phải áp dụng. Bà Nhung trao đổi thêm, ngay cả cách tính điểm tại các cơ sở đào tạo cũng mỗi trường một kiểu.

Lãnh đạo Q. Đống Đa khẳng định làm đúng quy trình và quy định của nhà nước về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, những bất cập trong Nghị định 29 biết mà vẫn chưa có điều chỉnh.
Lãnh đạo Q. Đống Đa khẳng định làm đúng quy trình và quy định của nhà nước về tuyển dụng viên chức. Tuy nhiên, những bất cập trong Nghị định 29 biết mà vẫn chưa có điều chỉnh.

“Còn vì sao không tính cho thí sinh Nhi theo khoản 2, Điều 12 của Nghị định 29 vì thí sinh Nhi được đào tạo theo tín chỉ. Vướng đâu chúng tôi phải hỏi Sở Nội vụ, và rõ ràng là thấy bất cập.

Vấn đề này từ cấp Bộ, cấp Trung ương phải làm sớm, chứ càng để lâu như hiện nay là khổ cả cho người tuyển dụng và khổ cả cho thí sinh. Nhưng trước mắt, nếu chưa sửa được thì Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục phải thống nhất có hướng dẫn để cấp dưới dễ làm.

Em Nhi cũng có lí của em, rõ ràng là kết quả học loại giỏi mà tính ra thì thành loại khá, như vậy là thiệt cho em nó. Nhưng theo quy đinh, chúng tôi không thể làm trái được. Năm nào cũng mất nhiều thời gian về vấn đề này” bà Nhung đề nghị.

Theo bà Nhung, những bất cập trong việc không thống nhất cách tính điểm giữa Nghị định 29 và Bộ Giáo dục đã khiến nhiều thí sinh có kết quả học tập loại giỏi bị thiệt và ngược lại những thí sinh học loại khá thì lại trúng tuyển.

Khẳng định lại, bà Hà Thị Lê Nhung nói: “Vấn đề bất cập chúng tôi đã kiến nghị từ 2-3 năm nay, vì thực tế thấy ở cơ sở bất cập nên kiến nghị. Thành phố cũng đã kiến nghị lên Trung ương nhưng mãi chưa thay đổi được”.

Được biết, tổng chỉ tiêu viên chức ngành giáo dục của Q. Đống Đa năm 2015 là 173, trong đó cũng có nhiều thí sinh gặp phải tình cảnh giống như thí sinh Vũ Phương Nhi.

Trước đó, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Trần Anh Tuấn đã có công văn hỏa tốc đề nghị UBND Thành phố Hà Nội kiểm tra và có văn bản báo cáo Bộ Nội vụ về cách tính điểm xét tuyển trong kỳ tuyển viên chức vừa qua.

Theo đó, Bộ Nội vụ trong thời gian qua đã nhận được đơn kiến nghị, phản ánh của một số thí sinh tham gia kỳ tuyển dụng viên chức giáo dục do UBND Thành phố Hà Nội, Sở Nội vụ thành phố Hà Nội hướng dẫn, chỉ đạo Hội đồng tuyển dụng ở các quận, huyện tổ chức thực hiện (ví dụ: tại huyện Thạch Thất, Ứng Hòa, Ba Vì, Quốc Oai, Thanh Oai, Mỹ Đức…). 

Nội dung kiến nghị về cách tính điểm học tập, điểm tốt nghiệp trong kỳ tuyển dụng viên chức ngành giáo dục trực thuộc các quận, huyện, thị xã thuộc UBND Thành phố Hà Nội năm 2015.

Bộ Nội vụ cho rằng, để có đầy đủ thông tin phục vụ công tác quản lý nhà nước về nội dung phản ánh nêu trên, đề nghị UBND thành phố Hà Nội xem xét kiểm tra và có văn bản báo cáo gửi Bộ Nội vụ trước ngày 22/12/2015.

Thiết nghĩ, khi chưa sửa được những điểm bất cập trong Nghị định 29 của Chính phủ thì nên chăng Bộ Nội vụ và Bộ Giáo dục cần thống nhất đưa ra một văn bản hướng dẫn tới các địa phương để làm căn cứ thống nhất cách tính điểm trong quá trình tuyển dụng viên chức ngành giáo dục.

Xuân Trung