Đồng chí nào muốn làm giám khảo?

06/06/2019 06:44
Sơn Quang Huyến
(GDVN) - Việc yêu cầu học sinh làm lại trên tờ giấy thi khác khi đã 70 phút, lại là môn Ngữ văn là sai lầm khó chấp nhận của giám thị và… hội đồng coi thi!

LTS: Việc sai sót của giám thị coi thi ảnh hưởng đến việc làm bài của thí sinh là một sai lầm đáng trách nhưng cách xử lý như thế nào sau sai sót đó mới là điều quan trọng.

Toà soạn trân trọng gửi đến độc giả bài viết của thầy Sơn Quang Huyến.

Xử lý sau sự cố 2 giám thị coi thi của phòng thi số 25, thuộc địa điểm thi Trường Trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp, Thành phố Đồng Hới (Quảng Bình), ký nhầm vào ô của cán bộ chấm thi khiến 24 thí sinh phải làm bài lại từ đầu khi thời gian đã trôi qua hơn một nửa.

Sáng 3/6, Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, tổ chức cuộc họp khẩn với 24 phụ huynh của các thí sinh tại phòng thi số 25, thuộc địa điểm thi Trường Trung học phổ thông chuyên Võ Nguyên Giáp.

Theo tường trình, sáng 3/6, tại điểm thi Trường Trung học phổ thông Chuyên Võ Nguyên Giáp (Thành phố Đồng Hới) diễn ra môn thi Ngữ văn với thời gian 120 phút. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình họp khẩn. Ảnh: Vietnamnet.vn
Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình họp khẩn. Ảnh: Vietnamnet.vn

Tại phòng thi số 25, khi các em làm bài đến khoảng chừng phút 70, thì 2 giám thị coi thi phát hiện mình ký nhầm vào ô dành cho cán bộ chấm thi.

Để giải quyết sự cố này, 2 giám thị đã yêu cầu 24 thí sinh của phòng thi làm lại bài trên tờ giấy thi mới.

Do thời gian đã trôi qua khá nhiều, phải lại phải làm lại từ đầu nên nhiều học sinh đã òa khóc ngay tại phòng thi.

Ông Đinh Quý Nhân, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình, cho biết đã lên phương án xử lý bằng việc cho toàn bộ thí sinh thi lại bài (tùy nguyện vọng). Đồng thời gửi lời xin lỗi đến phụ huynh và các thí sinh. 

Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Bình cũng đã đình chỉ công tác coi thi đối với 2 giám thị nói trên. 

Giám thị ký nhầm vào ô giám khảo có dễ xảy ra không? 

Chuyện “thường ngày ở huyện”, không ít trường hợp ký nhầm người viết đã từng chứng kiến trong hơn 30 năm dạy học. 

Vậy làm sao khỏi ký nhầm? 

6.400 học sinh Quảng Bình phải thi lại vào lớp 10
6.400 học sinh Quảng Bình phải thi lại vào lớp 10

Hiệu trưởng có giáo viên được điều động đi làm công tác thi, phổ biến nghiệp vụ cho giáo viên được điều động; chỉ đề xuất những giáo viên có năng lực đi coi thi. 

Chủ tịch hội đồng coi thi, cho thí sinh biết ô giám thị được ký trong tờ giấy thi, ngay trong lễ khai mạc; đây là sai sót dễ gặp trong khâu coi thi, ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của thí sinh; thí sinh biết, sẽ phát hiện sớm nhất để kì thi suôn sẻ.

Có Chủ tịch dí dỏm, hỏi toàn thể hội đồng coi thi “Có đồng chí giám thị nào muốn làm giám khảo không?”, chỉ câu hỏi vui đó, không còn ai vi phạm.

Về phía giám thị 2, đọc kĩ tờ giấy thi, ký đúng vào ô giám thị 2, ký xong mới phát giấy thi cho thí sinh.

Giám thị 2 ký đúng, 100% giám thị 1 ký đúng; nếu giám thị 2 ký nhầm ô giám khảo, thường giám thị 1 phát hiện được; trường hợp cùng ký nhầm là do hai con “gà mờ” vô một chuồng!

Nếu ký nhầm, xử lý như thế nào? 

Nếu phát đề, giám thị 1 phát hiện ra ngay, nên xin giấy thi khác thay cho thí sinh ngay.

Nếu thời gian dài như trường hợp trên, coi như không có chuyện gì xảy ra, để thí sinh làm bài; sau khi thu bài, báo cáo Chủ tịch hội đồng coi thi xử lý. 

Những bài ký nhầm ô như thế này, thường được “chấm chung” nhiều người; bài chấm chung đảm bảo chính xác tuyệt đối! Lỗi này thuộc về giám thị, nên thí sinh không bị trừ điểm.

Với thí sinh, không có gì bất lợi, kết quả bài thi càng chính xác, đúng năng lực của mình, không sợ sai sót trong khâu chấm thi; chỉ có những ai “nhờ xem điểm”, không thể “bị nâng điểm” được với trường hợp này.

Việc yêu cầu học sinh làm lại trên tờ giấy thi khác khi đã 70 phút, lại là môn Ngữ văn là sai lầm khó chấp nhận của giám thị và… hội đồng coi thi!

Ký nhầm ô giám khảo, giám thị bị kỷ luật như thế nào?

Với kỳ thi tuyển sinh Trung học phổ thông, phần lớn các Chủ tịch hội đồng thi sẽ đình chỉ công tác thi với giáo viên vi phạm.

Việc kỷ luật tiếp theo, thường ít xảy ra, chủ yếu là “giơ cao, đánh khẽ”, thể hiện tính “nhân văn” trong giáo dục. 

Tuy nhiên cũng có nơi “làm đến nơi đến chốn”, giám thị sai phạm sẽ bị mức kỉ luật “khiển trách” ngang với sai phạm này trong thi Trung học phổ thông Quốc gia; buồn nhất là cái tên giáo viên vi phạm sẽ “không còn tồn tại” trong bất cứ hội đồng thi nào nữa do địa phương tổ chức. 

Làm giám thị hay làm bất cứ công việc gì, cũng cần có trách nhiệm; hời hợt, không chú ý, túm ba tụm bảy tán gẫu khi chủ tịch hội đồng phổ biến quy chế thi, dẫn đến sai sót càng đáng trách. 

Còn làm giáo viên, còn có khả năng điều động đi làm công tác thi; hiểu rõ quy chế, làm đúng quy định, tự bảo vệ mình; giúp thí sinh làm bài tốt, kì thi thành công.   

Tài liệu tham khảo: 

https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/dinh-chi-2-can-bo-coi-thi-vi-ky-nham-tren-bai-lam-cua-24-thi-sinh-20190604095427508.htm

https://luatvietnam.vn/tin-van-ban-moi/chinh-thuc-co-quy-che-thi-thpt-quoc-gia-2019-186-19446-article.html

https://luatvietnam.vn/giao-duc/thong-tu-03-2019-tt-bgddt-sua-doi-quy-che-thi-thpt-quoc-gia-xet-tot-nghiep-thpt-171497-d1.html

Sơn Quang Huyến