Dồn hết nguồn lực cho lớp 6, năm nay triển khai GDPT mới nhiều trường loay hoay

09/04/2022 06:59
Thiên Nhi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Những vướng mắc trong công tác phân công giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu dạy tích hợp đến nay vẫn là một bài toán khó đối với các trường trung học cơ sở.

Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được áp dụng với khối lớp 7.

Chương trình được xây dựng theo hướng mở, không còn hai môn Sinh học, Vật lý mà thay bằng Khoa học tự nhiên. Hai cặp môn Lịch sử và Địa lý, Âm nhạc và Mỹ thuật cũng được tích hợp lại, giữ nguyên thời lượng như chương trình hiện hành.

Các môn học, hoạt động bắt buộc khác gồm: Ngữ văn, Toán, Ngoại ngữ 1, Giáo dục công dân, Công nghệ, Tin học, Giáo dục thể chất, Hoạt động trải nghiệm giáo dục của địa phương. Chương trình mới cho phép học sinh lớp 7 tự chọn Tiếng dân tộc thiểu số hoặc Ngoại ngữ 2.

Tổng số tiết mỗi tuần của chương trình hiện hành là 28,5+, chương trình mới là 29. Các trường được khuyến khích dạy hai buổi trên ngày, mỗi buổi không quá 5 tiết, mỗi tiết 45 phút.

Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được áp dụng với khối lớp 7. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Từ năm học 2022-2023, chương trình giáo dục phổ thông mới lần đầu tiên được áp dụng với khối lớp 7. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về công tác chuẩn bị cho chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 7, cô Nguyễn Ngọc Anh - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Thành Công (quận Ba Đình, Thành phố Hà Nội) cho biết, nhà trường đã bước đầu hoàn thành công tác chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, đội ngũ cho năm học tới.

"Năm học 2021-2022, trường đã triển khai giảng dạy sách giáo khoa mới đối với khối lớp 6. Thời gian đầu thực hiện có những khó khăn nhất định do cả giáo viên, học sinh và phụ huynh đều lúng túng. Qua những kết quả và kinh nghiệm triển khai chương trình đối với lớp 6, nhà trường sẽ đánh giá, rút kinh nghiệm để có kế hoạch cụ thể và lựa chọn bộ sách sao cho phù hợp đối với khối lớp 7", cô Nguyễn Ngọc Anh nói.

Cùng vấn đề này, thầy Lò Văn Thại - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) chỉ ra khó khăn lớn nhất của các trường ở khu vực miền núi khi thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới đó chính là thiếu giáo viên, cơ sở vật chất chưa đủ đáp ứng, điều kiện tổ chức còn hạn chế.

"Ví dụ với môn Khoa học tự nhiên được tích hợp từ hai môn Sinh học và Vật lý, thực tế nhà trường chưa có giáo viên dạy liên môn nên sắp tới khi triển khai chương trình đối với khối lớp 7, trường có thể sẽ phải dạy đồng thời song song 2 phân môn, bố trí sắp xếp thời khóa biểu linh hoạt để hoàn thành kế hoạch môn học.

Việc sắp xếp giáo viên dạy môn tích hợp sẽ gặp nhiều khó khăn bởi nguồn giáo viên đang rất khan hiếm, chưa kể nhà trường đã tập trung, dồn hết nguồn lực để thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông mới đối với khối lớp 6", vị Hiệu trưởng này nêu quan điểm.

Cũng theo thầy Thại, các khu sản xuất, trang trại, địa điểm tổ chức học tập, trải nghiệm trên địa bàn huyện cách xa trường nên việc đưa các em đi tham quan rất khó trong khi kinh phí tổ chức của nhà trường là rất ít ỏi.

Hoạt động này đã được triển khai đối với khối lớp 6 nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bởi vậy nhà trường rất mong nhận được sự hỗ trợ kinh phí hoặc nguồn xã hội hóa từ địa phương để có thể đáp ứng hoạt động giáo dục này.

"Lựa chọn giáo viên dạy giỏi và giàu kinh nghiệm cũng là một trong những giải pháp được Trường phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và Trung học cơ sở Tà Tổng (huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu) thực hiện để giảm bớt khó khăn, áp lực cho việc dạy Chương trình giáo dục phổ thông mới.

Nhà trường đã cử giáo viên tham gia các lớp tập huấn từ chương trình giáo dục phổ thông mới cho đến tập huấn sử dụng sách giáo khoa, sẵn sàng thực hiện tốt các yêu cầu mới đặt ra", thầy Lò Văn Thại cho biết thêm.

Tương tự, cô Vũ Thị Quế - Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Linh Thông (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ, công tác chuẩn bị về đội ngũ, cử giáo viên tham gia các lớp bồi dưỡng luôn được trường chú trọng khi triển khai chương trình mới.

Ngoài ra, các giáo viên cũng tự giác học hỏi, nâng cao trình độ để đáp ứng yêu cầu của chương trình, thay đổi cách thức giảng dạy sáng tạo, truyền đạt kiến thức tốt nhất đến học sinh.

Hiện, nhà trường đã có văn bản hướng dẫn giáo viên trực tiếp giảng dạy chọn sách giáo khoa. Tuy nhiên, những vướng mắc trong công tác phân công giáo viên và sắp xếp thời khóa biểu dạy tích hợp đến nay vẫn là một bài toán khó đối với Trường Trung học cơ sở Linh Thông (huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên) khi chương trình sắp tới sẽ áp dụng với cả khối lớp 7.

Do vậy, trường dự kiến trong năm học mới sẽ có nhiều điều chỉnh về thời khóa biểu với khối lớp 7. Thời khóa biểu không xây dựng theo cách truyền thống và áp dụng hết học kỳ như trước đây. Kế hoạch dạy học của giáo viên cũng thay đổi theo từng tháng để có thể "tích" sao cho "hợp".

Thiên Nhi