Dời thi quốc gia đến cuối tháng 7 là hợp lí!

21/02/2020 07:13
Ánh Dương
(GDVN) - Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất dời kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đến cuối tháng 7 là một chủ trương đúng đắn.

Ngày 17/2/2020, Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có văn bản trình Thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố dự thảo kiến nghị đề xuất kỳ thi trung học phổ thông quốc gia được lùi lại đến cuối tháng 7/2020.

Cùng với đó, sẽ điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, tiếp tục học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7/2020 để hoàn tất chương trình. [1]

Theo chúng tôi, đây là một chủ trương đúng đắn, kịp thời của ngành Giáo dục Thành phố trong thời điểm học sinh đang nghỉ phòng dịch Covid-19 hiện nay.

Thứ nhất, theo một khảo sát trên Báo điện tử VnExpress với 34.000 lượt thăm dò, có hơn 60% đồng ý nghỉ hết tháng 3 và 34% cho rằng nghỉ hết tháng 2 là đủ.

Còn khảo sát trên Báo VietNamNet với số lượng tham gia ít hơn, nhưng tỷ lệ cũng tương tự, với 59% đồng ý nghỉ hết tháng 3 và 35% cho rằng nghỉ hết tháng 2 là đủ (ngày khảo sát 17/2/2020). [2]

Nhiều giáo viên ở Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, qua thăm dò, khoảng hơn 50% phụ huynh muốn kéo dài thời gian nghỉ học của con em sang tháng 3, đợi xem diễn biến dịch Covid-19 thế nào rồi mới tính tiếp.

Như vậy, nếu ngành Giáo dục mở trường vào đầu tháng 3 thì sẽ có hơn một nửa học sinh không đến lớp.

Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất dời kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đến cuối tháng 7/2020. (Ảnh minh họa: Laodong.vn)
Ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh đề xuất dời kỳ thi trung học phổ thông quốc gia đến cuối tháng 7/2020. (Ảnh minh họa: Laodong.vn)

Về lí (Luật Giáo dục), học sinh được quyền nghỉ không quá 45 ngày vẫn được xét hạnh kiểm và dự kiểm tra cuối kì, nếu đủ điều kiện theo quy định hiện hành thì cho lên lớp.

Còn về tình, nhà trường cũng không thể phó mặc cho số học sinh nghỉ học mà vẫn phải có kế hoạch dạy bồi dưỡng, phụ đạo cho các em sau đó. Như thế, việc xây dựng kế hoạch học tập sẽ chồng chéo, rắc rối vô cùng.

Chúng tôi nhận định, học sinh bậc mầm non và tiểu học sẽ nghỉ học nhiều nhất, tiếp đến là các khối lớp 6, 7, 8 vì các em hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ.

Riêng học sinh lớp 9, lớp 12 thì đi học khá đầy đủ vì áp lực của kì thi tuyển sinh vào 10 và thi trung học phổ thông quốc gia sắp tới.

Thứ hai, mặc dù Thành phố Hồ Chí Minh (và cả nước) đã kiểm soát tốt bệnh viêm phổi do virus Covid-19 gây ra nhưng diễn biến dịch bệnh trên thế giới vẫn còn phức tạp.

Hơn nữa, thành phố có trên 10 triệu dân và khoảng 1,7 triệu học sinh đang theo học thì việc kéo dài nghỉ học đến hết tháng 3 là nhằm đảm bảo sức khỏe ở mức tốt nhất.

Theo khung thời gian, học kì 2 của năm học 2019-2020 sẽ bị trễ khoảng 7 tuần. Các trường có thể dạy bù cho học sinh vào tháng 6, 7 để đảm bảo các em được nghỉ ngơi hợp lí, không bị áp lực dồn ép chương trình.

Vậy nên có thể tổ chức kì thi trung học phổ thông quốc gia sau ngày 20/7 trên toàn quốc. Giám khảo sẽ có khoảng 2 tuần chấm bài, hoàn tất điểm để Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố điểm thi sau đó.

Như thế, năm học mới 2020-2021 sẽ bắt đầu khoảng 15/8/2020 hoặc lùi lại một tuần là kịp tiến độ với khung thời gian năm học.

Ý kiến cá nhân tôi cho rằng, Thành phố Hồ Chí Minh có thể không cần thi chung kì thi trung học phổ thông quốc gia với cả nước.

Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố tự tổ chức thi để xét tốt nghiệp nếu các địa phương khác không thể dời kì thi thi trung học phổ thông quốc gia đến cuối tháng 7 cho đồng bộ.

Việc làm này hoàn toàn hợp lí vì tỉ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp hàng năm của Thành phố Hồ Chí Minh đều ở mức cao (năm 2018 trên 99%, năm 2019 là 97,6%). [4, 5]

Thứ ba, hiện nay theo quy định tại Nghị định 127/2018/NĐ-CP của Chính phủ về trách nhiệm quản lý Nhà nước về giáo dục, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh là cơ quan quản lý hoạt động giáo dục tại địa phương và Sở Giáo dục và Đào tạo là cơ quan quản lý trực tiếp, chịu trách nhiệm giải trình về hoạt động giáo dục trước Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Trên cơ sở đó, hàng năm, mỗi địa phương sẽ ban hành ra Khung kế hoạch năm học, trong đó có quy định về thời gian bắt đầu và kết thúc năm học. [6]

Chiếu theo Nghị định trên, ngành Giáo dục Thành phố Hồ Chí Minh kiến nghị dời kì thi trung học phổ thông quốc gia và điều chỉnh khung thời gian năm học là đúng quy định.

Thứ tư, hiện tại nhiều trường ở Thành phố Hồ Chí Minh (và cả nước) cho học sinh học online để vừa ôn tập vừa học bài mới.

Nghỉ chống dịch Corona, học sinh cần học bài thế nào cho hiệu quả?
Nghỉ chống dịch Corona, học sinh cần học bài thế nào cho hiệu quả?

Thế nhưng, mỗi trường làm một kiểu, không có sự thống nhất chung. Một số trường lên thời khóa biểu dạy học trực tuyến bài bản theo tiết. Nhưng cũng rất nhiều trường chỉ gửi bài tập cho học sinh làm, sau đó giáo viên chấm và chữa bài.

Theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chưa có quy định nào cho phép việc dạy học chính khóa ở bậc phổ thông bằng cách trực tuyến, nên chắc chắn sẽ không có hướng dẫn nào về nội dung này.

Việc dạy học trực tuyến trong thời gian học sinh nghỉ vì dịch Covid-19 là cần khuyến khích nhưng không thể thay thế dạy trực tiếp. Các trường vẫn phải dạy bù để đảm bảo thời gian thực học cho học sinh. [3]

Cho nên, nếu dạy bù cho học sinh vào buổi 2 (với học sinh học 2 buổi/ngày) thì quá áp lực vì các em có thể học 9 tiết chính khóa/ngày suốt tuần.

Chưa kể, nếu dạy bù vào ngày thứ 7, chủ nhật thì chắc chắn mức độ tiếp thu bài của học sinh cũng không cao vì các em không có thời gian nghỉ ngơi, giải trí.

Điều khiến chúng tôi trăn trở nhất là, việc cho học sinh nghỉ hết tháng 3 thì những trường tư thục rất khó khăn trong việc giải quyết lương cho giáo viên, nhân viên.

Theo Bộ luật Lao động, giáo viên trường tư cũng sẽ được hưởng lương trong những ngày nghỉ dịch bệnh không thấp hơn mức lương tối thiểu vùng.

Nhưng thực tế, trường tư không thu được học phí trong suốt thời gian học sinh nghỉ học, trong khi nhà trường phải chi phí thuê mướn mặt bằng, thuế… thì để trả lương cho giáo viên là bài toán nan giải.

Chỉ tính riêng bậc trung học phổ thông, Thành phố Hồ Chí Minh có hơn 100 trường ngoài công lập. Cũng có nghĩa là hàng ngàn giáo viên phải tìm kế mưu sinh trong những ngày trường đóng cửa.

Tuy vậy, vì sức khỏe của học sinh là trên hết, nên việc điều chỉnh thời gian năm học 2019-2020, trong đó tiếp tục học kỳ II từ tháng 4 đến tháng 7/2020 là giải pháp khả thi hiện nay.

Tài liệu tham khảo:

[1] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/thanh-pho-ho-chi-minh-kien-nghi-doi-ky-thi-quoc-gia-den-cuoi-thang-7-post207199.gd

[2] //vietnamnet.vn/vn/giao-duc/nguoi-thay/co-the-nghi-hoc-het-thang-3-to-chuc-nam-hoc-theo-4-dot-nghi-de-tranh-dich-virus-corona-co-duoc-khong-616882.html

[3] //thanhnien.vn/giao-duc/nghi-hoc-vi-dich-covid-19-day-truc-tuyen-nhung-khi-di-hoc-lai-phai-hoc-bu-1182964.html

[4] //dantri.com.vn/giao-duc-khuyen-hoc/tphcm-ty-le-tot-nghiep-he-thpt-dat-tren-99-20180712083440936.htm

[5] //giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/ty-le-dau-tot-nghiep-trong-ky-thi-quoc-gia-tai-sai-gon-la-976-post200527.gd

[6] //luatvietnam.vn/tin-phap-luat/cho-hoc-sinh-nghi-hoc-het-thang-2-230-23861-article.html

[7] //tuoitre.vn/dich-corona-den-ngay-19-2-trung-quoc-them-136-nguoi-chet-hon-9-100-nguoi-duoc-chua-khoi-20200219055043779.htm

Ánh Dương