Đổi mới SGK sau 2015: Đưa học sinh vào các tình huống cụ thể

05/11/2013 07:46
Xuân Trung
(GDVN) - Nhiều chức năng, vai trò của SGK được coi là tài liệu dạy học, đó sẽ là nguồn câu hỏi, nguồn kiến thức, nguồn tư liệu giúp học sinh hòa nhập với những hoạt động thực hành liên quan tới môn học....
Phát triển SGK theo tình huống GS. TS. Mike Horsley - Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (Đại học Central Queensland, Australia) cho biết, SGK được coi là một tài liệu dạy học, nó cũng cung cấp cơ sở truyền tải kiến thức và phương pháp sư phạm cho người thầy, là nguồn chính cho người thầy soạn bài và cung cấp cấu trúc của chương trình dạy và học GS. Horsley  cũng cho rằng, sự thay đổi quan niệm về bản chất và vai trò của SGK và tài liệu dạy học trên lớp phản ánh những phân tích SGK và việc sử dụng SGK của giáo viên. Những thay đổi về quan niệm SGK gắn chặt với thay đổi quan điểm và lí thuyết, liên quan tới bản chất việc học của học sinh và điều này thúc đẩy những thay đổi trong chương trình.
GS. TS. Mike Horsley - Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (Đại học Central Queensland, Australia). Ảnh Xuân Trung
GS. TS. Mike Horsley - Chủ tịch Hiệp hội nghiên cứu quốc tế về SGK và phương tiện giáo dục (Đại học Central Queensland, Australia). Ảnh Xuân Trung
Trước đây, khi chương trình tập trung vào hoạt động học được coi trọng việc lĩnh hội kiến thức thì khi đó SGK là phương tiện cơ bản để truyền tải kiến thức và do vậy nó tập trung vào việc cung cấp thông tin và các hoạt động tương ứng. Lúc bấy giờ, giáo viên và SGK đã là nguồn cung cấp kiến thức và SGK đã cấu tạo nên chương trình dạy – học của giáo viên và học sinh. Thực tế, theo Chiến lược chuyên sâu về SGK và tài liệu học tập 2005 của Unesco thì SGK cần thiết cho hoạt động giáo dục chất lượng dành cho mọi người và dựa trên nguyên tắc quyền con người. Đó là sản phẩm của quy trình phát triển chương trình rộng hơn, trong đó tham định, cải cách và điều chỉnh thường xuyên được coi là những thành phần tự nhiên. Một trong những mục tiêu đó là: Tạo điều kiện cho hoạt động học hướng tới kết quả cụ thể có thể đo được. Kết quả này xem xét nhiều quan điểm, cách học và thể thức (bao gồm kiến thức, kĩ năng và thái độ). Tạo điều kiện học tập theo hướng khuyến khích mọi người học tham gia chủ động và công bằng trong quá trình học. Kinh nghiệm tại Australia  cho thấy, các tiêu chí đánh giá và phát triển SGK phản ánh các suy đoán về vai trò của giáo viên và học sinh trong các lớp học tổ chức theo hướng lấy học sinh làm trung tâm và cho chương trình tạo nên ý nghĩa cho từng học sinh và đòi hỏi học sinh tham gia và hỗ trợ. Những tiêu chí này không chỉ phản ánh các ấn bản SGK và tài liệu in mà còn thể hiện nguồn tài liệu giáo dục số hoá. Việc thay đổi chương trình sẽ kéo theo SGK và thiết bị hỗ trợ dạy học, để có được phương pháp tiếp cận đạt  mục tiêu, theo GS. Horsley như thế là chưa đủ vì chính giáo viên là người đưa ra nhiều quyết định về những nội dung chuyển tải (thay cho chương trình có sẵn) và cũng chính giáo viên là người điều tiết việc sử dụng SGK và tài liệu dạy học trong lớp. GS. TS. David O. Kronlid, khoa Giáo dục học (Đại học Uppsala, Thuỵ Điển) có cách nhìn khác dựa trên những tình huống trong giáo dục, cụ thể ở đây là tình trạng biến đổi khí hậu, vậy loại SGK nào sẽ cần nhằm giúp học sinh học được những kiến thức, kĩ năng và giá trị phù hợp với từng bối cảnh để có thể đối mặt với thách thức lớn về đạo đức, pháp luật và khoa học? Theo GS. David O. Kronlid thì câu trả lời sẽ là: SGK giáo dục biến đổi khi hậu sẽ phù hợp, cụ thể và tạo cơ hội tiến hành tuần tự trong hoạt động dạy và học về biến đổi khí hậu. “Tôi tin rằng SGK dựa vào nghiên cứu tình huống giúp giáo viên chọn ra những kiến thức, kĩ năng và giá trị của sự biến đổi khí hậu thích hợp với học sinh và phù hợp với bối cảnh riêng mà chúng được sử dụng, trong trường hợp này là ở Việt Nam hoặc ở những cộng đồng người Việt khác nhau. Thứ hai, tôi tin là SGK dựa vào nghiên cứu tình huống sẽ giúp giáo viên phát triển nội dung giáo dục biến đổi khí hậu thực tế và có tính định hướng hành động. Tôi cũng tin rằng SGK dựa vào tình huống sẽ mang đến một cơ hội tuyệt vời cho các giáo viên nhằm chú trọng đến việc giáo dục kiến thức, kĩ năng và giá trị một cách dần dần trong hoạt động dạy học của họ” GS. David O. Kronlid tin tưởng.
SGK sau 2015 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa Xuân Trung
SGK sau 2015 sẽ có nhiều thay đổi. Ảnh minh họa Xuân Trung
Nhưng để tiến hành nội dung giáo dục biến đổi khí hậu phù hợp với học sinh và cộng đồng, theo GS. David O. Kronlid điều quan trọng là phải bắt đầu giáo dục biến đổi khí hậu bằng những vấn đề thích hợp với học sinh. Cách tốt nhất để các em học sinh - những chủ nhân tương lai của đất nước - thấy sự cần thiết để học về sự biến đổi khí hạu, là giới thiệu với các em một tình huống cụ thể, ví dụ như một mối đe doạ của sự biến đổi khí hậu.Các tình huống cụ thể đưa vào SGK trước khi tích hợp Cũng tại Thụy Điển – một đất nước bắc Âu với nền giáo dục phát triển, một kinh nghiệm nữa đến từ chuyên giao giáo dục, TS. Lann Lundegard, Khoa Toán và Giáo dục khoa học (Đại học Stockholm, Thụy Điển) chia sẻ, ở Thụy Điển việc xác định giáo dục phát triển bền vững là điều kiện cốt lõi để thiết kế các môn “Tìm hiểu khoa học” ở các trường học. Để thực hiện bền vững thì giáo dục phải dựa những điều mà học sinh đối diện với các tình huống hàng ngày như: giao thông, việc tiêu thụ năng lượng, nước, thực phẩm, quần áo. Các lĩnh vực này học sinh được tìm hiểu và thiết lập trong mối liên quan đến các kiến thức như các dịch vụ hệ sinh thái và dấu chân sinh thái. Bài học kinh nghiệm từ GS. TS Mike Horsley được chia sẻ với tình huống cụ thể ở Việt Nam là, đổi mới chương trình – SGK phải thực hiện các nghiên cứu chuyên sâu hơn về việc sử dụng SGK trong lớp của giáo viên trước khi phát triển SGK mới tích hợp thay đổi chương trình học. Nghiên cứu về việc giáo viên điều chỉnh SGK cũng có thể cung cấp thông tin hữu ích cho việc tiếp tục phát triển SGK tốt hơn. GS. TS. Mike Horsley lưu ý, mặc dù đặc điểm của SGK là có thể hạn chế hoặc thúc đẩy quá trình học trong lớp - chính việc sử dụng SGK của giáo viên và cách điều chỉnh việc sử dụng của học sinh tạo ra cách học mà học sinh được trải nghiệm. Việc đào tạo và phát triển nghề nghiệp cho giáo viên về sử dụng tài liệu mới cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. GS. TS. Mike Horsley cũng cho biết, xu thế chung của nhân loại sẽ là phát triển SGK số, SGK mới cũng cần xem xét khả năng của giáo viên bình thường và những người có tư tưởng đổi mới. Và việc được hỗ trợ bởi những nguồn tư liệu số là điều hiển nhiên.
Chiến lược Chuyên sâu về SGK và Tài liệu học tập của UNESCO (2005) cho biết “trong thập kỉ vừa qua, xu hướng đã tách rời các hệ thống do trung ương quản lí và chính phủ sở hữu đối với việc cung cấp sách cho hệ thống cấp dưới, cho phép cạnh tranh và lựa chọn tại địa phương, một xu hướng mà đến nay đã tạo ra nhiều tài liệu phù hợp với trình độ và đổi mới về phương pháp sư phạm.

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều việc phải làm. Cơ hội tiếp cận tài liệu và việc sử dụng hiệu quả trong môi trường học đòi hỏi sự phối hợp và tham gia tích cực của các bên. Hệ thống cấp dưới cũng mở nhiều không gian hơn cho việc sản xuất tài liệu học tập bằng ngôn ngữ địa phương và dân tộc thiểu số”.

Không có chính sách về SGK nào liên quan tới việc tiếp nhận, quản lí chất lượng, hỗ trợ chương trình mới hoặc việc phân bổ cụ thể ngân quỹ cho trường mua tài liệu cho SGK và các tài liệu dạy học khác ở Australia. Chính phủ Australia giảm thuế cho cha mẹ mua các tài liệu giáo dục. Tất cả các quyết định liên quan tới sản xuất, cung cấp, nội dung và phương pháp sư phạm đều giao phó cho thị trường tự do.

GS. TS. Mike Horsley
Xuân Trung