Đổi mới quản trị trường chuyên nhìn từ quá trình tư nhân hóa bóng đá Việt Nam

06/07/2020 05:54
Nguyễn Trọng Bình
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng?

Ở bài viết trước, tôi đã phân tích và chỉ ra mục đích đào tạo nhân tài của hệ thống trường chuyên ở Việt Nam đang tồn tại nhiều bất cập.

Cụ thể, cách làm lâu nay đang đi chệch khỏi mục tiêu và sứ mạng trong giáo dục và đào tạo con người nói chung.

Không những vậy, với cách tư duy và vận hành như hiện nay, các trường chuyên ở Việt Nam đã và đang là nơi tạo cơ hội cho căn bệnh thành tích trong giáo dục ngày một trầm trọng hơn.

Thế nên, đề xuất tư nhân hóa hệ thống trường hiện nay của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành rất cần được lắng nghe và trao đổi một cách cầu thị và chân thành nhất.

Phân bổ nguồn lực quốc gia cần liệu cơm gắp mắm

Nhiều người cho rằng, hệ thống trường chuyên hiện nay là nhằm phát hiện và bồi dưỡng nhân tài để sau này “phục vụ”, “cống hiến” cho đất nước.

Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hàng năm hầu hết là học sinh trường chuyên, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn

Quán quân cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia hàng năm hầu hết là học sinh trường chuyên, ảnh chỉ mang tính chất minh họa, nguồn: VTV.vn

Lý thuyết và mơ ước là vậy nhưng thực tế thì sao? Vì chưa có một cuộc khảo sát hay tổng kiểm kê vấn đề “cống hiến” và “phục vụ đất nước” của những nhân tài xuất thân từ các trường chuyên nên rất khó để có thể đưa ra những kết luận thuyết phục.

Tuy vậy, có một thực tế đã và đang xảy ra mà theo tôi, rất đáng để tất cả chúng ta cùng tham chiếu để có thêm góc nhìn đa chiều hơn về vấn đề này.

Hẳn mọi người vẫn chưa quên chuyện liên quan đến các nhà vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” từng là đề tài tranh luận trước đây.

Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng? (Ảnh minh họa trên Toquoc.vn)

Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng? (Ảnh minh họa trên Toquoc.vn)

Những nhà vô địch này đa phần cũng xuất thân từ các trường chuyên nhưng sau khi thắng giải đều chọn ra nước ngoài du học và ít người trở về nước “phục vụ” và “cống hiến”.

Có người sẽ nói rằng, giờ là thời đại “toàn cầu hóa”, là “thế giới phẳng”, việc đóng góp và phục vụ đất nước của các nhân tài trên nên được nhìn nhận ở góc độ của những “công dân toàn cầu”…

Tôn trọng suy nghĩ này, nhưng tôi muốn phản biện lại như sau:

Thứ nhất, tôi cho rằng, dù thế giới hôm nay có “phẳng” như thế nào thì những vấn đề thuộc về bản sắc văn hóa, sắc tộc, dân tộc sẽ không bao giờ “phẳng”.

Không phải chúng ta vẫn thường gọi một cá nhân tài năng nào đó đang làm việc và sinh sống ở nước ngoài là “người Mỹ, người Pháp, người Đức… gốc Việt” như một niềm tự hào, kiêu hãnh đó sao?

Thứ hai, nếu tin vào lý thuyết “công dân toàn cầu” thì chúng ta sẽ lý giải như thế nào về câu nói “hiền tài là nguyên khí của quốc gia”?

Chúng ta luôn miệng bảo rằng, quốc gia muốn thịnh vượng nhất định phải có hiền tài, nhân tài làm “đầu tàu” dẫn dắt.

Thế nhưng, hiền tài, nhân tài, của chúng ta hiện đang trôi dạt muôn phương, không chịu về nước thì có phải cái “nguyên khí” của quốc gia đang bị vơi dần hay thậm chí mất rồi không?

Thứ ba, một trong những lý do các nhà vô địch trong cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” không trở về nước “phục vụ” và “cống hiến” là “độ vênh” giữa môi trường và điều kiện làm việc giữa Việt Nam và các nước mà họ sang du học đặc biệt là trong hệ thống bộ máy công quyền Nhà nước.

Tất cả chúng ta đều nhìn thấy và thừa nhận thực tế này nhưng thử hỏi đến nay đã có giải pháp nào để dung hòa hay không lãng phí thời gian, công sức và tiền bạc của Nhà nước chưa?

Đến đây có thể thấy, lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành theo tôi là có cơ sở. Hệ thống trường chuyên ở phổ thông hiện nay được Nhà nước đầu tư rất nhiều, tuy vậy, hiệu quả, thành quả mang lại thì chỉ tồn tại trên lý thuyết và trí tưởng tượng của nhiều người.

Nói khác đi, mô hình các trường chuyên hiện nay trên thực tế là cách làm “cốc mò cò xơi”.

Nhà nước Việt Nam bỏ kinh phí ra đầu tư rất nhiều nhưng các tài năng vừa chớm nở đã bị các nước khác hớt tay trên.

Xét ở góc độ kinh tế thì việc đầu tư này là không hiệu quả.

Không những vậy, về mặt xã hội rõ ràng việc này đã và đang gây ra sự bất bình đẳng trong thụ hưởng các giá trị vật chất và văn hóa, giáo dục giữa các em học sinh phổ thông chuyên và không chuyên mà Nhà nước đang đầu tư.

Nhiều người nói rằng, ở các nước phát triển nhà nước cũng đầu tư và quản lý các trường chuyên ở phổ thông như Việt Nam. Điều này không sai.

Tuy vậy, nên nhớ rằng tư duy và cách vận hành các trường chuyên ở các nước ấy hoàn toàn khác với chúng ta. Đó là chưa nói, mặt bằng chung về giáo dục của họ so với chúng ta cũng một trời, một vực.

Không những vậy, việc đầu tư cho việc phát hiện và bồi dưỡng nhân tài ở các quốc gia này là xuyên suốt và liên tục bằng một hệ thống giáo dục đại học tiên tiến, hiện đại.

Trong khi đó, ở Việt Nam tất cả dồn hết vào cho các trường chuyên ở bậc phổ thông để rồi sau đó các tài năng vừa chớm nở lại khăn áo ra đi vì hệ thống giáo dục đại học không đáp ứng được nhu cầu để họ tiếp tục tỏa sáng.

Ở các nước mà nhiều người mang ra so sánh, các học sinh tài năng ở bậc phổ thông hiếm có ai khăn gói sang đất nước chúng ta du học để trở thành các chuyên gia hàng đầu thế giới.

Dĩ nhiên, chọn ở lại để làm việc và sinh sống lâu dài thì càng hiếm hơn nữa.

Đây là những sự thật khó mà chối cãi. Thế nên, tôi cho rằng Việt Nam chưa giàu nên chúng ta cần phải liệu cơm gắp mắm trong phân bổ nguồn lực quốc gia cho giáo dục.

Tại sao Nhà nước phải đầu tư tài lực, trí lực để phát hiện nhân tài nhưng cuối cùng để các nước khác thụ hưởng?

Đáng nói hơn nhiều người tuy đã nhận ra vấn đề nhưng thay vì nhìn thẳng vào sự thật thì chỉ biết tự an ủi mình bằng phép “thắng lợi tinh thần” của AQ?

Nhân tài thật sự chỉ có thể tỏa sáng ở môi trường giáo dục đại học

Mọi so sánh đều khập khiễng tuy vậy, nếu chúng ta nhìn sang sự phát triển của bóng đá Việt Nam thời gian gần đây sẽ cho chúng ta một cái nhìn bao quát và toàn diện hơn.

Trước đây, bóng đá Việt Nam chỉ lẹt đẹt trong cái “ao làng” Đông Nam Á nhưng thời gian gần đây đã lên đỉnh bảng.

Tôi cho rằng, có được thành công này là nhờ chúng ta có một quá trình đã tư nhân hóa hệ thống bóng đá trẻ nước nhà.

Trước đây, tất cả những vấn đề này đều do nhà nước bao cấp cả về tài chính và cách làm.

Các đội bóng với tên gọi gắn với với quan chủ quản Nhà nước một thời như Cảng Sài Gòn, Công An Thành phố Hồ Chí Minh, Thể Công,… tuy để lại nhiều ký ức đẹp trong lòng người hâm mộ nhưng bóng đá Việt Nam khi đó không thể cất cánh.

Trong cái nhìn như vậy, tôi cho rằng mô hình trường chuyên cần được duy trì. Tuy vậy, trong điều kiện và tình hình của Việt Nam thì việc tư nhân hóa hệ thống rất nên được xem xét nghiêm túc.

Việc tư nhân hóa hệ thống trường chuyên trước hết là một giải pháp xã hội hóa nhằm chia sẻ gánh nặng về nguồn lực tài chính với Nhà nước trong bối cảnh Việt Nam vẫn chưa giàu. Tư nhân hóa sẽ góp phần đa dạng nhu cầu và sản phẩm giáo dục.

Với ý thức về nguồn lực tài chính và sự cạnh tranh của thị trường thì việc tư nhân hóa chắc chắn sẽ góp phần điều chỉnh ý nghĩa, mục đích cũng như phương thức tuyển chọn học sinh của các trường chuyên so với cách làm nhiều bất cập hiện nay.

Ngoài ra, tư nhân hóa còn có lợi ích gián tiếp đó là Nhà nước có thêm cơ hội và thời gian nhiều hơn để kiện toàn hệ thống giáo dục đại học.

Trên thực tế, các nhân tài thật sự chỉ có thể tìm thấy và tỏa sáng ở giai đoạn giáo dục đại học.

Thế nhưng, có thể thấy, chính những hạn chế của hệ thống giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay là một trong những nguyên nhân gây ra “sự chảy máu chất xám”; làm cho việc đầu tư nhằm phát hiện các nhân tài trong hệ thống trường chuyên ở phổ thông trở nên vô nghĩa.

Thực tế cho thấy, trí tuệ và tài năng của học sinh phổ thông của Việt Nam hiện nay không thua học sinh ở các nước có nền giáo dục phát triển. Tuy vậy, lên tới đại học thì hoàn toàn ngược lại.

Như vậy, xét trong tính hệ thống và sự liên tục trong vấn đề đầu từ nhằm tìm kiếm và bồi dưỡng nhân tài thì việc chúng ta chỉ chú trọng ở giai đoạn phổ thông với hệ thống trường chuyên như cách làm hiện nay không những sai lầm mà còn rất lãng phí.

Thay lời kết

Để có thể phát hiện nhân tài trong giáo dục điều quan trọng trước hết là quan điểm, cách nhìn và hướng đi đúng đắn và phù hợp với hoàn cảnh thực tế về văn hóa, xã hội của cộng đồng, dân tộc, quốc gia.

Với giáo dục phổ thông đi đôi với việc bồi dưỡng những tố chất hay năng khiếu đặc biệt của thế hệ trẻ thì việc vun đắp bồi dưỡng tâm hồn cho các em là cực kỳ quan trọng. Nhận thức lệch về một bên nào cũng khó mà tạo ra những nhân tài đúng nghĩa.

Và như thế việc đầu tư cho nhân tài với suy nghĩ sau này phục vụ xã hội và đất nước sẽ khó mang lại kết quả như mong muốn.

Quan điểm và lập luận của Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, xét về mặt câu chữ có thể “cực đoan” nhưng nếu chúng ta biết “gạn đục khơi trong” chắc chắn sẽ tìm được một hướng đi phù hợp với tình hình và điều kiện cụ thể của Việt Nam hôm nay.

Nguyễn Trọng Bình