Đổi mới môn tự chọn lớp 10 là hướng đi của nhiều nước tiến bộ trên thế giới

19/05/2022 06:50
Thái Hồng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Với hàng trăm tổ hợp môn tự chọn ở lớp 10, nhiều phụ huynh, học sinh băn khoăn rằng, liệu kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông sẽ thay đổi như thế nào.

Chương trình giáo dục phổ thông 2018 có thể xuất hiện hơn 100 tổ hợp môn lựa chọn, khiến không ít phụ huynh, học sinh năm nay thi và học lớp 10 lo ngại và lúng túng không biết kỳ thi tốt nghiệp Trung học phổ thông tới đây sẽ như thế nào?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh (nguyên vụ Trưởng vụ Giáo dục Chuyên nghiệp (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết, hiện tại không nên nói chuyện thi vội mà nên quan tâm đến điều kiện khả thi giáo dục ở địa phương được tổ chức như thế nào. Đội ngũ thầy cô, cũng như cơ sở vật chất trong trường đã làm những gì để có thể thực hiện được chương trình giáo dục mới này.

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: "Khi mà nhà trường đã tổ chức dạy học được, thì vấn đề thi cũng không còn lo lắng". Ảnh: Tùng Dương

Theo Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh: "Khi mà nhà trường đã tổ chức dạy học được, thì vấn đề thi cũng không còn lo lắng". Ảnh: Tùng Dương

"Khi mà nhà trường đã tổ chức dạy học được, thì vấn đề thi cũng không còn lo lắng, vì nếu tổ chức dạy học được thì khi kiểm tra đánh giá sẽ có phương án giải quyết. Mỗi môn học sẽ có quy chuẩn đầu ra, nhà trường sẽ dựa trên đó để có kiểm tra, đánh giá phù hợp.

Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ có hướng dẫn để các trường điều chỉnh dạy học và điều chỉnh điều kiện cơ sở vật chất ở tất cả các vùng miền, cũng như đặt câu hỏi đổi mới phương pháp liệu có đồng bộ không. Đây mới là những điều cần quan tâm.

Đổi mới trong môn tự chọn lớp 10, là hướng đi đã có nhiều nước tiến bộ trên thế giới thực hiện. Đây là hướng đi đảm bảo phát huy khả năng, nhu cầu học tập cho các em học sinh", nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp cho hay.

"Vấn đề tự chọn môn nào, theo tôi nên lắng nghe ý kiến của xã hội để đem lại những giá trị cho người học, nên tập trung nguồn lực vào những môn như Toán, Ngữ Văn, Lịch sử, Ngoại ngữ, bởi đây là những môn đi theo suốt quá trình của con người.

Chẳng hạn như môn Lịch sử là bộ môn giá trị đi theo suốt cuộc đời, và môn Ngoại ngữ cũng giúp tăng khả năng tìm tòi, học hỏi của học sinh trong bối cảnh hội nhập quốc tế”, Tiến sĩ Hoàng Ngọc Vinh nói.

Tự chọn môn học phải có nguyên tắc, cũng như căn cứ vào nhu cầu của người học cũng như xã hội trong tương lai, môn học nào cũng có giá trị nhưng phải chọn ra những môn học giá trị nhất trở thành môn học bắt buộc.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam về sự chuẩn bị cho chương trình phổ thông mới, cô Nguyễn Thị Bích Huệ Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phủ Thông ( huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn), cho biết: "Đến thời điểm hiện tại, trường đã có sự chuẩn bị về đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất cũng như lên phương án xây dựng các tổ hợp môn học lựa chọn và tổ hợp 3 cụm chuyên đề học tập lớp 10.

Năm học tới, Trường Trung học phổ thông Phủ Thông dự kiến sẽ tuyển sinh 4 lớp 10 với 168 học sinh trên địa bàn huyện Bạch Thông, tỉnh Bắc Kạn.

Bắt đầu năm 2025 học sinh học theo chương trình mới sẽ thi tốt nghiệp, mặc dù còn 3 năm nữa, thế nhưng trường vẫn mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm định hướng về công tác tổ chức cũng như phương thức thi tốt nghiệp Trung học phổ thông.

Cô Nguyễn Thị Bích Huệ Phó Hiệu trưởng Trung học phổ thông Phủ Thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Cô Nguyễn Thị Bích Huệ Phó Hiệu trưởng Trung học phổ thông Phủ Thông. Ảnh: Nhân vật cung cấp

Các trường đại học sớm công bố lộ trình tuyển sinh để các trường Trung học phổ thông, học sinh và phụ huynh có sự chuẩn bị, thuận tiện cho việc định hướng nghề nghiệp, góp phần thực hiện thành công chương trình Giáo dục phổ thông năm 2018".

Cô Bích Huệ cũng cho biết thêm, về việc phân bổ giáo viên giảng dạy như thế nào cho hợp lý với chương trình giáo dục phổ thông mới, đối với với lớp 10 năm học 2022-2023 trường sẽ tổ chức khảo sát nhu cầu của học sinh đăng ký dự thi tuyển sinh tại trường.

“Ban tuyển sinh sẽ trực tiếp phổ biến hướng dẫn về kế hoạch cũng như phương án thực hiện các tổ hợp môn học lựa chọn và tổ hợp 3 cụm chuyên đề học tập để học sinh nắm rõ thông tin và đăng ký theo nguyện vọng, năng lực, nghề nghiệp.

Kèm theo hồ sơ tuyển sinh sẽ có hướng dẫn và bản đăng ký nguyện vọng, năng lực và điểm thi tuyển sinh của học sinh, căn cứ vào đấy trường sẽ đưa ra tiêu chí sắp xếp học sinh vào các lớp”, cô Bích Huệ cho hay.

"Cũng do mô hình trường còn nhỏ cộng với số lượng lớp không nhiều nên nhà trường sẽ quan tâm, tạo điều kiện tốt nhất để học sinh có thể được học tập, phát huy năng lực, sở trường đồng thời phù hợp với điều kiện đội ngũ giáo viên, cơ sở vật chất của nhà trường.

Hiện trường cũng đang lo ngại về việc thiếu giáo viên ở hai môn học mới là môn Âm nhạc và Mỹ thuật. Trường chưa có giáo viên dạy bộ môn này, còn các môn học khác trường có đủ số lượng đội ngũ cán bộ, giáo viên cơ bản, cơ cấu bộ môn, đạt chuẩn về trình độ.

Với các phương án mà trường đã xây dựng, đội ngũ, cơ cấu giáo viên theo môn học cơ bản đã đáp ứng được yêu cầu thực hiện chương trình.

Hiện nhà trường cũng đã có đề xuất Sở Giáo dục và Đào tạo tuyển dụng giáo viên bộ môn còn thiếu hoặc cử giáo viên của nhà trường đi đào tạo văn bằng 2 để đáp ứng yêu cầu về đội ngũ, cơ cấu môn học", Phó Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Phủ Thông cho biết.

Thái Hồng