Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh

07/06/2018 07:42
Hồng Thủy
(GDVN) - Chậm một chút để làm rõ thông tin Tổng chủ biên, một số Chủ biên vừa viết chương trình vừa viết sách giáo khoa cho VEPIC, bởi hệ lụy sẽ khôn lường nếu bỏ qua.

Báo Hà Nội Mới ngày 6/6 có bài "Đổi mới giáo dục không thể nóng vội!", tường thuật phiên trả lời chất vấn của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trước Quốc hội.

Trả lời chất vấn của đại biểu Hồ Thị Vân (Quảng Ngãi) với câu hỏi mất bao lâu để đi hết con đường quá độ trong đổi mới nền giáo dục, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ khẳng định: 

"Đổi mới giáo dục không thể nóng vội mà cần có sự quá độ. Quá độ là cần thiết chứ không phải cứ thấy bí, thấy vướng là làm ngay".

Cũng trả lời câu hỏi của đại biểu Hồ Thị Vân, Bộ trưởng cho biết thêm, trong nhiệm kỳ của ông, nếu kết luận làm được gì thì chưa đủ căn cứ, nhưng Bộ trưởng tin tưởng, trong từng mốc thời gian sẽ có kết quả cụ thể, rõ nét. 

Đó là sẽ ban hành xong chương trình, sách giáo khoa mới, tạo chuyển biến rõ nét về chất lượng giáo dục; đại học có hướng đột phá về tự chủ, năng lực cạnh tranh và nâng cao chất lượng...[1]

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.
Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Phùng Xuân Nhạ trả lời chất vấn trước Quốc hội, ảnh: quochoi.vn.

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với những trọng trách, khó khăn, thách thức mà Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đang gánh vác và đối diện, đánh gia cao những đóng góp của thầy từ khi đảm nhiệm cương vị Bộ trưởng tới nay;

Đồng thời, chúng tôi cũng muốn góp thêm tiếng nói đồng hành cùng Bộ trưởng vượt qua khó khăn, thách thức, để đổi mới giáo dục thành công.

Xin Bộ trưởng đừng vội ban hành chương trình, sách giáo khoa mới

Đây không phải là ý kiến của cá nhân người viết, mà là sự trăn trở, chia lửa và tạo điều kiện hết sức chân thành của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội với Bộ Giáo dục và Đào tạo, để làm đâu chắc đó, để đổi mới thành công. [2]

Thông thường khi chất vấn các thủ trưởng cơ quan hành pháp trước mỗi vấn đề / công việc đã có nghị quyết, thì tiến độ và trách nhiệm luôn luôn là những câu hỏi hàng đầu, thường thấy từ cơ quan lập pháp.

Nhưng Ủy ban quan tâm nhất vẫn là chất lượng, hiệu quả, do đó luôn muốn tạo điều kiện hết mức để Bộ Giáo dục và Đào tạo đạt mục tiêu này.

Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh ảnh 2

Chương trình, sách giáo khoa mới và những con số nhảy múa

Chúng tôi hoàn toàn chia sẻ với Ủy ban và đánh giá rất cao tinh thần, trách nhiệm với học sinh, cao hơn nữa là với tiền đồ dân tộc.

Đồng thời chúng tôi cũng xin được góp một vài ý kiến giúp Bộ Giáo dục và Đào tạo đảm bảo chất lượng, hiệu quả của chương trình, sách giáo khoa mới, và quan trọng hơn nữa là thành công của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục.

Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, thì cũng không phải vội vàng ban hành chương trình, sách giáo khoa mới;

Bởi lẽ đang có nhiều dấu hiệu cho thấy những bất cập mà hệ lụy của nó, có thể sẽ rất nặng nề, mà bây giờ điều chỉnh vẫn còn kịp.

46/56 thành viên ban phát triển chương trình tổng thể và các môn học của Bộ viết sách giáo khoa cho công ty tư nhân khi đang thực hiện nhiệm vụ?

Trong thời gian qua, Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội nhận được báo cáo của Công ty Cổ phần đầu tư xuất bản - Thiết bị giáo dục Việt Nam (VEPIC) do ông Ngô Trần Ái - Chủ tịch Hội đồng quản trị ký.

Báo cáo nêu rõ, có 80% thành viên ban phát triển chương trình tổng thể và các chương trình môn học (46/56 người) của Bộ Giáo dục và Đào tạo là tác giả đang viết sách giáo khoa cho VEPIC khi chương trình môn học chưa có.

Bộ sách giáo khoa này sẽ được VEPIC tham gia thực hiện Nghị quyết 88/2014/QH13 về chủ trương 1 chương trình nhiều sách giáo khoa.

Ông Ngô Trần Ái nêu đích danh Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết, Chủ biên chương trình môn Toán - Đỗ Đức Thái, Chủ biên chương trình môn (tích hợp) Khoa học tự nhiên Mai Sỹ Tuấn trong danh sách tác giả sách giáo khoa của VEPIC, viết từ tháng 9/2017 đến ngày 7/5/2018.

Ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 7/5 rằng, 46/56 thành viên ban phát triển chương trình (80%) của Bộ đang là tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC, trong khi chương trình môn học chưa có. Trong số này có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn. Ảnh: GDVN.
Ông Ngô Trần Ái báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội ngày 7/5 rằng, 46/56 thành viên ban phát triển chương trình (80%) của Bộ đang là tác giả viết sách giáo khoa cho VEPIC, trong khi chương trình môn học chưa có. Trong số này có Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Giáo sư Đỗ Đức Thái, Phó giáo sư Mai Sỹ Tuấn. Ảnh: GDVN.

Điều đáng nói, theo báo cáo của VEPIC, 46/56 thành viên này viết sách giáo khoa cho VEPIC ngay trong lúc đảm nhận cương vị thành viên ban phát triển chương trình;

Họ bắt đầu viết sách giáo khoa cho VEPIC từ tháng 9/2017, đến nay đã xong bản thảo lớp 1, đang làm lớp 2 và lớp 6. 

Không chỉ có báo cáo bằng văn bản, báo cáo trực tiếp, mà ông Ngô Trần Ái đã trình bộ sách lớp 1 cho Đoàn giám sát xem giữa thanh thiên bạch nhật.

Bộ trưởng là người ký Quyết định số 2445/QĐ-BGDĐT về việc phê duyệt Sổ tay thực hiện Dự án Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông (RGEP). [3]

Có lẽ hơn ai hết, Bộ trưởng hiểu rõ chuyện xung đột lợi ích khi một nhóm người vừa tham gia xây dựng chương trình, vừa biên soạn sách giáo khoa (cho 1 doanh nghiệp tư nhân).

Ông Ngô Trần Ái nói rằng, họ viết sách giáo khoa dựa trên "chương trình giả định", thậm chí là lấy sách giáo khoa cũ (sách 2000) ra soạn lại.

Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh ảnh 4

Báo cáo của ông Ngô Trần Ái thách thức uy tín, liêm chính của Tổng chủ biên

Và cũng hơn ai hết, Bộ trưởng sẽ là người hiểu rõ nhất tính hệ trọng trong việc làm rõ nội dung VEPIC đã báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban;

Chỉ có như vậy mới bảo đảm được tính liêm chính, công bằng, minh bạch trong hoạt động biên soạn chương trình, sách giáo khoa, cũng như uy tín của ngành giáo dục;

Thậm chí là bảo vệ chính uy tín, danh dự của chính các quý thầy đã góp phần nêu ra 2 phẩm chất trung thực, trách nhiệm mà "người học sinh mới" cần phải có.

Làm rõ được vấn đề, nếu báo cáo của VEPIC sai sự thật thì sẽ trả lại sự trong sạch cho quý thầy, đồng thời kiến nghị các cơ quan chức năng làm rõ trách nhiệm của VEPIC và ông Ngô Trần Ái, xử lý nghiêm minh theo pháp luật.

Ngược lại, nếu báo cáo của VEPIC với Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội là đúng sự thật, chúng tôi thiết nghĩ Bộ trưởng thừa biết sẽ phải làm gì để bảo vệ sự liêm chính, công bằng, minh bạch cũng như uy tín của ngành.

Cũng ngày 29/5, Bộ trưởng cho biết: "Hiện nay đang thẩm định (các chương trình môn học, người viết chú thích). Về nguyên tắc, đang thẩm định thì chưa có gì mới.

Chưa có gì mới thì ai nói ra bất cứ điều gì liên quan đến sách giáo khoa là không đúng. Phải có căn cứ. Đã có chương trình đâu mà có sách giáo khoa!"

Đổi mới giáo dục không thể nóng vội, xin Bộ trưởng hãy bình tĩnh ảnh 5

Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết và ông Ngô Trần Ái, ai trung thực?

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ hoàn toàn đúng về mặt "nguyên tắc".

Nhưng thực tiễn thì thầy Nhạ có thể hỏi chính Tổng chủ biên Nguyễn Minh Thuyết [4] hay cựu Chủ tịch Hội đồng thành viên Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam Ngô Trần Ái [5] về cách làm và hậu quả của chương trình sách giáo khoa 2000.

Sách có trước, chương trình tiêu chuẩn có sau để giải ngân đó thôi.

Lịch sử có thể lặp lại, nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo xem nhẹ báo cáo của VEPIC, bởi ông Ngô Trần Ái đã nói thẳng, không có chương trình thì giả định, hoặc lôi sách cũ ra viết lại theo "phương pháp mới". 

Mà sách thì đã viết xong lớp 1, đang viết lớp 2, lớp 6 rồi. Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết và cộng sự không lạ gì cách làm này khi viết sách giáo khoa cho chương trình 2000, nay khả năng dùng lại cách cũ không phải là không thể xảy ra.

Làm rõ được những vấn đề hệ trọng này xong và xử lý các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm, đến lúc đó tiếp tục tiến trình biên soạn, phát hành chương trình và sách giáo khoa mới cũng chưa muộn.

Hơn nữa, chỉ có như vậy dư luận có thể yên tâm về chất lượng và sự minh bạch. 

Đề án Đổi mới chương trình sách giáo khoa phổ thông đã được Bộ nghiên cứu từ năm 2009, đến nay gần 10 năm, có thêm một vài tháng, hay một năm đi nữa cũng không thành vấn đề.

Cái chính là đã làm, thì phải đảm bảo chất lượng, hiệu quả, minh bạch.

VEPIC và ông Ngô Trần Ái không chỉ báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban bằng văn bản, báo cáo trực tiếp, mà còn trình bộ bản thảo sách giáo khoa mới lớp 1 đã biên soạn xong cho các Đại biểu Quốc hội xem, trong đó có 2 cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên. Ảnh: quochoi.vn.
VEPIC và ông Ngô Trần Ái không chỉ báo cáo Đoàn giám sát của Ủy ban bằng văn bản, báo cáo trực tiếp, mà còn trình bộ bản thảo sách giáo khoa mới lớp 1 đã biên soạn xong cho các Đại biểu Quốc hội xem, trong đó có 2 cuốn Tiếng Việt lớp 1 tập 1, Tiếng Việt lớp 1 tập 2 mà Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết làm Tổng chủ biên kiêm chủ biên. Ảnh: quochoi.vn.

Còn việc làm rõ báo cáo của VEPIC thì có lẽ không mất thời gian đến 1 tháng, nếu cơ quan chức năng vào cuộc. Giả sử ai đó có tẩu tán cổ phần thì dấu vết vẫn còn đó.

Chúng tôi phải trình Bộ trưởng những lời này quả thực cũng vạn bất đắc dĩ;

Nhưng chúng tôi tin rằng một khi cùng hướng tới mục đích vì học sinh, vì tương lai dân tộc, vì sự thành công chắc chắn của đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, thì cần nhìn thẳng vào sự thật để tìm giải pháp.

Bởi suy cho cùng, chỉ khi nào bắt đúng bệnh thì mới mong cắt đúng thuốc.

Chúng tôi cũng trăn trở rất nhiều trong việc cùng tìm kiếm giải pháp đồng hành cùng ngành giáo dục thực hiện nhiệm vụ và sẵn sàng trình Bộ trưởng những kiến giải của mình;

Chúng tôi không "xoi mói" gì công việc của ngành, mà đang đồng hành cùng với ngành "bắt sâu", làm trong sạch môi trường giáo dục.

Thuốc đắng dã tật, sự thật mất lòng. Mấy lời nói thẳng không dễ lọt tai, nhưng thiết nghĩ nó cần thiết và có ích cho giáo dục, ngưỡng mong Bộ trưởng cao minh soi xét. Mong lắm thay!

Nguồn:

[1]http://www.hanoimoi.com.vn/Tin-tuc/Giao-duc/903988/doi-moi-giao-duc-khong-the-nong-voi

[2]https://news.zing.vn/kien-nghi-lui-2-nam-trien-khai-chuong-trinh-giao-duc-pho-thong-moi-post792492.html

[3]http://rgep.moet.gov.vn/content/vanban/Lists/VBPQ/Attachments/1298/QD%202445.pdf

[4]https://thanhnien.vn/giao-duc/lam-sach-giao-khoa-chuyen-nhu-dua-81551.html

[5]https://nld.com.vn/giao-duc-khoa-hoc/sgk-sai-nhieu-do-de-nguoc-20131019094151814.htm

Hồng Thủy