Đòi hỏi các đề án về đào tạo tiến sĩ có sai số bằng 0 là điều không thể

22/05/2021 06:41
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Phải có hình thức kiểm soát nhưng đừng nghĩ bồi hoàn là điều duy nhất đảm bảo đề án 89 thực hiện thành công, xã hội cần phải có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này.

Vừa qua, Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Tọa đàm về một số nội dung triển khai Quyết định số 89/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên, cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019- 2030 (Đề án 89).

Theo đó, dự kiến trong 10 năm tới cần đào tạo khoảng 7.300 giảng viên có trình độ tiến sĩ và trên 300 giảng viên thuộc khối văn hóa, nghệ thuật và thể dục, thể thao có trình độ thạc sĩ.

Có 3 hình thức cử giảng viên đi đào tạo tiến sĩ là đào tạo chính quy toàn thời gian ở Việt Nam; đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; đào tạo phối hợp một phần thời gian ở Việt Nam và một phần thời gian ở nước ngoài.

Các trường đại học cần có trách nhiệm quản lý và cấp phát học bổng của Đề án 89 tới người được cử đi đào tạo, đồng thời, có trách nhiệm thu hồi học bổng của Đề án khi người được cử đi đào tạo vi phạm quy định.

Không thể đòi hỏi các Đề án có sai số bằng 0

Xoay quanh câu chuyện cử giảng viên học tiến sĩ ở nước ngoài, chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Giám đốc nghiên cứu, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển giáo dục Edlab Asia nhận định:

“Đầu tư vào đội ngũ giảng viên, đầu tư vào giáo dục đại học nghĩa là chúng ta đang đầu tư vào hệ thống giáo dục nói chung, điều này rất quan trọng. Xã hội cần có cái nhìn cởi mở hơn, đánh giá khách quan, sòng phẳng về hiệu quả của những đề án này”.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên, đầu tư cho giáo dục đại học là vô cùng quan trọng (Ảnh: Tiến sĩ Phạm Hiệp cung cấp)

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, đầu tư đào tạo đội ngũ giảng viên, đầu tư cho giáo dục đại học là vô cùng quan trọng (Ảnh: Tiến sĩ Phạm Hiệp cung cấp)

Từ những đề án đào tạo tiến sĩ trước đây như Đề án 322 và Đề án 911, nhiều ý kiến lo ngại rằng, sẽ ra sao khi những người được cử đi học tiến sĩ ở nước ngoài không trở về hoặc không còn công tác tại đơn vị cũ?

Cụ thể như Đề án 322, theo tổng kết của Bộ Giáo dục và Đào tạo, trong thời gian thực hiện Đề án này, cả nước gửi đi đào tạo 4.590 người, trong đó, có 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ. Số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là 3.017 người gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên đại học với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng.

Bàn về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng, bất kỳ đề án nào cũng có những sai số, chúng ta không thể đòi hỏi đề án có sai số bằng 0. Sẽ có những trường hợp không như dự kiến ban đầu. Tuy nhiên, cần xem xét con số chênh lệch đó là bao nhiêu, có nằm trong khoảng sai số cho phép hay không.

Bên cạnh đó, trong số lượng phản ánh những người được cử đi học nhưng không trở về, phải xem xét những trường hợp cụ thể.

“Ví dụ có người chưa trở về khi kết thúc đề án, họ ở lại 5 năm rồi mới trở về thì không thể nói là không đạt mục tiêu của dự án được. Học xong tiến sĩ chưa phải là điểm dừng trong hành trình nghiên cứu, họ có thể có một nhu cầu chính đáng là có cơ hội học tập, nghiên cứu mới ở trình độ cao hơn tiến sĩ, chính vì vậy, phải làm rõ con số không về nước là như thế nào, như vậy mới biết được con số đó đáng báo động hay không?

Ngược lại, nếu đánh giá công bằng thì thực tế đã có rất nhiều sản phẩm của Đề án 911 và Đề án 322 hiện nay đang là lực lượng chủ chốt của nhiều trường đại học, gắn với những vị trí quan trọng như trưởng phòng, trưởng khoa, và là những giảng viên có trình độ cao ở các trường.

Và nếu cách đây 10, 20 năm, không cử giảng viên học tiến sĩ, thạc sĩ ở nước ngoài thì liệu rằng, giáo dục đại học của chúng ta có thể phát triển như hiện nay? Tại sao khi đánh giá, chúng ta không nhìn nhận đến những khía cạnh này”? Tiến sĩ Hiệp nêu quan điểm.

Theo Tiến sĩ Phạm Hiệp, trong đào tạo sư phạm những năm qua, ngân sách nhà nước cung cấp cho các trường sư phạm, nhờ đó, sinh viên sư phạm được miễn học phí. Tuy nhiên, sau khi tốt nghiệp, số lượng cử nhân sư phạm không làm giáo viên, không công tác trong ngành giáo dục cũng rất nhiều.

Điều tương tự cũng có thể xảy ra với những ngành nghề khác mà tại đó, Nhà nước đầu tư nhưng sinh viên ra trường không làm đúng ngành đã học. Nhưng không thấy ai nêu ý kiến cả.

Những câu chuyện đó để thấy rằng chúng ta cần nhìn nhận lại và đánh giá công bằng hơn. Việc đầu tư cho giáo dục đại học là rất cấp thiết, đào tạo đội ngũ giảng viên là rất quan trọng vì đây là đối tượng cần được ưu tiên để nâng cao chất lượng của cả hệ thống giáo dục.

Và tất nhiên, sẽ phải có những quy định để kiểm soát và thực hiện thành công những chương trình này. Bản thân Đề án 89 cũng đã có cách tiếp cận mới hướng đến những mục tiêu trên.

Trách nhiệm của nhà trường như thế nào?

Theo quan điểm của Tiến sĩ Phạm Hiệp, việc để trường đại học chịu trách nhiệm triển khai là một hướng hướng tiếp cận mới, một phương án đúng và trúng của Đề án 89.

Cách làm này ngoài nhằm nâng cao tính tự chủ của trường đại học còn giúp quá trình thực hiện, điều hành, quản lý hiệu quả hơn.

Theo đó, thực hiện Đề án 89, người học phải chịu trách nhiệm với nhà trường, nhà trường phải chịu trách nhiệm với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Với những trường hợp được cử đi học nhưng không trở về, không thực hiện đúng quy định thì trường đại học phải có trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm bồi hoàn kinh phí.

Tiến sĩ Phạm Hiệp cho rằng: "Khi người học vi phạm quy định, hoàn thành chương trình học tập nhưng không trở về, không công tác và làm việc tại đơn vị cũ thì đây là một vấn đề dân sự.

Vì vậy, nhà trường và người học phải làm việc theo đúng nguyên tắc dân sự, chúng ta đã có khung pháp lý cho việc này, thậm chí nhà trường có thể kiện người được cử đi học nhưng không trở về ra tòa khi vi phạm.

Ngoài ra, nhà trường có thể có những phương án, cách làm sáng tạo để đảm bảo người học trở về làm việc và thực hiện đề án đúng mục tiêu ban đầu.

Ví dụ, trường có thể cử 1 nhóm gồm 5 người đi học Tiến sĩ ở nước ngoài. 5 người này phải chịu trách nhiệm lẫn nhau, ví dụ 1 người không trở về thì 4 người còn lại phải chịu trách nhiệm với nhà trường. Mỗi trường sẽ có những sáng kiến, cách thức triển khai để người học thực hiện đúng trách nhiệm của mình, để mục tiêu đề ra thực hiện thành công.

Chính trường đại học cũng phải giải trình phương án của mình với Bộ Giáo dục và Đào tạo. Phương án nào hợp lý sẽ được Bộ cấp tiền hỗ trợ, phương án nào không khả thi, không hiệu quả thì sẽ không được thông qua".

Tiến sĩ Phạm Hiệp cũng cho rằng, ngoài học phần nước ngoài, Đề án 89 còn có học phần trong nước. Học phần trong nước cũng cần được coi trọng và có trọng số tương đương như học phần nước ngoài, cần phải có những suất học bổng lớn cho người học.

Bàn thêm về trách nhiệm của nhà trường trong việc thực hiện Đề án 89, Tiến sĩ Hiệp cho rằng không nên quá chú trọng vào việc bồi hoàn học bổng. Đây chỉ là một phương án, tuy nhiên, bồi hoàn bao nhiêu và bồi hoàn như thế nào lại là một vấn đề cần phải xem xét trong những trường hợp cụ thể.

Phải đảm bảo kiểm soát và giúp đề án đi đúng hướng nhưng không nên có những quy định cứng nhắc, quá khắt khe.

"Ví dụ, sau khi hoàn thành chương trình học tập, chúng ta cho phép người học có một khoảng thời gian nhất định ở lại nước ngoài, trong trường hợp họ xin được một học bổng tốt và tiếp tục ở lại học tập, nghiên cứu đúng hướng ban đầu.

Khi người học trở về, họ chuyển sang tư nhân hay cơ sở khác làm việc là không đúng với cam kết ban đầu. Tuy nhiên, nếu là sự dịch chuyển giữa các trường đại học với nhau, kể cả từ trường công sang trường tư thì câu chuyện này rất bình thường, vì họ vẫn đóng góp cho hệ thống giáo dục đại học của đất nước, không nên xem điều đó là không đúng mục tiêu.

Nếu một người chuyển công tác thì trường đại học tiếp nhận nên trả cho trường có đối tượng chuyển đi một khoản phí quản lý, điều này là hoàn toàn có thể, tương tự như thị trường cầu thủ bóng đá vậy.

Phải kiểm soát và không thể buông lỏng hoàn toàn nhưng đừng nghĩ bồi hoàn là cách duy nhất để đảm bảo đề án thành công, xã hội cần cởi mở hơn trong cách nhìn nhận đánh giá, cách thức triển khai đề án phải linh hoạt, sáng tạo để đảm bảo những mục tiêu quan trọng ban đầu", Tiến sĩ Phạm Hiệp chia sẻ.

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, đầu tư cho giáo dục là quan trọng và cần thiết. Nếu không đầu tư về nhân lực, đội ngũ giảng viên thì chúng ta sẽ không thể giữ chân người tài ở lại trong ngành, nền giáo dục không thể phát triển. Và những kỳ vọng về đổi mới, phát triển kinh tế, hiện đại hóa đất nước cũng không thể thực hiện.

Phạm Minh