Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm

25/09/2019 09:17
Linh Hương
(GDVN) - Theo anh Vương, nếu trẻ ý thức đọc sách là tốt và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ thì lớn lên dù bận rộn đến mấy cũng sẽ dành thời gian đọc sách.

Những chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương trong buổi tọa đàm "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm", nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của anh vào ngày 21/9 tại Hà Nội, gợi mở nhiều câu chuyện về rèn luyện thói quen đọc sách trong từng gia đình.

Theo anh Vương, một trong những việc quan trọng nhất để cha mẹ gây dựng được tình yêu đọc sách cho con chính là cha mẹ phải tạo dựng được môi trường thuận lợi để dẫn con vào con đường ham mê sách, tạo môi trường cho tình yêu sách được nảy nở.

"Nếu được tạo dựng thói quen đọc sách từ nhỏ, trẻ sẽ coi trọng việc đọc sách như ăn uống hằng ngày, coi đọc sách là điều tốt đẹp", anh Quốc Vương nói.

Theo anh Vương, nếu trẻ ý thức đọc sách là tốt và hình thành thói quen đọc sách từ nhỏ thì lớn lên dù bận rộn đến mấy cũng sẽ dành thời gian đọc sách.

Đọc sách phụ thuộc vào thói quen, vào quan niệm về giá trị. Giống như yêu một ai đó và trân trọng người đó thì dù bận mấy chúng ta cũng dành thời gian cho người đó. Thế nên để con yêu sách, cha mẹ phải cho con thấy được giá trị của đọc sách!

Những chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương trong buổi tọa đàm "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm", nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của anh vào ngày 21/9 tại Hà Nội, gợi mở nhiều câu chuyện về rèn luyện thói quen đọc sách trong từng gia đình.
Những chia sẻ của tác giả Nguyễn Quốc Vương trong buổi tọa đàm "Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm", nhân dịp ra mắt cuốn sách cùng tên của anh vào ngày 21/9 tại Hà Nội, gợi mở nhiều câu chuyện về rèn luyện thói quen đọc sách trong từng gia đình.

Từ kinh nghiệm của bản thân, tác giả Nguyễn Quốc Vương khẳng định tác dụng lớn nhất của đọc sách là cho ta khả năng tự chủ của bản thân.

Tuy thói quen đọc sách phải được xây dựng đầu tiên từ gia đình nhưng cùng với đó, nhà trường phải là nơi ươm mầm cho tình yêu đọc sách. Đáng tiếc là không phải nhà trường nào cũng chăm chút việc này, có khi còn ngược lại.

"Nền giáo dục của chúng ta hiện nay để phục vụ khoa cử, tập trung vào lượng thông tin thi cử do đó cách hiệu quả nhất là học chương trình sách giáo khoa và vì vậy họ chối bỏ đọc sách và cho nó là mất thời gian", anh Vương nói.

Theo anh Vương, giáo dục khoa cử sẽ giúp mục đích tốt nghiệp trung học phổ thông để bước vào cánh cửa đại học rất hiệu quả nhưng sau đó thì đây cũng là cách "giết" tương lai học sinh nhanh nhất. 

Dẫn lại thông tin, năm 2018 có gần 200.000 cử nhân thất nghiệp, giấu bằng đại học để đi làm công nhân, anh Vương xót xa:

“Đi làm công nhân không có gì là xấu và bản thân tôi cũng đã làm công việc này. 

Nhưng xét về tính hiệu quả thì nếu học 12 năm phổ thông cộng thêm 4 năm trên giảng đường đại học để rồi đi làm một công việc không cần đào tạo, chỉ cần tay nghề phổ thông, vậy sao chúng ta không đi làm từ khi tốt nghiệp lớp 12 để bố mẹ đỡ vất vả?

Bởi xét cho cùng, 4 năm đó chúng ta không học thêm được gì để thay đổi cuộc đời so với những người không học đại học.

Cử nhân muốn có việc làm thì phải chứng tỏ được bản thân, nhờ có học mà mình hơn người không được học lĩnh vực đó. Ví dụ, sinh viên học 4 năm học sư phạm Ngữ văn thì phải hơn các bạn không học sư phạm văn, chứ không thì lý do gì khiến ông chủ tuyển dụng, trả lương cho bạn?”. 

Quận Lê Chân mở cửa thư viện miễn phí để lan tỏa phong trào đọc sách

Vì vậy, theo anh Vương, trường học không phải nơi dạy cho học sinh thuần túy kiến thức chỉ để thi mà phải là nơi huấn luyện học trò các kỹ năng, cung cấp tri thức do đó trường phải là trung tâm khai sáng, là nơi khuyến đọc nhiều nhất và tạo ra môi trường đọc sách. 

Trong khi chờ nền giáo dục dần thay đổi, cha mẹ phải cứu con em mình trước.
Với mong muốn góp phần nâng cao nhận thức cho người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ về tầm quan trọng của việc đọc sách, sau 8 năm học tập và nghiên cứu tại Nhật Bản, anh Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1983, ở Bắc Giang) lại quyết định trở về Việt Nam gắn bó với nghiệp sách của mình.

Vừa dạy học, dịch sách, viết sách…người thầy đặc biệt này còn rong ruổi khắp nơi để bán sách.

Chia sẻ về nhan đề của cuốn sách “Đọc sách và con đường gian nan vạn dặm”, tác giả Nguyễn Quốc Vương kể câu chuyện có độc giả hỏi "Đặt tên sách có chữ gian nan sau chữ đọc sách thế này liệu có làm độc giả ngại mua không?".

Theo tác giả: “Tôi thích cái gì đó đi thẳng vào bản chất, hoặc có hàm ý ẩn dụ về thông điệp. Đọc sách suy cho cùng là việc rất dễ. Ai biết chữ đều có thể đọc được. 

Nhưng đọc xong thì thế nào? Cá nhân từng người đọc xong sẽ thay đổi nhận thức, hành vi ra sao?

Cộng đồng sau khi có văn hóa đọc thì sẽ thế nào? Và quan trọng hơn nữa, là từng cá nhân sau khi đọc sách-thấy sách cần thiết cho sự khai sáng văn minh, cho bước đường tiến bộ của dân tộc thì sẽ phải làm gì? 

Và đấy mới thực sự là con đường gian nan vạn dặm. Để đi đến đích của con đường ấy, một người đi là bất khả, 10 người đi là thất bại, cần 1000, 10 nghìn, 10 triệu, 100 triệu người cùng đi.” – tác giả Nguyễn Quốc Vương nhấn mạnh.

Linh Hương