Điểm mờ của Thông tư 03: giáo viên hạng 2 cũ nơi sang ngang, nơi xuống hạng 3

02/06/2021 06:30
BÙI NAM
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địa phương hiểu theo kiểu nào thì làm theo kiểu ấy, chưa thống nhất cách thực hiện cả nước, gây khó khăn, hoang mang trong giáo viên.

Một trong những bất cập khi thực hiện chuyển xếp lương theo Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT là việc Thông tư có nhiều vấn đề chưa thống nhất, do cách hiểu khác nhau nên vận dụng khác nhau. Điều này thể hiện tính chưa chặt chẽ của văn bản quy phạm pháp luật.

Ví dụ: Trường hợp một giáo viên đang hưởng lương giáo viên hạng 2 cũ (có hệ số lương 2,34 đến 4,98) có thời gian giữ hạng 2 cũ (hạng 3 mới) 6 năm giả sử có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện, thành tích tuy nhiên khi thực hiện phương án bổ nhiệm, chuyển xếp lương theo thông tư mới thì ở địa phương A sẽ cho chuyển xếp sang hạng 2 mới có hệ số lương (4,0 đến 6,38) còn địa phương B lại cho chuyển lương hạng 3 mới có hệ số lương tương đương.

Mỗi địa phương lại thực hiện Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT theo cách hiểu khác nhau. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Mỗi địa phương lại thực hiện Thông tư 03/2021/TT-BGDĐT theo cách hiểu khác nhau. (Ảnh minh họa: Lã Tiến)

Chuyển sang hạng 3 mới là… đúng

Như đã trình bày ở phần trên, giáo viên trên có 6 năm giữ hạng 2 cũ, có đủ các tiêu chuẩn khác trừ tiêu chuẩn đủ 9 năm giữ hạng 2 cũ.

Theo Thông tư, giáo viên trung học cơ sở hạng 2 cũ được chuyển qua hạng 2 mới phải đáp ứng 100% tiêu chuẩn giáo viên trung học cơ sở hạng 2 mới.

Tại Thông tư 03/2021 quy định:

“Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở

1. Viên chức đã được bổ nhiệm vào các hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở theo quy định tại Thông tư liên tịch số 22/2015/TTLT-BGDĐT-BNV nếu đạt các tiêu chuẩn của hạng chức danh nghề nghiệp theo quy định tại Thông tư này thì được bổ nhiệm vào hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở như sau:

a) Giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.12) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);

b) Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31);[…]

2. Giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.11) chưa đạt các tiêu chuẩn của hạng tương ứng theo quy định tại Điều 4 Thông tư này thì được bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32);[…]”

Như vậy, theo quy định tại điều này thì giáo viên trung học cơ sở muốn được bổ nhiệm vào hạng 2 mới phải đáp ứng toàn bộ 100% tiêu chuẩn của giáo viên trung học cơ ở hạng 2 mới, nếu không thì phải chuyển sang hạng 3 mới (xuống hạng nhưng lương không đổi)

Chuyển sang hạng 2 mới cũng… không sai

Có địa phương giáo viên trên nếu đủ các tiêu chuẩn khác dù không đủ 9 năm giữ hạng 2 cũ vẫn được chuyển sang hạng 2 mới có hệ số lương 4,0 đến 6,38 vì các lý do sau:

Thứ nhất, Điều 7. Các trường hợp bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở quy định việc bổ nhiệm vào ngạch mới, đây là quy định của việc chuyển ngạch lương, từ ngạch lương của Thông tư 22/2015 (có mã số V.07.04…) sang ngạch lương mới của Thông tư 03/2021 có mã số V.07.04…

Đây có thể hiểu không phải là đợt nâng lương, tăng lương, thăng hạng mà chỉ là đợt chuyển từ ngạch cũ sang ngạch mới (hạng 2 cũ sang hạng 2 mới).

Cụ thể tại điểm k khoản 4 Điều 4. Giáo viên trung học cơ sở hạng II - Mã số V.07.04.31 quy định:

“Viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng II (mã số V.07.04.31) phải có thời gian giữ chức danh nghề nghiệp giáo viên trung học cơ sở hạng III (mã số V.07.04.32) hoặc tương đương đủ từ 09 (chín) năm trở lên (không kể thời gian tập sự), tính đến thời hạn nộp hồ sơ đăng ký dự thi hoặc xét thăng hạng.”

Ở điều này có thể thấy chỉ quy định chỉ giáo viên dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp mới cần đủ 9 năm giữ hạng 2 mới trở lên.

Mà như đã nói ở trên, việc bổ nhiệm vào lương mới chỉ là chuyển ngạch, chuyển từ hạng 2 cũ sang tương đương hạng 2 mới nên không phải dự thi hoặc xét thăng hạng nên không cần đủ 9 năm giữ hạng 2 cũ cũng… không sai.

Do đó, địa phương hiểu theo kiểu nào thì làm theo kiểu ấy, chưa thống nhất cách thực hiện cả nước, gây khó khăn, hoang mang trong giáo viên.

Rõ ràng Thông tư xếp hạng mới khi ban hành và triển khai thực hiện đã có nhiều vấn đề chưa phù hợp, chưa thống nhất, hiện nay cũng chưa có hướng dẫn cụ thể việc chuyển xếp hạng mới này.

Nếu không có hướng dẫn cụ thể, tập huấn, thống nhất này sẽ khiến các địa phương rất khó thực hiện theo các Thông tư mới.

Bên cạnh đó, các Thông tư xếp lương mới của giáo viên mầm non, tiểu học, trung học phổ thông cũng vướng phải những điều trên.

Bài viết “Giáo viên lên hạng có được truy lĩnh, xuống hạng xếp hệ số lương thế nào đây?” của tác giả Nhật Khoa phản ánh các vấn đề chưa thống nhất, rõ ràng của các thông tư.

Bên cạnh đó, các bài viết: “Có bằng đại học gần 10 năm vẫn lương trung cấp, giáo viên cầu cứu Bộ trưởng”, “Bổ nhiệm, xếp hạng giáo viên theo thông tư mới có đang làm khó các địa phương?” và “Sáu kiến nghị gấp về xếp lương giáo viên theo Thông tư mới”,… cũng đã chỉ ra nhiều vấn đề tồn tại, bất cập của các thông tư mới khiến các địa phương khó thực hiện phương án, ra quyết định bổ nhiệm lương mới khi mà các thông tư trên đã có hiệu lực cách đây 2 tháng.

Rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo, thống nhất với Bộ Nội vụ nghiên cứu các vấn đề trên, cùng có văn bản thống nhất để thực hiện trong cả nước, không để mỗi nơi làm một kiểu, thiệt thòi quyền lợi giáo viên.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

BÙI NAM