Dịch Covid-19 cả xã hội chung tay chia sẻ, tại sao lại tăng giá sách giáo khoa?

11/04/2020 06:00
Vũ Ninh
(GDVN) - Trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, mọi cá nhân, tổ chức phải đồng lòng cùng cả nước. Tăng giá sách giáo khoa thời điểm này có liệu có hợp lý, nhân văn?

Liên quan đến việc tăng giá sách giáo khoa lùm xùm nhiều ngày qua, được dư luận chú ý, Giáo sư Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội khuyến học Việt Nam đặt vấn đề:Trong bối cảnh dịch Covid-19 đang gây khó khăn cho đất nước, ngành giáo dục cũng phải chung tay, đóng góp sức mình vào cuộc chiến này.

Nhiều doanh nghiệp giảm lương, cắt giảm nhân sự, đến huấn luyện viên Park Hang Seo còn được đề nghị giảm lương. Vậy tại sao các nhà xuất bản lại tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm này?

Giá sách giáo khoa mới tăng cao có phải do độc quyền?
Giá sách giáo khoa mới tăng cao có phải do độc quyền?

Khoan bàn đến vấn đề chi phí, giá sách, nội dung, khâu thẩm định…Giáo sư Phạm Tất Dong cho rằng:

Việc tăng giá sách giáo khoa trong bối cảnh dịch Covid-19 đang căng thẳng như hiện nay là một việc làm chưa hợp lý nếu không muốn nói là thiếu nhân văn.

Thầy Dong lý giải: “Nếu trong các điều kiện bình thường thì không nói làm gì, nhưng trong bối cảnh dịch Covid-19 như hiện nay, toàn xã hội đang gặp nhiều khó khăn mà anh lại tăng giá sách giáo khoa. Việc làm này tôi cho rằng không phù hợp.

Nền kinh tế đang bị ảnh hưởng lớn, nhiều doanh nghiệp phá sản. Trong bối cảnh này anh phải góp sức cùng cả nước chống dịch thì lại tăng sách giáo khoa.

Hàng triệu phụ huynh, học sinh họ đang gặp vô vàn áp lực từ cuộc sống cho đến việc học tập, thi cử. Trong thời điểm này tăng giá sách giáo khoa chỉ khiến cho dư luận xã hội cảm thấy bức xúc”.

Không nên tăng giá sách giáo khoa trong giai đoạn dịch Covid-19 (Ảnh:V.N)
Không nên tăng giá sách giáo khoa trong giai đoạn dịch Covid-19 (Ảnh:V.N)

Bên cạnh đó, theo thầy Dong: Nếu nói tăng giá sách giáo khoa không ảnh hưởng đến phụ huynh, học sinh là không đúng.

Giáo sư Phạm Tất Dong nói: “Mới đây Chính phủ đã có các giải pháp hỗ trợ người lao động, người dân nghèo. Một đồng bây giờ cũng quý chứ đừng nói đến mười đồng. 

Cho nên không thể nói tăng giá như vậy không ảnh hưởng đến học sinh và phụ huynh. 

Đối với phụ huynh ở thành phố đã khó khăn chứ đừng nói đến phụ huynh ở những vùng sâu, vùng xa”.

Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh còn khó khăn (Ảnh:V.N)
Việc tăng giá sách giáo khoa sẽ tạo áp lực cho phụ huynh, học sinh còn khó khăn (Ảnh:V.N)

Ngoài ra Giáo sư Phạm Tất Dong cũng đặt dấu hỏi về vai trò của Bộ giáo dục và đào tạo: Việc tăng giá sách giáo khoa nếu không có báo chí và dư luận lên tiếng thì không ai biết. Như vậy vai trò của Bộ giáo dục và đào tạo ở đâu?

Đồng tình với quan điểm của thầy Dong, một số hiệu trưởng cũng cho rằng không nên tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay.

Thầy Nguyễn Duy Tiến, hiệu trưởng trường bán trú xã Bản Công (Yên Bái) cho biết:

“Học sinh vùng cao tuy được Nhà nước hỗ trợ những đời sống của người dân nhìn chung còn nhiều khó khăn.

Ở miền xuôi có thể 200.000 đồng không phải là con số lớn. Nhưng đối với những gia đình ở vùng cao còn gặp khó khăn 200.000 đồng là số tiền học sinh có thể ăn học được mấy tháng.

Do vậy tôi mong rằng các nhà xuất bản nên cân nhắc giá bán cho hợp lý. Nhà nước cần có những chính sách hỗ trợ cho học sinh vùng cao nếu như giá sách giáo khoa tăng”.

Sách bán giá cao nếu chỉnh lý hay đổi mẫu mã sách thì ai phải chịu trách nhiệm?
Sách bán giá cao nếu chỉnh lý hay đổi mẫu mã sách thì ai phải chịu trách nhiệm?

Cô N.T.H, một hiệu trưởng tại Nam Định nói:

“Tôi nghĩ thời điểm đang dịch Covid-19 như thế này chúng ta nên đồng lòng nhìn về 1 hướng.

Phụ huynh và các nhà trường hiện chỉ quan tâm khi nào được đi học,đi dạy trở lại. 

Câu chuyện tăng giá sách giáo khoa tôi cho rằng các nhà xuất bản đưa ra trong thời điểm này là chưa hợp lý.

Dịch Covid-19 ảnh hưởng đến rất nhiều người. Nếu như trước đây có thể nói tăng giá vài chục nghìn là không vấn đề gì. Nhưng hiện nay nhiều người còn phải nhận trợ cấp hơn 1 triệu đồng từ Chính phủ. 

Cho nên thiết nghĩ các nhà xuất bản không nên tạo áp lực cho phụ huynh, cho xã hội trong thời điểm này.Việc tăng giá sách giáo khoa ta sẽ bàn sau”.

Gia đình anh Trần Văn Phú (Bắc Hồng, Hồng Lĩnh, Hà Tĩnh), cả 2 vợ chồng đều mới mất việc do ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bản thân anh phải lo cho 4 miệng ăn trong thời điểm này. 

Vì thế khi biết thông tin sách giáo khoa tăng giá anh Phú bày tỏ: “Bây giờ cuộc sống của chúng tôi rất khó khăn. Nếu các con đi học trở lại ngoài tiền sách giáo khoa còn nhiều khoản đóng góp như quần áo,vật dụng. Mỗi thứ chỉ cần tăng một chút là gánh nặng của gia đình sẽ tăng thêm”.

Câu chuyện tăng sách giáo khoa nên để sau đợt dịch này các nhà xuất bản tiếp tục bàn tiếp (Ảnh minh họa:VTC.VN)
Câu chuyện tăng sách giáo khoa nên để sau đợt dịch này các nhà xuất bản tiếp tục bàn tiếp (Ảnh minh họa:VTC.VN)

Phó giáo sư Trần Xuân Nhĩ cho rằng: Bộ cần thành lập hội đồng thẩm định giá trên tinh thần "tiền nào của nấy" thay vì chỉ thẩm định nội dung, hình thức sách giáo khoa như hiện nay. Giá cả của sách sẽ do thị trường điều tiết, chứ không thể nói bộ sách này không được phép quá giá của bộ sách đã phát hành cách đây nhiều năm.

Tuy nhiên, trước mắt trong bối cảnh dịch Covid-19, nhiều giáo viên và chuyên gia đồng tình: Các nhà xuất bản không nên tăng giá sách giáo khoa trong thời điểm này.

Đặc biệt khi gánh nặng kinh tế, xã hội đang đè nặng lên cả nước. Trong bối cảnh này mỗi cá nhân, tổ chức phải có ý thức chung tay,đồng lòng đẩy lùi dịch bệnh.

Vũ Ninh