Địa phương mong "ngân sách mua SGK đưa vào thư viện" sớm thành hiện thực

29/06/2022 07:00
Trần Phương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Lãnh đạo nhiều Phòng, Sở Giáo dục một số địa phương hi vọng đề xuất sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học thành hiện thực.

Vừa qua tại cuộc họp với Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, đại diện Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Tài chính, Uỷ ban Văn hóa - Giáo dục của Quốc hội,… về các vấn đề liên quan đến sách giáo khoa, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã đề xuất phương án sử dụng ngân sách nhà nước mua sách giáo khoa đưa vào thư viện trường học cho học sinh mượn, sử dụng nhiều lần.

Đề xuất này của Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thu hút sự chú ý của dư luận, đặc biệt là các thầy cô giáo vùng cao, vùng khó khăn. Các thầy cô mong muốn đề xuất này sẽ sớm trở thành hiện thực để giúp các em học sinh đỡ phần nào khó khăn trên con đường đến trường.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Trịnh Ngọc Hải – Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Than Uyên (Lai Châu) cho biết:

“Năm nay, do giá sách giáo khoa cao nên thầy cô trên địa bàn huyện Than Uyên cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc vận động phụ huynh học sinh mua sách giáo khoa.

Đặc thù vùng khó khăn nên các thầy cô phải trao đổi rất nhiều với phụ huynh đồng bào dân tộc thiểu số.

Khi áp dụng chương trình giáo dục phổ thông 2018 thì giá sách giáo khoa mới cao hơn so với mọi năm nên các phụ huynh đều tỏ ra lo lắng vì chi phí cho các con đi học sẽ tăng thêm.

Mọi năm, chúng tôi đều có những cuộc vận động xã hội hóa sách giáo khoa đưa vào thư viện các trường cho học sinh khó khăn mượn và căn dặn các em giữ gìn để trả lại nhà trường cho các em khoá sau học.

Tuy nhiên, cũng chỉ được phần nào. Phần thì thiếu cuốn này, phần thì thiếu cuốn kia… chính vì thế học sinh trên địa bàn Than Uyên vẫn còn thiếu thốn sách giáo khoa.

Với đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi cũng rất mừng và mong đề xuất này sớm thành hiện thực. Nếu sách giáo khoa được đầy đủ, học sinh và thầy cô giáo sẽ vơi đi nhiều phần vất vả”.

Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá thành cao khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ảnh minh họa. VTV

Sách giáo khoa của chương trình giáo dục phổ thông 2018 có giá thành cao khiến nhiều phụ huynh lo lắng. Ảnh minh họa. VTV

Đồng tình với quan điểm này, thầy Nguyễn Quang Bách – Phó trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Sơn Động (Bắc Giang) cho rằng đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo nếu được áp dụng sẽ bớt đi nhiều gánh nặng cho học sinh vùng cao, vùng dân tộc thiểu số.

“Nhiều trường trên địa bàn vùng khó của địa phương vận động học sinh đến trường gặp khó khăn một phần vì chi phí sách giáo khoa. Do đó, nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng vào thực tế sẽ giúp ích rất lớn cho học sinh.

Mỗi khi bước vào năm học mới, các thầy cô đều đi vận động xã hội hóa sách giáo khoa. Kết quả thu được cũng rất đáng động viên. Tuy nhiên, nhiều lúc thừa thiếu, không đồng bộ nên học sinh cũng gặp khó khăn trong việc mượn từ tủ sách của nhà trường”.

"Nếu có chủ trương chung, việc thực hiện mua sách giáo khoa để đưa vào thư viện sẽ thuận lợi. Đầu năm học, học sinh sẽ mượn các bộ sách để học, có ý thức giữ gìn sách cuối năm trả lại thư viện nhà trường”, thầy Bách cho biết.

Cũng theo thầy Bách, bên cạnh sách giáo khoa, nếu các đồ dùng học tập được đầu tư vào thư viện để học sinh mượn sẽ giúp ích được nhiều hơn. Các nhà trường sẽ căn cứ vào tình hình khó khăn của học sinh sẽ cho các em mượn để thực hành.

Cô Nguyễn Thị Hương Giang - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Hà Giang (Hà Giang) cho biết:

“Nếu đề xuất này thành hiện thực rất tốt. Các địa bàn vùng cao, vùng sâu, vùng xa ở Hà Giang sẽ được giúp ích rất nhiều. Tất nhiên, việc này không nên cào bằng tất cả các trường mà nên giúp các địa bàn vùng khó khăn”.

Bên cạnh đó, cô Nguyễn Thị Hương Giang cũng cho rằng, ngoài việc sách giáo khoa, dụng cụ học tập cũng sẽ là bài toán khó với các trường vùng khó khăn. Nếu đề xuất của Bộ Giáo dục và Đào tạo được áp dụng, cũng cần lưu ý đến vấn đề này.

Nếu được hỗ trợ sách giáo khoa học sinh vùng cao sẽ bớt vất vả hơn khi đến trường. Ảnh minh họa: LC

Nếu được hỗ trợ sách giáo khoa học sinh vùng cao sẽ bớt vất vả hơn khi đến trường. Ảnh minh họa: LC

Thầy Tống Thanh Sơn - Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè (Lai Châu) cho biết:

"Việc được hỗ trợ ngân sách cho sách giáo khoa được thì tốt. Trên địa bàn Mường Tè chủ yếu là người dân tộc thiểu số nên kinh tế gặp rất nhiều khó khăn.

Trước khi vào năm học mới, phòng giáo dục và đào tạo thường xuyên cho các trường rà soát lại thiết bị, đồ dùng học tập và sách giáo khoa để kiểm kê xem thừa, thiếu những gì.

Với các trường có ngân sách hỗ trợ, việc bù đắp thiếu hụt cũng bớt khó khăn hơn. Với các trường không có hỗ trợ, việc đảm bảo thiết bị học tập, sách giáo khoa gặp không ít khó khăn".

Nói về việc Bộ Giáo dục và Đào tạo đề xuất dùng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào các thư viện trường, thầy Sơn cho biết, sách giáo khoa vẫn là thứ yếu so với các trang thiết bị giúp giảng dạy và học tập của các em. Đó là vấn đề thầy cô và học sinh cảm thấy vất vả nhất khi thiếu thốn thiết bị dạy học.

"Nếu được hỗ trợ cả sách giáo khoa và thiết bị dạy, học sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu thực tế", Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Tè cho biết.

Theo Tiến sĩ Lê Thị Hương, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Trị cho biết, là địa phương có nhiều trường thuộc vùng khó khăn, miền núi, gia đình học sinh không có điều kiện mua sách giáo khoa nên nhiều năm qua, trước thềm năm học mới thầy cô, nhà trường đều đi xin sách cho học trò.

Nhất là 2 huyện miền núi Đakrông và Hướng Hóa, đa số học sinh dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn, gia đình không có điều kiện kinh tế để mua sắm sách vở, đồ dùng học tập.

Các nguồn xin sách của nhà trường đến từ việc vận động học sinh khoá trước học xong tặng lại; quyên góp tổ chức, cá nhân; sách cũ của học sinh các địa phương khác gửi về…

Ngoài ra, mỗi trường cũng dành một ít ngân sách để mua bổ sung thư viện; các nhà xuất bản gửi một ít hỗ trợ học sinh vùng khó.

Theo Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Trị, việc dùng ngân sách mua sách giáo khoa đưa vào thư viện chỉ nên hỗ trợ các trường miền núi, vùng khó khăn và trường hợp học sinh con em gia đình thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn chứ không phải áp dụng cho tất cả học sinh.

Trần Phương