Địa phương kêu khó với việc quản lí sinh viên hệ cử tuyển

15/09/2013 06:46
Xuân Trung
(GDVN) - Một số tỉnh thành khu vực phía Bắc than khó quản lí đối tượng sinh viên hệ cử tuyển, nguyên nhân ban đầu được nhận định do mối quan hệ, sự phối hợp chưa được “ăn ý” giữa các tỉnh và trường được gửi đào tạo.
Bộ GD&ĐT vừa tổng kết 6 năm thực hiện Nghị định số 134/2006/NĐ-CP ngày 14/11/2006 của Chính phủ về quy định chế độ cử tuyển vào các cơ sở giáo dục trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp thuộc hệ thống giáo dục quốc dân. Trong 6 năm này, nhiều tỉnh thành có ý kiến phía cơ sở đào tạo cần tích cực trao đổi qua lại để nắm bắt tình hình sinh viên. 

Cử tuyển là việc tuyển sinh không qua thi tuyển vào đại học, cao đẳng, trung cấp để đào tạo cán bộ, công chức, viên chức cho các vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và các dân tộc thiểu số chưa có hoặc có rất ít cán bộ đạt trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp.

Chế độ cử tuyển quy định tại Nghị định 134 bao gồm: tuyển sinh; tổ chức và kinh phí đào tạo; phân công công tác cho người được cử đi học sau khi tốt nghiệp; bồi hoàn học bổng, chi phí đào tạo đối với người được cử đi học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp không chấp hành sự phân công công tác.

Tỉnh kêu “gặp nhiều khó khăn”

Ông Hoàng Đức Minh – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu (một trong những tỉnh miền núi khó khăn) nhận định, Nghị định 134 ra đời là một chủ trương giúp các tỉnh khó khăn có được đội ngũ trí thức trẻ rất lớn. Trong 6 năm qua toàn tỉnh Lai Châu đã cử đi học được 460 em, đây là những em có thành tích học tập tốt được cử đi học theo chỉ tiêu các địa phương trong tỉnh.

Kết thúc khóa học sau 6 năm 460 em này đều được bố trí việc làm. Tuy nhiên, hệ cử tuyển vẫn còn đâu đó nhiều nỗi lo mà theo lãnh đạo Sở GD&ĐT tỉnh Lai Châu, đó là vấn đề quản lí sinh viên trong quá trình đi học. 

Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.
Ảnh chỉ mang tính chất minh họa.

Ông Minh cho biết, trong những năm qua vấn đề phối hợp giữa nhà trường và địa phương thực tế là chưa tốt, điển hình như nhiều học sinh bỏ học thời gian lâu nhưng do trường không thông báo nên tỉnh cũng không nắm được con số này. Theo quy định, nếu học sinh bỏ học phải hoàn tiền nhưng do trường không báo nên không biết đâu mà lần. 

Ngoài ra, theo ông Minh một vấn đề khó khăn của riêng tỉnh Lai Châu là hiện nay nhiều trường đại học đào tạo theo tín chỉ, do vậy số sinh viên tốt nghiệp rất rải rác. Trong khi đó theo Nghị định 134 tỉnh phải xuống trường rút hồ sơ khi sinh viên tốt nghiệp.

“Từ Lai Châu xuống dưới Hà Nội cũng khoảng 500 km, trong khi sinh viên tốt nghiệp rải rác như vậy tỉnh rất khó khăn trong vấn đề đi lại, kinh phí cũng không nằm trong kế hoạch nên rất khó cho tỉnh”, ông Minh cho biết.

Ông Hoàng Minh Thạch – Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) cũng nêu vấn đề, trong Nghị định 134 có nói nếu các tỉnh chưa nộp tiền đào tạo cho các trường kịp thì cơ sở đào tạo tạm thời “ứng” trước cho tỉnh, nhưng vấn đề nay đối với tỉnh Hà Giang chưa làm được. 

Ông Thạch nêu ví dụ điển hình ở tỉnh Hà Giang, khi nhiều sinh viên cử tuyển không có tiền đóng học do đến hạn nộp cho trường nên nhiều em đã điện thẳng lên cho Bí thử tỉnh để kêu. Điều đó rất phiền phức cho lãnh đạo tỉnh. 

Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp tỉnh Hà Giang kiến nghị cấp trên, nhất là Bộ Tài chính nên cấp kinh phí đào tạo về trường, tỉnh chỉ cấp học bổng cho học sinh đi học, lúc đó người học sẽ có điều kiện ăn ở tốt hơn chứ không như hiện nay.

Lãnh đạo tỉnh Sơn La đặt vấn đề, trong hợp đồng gửi học sinh đi học giữa tỉnh và trường đại học có nói trách nhiệm mỗi bên, trong đó có quy định trường đào tạo phải thông báo về kết quả học tập sinh viên cho tỉnh, tuy nhiên theo lãnh đạo tỉnh Sơn La rất ít khi tỉnh này nhận được thông báo đó, do đó tình rất khó khăn trong việc theo dõi quá trình học tập của con em mình.

Cùng quan điểm, ông Đoàn Quốc Tuấn - Trưởng phòng Giáo dục chuyên nghiệp (Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình) chia sẻ, là tỉnh miền núi có nhiều đồng bào dân tộc sinh sống và 6 năm qua một số nơi ở địa phương làm chưa tốt công tác phân công việc làm cho người học. 

Thực tế tại Hòa Bình mới chỉ phân công việc làm cho khoảng 28% số sinh viên hệ cử tuyển khi ra trường. Đề giải quyết vấn đề này, tỉnh Hòa Bình đưa ra phương án sinh viên tốt nghiệp ở cơ sở nào về đúng cơ sở đó làm việc, ở xã nào về xã đó và theo đúng nghề mà địa  phương đó đang thiếu vì địa phương đã đăng kí chỉ tiêu lúc đi học thì tốt nghiệp phải sử dụng.

Lãnh đạo tỉnh Điện Biên cũng cho biết, do tỉnh không có sức thu hút kỹ sư, cử nhân ở tỉnh ngoài đến công tác, thậm chí con em các dân tộc tỉnh Điện Biên đi học các trường đại học ngoài tỉnh, sau khi tốt nghiệp không trở về Điện Biên công tác, do đó dẫn đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực thuộc các ngành Y, Dược, Kinh tế, Kỹ thuật ở trình độ cao. Số học sinh người dân tộc thiểu số đặc biệt ít người của tỉnh như: Cống, Si La tham gia đăng ký xét tuyển còn ít.
Sinh viên hệ cử  tuyển đòi vào ngành có sức thu hút cao là rất khó

Chia sẻ mọi khó khăn với các tỉnh trong  quá trình cử sinh viên đi học theo hệ cử tuyển, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga cho biết, để chủ động trong việc quản lí sinh viên giữa trường và các tỉnh, nếu có thời gian các trường nên tiến hành xét tuyển hệ này sớm hơn.

Thứ trưởng Ga nêu thực trạng, hiện nay có một mâu thuẫn trong hệ cử tuyển là người học yếu đầu vào do đó nhiều người cũng yếu đầu ra và thường gặp khó khăn trong thi tuyển biên chế. Mặc dù vậy đa số sinh viên cử tuyển lại mong muốn vào ngành có sức hút cao, đó là điều mất cân đối (có sinh viên lưu ban tới 10 chưa ra được trường).

Cơ chế việc làm hệ cử tuyển theo Thứ trưởng Ga cũng nên nhìn nhận theo một hướng khác, đây là hệ đào tạo cho xã hội chứ không nhất thiết phải ấn định cho các vùng. Do vậy cơ sở cử người đi học mà sau khi tốt nghiệp không xin được việc làm cũng có thể tìm việc ở chỗ khác để giải tỏa áp lực cho địa phương.

Thứ trưởng Ga đề nghị, việc chọn ngành nghề cho sinh viên cử tuyển không chỉ do các địa phương mà cũng cần có sự tham gia của nhà trường. Theo đó, địa phương phân loại người học trước khi gửi đi đào tạo để đảm bảo tỷ lệ thành công khi sinh viên ra trường có việc làm ngay. Được biết, Bộ GD&ĐT đang nghiên cứu thêm về khía cạnh này, có thể thời gian đào tạo không quá dài như hiện nay.

Lãnh đạo nhiều địa phương đề nghị nên có chính sách công bằng giữa sinh viên hệ cử tuyển và sinh viên cùng đối tượng đào tạo. Thứ trưởng Bùi Văn Ga nói: “ Vấn đề này Bộ cũng đã biết, bộ đã phối hợp với Bộ Tài chính và Ủy ban Dân tộc soạn thảo chương trình và trình Chính phủ xem xét. Sắp tới đối tượng cử tuyển sẽ được hỗ trợ mức kinh phí nhất định nào đó” Thứ trưởng Ga thông tin.

Lãnh đạo Bộ GD&ĐT cũng nêu vấn đề, để người học hệ cử tuyển có việc làm sau khi tốt nghiệp nên có chính sách bố trí việc làm mà không cần qua thi tuyển. Ngoài ra, nếu mở rộng vùng tuyển, tỷ lệ sinh viên người kinh thày vì 15% như hiện nay nên chăng là 30%?
Bố trí việc làm cho sinh viên cử tuyển chỉ đạt 62,2%

Số học sinh, sinh viên cử tuyển đã được bố trí vào học tại các đại học, học viện, các trường đại học, cao đẳng và tập trung đăng ký vào học các nhóm ngành: sư phạm chiếm 23.03 %, Y tế  chiếm 25,96 %, Kỹ thuật chiếm 15,55%, Nông lâm chiếm 12,91% Kinh tế chiếm 16,82% Xã hội nhân văn chiếm 5,11%, Nghệ thuật-TDTT chiếm 0,61%.

Về bố trí việc làm cho học sinh sau khi tốt ra trường: Theo báo cáo của các địa phương đối tượng học sinh cử tuyển trình độ đại học, cao đẳng  khóa học 2007-2008, trình độ cao đẳng khóa 2008-2009 thực hiện theo Nghị định 134 theo chế độ cử tuyển đến thời điểm hiện tại có 852 em tốt nghiệp được bố trí việc chiếm 62,2% (cứ 100 sinh viên tốt nghiệp thì có 62 em được bố trí việc làm) và có 95% học sinh TCCN tốt nghiệp ra trường đã được bố trí việc làm.      
Tổng số học sinh được cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng sau 6 năm (2007-2013) là 12.805 học sinh, so với tổng chỉ tiêu 14.602, đạt 88%. Số học sinh cử tuyển vào các trường TCCN trên 2000 em, là con em của 55/63 tỉnh thành.   

Trong tổng số 12.805 học sinh cử tuyển vào các trường đại học, cao đẳng có 83.9 % học sinh vào 72 trường đại học và 16,1% học sinh vào 32 trường cao đẳng, đối với các trường TCCN hàng năm UBND tỉnh đặt hàng trực tiếp và trả kinh phí đào tạo cho các trường TCCN tại địa phương.
Xuân Trung