“Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”

30/12/2017 06:24
Linh Hương
(GDVN) - Tác giả Nguyễn Quốc Vương ra mắt cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” với hi vọng giúp bạn đọc gợi ra những suy ngẫm về giáo dục nước nhà.

Ngày 28/12, tác giả Nguyễn Quốc Vương (sinh năm 1982, quê Bắc Giang) chính thức ra mắt cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”.

Cuốn sách là tập hợp những bài viết của tác giả về giáo dục Việt Nam và những vấn đề liên quan đến giáo dục trong khoảng thời gian từ tháng 4/2014 đến nay. 

Cuốn sách đã trình bày, cuộc tranh luận về triết lý giáo dục ở Việt Nam được xới lên cách đây gần 15 năm và tiếp diễn liên tục từ đó đến nay. 

Dẫu vậy, hầu như chưa có đưa ra được một định nghĩa thuyết phục hay một công trình nghiên cứu nào đó đáng kể về vấn đề này. 

Tác giả Nguyễn Quốc Vương ra mắt cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” với hi vọng giúp bạn đọc gợi ra những suy ngẫm về giáo dục nước nhà. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)
Tác giả Nguyễn Quốc Vương ra mắt cuốn “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” với hi vọng giúp bạn đọc gợi ra những suy ngẫm về giáo dục nước nhà. (Ảnh: Nguyễn Quốc Vương)

Ngay trong bản chương trình giáo dục phổ thông – chương trình tổng thể (được Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố ngày 27/8/2017) – đây là văn bản thể hiện tập trung và rõ nhất tư tưởng của cuộc cải cách giáo dục căn bản và toàn diện đang được tiến hành, cũng không hề thấy sự xuất hiện của thuật ngữ “triết lý giáo dục”. 

Hiện đang là giáo viên Lịch sử giảng dạy tại trường Trung học cơ sở, Trung học phổ thông Nguyễn Tất Thành tuy nhiên tác giả Nguyễn Quốc Vương từng là nghiên cứu sinh Ngành giáo dục Lịch sử tại Đại học Kanazawa Nhật Bản, do vậy, theo ông Vương cho rằng:

Sự tồn tại của thuật ngữ “triết lý giáo dục” trong các văn bản pháp luật liên quan đến giáo dục của Nhật Bản và mức độ phổ biến của nó trong giới giáo dục và xã hội Nhật Bản đã giúp tác giả củng cố niềm tin về tư duy lấy triết lý giáo dục làm “cơ cấu” để khảo sát các vấn đề giáo dục đương đại. 

“Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam” ảnh 2Con đường xây dựng và triết lý giáo dục của Nhật Bản

Do vậy, trong cuốn sách “Đi tìm triết lý giáo dục Việt Nam”, tác giả Nguyễn Quốc Vương đã mạnh dạn đưa ra một cách hiểu ngắn gọn về triết lý giáo dục. Đó là:

“Triết lý giáo dục” cho dù được biểu thành câu chữ, được luật hóa một cách có chủ đích hay thể hiện tàng ẩn dưới nhiều dạng thức văn bản khác nhau thì nó vẫn gồm hai thành tố chủ yếu:

Một là “hình ảnh xã hội tương lai” (xã hội mơ ước) mà nền giáo dục ấy muốn hướng tới. Triết lý giáo dục phải “gọi tên” được xã hội ấy và chỉ ra những đặc trưng cơ bản nhất của nó.

Hai là, “hình ảnh con người mơ ước” mà nền giáo dục đó muốn tạo ra. Đây sẽ là những con người cải tạo xã hội hiện thời để tạo ra xã hội mới – xã hội tương lai với những đặc trưng được phác thảo ở trên và đồng thời họ cũng sẽ phải là những người bảo vệ xã hội ấy.

Những con người này phải có những năng lực, phẩm chất, thái độ phù hợp với xã hội mà họ sẽ trở thành chủ nhân. 

Cũng theo tác giả này, khi tìm kiếm triết lý giáo dục của một nước nào đó người ta sẽ phải tìm kiếm hai bộ phận cấu thành triết lý giáo dục nói trên ở trong Hiến pháp, các bộ luật liên quan tới giáo dục, các bản quan trọng của ngành giáo dục như các bản chương trình, tài liệu hướng dẫn giáo viên. 

Chỉ khi tư duy như thế, chúng ta sẽ thấy, triết lý giáo dục vừa giống như là đích đến vừa bao hàm những dấu hiệu chỉ dẫn để chúng ta tìm thấy con đường tiến đến đích ấy. 

Linh Hương