Đi học trở lại thầy cô mong giảm hội thi-sổ sách, phụ huynh trông giảm thu tiền

16/02/2022 06:36
Thu Thảo
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Một năm học quá vất vả với vô số công việc lại có thêm các hội thi khiến nhiều giáo viên áp lực vô cùng.

Sau hơn 1 học kỳ học sinh phải học trực tuyến thì việc nhiều địa phương trên cả nước quyết tâm cho trẻ trở lại trường ngay sau tết là việc làm đáng mừng. Thế nhưng, ở nơi này, nơi kia, nhiều áp lực đang đẩy lên vai thầy trò và cả phụ huynh học sinh.

Rất nhiều công việc giáo viên phải gánh nặng trên vai

Được trở lại trường là niềm vui của hầu hết giáo viên vì đã quá lâu thầy cô phải dạy trực tuyến với bao áp lực.

Song, một giáo viên đồng nghiệp ở Đồng Nai nói với người viết, dạy trực tuyến đã tốn hết nhiều thời gian rồi, giờ đi dạy trực tiếp còn cực nhọc hơn khi cả núi công việc mà chỉ nghe thôi đã mệt mỏi.

Quả thật, để chuẩn bị cho học sinh tới trường học trực tiếp, giáo viên phải dọn vệ sinh trường lớp, làm công tác test Covid-19 cho học sinh, chuẩn bị tập huấn các phương án, kịch bản nếu học sinh bị nghi ngờ F0 tại lớp, hàng ngày tới lớp trước giờ vào học để đo nhiệt độ, quản lý học sinh trong lớp.

Vừa dạy trực tiếp cùng lúc với trực tuyến nếu học sinh không đến lớp, bị F0, F1 phải cách ly tại nhà. Đó là công việc hàng ngày của giáo viên khiến nhiều thầy cô lo lắng, băn khoăn.

Rồi thầy trò phải thực hiện giữ khoảng cách, đeo khẩu trang suốt thời gian trên lớp, giờ chơi phải ở trong lớp.

Bên cạnh đó, thời gian trở lại học trực tiếp, thầy cô giáo còn phải gần gũi, theo sát từng học sinh để nắm bắt những dấu hiệu nhiễm Covid ở học sinh, ổn định tâm lý cho các em...

Giáo viên lo lắng là phải khi có quá nhiều công việc phải gánh và chất lượng giảng dạy bị ảnh hưởng là điều khó tránh khỏi.

Ảnh minh hoạ: baolamdong.vn

Ảnh minh hoạ: baolamdong.vn

Thực tế không phải chỉ có những công việc trên, giáo viên cho rằng những việc không tên khác cũng sẽ tốn khá nhiều thời gian và công sức của giáo viên như thu tiền bán đồng phục, đồ dùng học tập, phù hiệu, sổ liên lạc, tiền quỹ hội phụ huynh học sinh, tiền vệ sinh trường lớp...

Đây là công tác mà năm nào giáo viên cũng ngao ngán, kêu ca, là điệp khúc vang mãi vào mỗi đầu năm học còn bây giờ là vang vào những ngày đầu học sinh trở lại học trực tiếp.

Chưa hết, một cô giáo xin giấu tên chia sẻ, chưa đi học trực tiếp trở lại nhưng nhà trường đã thông báo kiểm tra hồ sơ sổ sách, giáo án, đăng ký thi giáo viên giỏi cấp thành phố.

Một năm học quá vất vả với vô số công việc lại có thêm các hội thi khiến nhiều giáo viên áp lực vô cùng. Lại còn dự giờ, thanh tra, tập huấn....

Chỉ mỗi việc tham gia hội thi giáo viên giỏi đã mất quá nhiều thời gian của giáo viên. Giáo viên phải làm báo cáo biện pháp giảng dạy rồi đi báo cáo cho ban giám khảo chấm, chuẩn bị tiết dạy để giám khảo về dự giờ, đánh giá, công nhận.

Đưa vấn đề này hỏi những giáo viên người viết quen biết thì đều nhận được câu trả lời và mong muốn là các cấp quản lý nên ngưng các hội thi để giáo viên vực dậy chất lượng cho học trò.

Những việc không quan trọng phải bỏ bớt, gác lại làm vào năm học sau. Trong những tháng học trực tuyến, một số học sinh cần phải được giáo viên ôn tập, củng cố kiến thức nếu không các em sẽ bị bỏ lại phía sau.

Năm học này cần dồn hết những ưu tiên cho việc đảm bảo chất lượng giáo dục, giúp đỡ học sinh “yếu thế” trong học tập, tránh tình trạng các em ngồi nhầm lớp vào năm học tới.

Học sinh cũng quá tải học tập, phụ huynh lo lắng tiền trường

Một phụ huynh ở thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai) chia sẻ với người viết nỗi băn khoăn, chưa đi học trực tiếp trường đã thông báo lịch học của học sinh lớp 1, 2 là sẽ học 2 buổi/ngày. Nhà trường không có bán trú, cha mẹ phải đưa đi rước về sẽ có nhiều bất cập. Việc thực hiện phòng chống dịch Covid-19 sẽ gặp khó khăn. Hơn nữa, thời gian học của trẻ sẽ nhiều hơn, áp lực lớn hơn.

Đúng là trong tình hình dịch bệnh và trường không có điều kiện bán trú cho trẻ thì việc tổ chức học 2 buổi sẽ thiếu khả thi.

Trẻ phải di chuyển, đi lại đến trường nhiều hơn, phụ huynh mất nhiều thời gian đưa đón con đi về với 4 lần trong ngày, ảnh hưởng đến công ăn việc làm.

Trẻ phải đeo khẩu trang suốt 1 ngày sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và trẻ cũng phải thực hiện một thời khóa biểu dày đặc các tiết học trong khi tâm lý chưa ổn định sau thời gian dài học trực tuyến.

Phụ huynh trên đề nghị, năm học này nếu trường không có bán trú chỉ nên cho trẻ lớp 1, lớp 2 học 1 buổi để bắt nhịp dần với học tập. Việc nhồi nhét kiến thức chỉ khiến trẻ chán học, có khi sợ học. Những trẻ học yếu sẽ được nhà trường tập trung giúp đỡ vào 1, 2 buổi ngoài giờ học chính khóa.

Qua tìm hiểu của chúng tôi, đến thời điểm này, Sở Giáo dục và Đào tạo Đồng Nai, Uỷ ban nhân dân thành phố Biên Hòa chưa có văn bản, kế hoạch về việc tổ chức dạy học 2 buổi ở những trường chưa có điều kiện tổ chức bán trú.

Việc tổ chức học 2 buổi trong những cơ sở giáo dục này là quá vội vàng, phải được trường cân nhắc kĩ lưỡng và có sự đồng thuận của phụ huynh.

Phụ huynh lo lắng bị áp lực tiền trường là có cơ sở, nhiều trường học ngay trong Tết đã thông báo học sinh về việc mua đồng phục, đồ thể dục.

Phụ huynh than phiền vì kinh tế eo hẹp do bệnh dịch hoành hành suốt mấy năm nay, tiết kiệm chi tiêu lắm cũng thiếu trước hụt sau, giờ cộng thêm các khoản tiền trường kham không nổi.

Có nhiều người băn khoăn sắp tới phải đóng quỹ phụ huynh trường, quỹ phụ huynh lớp, tiền bảo hiểm, tiền vệ sinh trường lớp, sổ liên lạc, phù hiệu... Trăm dâu lại đổ đầu... phụ huynh.

Giải pháp nào để giải tỏa áp lực cho thầy trò và cha mẹ học sinh

Một năm học đặc biệt để thích ứng với đại dịch Covid-19, giáo viên, học sinh và phụ huynh đã nỗ lực vượt qua bao khó khăn, thử thách. Để giải tỏa áp lực, đảm bảo chất lượng dạy học và giáo dục, tôi mong các cấp quản lý giáo dục quan tâm đến các vấn đề sau:

Thứ nhất, không tổ chức các hoạt động thanh kiểm tra giáo viên, dừng tổ chức các hội thi giáo viên dạy giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi và các hội thi khác để thầy cô giáo chuyên tâm vào giảng dạy, góp phần đảm bảo chất lượng học sinh.

Thứ hai, không dạy học 2 buổi cho học sinh nếu trường không có điều kiện tổ chức bán trú tại trường.

Thứ ba, trong điều kiện dịch Covid-19 phức tạp, kinh tế của đại bộ phận gia đình gặp khó khăn, nhiều tỉnh thành đã miễn học phí để giảm bớt gánh nặng cho phụ huynh ở năm học 2021-2022.

Vì vậy, các địa phương cần chỉ đạo không thu tiền quỹ hội phụ huynh và các khoản thu không cần thiết khác trong năm học 2021-2022 để giảm chi phí cho phụ huynh trong điều kiện kinh tế đang hết sức khó khăn này.

Làm được những việc này, chúng ta sẽ đưa năm học 2021-2022 về đích một cách an toàn, trọn vẹn và thành công.

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Thu Thảo