Đi dạy 30 năm, giờ tôi mới thấy độc quyền bán sách giáo khoa trong trường

18/04/2020 06:24
Đỗ Quyên
0:00 / 0:00
0:00
(GDVN) - Lợi nhuận khủng từ tiền bán sách độc quyền vào túi ai chúng tôi không biết, chỉ biết các thầy cô được trả 2 ngàn đồng/bộ nhưng biết bao phiền toái cứ bủa vây.

Dạy học gần 30 năm nhưng chỉ mới mấy năm trở lại đây, tôi mới chứng kiến cảnh bán sách giáo khoa độc quyền ở nhiều trường học trong cả nước.

Nên để phụ huynh tự đi mua sách giáo khoa tại các cửa hàng văn phòng phẩm (Ảnh: TTXVN).
Nên để phụ huynh tự đi mua sách giáo khoa tại các cửa hàng văn phòng phẩm (Ảnh: TTXVN).

Những bộ sách giáo khoa thường được nhà trường bán độc quyền là sách VNEN, sách tiếng Anh, tin học.

Với kiểu bán độc quyền thế này đã làm không ít phụ huynh, giáo viên xất bất xang bang vì thừa, thiếu sách.

Thiếu sách do nhà trường chuyển về quá chậm

Thường thì cuối năm học, giáo viên ở nhiều trường học được quán triệt truyền tải thông tin đến phụ huynh về việc đăng ký mua sách giáo khoa tại trường.

Câu nói buộc thầy cô phải truyền đạt đại loại có nội dung: sách này chỉ trong trường mới có, nếu phụ huynh không đăng ký sang năm các em không có sách học thì nhà trường không chịu trách nhiệm.

Đi dạy 30 năm, giờ tôi mới thấy độc quyền bán sách giáo khoa trong trường ảnh 2
Sách giáo khoa, Bộ chậm chân, cha mẹ học trò lãnh đủ

Hay kiểu nói bên ngoài sách giả trôi nổi nhiều, mua sách trong trường mới là sách giáo khoa thật đảm bảo chất lượng.

Ai nghe chẳng thấy sợ? Đi học thiếu gì cũng được nhưng thiếu sách thì học cái gì?

Bởi thế, sau khi nghe thầy cô giáo nói gần như 100% phụ huynh đều đăng ký mua sách.

Có phụ huynh đăng ký sách rồi nhưng không lấy vì đã mua được sách bên ngoài. Có năm sách đưa về đủ bộ nhưng cũng có năm một bộ lại thiếu đi vài ba cuốn. Thế là vào năm học cả tuần nhưng học sinh vẫn chưa có đủ sách để học.

Thừa sách do phụ huynh đăng ký mà không mua

Do nghe giáo viên nói sách giáo khoa mới chỉ nhà trường mới có bán nên đồng loạt phụ huynh đăng ký mua.

Đi dạy 30 năm, giờ tôi mới thấy độc quyền bán sách giáo khoa trong trường ảnh 3
Sách bán giá cao nếu chỉnh lý hay đổi mẫu mã sách thì ai phải chịu trách nhiệm?

Thế nhưng vào khoảng tháng 7,8 hàng năm ở một số siêu thị đã xuất hiện những bộ sách giáo khoa mới.

Nhiều phụ huynh thấy sách đã mua mặc dù đã đăng ký ở trường.

Thế nên, mới xảy ra trường hợp em có đến 2 bộ sách (vì trót đã đăng ký và nể thầy cô nên lấy bộ sách về cho con học ở nhà).

Nhưng vẫn có phụ huynh nhất quyết không lấy sách đã đăng ký ở trường vì đã mua sách bên ngoài rồi.

Thế là, sách giáo khoa bị thừa và giáo viên phải chịu trách nhiệm do đã báo cáo số lượng phụ huynh đăng ký mua sách lên nhà trường. Và, nhà trường đã đăng ký sách với bên trên để mang sách về nên cũng khó mà trả lại được.

Giáo viên tiền đâu để ôm đống sách thừa? nên đành quay sang năn nỉ phụ huynh “giải cứu”.

Sách giáo khoa mới có còn cảnh bán độc quyền trong trường học nữa không?

Đó là câu chuyện buồn bán sách giáo khoa trong trường của những năm về trước. Chẳng biết sách giáo khoa cho năm học mới sắp tới đây có còn xảy ra tình trạng bán độc quyền thế này nữa không?

Chúng tôi mong muốn các nhà xuất bản hãy phát hành sách giáo khoa sớm và cho bán rộng rãi ra ngoài thị trường để tránh kiểu bán sách độc quyền hành xác giáo viên và làm khổ phụ huynh như hiện nay.

Lợi nhuận khủng từ tiền bán sách độc quyền vào túi ai chúng tôi không biết,  chỉ biết các thầy cô được trả 2 ngàn đồng/bộ (chẳng ai làm vì điều này) nhưng biết bao phiền toái cứ bủa vây.

Đỗ Quyên