Đến trường sư phạm “săn” sinh viên giỏi về làm giáo viên

24/02/2021 06:24
AN NGUYÊN
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Địa phương đã gửi công văn đến các trường sư phạm để “săn” những sinh viên giỏi về đầu quân sau khi tốt nghiệp.

Thời gian qua, một số địa phương như: Quảng Nam, Nghệ An... đã có chính sách ưu tiên tuyển dụng đối với các sinh viên sư phạm đạt loại xuất sắc, có nhiều thành tích trong học tập, rèn luyện.

Những sinh viên ưu tú này sau khi trải qua vòng phỏng vấn sẽ được trao quyết định tuyển dụng viên chức và phân công về giảng dạy tại các trường trung học phổ thông trên địa bàn.

“Săn” sinh viên giỏi

Gần hai năm nay, ngành giáo dục Quảng Nam đã trao quyết định tuyển dụng cho hàng chục trường hợp là sinh viên sư phạm có kết quả học tập, rèn luyện xuất sắc về giảng dạy tại các trường.

Sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc được ngành giáo dục các địa phương "săn đón". Ảnh: AN

Sinh viên sư phạm tốt nghiệp xuất sắc được ngành giáo dục các địa phương "săn đón". Ảnh: AN

Việc tuyển dụng này được thực hiện theo Nghị định số 140/2017/NĐ-CP ngày 5/12/2017 của Chính phủ về thu hút, tạo nguồn cán bộ từ sinh viên tốt nghiệp xuất sắc.

Đây được xem là chính sách tuyển dụng nhân tài cho ngành giáo dục khi tâm lý “chuột chạy cùng sào mới vào sư phạm” vẫn hằn in trong tâm lý của phụ huynh, học sinh.

Ông Hà Thanh Quốc – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Quảng Nam chia sẻ tại buổi trao quyết định tuyển dụng cho 20 sinh viên sư phạm xuất sắc hồi tháng 4/2020 rằng:

“Những người đứng ở bục nhận quyết hôm nay đã được các thầy, cô theo dõi trong suốt quá trình học tập từ cấp ba đến Đại học.

Khi các em vừa tốt nghiệp, Sở đã quyết định mời gọi các em trở về cống hiến cho giáo dục quê hương, tiếp tục vun đắp những tấm gương hiếu học”.

Thầy Quốc cũng đánh giá cao tình yêu với ngành sư phạm của các sinh viên giỏi này bởi với khả năng của họ có thể dễ dàng kiếm được một công việc tốt.

Nhưng gác lại mọi lời mời, mọi đãi ngộ, họ đã quyết định nộp hồ sơ về sở để ứng tuyển các vị trí giáo viên trung học phổ thông, tiếp tục làm “người đưa đò” cho học sinh xứ Quảng.

Ông Quốc cho biết thêm: “Sau khi được phân công nhiệm vụ về các trường thì hầu hết các em đều đạt được những thành tích tốt trong giảng dạy.

Hiệu trưởng các trường, nơi những em này công tác đều có những đánh giá, nhận xét tốt. Đó là tín hiệu tích cực để đề án trọng dụng, thu hút nhân tài vào ngành sư phạm thực sự phát huy hiệu quả”.

Được biết, hàng năm, Quảng Nam đều có công văn gửi đến các cơ sở đào tạo sư phạm ở miền Trung là Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng và Trường Đại học Sư phạm Huế để “xin” danh sách các sinh viên loại giỏi.

Những sinh viên này sẽ lọt vào “tầm ngắn” của Sở và các trường để khi có dịp tuyển dụng, sẽ gửi thư thông báo hoặc mời gọi.

Các trường sư phạm hoan nghênh, đồng tình

Đánh giá về chính sách đến tận trường Sư phạm “săn” sinh viên giỏi của Quảng Nam, Phó Giáo sư Lưu Trang – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm (Đại học Đà Nẵng) cho rằng, đây là một cách làm hay, sáng tạo và trường rất ủng hộ.

“Từ năm 2018, Sở Giáo dục Quảng Nam đã có liên hệ với nhà trường để tìm hiểu, nắm bắt hồ sơ, nguyện vọng của các sinh viên sư phạm giỏi.

Sau đó, họ sẽ tiến hành phỏng vấn, tuyển dụng và bổ nhiệm theo yêu cầu của địa phương.

Nhà trường đánh giá đây là một sự nhạy bén cũng như cách làm có tâm để “trải thảm đỏ đón nhân tài”, góp phần nâng cao vị thế của người thầy.

Thực tế, sau khi nắm được những thông tin, yêu cầu từ phía địa phương thì nhà trường cũng đã triển khai đến các khoa, ngành đào tạo.

Qua đó, xác định phải liên tục đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo giáo viên, nhằm đáp ứng yêu cầu của địa phương đặt ra. Kể cả việc cập nhật những yêu cầu mới nhất của ngành giáo dục địa phương trong quá trình đào tạo".

Cũng theo thầy Trang, hiện không chỉ có Quảng Nam mà một số địa phương khác ở khu vực miền Trung – Tây Nguyên cũng đã có sự tương tác với nhà trường để tuyển chọn được những sinh viên sư phạm giỏi.

Phó Giáo sư Lê Anh Phương – Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Huế cũng đánh giá cao cách làm hay của ngành giáo dục Quảng Nam.

Thầy Phương cho rằng, các địa phương khác nên học tập cách làm này để tuyển dụng được những giáo viên giỏi về trường cũng như tạo những “hạt giống đỏ” ngay từ khi các em còn trên giảng đường.

AN NGUYÊN