Đến giờ chưa triển khai chương trình mới lớp 2 và 6, giáo viên sao kịp tiếp thu?

09/11/2020 06:52
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Năm học 2021 – 2022, chương trình mới sẽ được triển khai đối với lớp 2, lớp 6. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên vẫn mơ hồ ....

Thời gian qua, dù mới là năm đầu tiên triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới, bắt đầu từ lớp 1. Tuy nhiên, đã có nhiều vấn đề này sinh như sách giáo khoa môn Tiếng Việt của bộ sách Cánh diều có nhiều "sạn". Bên cạnh đó, về tiến độ chương trình, nội dung chương trình mới cũng khiến nhiều giáo viên dạy lớp 1 than “khó”. Giáo viên khó khăn trong dạy học và học sinh tiếp thu chậm và áp lực học tập nặng nề.

Theo lộ trình, năm học 2021-2022 thì ngành Giáo dục sẽ triển khai giảng dạy chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 ở lớp 2 và lớp 6 trên cả nước.

Nhiều người bày tỏ lo lắng khi trong năm học tiếp theo, chương trình mới sẽ được triển khai cho lớp 2 và lớp 6, liệu những vấn đề bất cập, khó khăn trong dạy học có còn tiếp diễn?

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, cô Phạm Thái Lê – giáo viên môn Ngữ Văn trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: Các hoạt động chuẩn bị để triển khai chương trình mới cho năm học tới vẫn còn chậm trễ và nhiều hạn chế.

Cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mới cho lớp 2, lớp 6 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Cô Phạm Thái Lê, trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng cần đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình mới cho lớp 2, lớp 6 (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

Giáo viên vẫn mơ hồ về chương trình mới

Theo cô Phạm Thái Lê, muốn giáo viên lĩnh hội được chương trình giáo dục mới thì cần phải có thời gian để giáo viên được tiếp cận, tìm hiểu, nghiên cứu và tiếp thu, từ đó có định hướng và thay đổi về tư duy, phương pháp dạy.

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, giáo viên chỉ nhận biết một cách mơ hồ qua những công văn mang tính chất chung về chương trình giáo dục phổ thông 2018.

“Giáo viên chưa biết năm học tới có bao nhiêu bộ sách lớp 6.

Điều tôi lo lắng là nếu đến đầu năm học mới triển khai công tác tập huấn sách giáo khoa, như vậy, giáo viên làm sao có thời gian để lĩnh hội được những cái hay, cái tiến bộ của chương trình mới”, cô Lê đặt vấn đề.

Khẳng định bản thân mình là một người chú trọng việc đón nhận thông tin, tuy nhiên, cô Lê vẫn chưa thể hình dung được trong năm học tới, nếu dạy học lớp 6, mình sẽ dạy những nội dung gì, đối với mỗi tiết học, mình phải tổ chức giờ dạy ra sao.

Cô Lê cho biết: “Đọc chương trình khung, giáo viên hiểu rằng mình cần thay đổi phương pháp dạy học. Đổi mới phương pháp dạy học tức là đổi mới hình thức tổ chức giờ dạy.

Thế nhưng giáo viên chưa lĩnh hội được việc đổi mới đó cụ thể như thế nào.

Thậm chí, khi có chương trình rồi, giáo viên vẫn rất cần những tài liệu hướng dẫn, cần có một quy trình mẫu cho quá trình dạy học ”.

Theo quan điểm của cô Phạm Thái Lê, nếu các khâu của chương trình mới triển khai chậm trễ như công tác tập huấn giáo viên không đảm bảo chất lượng sẽ dẫn tới nhiều khó khăn cho việc triển khai thực hiện trong năm học tới.

Việc đẩy nhanh tiến độ các hoạt động triển khai chương trình mới cho năm học 2021 – 2022 càng trở nên cần thiết hơn khi phần lớn giáo viên hiện nay vẫn còn ngại đổi mới.

Để chứng minh, cô Lê đưa ra ví dụ về vấn đề dạy học chủ động, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Đối với chương trình mới, sách giáo khoa không còn quan trọng với giáo viên. Giáo viên hoàn toàn chủ động, sáng tạo, không lệ thuộc vào sách giáo khoa.

Tuy nhiên trên thực tế, dù nắm bắt được tinh thần ấy, đa số giáo viên vẫn dạy theo những gì sách giáo khoa gợi ý.

“Việc giáo viên không dám thoát ly sách giáo khoa một phần vì bản thân giáo viên chưa chủ động tìm hiểu và làm mới mình, một phần vì cơ chế vận hành của giáo dục chưa ghi nhận sự sáng tạo của họ, giáo dục vẫn còn nặng về thành tích, nặng về hình thức và đi theo lối mòn”, cô Lê nhấn mạnh.

Bên cạnh việc ngại đổi mới, nhiều giáo viên vẫn còn cứng nhắc, thiếu linh hoạt trong giảng dạy.

Bắt nguồn từ thực trạng đó, việc chuẩn bị triển khai chương trình mới trong năm học tiếp theo cần được đẩy nhanh tiến độ, phải cho giáo viên được tiếp cận chương trình và có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu kỹ lưỡng để triển khai dạy học hiệu quả.

Đề xuất những vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới

Theo cô Phạm Thái Lê, vai trò của giáo viên trong việc thực hiện chương trình giáo dục mới là vô cùng quan trọng. Nếu không chuyển tải thông tin đến giáo viên, nếu chậm trễ trong công tác tập huấn, bồi dưỡng giáo viên thì sẽ ảnh hưởng tới chất lượng dạy học.

Chính vì lẽ đó, cô Phạm Thái Lê đề xuất những vấn đề quan trọng đối với công tác chuẩn bị cho triển khai chương trình mới trong năm học tới.

Theo cô Lê, hiện nay, giáo viên chỉ mới được tiếp cận qua các kênh thông tin như báo chí, mạng xã hội,… Trong khi điều giáo viên cần là thông tin chính thống theo ngành dọc về chương trình lớp học, chương trình môn học.

Giáo viên cũng cần sớm được tiếp cận với bộ sách giáo khoa mới. Theo phân tích của cô Lê, chương trình mới cho phép giáo viên được quyền chủ động lựa chọn ngữ liệu, tài liệu dạy học và không còn phụ thuộc vào sách giáo khoa.

Tuy nhiên, để làm được điều này, giáo viên cần có trình độ chuyên môn và bản lĩnh vững vàng. Đa số giáo viên hiện nay vẫn còn dạy học phụ thuộc vào sách giáo khoa. Chính vì lẽ đó, rất cần có bộ sách giáo khoa chuẩn mực để dạy học.

“Nói dạy học không phụ thuộc vào sách giáo khoa không có nghĩa là chúng ta xem nhẹ việc biên soạn nội dung sách giáo khoa. Bởi lẽ, với học sinh, với đa số giáo viên hiện nay, sách giáo khoa vẫn là tài liệu cần thiết nhất.

Việc cho giáo viên tiếp cận sớm với sách giáo khoa đồng nghĩa với việc họ có thời gian tìm hiểu, nghiên cứu tài liệu dạy học theo chương trình mới”, cô Lê chia sẻ.

Tiếp đó, cần phải cung cấp và phổ biến rộng rãi các video về bài giảng mẫu cho giáo viên theo chương trình mới. Những tài liệu này cũng cần được phổ biến theo ngành dọc trong toàn hệ thống từ Bộ đến Trường để đảm bảo tất cả giáo viên đều được thông tin đầy đủ và chính xác nhất.

Giáo viên cũng cần có những buổi tập huấn chất lượng với quy trình mẫu cụ thể chuẩn 3 bước: từ khâu chuẩn bị, triển khai giờ học đến cách thức kiểm tra đánh giá học sinh.

Cô Lê khẳng định: “Hình thức tập huấn chương trình như hiện nay là vẫn chưa phát huy hiệu quả, chỉ có một người đến thuyết giảng, sau đó phát tài liệu, như vậy là mang tính lý thuyết.

Ngôn ngữ tập huấn cũng thường là ngôn ngữ mang tính chất hội nghị, thiếu sinh động, thiếu thực tế và làm giáo viên khó tiếp cận được nội dung tập huấn”.

Theo cô Lê, điều quan trọng nhất trong công tác tập huấn là phải giúp giáo viên hiểu rõ việc thực hiện, vận dụng chương trình mới với từng quy trình cụ thể trong dạy học. Song song với công tác tập huấn là triển khai dự giờ, đánh giá những tiết dạy.

Điều quan trọng là cần có những đổi mới quyết liệt đối với việc kiểm tra, đánh giá học sinh, thay đổi về thi cử.

Theo cô Lê, thi cử là một vấn đề quan trọng, mang tính quyết định đối với thành công của cuộc cải cách giáo dục.

“Mặc dù chương trình nói chú trọng đánh giá năng lực học sinh nhưng quy về chuẩn năng lực gì và đánh giá chuẩn năng lực như thế nào? Điều này chưa có một quy định rõ ràng, giáo viên vẫn mơ hồ trong việc đánh giá năng lực học sinh.

Bên cạnh đó, đối với kỳ thi chung, cần phải có quy định đánh giá mức độ cụ thể như thế nào”, cô Lê nhấn mạnh.

Hiện nay, nền giáo dục vẫn đặt nặng thành tích, đề thi vẫn bám sát vào sách giáo khoa. Đó cũng là lý do nhiều giáo viên chưa thể dạy học thoát ly sách giáo khoa.

Chính vì vậy, muốn triển khai chương trình mới, muốn chương trình đi vào thực tiễn và phát huy hiệu quả thì cơ chế về thi cử, đánh giá học sinh cũng cần có những thay đổi và quy định rõ ràng, cụ thể hơn.

Phạm Minh