Đêm giữa rừng Tây Bắc, le lói ánh đèn mang chữ về bản Mông

26/10/2019 06:10
Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng
(GDVN) - Tối nào cũng vậy, bên ánh đèn le lói ở những bản Mông của xã vùng cao Xuân Hòa (Bảo Yên, Lào Cai), có một lớp học xóa mù đặc biệt dành cho đồng bào nơi đây.

Chữ về trên bản Mông

Chúng tôi đến xã vùng cao Xuân Hòa (Bảo Yên) vào một tối mùa hè, đâu đó, tiếng côn trùng rả rích, tiếng ếch ồm ộp kêu, thoảng xa trong gió là tiếng những cành cây va vào nhau lắc cắc gợi lên vẻ hoang hoải của bản vùng cao. 

Thầy giáo băng rừng, lội suối để đến với học trò Ba Chẽ
Thầy giáo băng rừng, lội suối để đến với học trò Ba Chẽ

Con đường nhỏ, những đoạn đường gồ ghề, cheo leo, những con dốc dài dẫn lên đỉnh núi đưa chúng tôi đến bản Mo - bản xa và khó khăn của xã Xuân Hòa. 

Dừng chân ở đầu bản, chúng tôi được trưởng bản kể cho nghe câu chuyện về lớp học chữ được mở ngay tại nhà văn hóa của bản, học sinh của lớp chính là đồng bào Mông, những người tuy đã lớn tuổi nhưng vẫn khát khao học con chữ để biết đọc, biết viết, biết tính toán trong cuộc sống. 

Để mang con chữ đến với người Mông; cán bộ Mặt trận, cán bộ văn hóa xã không quản đường xa, đêm tối miệt mài cõng chữ lên non về với bản nghèo.

Ở bản Mo, hầu hết đồng bào là người Mông, có đến 90% là hộ nghèo, họ sống trên đồi cao, quanh năm suốt tháng làm bạn với gió rừng, với nương ngô, nương sắn. 

Giữa đời sống còn vất vả khó khăn, người dân bản Mo 1, Mo 2, Mo 3 khát khao con chữ như đứa trẻ thơ khát sữa. Họ ước mơ được đi học, biết viết tên của mình hoặc làm vài phép tính đơn giản.

Khung cảnh lớp học ở bản Mông do chị Khuyên đứng lớp (Ảnh:H.H)
Khung cảnh lớp học ở bản Mông do chị Khuyên đứng lớp (Ảnh:H.H)

Đến với xã Xuân Hòa, có lẽ nhiều người sẽ cảm thấy xúc động, bởi tại đây, trên bản nhỏ, dốc cao, tại nhà văn hóa bản với ánh đèn vàng nhạt, tiếng học chữ lại vang lên, đó là âm thanh trầm đục, khàn khàn của những người trạc tuổi trung niên, là tiếng phát âm đặc sệt thổ ngữ đồng bào dân tộc, là tiếng cười rộn lên khi cô giáo khen học tốt, là tiếng vỗ tay rào rào khi một phép toán được hoàn thành.

Lớp dạy chữ cho người Mông bản Mo do 2 cô giáo Phùng Thị Hồng Khuyên và Ma Thị Nống đứng lớp.

Chị Khuyên hiện đang công tác tại Mặt trận Tổ quốc huyện Bảo Yên còn chị Nống đang là công chức xã tại Xuân Hòa.

Xuất phát từ trách nhiệm với công việc và tình cảm sâu sắc với bà con, các chị đã tình nguyện mở lớp dạy chữ cho đồng bào. 

Mặc dù nhà cách xa địa bàn đến 30km, nhưng chị Khuyên vẫn kiên trì cắm bản.  Lớp học của chị duy trì hàng ngày (bắt đầu từ 19h30 đến 22h30 mỗi tối).

Bà con đồng bào dân tộc Mông vui vẻ khi đi học chữ (Ảnh:H.H)
Bà con đồng bào dân tộc Mông vui vẻ khi đi học chữ (Ảnh:H.H)

Tạm gác gia đình sang một bên, tuần nào chị Khuyên cũng ở lại tới 6 ngày với đồng bào: dạy đồng bào viết, dạy đồng bào đọc và cùng người Mông học chữ.

Thế mới thấy được tấm lòng của những cô giáo “không chuyên” cõng con chữ lên non cao đến với đồng bào dân tộc còn nhiều khó khăn.

Lớp học xóa mù mặc dù điều kiện vật chất còn thô sơ: bàn ghế tạm, lớp chia đôi ngăn nửa, ánh sáng không đủ dùng; vậy mà vượt lên những khó khăn bước đầu, người Mông tin cán bộ, hiểu cán bộ và quý cán bộ, số người học chữ mỗi ngày một thêm đông. 

Bên cạnh dạy chữ và dạy tiếng, chị Khuyên, chị Nống còn hướng dẫn đồng bào chăm sóc sức khỏe, vệ sinh môi trường, ứng dụng khoa học kỹ thuật mới để phát triển nông nghiệp, vận động người dân trong bản tham gia các dự án phát triển kinh tế: trồng sả, quế, chè để cải thiện đời sống. 

Cùng với đó, các chị vận động tuyên truyền bà con không sinh con thứ ba, không vượt biên trái phép sang Trung Quốc làm thuê, khi ốm đau cần đi khám, chữa bệnh tại trung tâm y tế xã và Bệnh viện huyện, giảm tỷ lệ sinh con tại nhà, giảm tình trạng chữa bệnh bằng giải hạn, cúng ma.

Triết lý gần dân, hiểu dân, thương dân

Nhớ lại những ngày đầu tiếp xúc với người dân bản Mông tại Xuân Hòa, chị Khuyên kể: 

“Thời gian đầu rất khó khăn, bà con mình khi đó nhận thức kém, công tác vệ sinh hạn chế, qua mỗi nhà là ngổn ngang phân trâu, bò, ngựa, đi dép bước qua là thụt chân.

Phóng sự ảnh: Niềm vui cơm có thịt của học sinh bán trú trường Nậm Khắt
Phóng sự ảnh: Niềm vui cơm có thịt của học sinh bán trú trường Nậm Khắt

Đấy là chưa kể những bất đồng ngôn ngữ khiến nhiều lần tôi gần như rơi vào bất lực, bởi cán bộ nói, dân không hiểu; dân phát biểu, cán bộ phải nhờ người phiên dịch hộ. 

Đây cũng là một trong những lý do khiến chính sách của Nhà nước đến với đồng bào dân tộc rất khó khăn”.

Qua thực tế đó, chị Khuyên nung nấu, ấp ủ một quyết tâm:

“Phải dạy cho đồng bào cái chữ, phải giúp đồng bào thoát khổ, thoát nghèo, phải thay đổi nhận thức của họ”.

Từ việc sâu sát với đồng bào, thạo địa bàn cơ sở, chị Khuyên đã cùng phối hợp với chị Ma Thị Nống, dân tộc Mông tại xã Xuân Hòa mở lớp dạy chữ cho đồng bào. 

Theo chân chị đến những bản Mông của xã Xuân Hòa, chị Khuyên tâm sự:

“Mỗi lần về bản vận động bà con ra lớp, những mệt nhọc của cả ngày đường đi bộ không làm tôi bận tâm, trăn trở bằng bà con không biết chữ, đói ăn, thiếu mặc, cuộc sống lạc hậu, tù mù”. 

Chị Nống đang dạy chữ cho đồng bào dân tộc Mông (Ảnh:H.H)
Chị Nống đang dạy chữ cho đồng bào dân tộc Mông (Ảnh:H.H)

Đi nhiều, gặp nhiều, trăn trở nhiều nhưng chị Khuyên quyết tâm cùng các tổ chức đoàn thể của các bản Mo 1, Mo 2, Mo 3 mở lớp xóa mù

Chị Khuyên quan niệm: Phải sống cùng với đồng bào dân tộc, lắng nghe họ nói và hiểu họ thì mới mong những chính sách của Đảng và Nhà nước đến được với người dân.

Chính vì thế chị Khuyên lăn xả vào công việc với quyết tâm cao độ: Chị sống cùng đồng bào, nói chuyện và tâm sự với họ, cùng họ dọn dẹp vệ sinh nhà cửa.

Thậm chí nhiều lần chị còn góp tiền mua chung lợn giống, để dạy dân cách chăn nuôi, áp dụng kỹ thuật mới vào sản xuất. 

Sống trên rẻo non cao, cùng ăn, cùng uống, dạy đồng bào người Mông biết con chữ, trong thâm tâm chị Khuyên luôn tâm niệm: Nghĩ được là phải làm được, làm để mở đường cho bà con ở bản vùng sâu thấy được cái gốc của sự học, cái gốc của sự đói nghèo, lạc hậu… 

Những ngày mưa, bà con vừa che ô, vừa học (Ảnh:H.H)
Những ngày mưa, bà con vừa che ô, vừa học (Ảnh:H.H)

Nhớ lại quá trình đi vận động người dân vào lớp xóa mù chị kể: Chị gặp gỡ trưởng bản, liên hệ với lãnh đạo xã để cùng tuyên truyền, giáo dục bà con. Sau đó, chị đề xuất với lãnh đạo huyện, lãnh đạo Phòng Giáo dục cho mở lớp xóa mù.

Thời gian đầu đúng là khó khăn khi người dân còn xa lạ với con chữ cùng với đó là thói quen, tập quán khó thay đổi của đồng bào khiến bao lần chị cảm thấy mệt mỏi.

Thế nhưng sau một thời gian dài kiên trì đi vận động bà con tham gia vào lớp xóa mù, sự nhẫn nại của chị chẳng uổng công chút nào.

Đến nay đồng bào ta đã biết đọc, biết viết, biết làm phép tính đơn giản và biết giao tiếp tiếng Kinh với cán bộ. 

Để gần gũi đồng bào, chị Khuyên khéo léo gợi chuyện để họ trải lòng về cuộc sống. 

Ngoài ra, để tiện trao đổi, thuyết phục người dân theo chính sách của Đảng và Nhà nước, chị Khuyên còn cho dựng các đoạn phim ngắn về người thật việc thật trong bản, trong xã.

Trong đó nội dung chính là thực trạng tảo hôn và hậu quả của tảo hôn, hôn nhân cận huyết với lời chia sẻ của chính người trong cuộc và  bằng chính ngôn ngữ của đồng bào nơi đây, chị cũng phân tích tác hại, biện pháp, đồng thời đưa ra những tấm gương phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương để tuyên truyền, giáo dục. 

Tối tối, nhiều người dân luống tuổi trong bản Mông lại í ới gọi nhau đi học chữ.

Học chữ vui lắm! mỗi người chủ động quàng theo chiếc đèn pin trên đầu, vừa soi đường đến lớp, vừa soi chữ trên bảng, vừa soi vở viết bài. 

Lớp học tuy còn khó khăn, thiếu thốn: Những ngày trời mưa, gió, sấm sét, điện lưới Quốc gia bị mất hoàn toàn, khi đó, chị Khuyên và chị Nống lại xuống vùng thấp, cách lớp học 5km để nạp bình ắc quy, cõng lên bản để thắp sáng lớp học.

Lớp học đã thay đổi phần nào cuộc sống của bà con nơi đây (Ảnh:H.H)
Lớp học đã thay đổi phần nào cuộc sống của bà con nơi đây (Ảnh:H.H)

Hôm nay, cũng như bao buổi tối khác ở bản Mông, tiếng đọc chữ lại rộn vang khắp núi, hòa với ánh trăng thượng tuần trên cao, là một khung cảnh bình yên, ấm áp, là cuộc sống hạnh phúc, ấm no đang ùa về trong mỗi nếp nhà…

Dẫu biết rằng, công tác xóa mù còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng với cách làm tâm huyết và sáng tạo của chị Khuyên, chúng tôi tin tưởng rằng, chữ về trên bản Mông sẽ được nhân rộng, lan tỏa không chỉ ở bản Mo xã Xuân Hòa mà còn được nhân rộng, lan tỏa ở nhiều thôn, bản khác… 

Tạm biệt bản Mo trong những sự trải nghiệm đáng nhớ. Tuy đêm đã dần về khuya nhưng tiếng đọc bài của đồng bào Mông vẫn vang vang phả vào dáng núi. 

Chúng tôi thầm nghĩ và mong ước tiếng i tờ hôm nay sẽ làm sáng bản Mông trong tương lai không xa.   

Cô giáo Hoàng Thị Thu Hằng