Đề yêu cầu phân tích đoạn văn, HS phân tích cả bài văn dẫn tới điểm thi thấp

28/06/2022 06:45
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Có tình trạng, đề yêu cầu phân tích một đoạn văn, nhưng thí sinh lại phân tích cả bài văn tức là bao gồm cả những đoạn khác không nằm trong đề bài.

Chỉ còn gần 10 ngày nữa là học sinh lớp 12 cả nước bước vào kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022. Để giúp các em có cách ôn tập tốt và làm bài thi hiệu quả môn Ngữ văn, phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trao đổi với cô Trịnh Hà Giang - Giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội).

Cô Trịnh Hà Giang - Giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) và các em học sinh trong hoạt cảnh tác phẩm văn học. Ảnh: NVCC.
Cô Trịnh Hà Giang - Giáo viên dạy môn Ngữ văn Trường Trung học phổ thông Đông Đô (Tây Hồ, Hà Nội) và các em học sinh trong hoạt cảnh tác phẩm văn học. Ảnh: NVCC.

Theo cô Giang: “Đề tham khảo kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2022 môn Ngữ văn mà Bộ Giáo dục và Đào tạo đã công bố vẫn giữ nguyên cấu trúc với 2 phần là đọc hiểu, làm văn. Đề ở mức độ cơ bản, phù hợp với tất cả các đối tượng học sinh.

So với năm 2021, phần đọc hiểu đề thi tham khảo môn Ngữ văn 2022 không ra đề một đoạn trích văn xuôi mà là một đoạn thơ (trích Sông Hồng, Lưu Quang Vũ). Đây là sự thay đổi hợp lý.

Xu hướng đề những năm gần đây thường yêu cầu giới hạn ở một phần tác phẩm, một đoạn trích, một vài chi tiết… Do đó, cách tốt nhất là học sinh phải nắm thật chắc nội dung tác phẩm để làm bài.

Trong phần làm văn có hai câu là nghị luận xã hội và nghị luận văn học. Theo tôi, phần đọc hiểu với 4 câu hỏi tạo cơ hội cho học sinh gỡ điểm, dễ đạt điểm tối đa vì không cần học thuộc nhiều, chỉ cần nắm vững kỹ năng đọc hiểu".

Ôn tập phần đọc hiểu là phải luyện làm nhiều đề

Cô Giang chia sẻ: "Khi ôn tập phần đọc hiểu, các em không cần phải học thuộc lòng mà chỉ cần luyện thật nhiều đề, sau mỗi lần như vậy học sinh nên so với đáp án hoặc nhờ các thầy cô chữa, trao đổi với bạn để từ đó rút ra kinh nghiệm về kỹ năng trả lời các dạng câu hỏi này.

Sau mỗi lần chấm, sửa bài như vậy thì học sinh lại tự làm tiếp, chú thích rõ ở bên cạnh đối với dạng câu hỏi như này sẽ có những cách trả lời thế nào. Đối với đọc hiểu thì nhất định học sinh phải làm, luyện nhiều, sửa chữa nhiều thì sẽ có kinh nghiệm làm bài thi tốt.

Đối với phần làm văn, đây là phần chiếm nhiều nhất với 7 điểm với một câu nghị luận xã hội (2 điểm) có cấu trúc không thay đổi so với vài năm gần đây còn câu nghị luận xã hội thì đề bài thường không hỏi cả một vấn đề lớn, mà sẽ hỏi một khía cạnh của vấn đề.

Vậy đối với câu này học sinh cần ôn, tìm hiểu các chủ đề, vấn đề về tư tưởng đạo lý, hoặc hiện tượng đời sống, đồng thời cần quan tâm đến các vấn đề thời sự xã hội "hot" gần nhất. Đề bài có thể không hỏi thẳng về vấn đề thời sự đó, nhưng có thể hỏi về nguồn gốc sâu xa, vậy nên học sinh chịu khó đọc báo, xem thời sự để nắm bắt được những vấn đề nóng đang diễn ra”.

Cô Đoàn Thu Hà - Tổ trưởng tổ Văn Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: T.D.
Cô Đoàn Thu Hà - Tổ trưởng tổ Văn Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội). Ảnh: T.D.

Tuyệt đối không phân tích những đoạn văn/ đoạn thơ mà đề bài không yêu cầu

Cũng về vấn đề này, cô Đoàn Thu Hà - Tổ trưởng tổ Văn Trường Trung học phổ thông Yên Hòa (Hà Nội) đã cho biết khi trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam rằng: "Phần nghị luận văn học là câu chiếm số điểm nhiều nhất, các em có đạt điểm cao hay không đều phụ thuộc rất lớn ở câu này. Ngoài phần kiến thức giảm tải, đề thi vẫn có sự phân hóa học sinh với phân tích một đoạn trích A rồi từ đó nhận xét về vấn đề B, C liên quan đến một khía cạnh trong tác phẩm về nội dung hoặc nghệ thuật. Đối với dạng đề này thì nội dung kiến thức chủ yếu trong chương trình lớp 12.

Học sinh cần ôn tập đọc kỹ văn bản, riêng đối với thể loại thơ thì cần học thuộc, truyện thì cần tóm tắt được cốt truyện. Đối với tác phẩm văn xuôi cần nắm chắc nội dung, các luận điểm quan trọng để nắm được từng chi tiết, biết được trong tác phẩm đó những đoạn nào là quan trọng. Những kiến thức cơ bản cần học thuộc vì nó đòi hỏi sự chính xác về năm sáng tác, về đặc điểm, về phong cách nghệ thuật tác giả.

Phần phân tích các em có thể dựa trên ý chính để bày tỏ quan điểm của mình. Đối với dạng bài phân tích một đoạn trích văn xuôi rất cần học sinh nắm chắc văn bản, đoạn đó có quan hệ thế nào với cả cấu trúc trong cả bài văn. Khi làm bài phải đầy đủ kết cấu những luận điểm cơ bản của bài văn. Mở bài các em có thể dẫn dắt về đề tài rồi mới dẫn vào tác phẩm. Còn nếu không dẫn dắt từ đề tài, thì cũng có thể dẫn dắt từ nhận định về cá tính sáng tạo hoặc phong cách nghệ thuật của tác giả…

Nhưng quan trọng nhất trong mở bài là phải nêu được vấn đề cần bàn luận. Phần thân bài khi triển khai thường có ba luận điểm chính: Khái quát về tác phẩm, phân tích và làm sáng tỏ yêu cầu mà đề bài nêu, tuyệt đối không được phân tích các đoạn khác trong tác phẩm không được nêu trong đề bài".

Chỉ phân tích những gì có trong đoạn trích

Theo cô Hà: "Nhiều thí sinh hay bị mắc lỗi đó là đề yêu cầu phân tích một đoạn văn, nhưng lại phân tích cả bài văn, cả những đoạn khác không nằm trong đề bài.

Ôn tập ở nhà, học sinh cần sơ đồ hóa lại kiến thức và đó cũng là một lần học lại tác phẩm. Sơ đồ vạch ra đối với tác phẩm này có những vấn đề nào cần phải chú ý, căn thời gian luyện viết trên giấy thi để điều chỉnh thời gian. Đối với môn Ngữ văn thì càng luyện viết nhiều, chấm sửa nhiều thì kiến thức sẽ lên.

Tuy nhiên, khi làm bài điều quan trọng nhất vẫn là phải đọc kỹ đề để trả lời đúng câu hỏi mà đề bài nêu, tránh lan man.

Khi đọc đề, thí sinh cần đánh dấu vào từ then chốt, trọng tâm và xem mệnh lệnh đề đó yêu cầu làm sáng tỏ vấn đề gì…như vậy bài viết sẽ đúng định hướng. Ví dụ, đề đưa ra một đoạn trích của bài "Đất nước", và yêu cầu "phân tích tư tưởng đất nước của nhân dân được thể hiện qua đoạn đó" thì tất nhiên, nếu học sinh chỉ đơn thuần phân tích đoạn thơ sẽ không thể được điểm cao bằng việc phân tích tư tưởng đất nước ở trong đoạn thơ đấy".

Tùng Dương