Đề xuất ngoại ngữ là môn tùy chọn là vô cùng hợp lý

03/05/2022 06:47
Bùi Nam
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngoại ngữ trở thành môn tùy chọn sẽ phần nào giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.

Chương trình giáo dục trung học phổ thông 2018 ở bậc trung học phổ thông xuất hiện 108 tổ hợp môn tự chọn, và môn Lịch sử nằm trong môn tự chọn gây nên nhiều phản ứng trái chiều.

Trong chương trình giáo dục phổ thông mới ban hành năm 2018, ở cấp trung học phổ thông từ năm học 2022-2023 ngoài 7 môn học, hoạt động giáo dục bắt buộc thì học sinh được lựa chọn 5 trong số 9 môn là: Lịch sử, Địa lý, Giáo dục kinh tế và pháp luật; Vật lý, Hóa học, Sinh học; Công nghệ, Tin học, Nghệ thuật (chọn Âm nhạc hoặc Mỹ thuật).

Ảnh minh họa - GDVN

Ảnh minh họa - GDVN

Tại sao môn Lịch sử là môn tự chọn gặp nhiều phản ứng?

Bản thân người viết cho rằng việc xuất hiện đến 108 tổ hợp chọn môn, sau đó Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH triển khai thực hiện chương trình giáo dục trung học năm học 2022-2023[1] đề nghị các trường xây dựng tổ hợp môn tự chọn cho học sinh là vô cùng bất cập, có thể sắp tới đây các em sẽ phải học những môn không yêu thích và từ bỏ những môn mình yêu thích do hết chỉ tiêu hoặc do trường không đủ cơ sở vật chất, nhân sự để giảng dạy.

Về vấn đề môn Lịch sử trở thành môn tự chọn, người viết cho rằng cũng không hợp lý vì Bác Hồ từng dạy, dân ta phải biết sử ta, việc am hiểu lịch sử sẽ khiến cho mỗi người dân thêm yêu và tự hào về truyền thống dân tộc.

Không những thế, môn Lịch sử xuất hiện trong rất nhiều giáo trình của các trường đại học, cao đẳng cho thấy tầm quan trọng của nó. Môn Lịch sử trở thành môn tự chọn sẽ ảnh hưởng phần nào đến sự hình thành phẩm chất, nhân cách và ảnh hưởng đến tương lai của các em.

Nên khi môn Lịch sử trở thành môn tự chọn đã gặp phải phản ứng quyết liệt từ đội ngũ nhà giáo, chuyên gia giáo dục cả nước.

Đề xuất môn ngoại ngữ là môn tùy chọn

Chương trình giáo dục phổ thông mới 2018 môn ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 đã cho thấy tầm quan trọng của nó trong giai đoạn hội nhập và phát triển.

Ngày 25/4/2022, trên báo Vietnamnet có đăng tải bài viết “Ngoại ngữ có thể thành môn tự chọn nếu học sinh có chứng chỉ phù hợp” của tác giả Doãn Hùng [2]

Nội dung bài báo cho hay tại Hội thảo khoa học quốc gia năm 2022 “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” (UNC2022) do Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức mới đây.

Hội thảo khoa học quốc gia “Nghiên cứu và giảng dạy ngoại ngữ, ngôn ngữ và quốc tế học tại Việt Nam” là sự kiện thường niên của Trường Đại học Ngoại ngữ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

“Đổi mới chương trình và sách giáo khoa ngoại ngữ tại Việt Nam: hiện trạng và triển vọng” là báo cáo do ông Đặng Hiệp Giang, Chuyên viên Vụ Giáo dục Trung học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, trình bày có nêu: “Có thể sẽ chấp nhận cho học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là môn tùy chọn nếu các em đã đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu.

Bài viết nhận được sự quan tâm rất lớn của mọi người dân cả nước. Theo tôi, đề xuất trên đã được tác giả nghiên cứu cẩn thận, là đề xuất mới, táo bạo nhưng hợp lý trong giai đoạn hiện nay.

Tại sao đề xuất ngoại ngữ nên là môn tùy chọn?

Nhiều người cho rằng trong giai đoạn hiện nay đang hội nhập quốc tế sâu rộng phải học ngoại ngữ là bắt buộc, phải học theo đúng giáo trình do Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành.

Tuy nhiên, theo tôi đề xuất trên là đề xuất táo bạo, hợp lý trong hoàn cảnh hiện nay vì các lý do sau đây:

Thứ nhất, nhiều em đã rất giỏi môn Tiếng Anh

Hiện nay hầu hết các trường phổ thông trong cả nước đều dạy ngoại ngữ là môn Tiếng Anh vì nó là ngôn ngữ thông dụng tại hơn 53 quốc gia trên thế giới, là công cụ quan trọng giúp sinh viên hoặc người đi làm tiếp cận với môi trường làm việc quốc tế trong thời kỳ hội nhập.

Thật ra đề xuất của ông Giang không phải ngẫu nhiên đưa môn ngoại ngữ tùy chọn cho tất cả đối tượng học sinh hay học sinh học yếu có thể tùy chọn không học mà có thể sẽ chấp nhận cho học sinh lựa chọn môn ngoại ngữ là môn tùy chọn nếu các em đã đạt trình độ ngoại ngữ đáp ứng yêu cầu.

Tức là khi các em học sinh có thể học qua nhiều cách thức khác nhau, nếu đã có những chứng chỉ ngoại ngữ Tiếng Anh phù hợp được Bộ Giáo dục và Đào tạo công nhận B2, C1, C2,… theo khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam cùng các chứng chỉ quốc tế như Chứng chỉ tiếng Anh CEFR (Common European Framework of Reference for Languages); chứng chỉ APTIS; Chứng chỉ TOEIC (Test of English for International Communication); Chứng chỉ TOEFL (Test of English as a Foreign Language); Chứng chỉ IELTS (International English Language Testing System);….được công nhận ở mức cao thì các em hoàn toàn có thể tùy chọn không học ngoại ngữ trên mà có thể tùy chọn ngoại ngữ khác hoặc tập trung vào các môn học khác.

Điều này hoàn toàn phù hợp, đáp ứng được nhu cầu đổi mới, đa dạng hình thức học tập, chú trọng chuẩn đầu ra hơn là cách học.

Thứ hai, Tiếng Anh là một trong những lựa chọn học tiếng, giúp các em có thêm trải nghiệm những ngoại ngữ mới

Như đã trình bày ở phần trên, nếu trình độ ngoại ngữ Tiếng Anh của các em đã đạt mức cao, có chứng chỉ phù hợp thì việc môn ngoại ngữ là môn lựa chọn giúp các em có thể lựa chọn thêm các môn Ngoại ngữ khác cần thiết hơn như Tiếng Pháp, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc,…

Giai đoạn hiện nay không chỉ cần giỏi Tiếng Anh mà nhiều ngoại ngữ khác cũng rất thông dụng và cần thiết, lựa chọn thêm nhiều ngoại ngữ sẽ có thêm trải nghiệm và gia tăng cơ hội nghề nghiệp cho các em học sinh giỏi.

Thứ ba, có những ngành nghề không cần đến ngoại ngữ

Thật ra, ngoại ngữ vẫn rất cần thiết trong giai đoạn hiện nay nhưng khi các em đã đạt đến trình độ nhất định để hiểu, biết thông dụng là phù hợp với nhu cầu nghề nghiệp đối với một số ngành nghề.

Ở một số ngành nghề lại không liên quan, ứng dụng gì đến ngoại ngữ.

Nên nếu các em đã có định hướng nghề nghiệp các ngành không có liên quan, ứng dụng ngoại ngữ thì các em này chỉ cần biết được kiến thức phổ thông là phù hợp, nên đề xuất môn ngoại ngữ thành môn tùy chọn khi đã có trình độ nhất định cũng là đề xuất hết sức hợp lý.

Thứ tư, giảm bớt tình trạng thiếu giáo viên ngoại ngữ

Hiện nay, ngoại ngữ là môn bắt buộc từ lớp 3 nên khi thực hiện chương trình mới sẽ thiếu một lượng lớn giáo viên môn trên.

Ngoại ngữ trở thành môn tùy chọn sẽ phần nào giải quyết được bài toán thiếu giáo viên.

Theo tôi, giai đoạn này trình độ ngoại ngữ nhất là môn Tiếng Anh của nhiều em học sinh đã rất tốt nên việc đề xuất đưa ngoại ngữ trở thành môn tùy chọn là đề xuất vô cùng hợp lý, hợp thời rất mong Bộ Giáo dục và Đào tạo có những cuộc họp, hội thảo với các chuyên gia lưu tâm về vấn đề này và có thể thí điểm triển khai trong thời gian tới.

Tài liệu tham khảo:

[1] văn bản số 1496/BGDĐT-GDTrH

[2] https://vietnamnet.vn/co-the-de-xuat-ngoai-ngu-thanh-mon-tu-chon-o-bac-pho-thong-2012662.html

(*) Văn phong, nội dung bài viết thể hiện góc nhìn, quan điểm của tác giả.

Bùi Nam