Đề xuất lùi thời gian thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới với lớp 10

29/08/2021 06:30
Thùy Linh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Nghệ An đề nghị Bộ xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10 (thay vì thực hiện từ năm học 2022-2023 lùi sang năm học 2025-2026)

Ngày 28/8, Hội nghị toàn quốc tổng kết năm học 2020-2021 và triển khai nhiệm vụ năm học 2021-2022 diễn ra dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Tại điểm cầu tỉnh Nghệ An, tại Hội nghị, ông Nguyễn Đức Trung - Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An có 4 nội dung đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo quan tâm, xem xét:

Thứ nhất, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ xem xét, tham mưu trình Chính phủ bổ sung biên chế giáo viên cho Nghệ An. Tỉnh đang thiếu gần 8.000 giáo viên, tập trung chủ yếu ở bậc mầm non và tiểu học, gây khó khăn cho ngành Giáo dục trong đảm bảo các hoạt động tổ chức dạy học.

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Ảnh minh họa: Thùy Linh

Thứ 2, hỗ trợ tỉnh Nghệ An về cơ sở vật chất, thiết bị dạy học để tổ chức thực hiện tốt Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Thứ 3, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo hỗ trợ Nghệ An kêu gọi các nguồn lực thực hiện thành công Đề án phát triển mô hình trường phổ thông dân tộc nội trú, dân tộc bán trú và trường có học sinh dân tộc bán trú.

Thứ 4, đề nghị Bộ xem xét lùi lộ trình thực hiện Chương trình sách giáo khoa lớp 10 (thay vì thực hiện từ năm học 2022-2023 lùi sang năm học 2025-2026). Lý do, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng đến việc huy động nguồn lực xây dựng chương trình, sách giáo khoa, thiết bị dạy học, đội ngũ … để triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình.

Tại điểm cầu Kon Tum, bà Y Ngọc - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Kon Tum cho hay, năm học 2021-2022, địa phương sẽ tổ chức Lễ khai giảng tại từng lớp học, đảo đảm an toàn, gọn nhẹ, thiết thực và đầy đủ ý nghĩa. Bên cạnh đó, tình hình dịch bệnh tại Kon Tum được kiểm soát nên địa phương sẽ tổ chức học trực tiếp, nhưng phải đảm bảo công tác phòng, chống dịch bệnh.

Bên cạnh những thuận lợi, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh cũng nêu một số khó khăn, vướng mắc tại địa phương. Cụ thể, cơ sở vật chất, trang thiết bị các trường học còn thiếu so với yêu cầu triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ngoài ra, thiếu biên chế giáo viên gây khó khăn trong triển khai chương trình giáo dục, đặc biệt là dạy học 2 buổi/ngày. Năm học 2021-2022, địa phương còn thiếu 1.696 người, nhất là giáo viên Tiếng Anh, Tin học cho năm học 2022-2023 ở các địa bàn vùng sâu vùng xa.

Tỉnh Kon Tum đề xuất với Chính phủ quan tâm bổ sung chỉ tiêu biên chế còn thiếu cho ngành giáo dục đào tạo địa phương và hỗ trợ nguồn lực tăng cường cơ sở vật chất nhằm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục. Bên cạnh đó, sớm xem xét, sửa đổi bổ sung quy định thiếu đồng bộ giữa cơ chế giao nhiệm vụ đặt hàng và chính sách tuyển dụng sinh viên sư phạm sau đào tạo.

Thùy Linh