Đề xuất Bộ Giáo dục cấm bán sách tham khảo trong trường học

30/06/2022 06:34
Cao Nguyên
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bộ Giáo dục không thẩm định sách tham khảo, nếu sách có sai sót, học sinh vẫn là người chịu thiệt thòi nhất.

Từ năm học 2019-2020 đến nay, chỉ riêng Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam đã có cả nghìn đầu sách tham khảo dùng cho thư viện trường học. Số lượng, tên sách, giá cả đều được công bố công khai trên trang web của Nhà xuất bản này. Chưa kể, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, sẽ có thêm các nhà xuất bản khác tham gia thị trường sách giáo khoa, sách tham khảo.

Nhiều đầu sách thêm lựa chọn, tuy nhiên chất lượng sách tham khảo ở bậc phổ thông lại là điều không ít thầy cô, phụ huynh lo lắng. Bởi Bộ Giáo dục không thẩm định sách tham khảo, chỉ thẩm định sách giáo khoa theo quy định.

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Ảnh minh họa: giaoduc.net.vn

Bộ Giáo dục không thẩm định sách tham khảo

Ngày 30/9/2020, tại cuộc họp báo thường kỳ quý III của năm, đại diện Bộ Giáo dục cho biết, hầu hết các sách tham khảo được xuất bản theo quy định của Luật Xuất bản. Còn Bộ Giáo dục không thẩm định nội dung các sách tham khảo trên thị trường.

Bộ Giáo dục chịu trách nhiệm thẩm định chương trình, nội dung sách giáo khoa giáo dục phổ thông. Bộ chịu trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn các địa phương quản lý, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường sao cho hiệu quả hơn. [1]

Theo tìm hiểu của người viết, Điều 5 Luật Xuất bản quy định: "Công dân, tổ chức có quyền phổ biến tác phẩm dưới hình thức xuất bản phẩm thông qua nhà xuất bản, chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung xuất bản phẩm của mình và được Nhà nước bảo hộ quyền tác giả". [2]

Như vậy, theo Luật Xuất bản thì mọi cá nhân và tổ chức có quyền phổ biến tác phẩm của mình và tự chịu trách nhiệm. Cá nhân được quyền viết sách tham khảo và được một nhà xuất bản có tư cách pháp nhân biên tập, sau đó duyệt in.

Để sử dụng sách tham khảo có hiệu quả, ngày 7/7/2014, Bộ Giáo dục và Đào tạo ban hành Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT quy định về quản lí và sử dụng xuất bản phẩm tham khảo trong các cơ sở giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên.

Theo đó, Điều 5 quy định trách nhiệm của giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp như sau (trích):

- Giáo viên có trách nhiệm cung cấp đầy đủ thông tin, nhận định và đề xuất đúng, khách quan, tin cậy cho cơ sở giáo dục để lựa chọn được những xuất bản phẩm tham khảo có chất lượng và sử dụng có hiệu quả trong quá trình giảng dạy và nghiên cứu; kịp thời phản ánh với cán bộ quản lí cơ sở giáo dục về những xuất bản phẩm tham khảo không đúng với các quy định tại Thông tư này.

- Giáo viên không được sử dụng những nội dung vượt quá chuẩn kiến thức, kĩ năng của chương trình, sách giáo khoa trong các xuất bản phẩm tham khảo để kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh, học viên trong quá trình dạy học.

- Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục tại các cơ sở giáo dục có trách nhiệm cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về danh mục xuất bản phẩm tham khảo mà cơ sở giáo dục đã lựa chọn cho học sinh, học viên và cha mẹ học sinh, học viên.

- Giáo viên và cán bộ quản lí giáo dục các cấp không được lạm dụng vị trí công tác của mình để thực hiện hoặc tham gia thực hiện việc ép buộc, vận động học sinh, học viên hoặc cha mẹ học sinh, học viên mua xuất bản phẩm tham khảo dưới bất kì hình thức nào.

Cùng với đó, Điều 6 quy định trách nhiệm của thủ trưởng các cơ sở giáo dục (trích):

- Xây dựng các quy định chi tiết về lựa chọn, mua sắm, quản lí, sử dụng xuất bản phẩm tham khảo và chịu trách nhiệm về nội dung, danh mục xuất bản phẩm tham khảo lưu hành trong cơ sở giáo dục theo quy định tại Điều 3 và Điều 4 của Thông tư này.

- Báo cáo cơ quan quản lí cấp trên trực tiếp về danh mục xuất bản phẩm tham khảo đã được lựa chọn, sử dụng hằng năm; đồng thời tổng kết, đánh giá hiệu quả và điều chỉnh việc lựa chọn danh mục xuất bản phẩm tham khảo phù hợp với kế hoạch hoạt động giáo dục của cơ sở giáo dục và điều kiện kinh tế của địa phương.

Tuy nhiên, thực tế các năm qua cho thấy, ở nhiều nơi thực hiện chưa nghiêm Thông tư này.

Cần cấm bán sách tham khảo trong trường học

Có thể nhận thấy, Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT quy định rất rõ về việc sử dụng sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông. Thế nhưng, thực tế hiện nay cho thấy có hiện tượng phòng, sở và trường học cũng là nơi gián tiếp hay trực tiếp giới thiệu, tiếp thị cả sách giáo khoa và sách tham khảo giúp các nhà xuất bản.

Một trong những cách tinh vi mà một số trường làm là gộp chung sách giáo khoa, sách tham khảo và thiết bị học tập thành một "gói" để phụ huynh phải mua. Và một dấu hỏi lớn là việc này có phải mục đích nhắm đến là hưởng "hoa hồng" trên các đầu sách, thiết bị?

Cá nhân người viết là tác giả của hơn chục đầu sách tham khảo từng được biết, công ty sách (liên kết với nhà xuất bản) chi "hoa hồng" cho người mua lẻ là 45% giá bìa, nếu mua số lượng nhiều thì có thể lên đến 50-55%.

Có trường hợp, công ty sách ngầm thỏa thuận với nhà xuất bản đẩy giá bìa lên nhằm chiết khấu % cao cho khách hàng. Chất lượng sách tham khảo cũng là câu chuyện cần bàn.

Theo đó, quy trình thực hiện sách tham khảo như sau, từ khi công ty sách (được tác giả ủy quyền) gửi bản thảo cho nhà xuất bản đến khi sách được xuất bản, phát hành là khoảng trong vòng 1 tháng nên rất khó tránh khỏi việc biên tập sơ sài.

Tôi từng được đối tác là công ty sách tặng hàng chục cuốn sách luyện thi tốt nghiệp trung học phổ thông, nhưng khi đọc kĩ thì chỉ được 1, 2 cuốn có thể tham khảo được.

Còn lại đa phần là sách kém chất lượng từ giấy in cho đến nội dung, nhiều cuốn có hiện tượng sao chép, thêm bớt nội dung những cuốn đang ăn khách, rồi đặt cho những cái tên nghe thật kêu như "chiến thuật", "thần tốc", "bí quyết"... nhằm hút học sinh mua.

Tôi cho rằng, để tăng cường quản lý, sử dụng có hiệu quả sách tham khảo, Bộ Giáo dục cần nhanh chóng chỉnh sửa, bổ sung Thông tư số 21/2014/TT-BGDĐT bằng cách quy định cụ thể hơn về yêu cầu, thẩm định, lựa chọn, sử dụng sách tham khảo trong nhà trường.

Cùng với đó, Bộ Giáo dục nên có chế tài quản lý sách tham khảo sao cho chặt chẽ, tránh tình trạng ở một môn học có quá nhiều sách hướng dẫn, sách nâng cao... gây khó cho giáo viên, phụ huynh và học sinh khi chọn lựa.

Tại Chương trình làm việc Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khoá XV, ngày 02/6/2022, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định, cho rằng vấn đề đặt ra là nếu có bán sách tham khảo thì trong tất cả phụ huynh học sinh cũng đều sẽ mua cho con bằng bạn, bằng bè. Do đó, đại biểu Nguyễn Lân Hiếu đề nghị nên cấm bán sách tham khảo trong nhà trường.

Nếu Bộ Giáo dục sửa đổi Thông tư 21/2014/TT-BGDĐT có thêm quy định cấm bán sách tham khảo trong các cơ sở giáo dục phổ thông thì sẽ không còn xảy ra tình trạng phụ huynh phải mua bộ sách giáo khoa đi kèm cả sách bài tập, sách tham khảo như thời gian qua dư luận bức xúc.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://vietnamnet.vn/bo-gd-dt-khong-tham-dinh-sach-tham-khao-khong-yeu-cau-sach-bo-tro-677715.html?fbclid=IwAR1-HyOCGrRBL80XvWPvG2shiL6HpAG-6wBqJzIEPc_DTAgbE0SYKyUvhtw

[2] https://luatvietnam.vn/thong-tin/luat-22-l-ctn-quoc-hoi-2590-d1.html

Cao Nguyên