Đề văn chạm vào tận đáy lòng, giám khảo bật khóc khi chấm thi

14/06/2013 09:28
Phương Thảo (tổng hợp)
(GDVN) - Nhiều giáo viên cho biết, khi đọc những câu văn viết về Nguyễn Văn Nam, nhiều thí sinh viết chứa chan tình cảm khiến người chấm không cầm được nước mắt, giống như có chính mình trong đó.

Bài làm đã chạm tới cảm xúc thật của học trò

Chính câu cảm nghĩ về Nam là câu “ăn điểm” nhất, hầu hết các thí sinh đều làm được câu này ở mức khá. Vì vây, cũng ở câu này có rất nhiều cảm xúc. Một giáo viên chấm thi cho biết, khi chấm tới bài một em, chính vị cũng không cầm nổi nước mắt vì ngôn từ quá trong trẻo, hồn nhiên. Em viết rằng: “Em chưa bao giờ nghĩ về một thế giới khác cho đến khi ngồi trong phòng thi này. Nhưng giờ thì em mong ước có một thế giới khác để những người tốt như bạn Nam khi chết đi thì không thành tro bụi. Ở thế giới đó, Nam có thể mỉm cười khi nhìn thấy chúng em đang ngồi làm bài thi, Nam biết, Nam hy sinh không vô ích vì tất cả chúng em đều ngưỡng mộ bạn…”.

Nhiều bài viết về Nam, ca ngợi đức tính của cậu học trò nghèo dám xả thân vì bạn, và tự em cũng “sám hối”, tự cho mình không vô cảm nhưng lại vô tâm, ích kỷ. Nhiều em khác thì đặt vấn đề trách nhiệm dạy bơi cho học sinh trong nhà trường, thậm chí còn đặt câu hỏi, đến một người cụt hết hai chân hai tay như Nick Vujicic còn biết bơi, tại sao chúng ta lại không biết bơi? “Với những bài như thế tôi thường cho điểm cao vì các em biết liên hệ thực tiễn trải nghiệm cá nhân mình một cách khá sâu sắc”, một giám khảo cho biết.

Một vấn đẻ mang đậm chất “SGK” là tư duy khuôn mẫu, nhiều bài viết thể hiện cảm xúc nhưng ở khía cạnh nào đó các bài viết đều dựa trên tư duy khuôn mẫu, chưa có tính đột phá. 
Ảnh minh họa Xuân Trung
Ảnh minh họa Xuân Trung

Một giáo viên chấm thi cho biết, hầu hết các em bày tỏ ý kiến thuận theo người ra đề. Cũng có thể do những vấn đề đạo đức, lối sống thường đạt độ chuẩn mực chung trong xã hội, mặt khác có thể do học sinh nhìn chung vẫn nhìn nhận nhân vật, sự kiện trong cuộc sống theo lối mòn. Ít em đào xới để tìm cách tiếp cận riêng biệt.

Tại Nghệ An, một giám khảo chấm thi cũng cho biết, điều đáng mừng là hầu như tất cả bài thi môn văn đã chấm khi viết về câu 2 đều với lòng hướng thiện. Học sinh nhìn sự  việc ở nhiều góc độ khác nhau, phần lớn các em chỉ dừng ở mức độ ca ngợi. 

Một giám khảo khác cũng cho biết, hầu hết các em đều làm đúng đáp án. Một số em cũng biết nâng vấn đề giáo dục kỹ năng sống trong học sinh. Giáo viên này thổ lộ, có cảm giác nhiều học sinh chưa bộc lộ hết được những suy nghĩ của mình. 

Cô Lệ Hoa, giáo viên Trường THPT Nông Cống, Thanh Hóa cho rằng, nghị luận xã hội là nội dung có trong chương trình học, nên khi ôn tập các giáo viên đều huấn luyện các em cách làm bài. Trong quá trình đó, giáo viên không thể ra đề y hệt như đề thi, nhưng cũng giúp các em hình dung hướng phát triển nội dung theo từng dạng đề nghị luận đời sống hay nghị luận vấn đề đạo lý. Do đó, các em đều biết nên làm cách nào để được điểm cao.

Nhận định về cách làm bài với câu nghị luận này, cô Hoàng Kim Oanh, giáo viên Trường Phổ thông Năng khiếu – ĐH Quốc gia TPHCM cho rằng, nhiều em đã chọn giải pháp an toàn.

Về cách thức chấm thi ở dạng đề mở như môn Văn, cô Oanh cho biết, quan trọng nhất là phải thay đổi cách chấm. Với đáp án của Bộ thì học sinh khó có thể viết khác đáp án, ngoài ra có đáp án thì giáo viên sẽ dựa vào đó. Cũng có giáo viên máy móc tới mức đòi hỏi phải diễn đạt như họ nghĩ thì mới có điểm. Còn nếu thí sinh cũng ý như thế, nhưng diễn đạt cách khác chưa chắc đã cho điểm hoặc cho điểm không tuyệt đối.
Đề Văn đã có một thế giới khác

Không ít giáo viên  ở Hà Nội mặc dù phải ký cam kết là không được thông tin nội dung bài chấm ra ngoài, nhưng do quá xúc động trước những dòng viết của thí sinh về em Nam nên đành “phá lệ”, mặc dù không nêu tên.

Một giáo viên chấm thi cho biết, đã bật khóc khi đọc những bài viết giản dị mà thật xúc động của các em, có những đoạn đã phải ghi lại. Trong các bài đã chấm, giáo viên này vẫn nhớ như in lời văn của  một thí sinh: “Tôi không hề nghĩ đến việc có một thế giới khác sau khi con người ta chết đi cho đến khi tôi đọc được những thông tin về Nam. Khi viết những dòng này, tôi chỉ có một mong ước rất lớn là có một “cõi” nữa để những người tốt như Nam không bao giờ phải vĩnh viễn ra đi…”. 

Một thí sinh khác trong lúc đang viết bài thì nghĩ về quê hương và lòng dũng cảm: “Lúc tôi đang làm bài thi này thì lẽ ra ở ngôi trường quê hương mình, bạn cũng phải được như vậy. Thế nhưng, vì sự dũng cảm của mình, bạn đã không còn nữa. Chắc ở nơi nào đó, bạn đang mỉm cười dõi theo chúng tôi…”.

Chia sẻ trên tờ Thanh Niên, một giáo viên chấm thi cho biết, mặc dù ở diễn đàn đây đó còn phản đối không nên ra đề văn kiểu này vì sẽ khuyến khích học sinh làm như Nam, nhưng một số bài mà vị giáo viên này đã chấm và đọc được thì suy nghĩ của một số diễn đàn đã lo quá xa và thiển cận. Thông tin tiếp, giáo viên này cho hay hầu như không có học sinh nào không cảm nhận được sự dũng cảm của Nam.

Tờ Thanh Niên cho hay, tại một số Hội đồng thi có học sinh các trường tốp đầu ở Hà Nội, điểm gần tuyệt đối cho câu hỏi mở rất nhiều. Một giám khảo nói: “Bản thân giám khảo cũng rất thận trọng khi cho điểm tuyệt đối nhưng có những bài xúc động quá nên không thể không cho điểm cao nhất”. Ở những hội đồng có chất lượng học sinh không cao nhưng giám khảo cũng bất ngờ vì nhiều học sinh “ăn điểm” ở câu hỏi mở. 

Trong chiều qua (13/6), khi báo cáo trước Quốc hội Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phạm Vũ Luận đã đề cập tới những  giải pháp nhằm tăng cường đổi mới cách dạy, cách học với các môn có tính chất giáo dục công dân như Văn học, Lịch sử hay Địa lí. Và thực tế, theo Bộ trưởng Luận đề thi Văn tốt nghiệp THPT vừa qua đã chạm vào cảm xúc chân thành nhất của học sinh. Nhiều bài văn đã tạo nên sự lay động không những cho học sinh,  thầy cô mà cả người lớn, đây là một bài học cho toàn ngành giáo dục. Góp phần tạo lập cái sáng, cái  trong để đẩy lùi tiêu cực trong xã hội.
Phương Thảo (tổng hợp)