Đề thi tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội rất hay nhưng hơi dài

16/08/2020 06:25
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Bài thi tư duy kiểm tra đầu vào của trường Đại học Bách khoa Hà Nội được các thí sinh đánh giá hay nhưng quá dài, đa số thí sinh đều không đủ thời gian.

Chiều ngày 15/8, gần 5.000 thí sinh tham gia làm bài kiểm tra tư duy, giành cơ hội trở thành tân sinh viên của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội.

Đây là năm đầu tiên nhà trường triển khai phương thức kết hợp sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 và kết quả bài kiểm tra tư duy (khối A19 và A20). Theo đó, bài thi kiểm tra tư duy được tổ chức tại Đại học Bách khoa Hà Nội và trường Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa).

Bài kiểm tra có cấu trúc hai phần: phần trắc nghiệm và phần tự luận với nội dung về Toán và Đọc hiểu.

Thí sinh làm bài trong khoảng thời gian 120 phút. Điểm của bài kiểm tra tư duy cộng với điểm môn Toán, Vật lý hoặc Toán, Hóa học trong kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ xét thành một tổ hợp điểm.

Tại điểm thi trường đại học Bách khoa Hà Nội, thí sinh từ các tỉnh thành về tham dự rất đông, nhiều phụ huynh đồng hành cùng con trong kỳ thi quan trọng.

Học sinh xếp hàng trước cổng trường để đo thân nhiệt trước khi thi (ảnh: Phạm Minh)

Học sinh xếp hàng trước cổng trường để đo thân nhiệt trước khi thi (ảnh: Phạm Minh)

Kết thúc bài thi, em Phạm Minh Đức, học sinh trường trung học phổ thông Vĩnh Bảo (Hải Phòng) nhận xét đề thi không quá khó, nội dung khá hay và có tính phân loại tốt.

Minh Đức chia sẻ, đề Toán có nhiều điểm tương đồng với đề thi tốt nghiệp. Tuy nhiên, phần đọc hiểu hơi dài và em đã mất khá nhiều thời gian cho phần đó.

“Riêng những câu hỏi liên quan đến ứng dụng thực tế rất hay nhưng cũng khá khó. Phần toán trắc nghiệm thử thách khả năng tư duy sáng tạo của học sinh”. – Minh Đức chia sẻ

Theo Nguyễn Minh Đức, câu hỏi ấn tượng nhất với em là câu hỏi về tính giá điện theo mức độ sử dụng ở nước ta hiện nay vì nó có tính ứng dụng thực tế và ý nghĩa.

“Em chắc chắn khoảng 80 – 90% ở kỳ thi kiểm tra tư duy của Đại học Bách khoa. Vì kỳ thi tốt nghiệp em đã tính được khoảng 28 điểm nên em không còn áp lực với đợt thi này” – Minh Đức thể hiện sự tự tin sau buổi thi.

Đến từ trường trung học phổ thông Quế Võ 3 (Bắc Ninh), nữ sinh Nguyễn Thẩm Quyến đánh giá đề thi khó, đòi hỏi khả năng tư duy cao và đề quá dài nên em không thể hoàn thành xong phần tự luận.

Theo Thẩm Quyến, câu hỏi về thủy canh nông nghiệp ấn tượng nhất vì mang tính thực tiễn trong đời sống.

Thí sinh Nguyễn Thẩm Quyến đánh giá đề thi dài và khó (ảnh: Phạm Minh)

Thí sinh Nguyễn Thẩm Quyến đánh giá đề thi dài và khó (ảnh: Phạm Minh)

“Kỳ thi tốt nghiệp em đã làm tốt nhưng lần thi kiểm tra tư duy em lại khá áp lực, lo sợ và chưa đủ tự tin về bài làm của mình” – Thẩm Quyến chia sẻ.

Phạm Chí Công – học sinh trường trung học phổ thông Xuân Trung B (Nam Định) với nguyện vọng thi vào ngành IT của trường đại học Bách Khoa tự tin làm được 70% đề thi.

Công cho biết: “Vì lần đầu tham gia một kỳ thi khá mới mẻ nên em đã không phân bố thời gian hợp lý để hoàn thành bài thi. Bên cạnh đó, đề cũng chưa sát với đề cương mà em nhận được trước đó”.

Tuy nhiên, em không cảm thấy áp lực với bài kiểm tra này. Công chia sẻ rằng nếu không trúng tuyển đại học Bách khoa, em sẽ ứng tuyển vào đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội.

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trần Nam Hải– trường trung học phổ thông chuyên Biên Hòa (Hà Nam) đánh giá đề thi không quá khó nhưng hơi dài và chỉ thiếu 5 phút để hoàn thành phần thi.

Nam Hải cho biết: “Phần ứng dụng thực tế trong đề thi thể hiện ở cả phần tự luận và trắc nghiệm. Phần đọc hiểu nghiêng về lĩnh vực khoa học kỹ thuật nhiều hơn. Các câu hỏi về tư duy với em không quá khó. Em đặc biệt ấn tượng với câu hỏi về tính giá điện”.

Nam Hải cho biết: “Em tự tin 90% bài thi của mình, với học sinh học lực trung bình cũng có thể làm được 70%”.

Nam Hải cũng tự tin có thể đỗ vào ngành Tự động hóa của đại học Bách khoa Hà Nội.

Kỳ thi kiểm tra tư duy diễn ra trong thời điểm dịch Covid – 19 đang diễn biến phức tạp nhưng nhà trường đã thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng bệnh tốt, đảm bảo cho thí sinh an tâm trong suốt quá trình thi.

Trước đó, theo Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Bách Khoa Hà Nội phụ trách về công tác tuyển sinh cho biết, bài kiểm tra tư duy đưa ra đề bài ở các mức độ khác nhau, từ thông hiểu, vận dụng đến vận dụng sáng tạo, yêu cầu thí sinh có khả năng suy luận, nắm bắt và vận dụng kiến thức trong thời gian ngắn. Toàn bộ phần kiến thức nằm trong kiến thức phổ thông nhưng gắn liền với tình huống thực tế.

Bài kiểm tra này được thiết kế để đánh giá năng lực cốt lõi của các thí sinh và khả năng theo học các ngành học ở bậc đại học, đặc biệt những khối ngành khoa học kĩ thuật, ông chia sẻ thêm. Nội dung bài thi được xây dựng phù hợp với đặc điểm của giáo dục Việt Nam và cách tiếp cận tiên tiến trên thế giới.

Trong bối cảnh Thành phố Hải Dương thực hiện cách ly xã hội, trường Đại học Bách khoa Hà Nội đã chủ động liên hệ và đề nghị 92 thí sinh của Thành phố Hải Dương không tham dự kỳ thi.

Nhà trường đã tư vấn cho những thí sinh này lựa chọn phương thức khác như sử dụng kết quả thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2020 để xét tuyển vào trường. Những thí sinh các huyện khác của tỉnh Hải Dương vẫn tham dự kỳ thi bình thường.

Phó giáo sư Huỳnh Quyết Thắng cũng cho biết, sau ngày 15/08, Hội đồng tuyển sinh nhà trường sẽ họp để đưa ra giải pháp cụ thể cho những thí sinh đăng ký tham gia Bài kiểm tra tư duy vào trường Đại học Bách Khoa Hà Nội nhưng do dịch bệnh Covid-19 không thể đến tham dự kỳ thi.

Phạm Minh