Đề thi tham khảo của Bộ Công an được đánh giá có độ phân hóa rất cao

22/05/2022 06:44
Trần Lý
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-Vì mục đích là tuyển sinh vào các trường công an nên mức độ đề khó hơn đề minh họa của Bộ Giáo dục để tuyển các em có học lực khá trở lên.

Ngày 18/5 vừa qua, Bộ Công an ban hành đề thi tham khảo bài thi đánh giá của Bộ Công an sử dụng trong tuyển sinh đại học các trường công an nhân dân năm 2022.

Nghiên cứu đề thi tham khảo bài thi đánh giá môn Toán của Bộ Công an, thầy Đỗ Văn Đức, giáo viên luyện thi trung học phổ thông môn Toán tại Hà Nội cho rằng, đề thi không có câu nào đánh đố nên học sinh nắm chắc kiến thức cơ bản, học tốt, trình bày bài toán đầy đủ ý sẽ dễ dàng đạt từ 9 điểm trở lên.

Thầy Đỗ Văn Đức (ảnh: NVCC)

Thầy Đỗ Văn Đức (ảnh: NVCC)

“Cách thức ra đề khác hẳn so với cách thức thông thường. Đề thi gồm 5 câu, mỗi câu 2 ý. Trong đó, câu 1 và câu 2 thuộc mức độ nhận biết, thông hiểu; ý 1 câu 3 thuộc mức độ vận dụng thấp; ý 2 câu 3, câu 4 và câu 5 thuộc mức độ vận dụng cao.

Xét tổng thể, hình thức tự luận giống với các đề thi môn Toán ngày xưa, tuy nhiên mức độ, ma trận đề có sự khác biệt rõ ràng. Kiến thức các câu hỏi trong đề đều thuộc phần học sinh đã học, không có nhiều câu đánh đố và tập trung vào chương trình lớp 12, bên cạnh đó vẫn có những câu thuộc lớp 11 và lớp 10”, thầy Đức nói.

Theo thầy Đỗ Văn Đức, so với đề thi minh họa bài thi tốt nghiệp của Bộ Giáo dục và Đào tạo công bố trước đó thì đề thi tham khảo của Bộ Công an số câu hỏi mà học sinh yếu và trung bình làm được ít hơn. Vì mục đích là tuyển sinh vào các trường công an nên mức độ đề như vậy là hợp lý, tuyển các em có học lực khá trở lên.

Ngoài ra, để đạt 10 điểm đề minh họa của Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ khó hơn vì có những câu vận dụng cao phân hóa mạnh, còn để đạt 9 điểm thì hai đề tương đương, quan trọng là đề của Bộ Công an yêu cầu thí sinh chú trọng vào các bước trình bày.

“Hình thức thi trắc nghiệm đã được áp dụng nhiều năm nay nên học sinh được dạy và ôn theo kiểu trắc nghiệm, có thể áp dụng các công thức tính nhanh, mẹo sử dụng máy tính Casio. Tuy nhiên, khi chuyển sang hình thức thi tự luận, bắt buộc học sinh phải nắm vững các bước trình bày một bài toán.

Tôi lấy ví dụ, một bài toán tính tích phân nếu thi trắc nghiệm chỉ cần bấm máy tính là có thể ra kết quả nhưng khi đổi sang hình thức thi tự luận học sinh cần phải biết cách đặt ẩn ra sao, giải bài theo phương pháp nào. Trường hợp học sinh chỉ học mẹo, không hiểu sâu bản chất vấn đề thì khi làm tự luận sẽ gặp nhiều khó khăn”, thầy Đức bày tỏ.

Bên cạnh đó, thầy Đức cũng đưa ra lời khuyên tới các bạn có nguyện vọng thi vào các trường khối ngành công an: “Học sinh cần ôn thêm kiến thức cơ bản lớp 10, lớp 11, chứng minh lại các công thức tính nhanh đã học, hiểu rõ kiến thức nền tảng, bản chất bài toán và luyện tập thói quen trình bày tự luận, đặc biệt là ở các bài toán mức độ vận dụng và vận dụng cao”.

Cấu trúc đề Ngữ văn có độ phân hóa mạnh

Còn đối với môn Ngữ văn, cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ, Hà Nội đánh giá, đề thi có độ phân hóa học sinh cao, phổ điểm chung từ 6 đến 7 điểm, còn để được 8 đến 8,5 điểm rất khó.

Đề thi có độ phân hóa đáp ứng yêu cầu tuyển đúng đối tượng vào các trường công an nhân dân.

Cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ, Hà Nội (ảnh: NVCC)

Cô Lê Mai Phương, giáo viên Ngữ văn của Trường Trung học phổ thông Đào Duy Từ, Hà Nội (ảnh: NVCC)

“Phần đọc hiểu có 5 câu hỏi vẫn là các câu hỏi thường xuất hiện trong một đề thi Ngữ văn, tuy nhiên ngữ liệu đề bài cho khá khó và rối. Học sinh phải đọc ngữ liệu ít nhất 2 đến 3 lần mới có thể xử lý tốt 5 câu hỏi.

Đặc biệt, câu 5 của phần đọc hiểu yêu cầu học sinh nắm vững kỹ năng triển khai đoạn văn. Nếu trong đề thi tốt nghiệp chỉ yêu cầu viết một đoạn văn thông thường thì trong bài thi này nêu rõ viết đoạn văn theo hình thức diễn dịch, tức là học sinh phải có kiến thức về các hình thức triển khai đoạn văn thì mới đạt điểm tuyệt đối. Với phần đọc hiểu 2,5 điểm học sinh chỉ nên dành 20 - 25 phút để làm.

Phần làm văn chiếm 7,5 điểm là dạng đề mở, từ một vấn đề trong tác phẩm văn học sau đó trình bày suy nghĩ của mình về một vấn đề xã hội. Đối với dạng bài chiếm số điểm khá lớn như này yêu cầu thí sinh vừa phải có kiến thức về tác phẩm văn học vừa phải có sự chín chắn trong suy nghĩ, sự trải nghiệm xã hội tốt mới có thể viết được sâu sắc và đạt điểm cao.

Trong phần làm văn, kiến thức tác phẩm văn học không quá nặng chỉ chiếm 20%, còn lại 80% thuộc kiến thức xã hội”, cô Phương phân tích.

Theo cô Lê Mai Phương, đề thi tham khảo bài thi đánh giá môn Ngữ văn của Bộ Công an thiên hướng về nghị luận xã hội hơn là nghị luận văn học và phần đọc hiểu khá khó, học sinh phải đọc kỹ.

“Bên cạnh đó, thí sinh nên gạch chân từ khóa thường xuất hiện ở đoạn văn bản để từ đó xác định được chủ đề. Đối với phần đọc hiểu, học sinh không cần làm dài, chỉ cần trả lời đúng vào trọng tâm câu hỏi, với câu viết đoạn văn chú ý viết đúng dung lượng, không nên cố gắng làm dài. Riêng phần làm văn, cần tóm tắt qua về trích đoạn trong tác phẩm văn học rồi trình bày suy nghĩ về vấn đề xã hội”, cô Phương nhấn mạnh.

Trần Lý