Đề nghị có phần mềm riêng khi triển khai đặt hàng đào tạo GV theo Nghị định 116

17/03/2022 11:14
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ông Phạm Như Nghệ cho biết, Bộ Giáo dục đang yêu cầu các địa phương rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên, tiếp tục có giải pháp cho việc triển khai Nghị định 116.

Nhiều cơ sở đào tạo, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chia sẻ những băn khoăn, vướng mắc về vấn đề đào tạo giáo viên, tuyển sinh ngành sư phạm tại tại Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022 được tổ chức vào ngày 16/3 vừa qua.

Một số kiến nghị về tuyển sinh ngành sư phạm

Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022. (Ảnh: Hoài Ân)

Hội nghị trực tuyến tuyển sinh cao đẳng ngành Giáo dục Mầm non, tuyển sinh đại học năm 2022. (Ảnh: Hoài Ân)

Năm 2021 là năm đầu tiên thực hiện Nghị định 116/2020/NĐ-CP “Quy định chính sách hỗ trợ tiền đóng học phí, chi phí sinh hoạt đối với sinh viên sư phạm” và đã đạt được một số kết quả khả quan trong công tác tuyển sinh. Tuy nhiên, vấn đề khiến nhiều cơ sở đào tạo giáo viên băn khoăn nhất là việc thực hiện cơ chế đặt hàng, giao nhiệm vụ, đấu thầu đào tạo giáo viên.

Tại Hội nghị tuyển sinh, Tiến sĩ Trương Quý Tùng, Phó Giám đốc Đại học Huế cho biết, trong quá trình thực hiện Nghị định 116, việc đặt hàng đào tạo giáo viên chưa thực sự tốt và còn nhiều khó khăn.

Các địa phương cũng chưa phối hợp tốt, một số địa phương không phối hợp trong việc đặt hàng đào tạo giáo viên. Các cơ sở đào tạo cũng băn khoăn trong việc đầu tư, thay đổi điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo trước những thay đổi về cơ chế đặt hàng đào tạo.

“Chúng tôi đề nghị có hệ thống phần mềm riêng để triển khai Nghị định 116 hiệu quả, làm sao để Ủy ban Nhân dân các tỉnh tham gia vào việc đặt hàng đào tạo giáo viên”, Tiến sĩ Trương Quý Tùng nêu quan điểm.

Tiến sĩ Trương Quý Tùng cũng đề xuất đưa hình thức tuyển sinh năng khiếu trực tuyến thành một phương thức tuyển sinh chính thức.

Đại diện Đại học Huế kiến nghị về việc tạo thuận lợi đối với những thí sinh xét tuyển ngành đào tạo sư phạm năng khiếu. Theo thầy Tùng, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào đối với ngành đào tạo sư phạm năng khiếu, như ngành giáo dục thể chất, mỹ thuật,… vẫn còn cao, chỉ thấp hơn 1 điểm so với các ngành sư phạm khác.

Trong khi đó, có nhiều thí sinh có năng khiếu rất tốt nhưng lại không đảm bảo được ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nên không được tuyển chọn. Các môn năng khiếu cũng rất cần thiết như các môn khoa học cơ bản, vì vậy, cần phải có cơ chế để động viên các em, để thực hiện đào tạo và phát huy, phát triển các hoạt động văn hóa, mỹ thuật.

Một số cơ sở đào tạo giáo viên cũng đề xuất với Bộ Giáo dục và Đào tạo, năm 2022, cần sớm giao chỉ tiêu cho các trường để đảm bảo thời gian, tiến độ thực hiện công tác tuyển sinh.

Bên cạnh ý kiến của các trường đại học, Hội nghị cũng ghi nhận ý kiến của các Sở Giáo dục và Đào tạo. Đại diện Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai đặt vấn đề với Bộ Giáo dục và Đào tạo về tình trạng thiếu giáo viên Tin học, Ngoại ngữ hiện nay.

Sớm có giải pháp giao nhiệm vụ, đặt hàng, đấu thầu đào tạo giáo viên

Chia sẻ trước những băn khoăn của các trường về vấn đề tuyển sư phạm, ông Phạm như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo cho biết, về vấn đề giao chỉ tiêu tuyển sinh đối với các trường đào tạo giáo viên, Bộ giao chỉ tiêu cho các cho các trường phải sát với nhu cầu thực tế, ngoài căn cứ vào năng lực đào tạo của các trường. Và Bộ cũng cần căn cứ vào nhu cầu sử dụng của các địa phương, cần tính toán cân đối để giao chỉ tiêu phù hợp nên có chậm hơn so với các ngành khác.

Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với các trường về vấn đề tuyển sinh ngành sư phạm. (Ảnh: Hoài Ân)

Ông Phạm Như Nghệ - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo chia sẻ với các trường về vấn đề tuyển sinh ngành sư phạm. (Ảnh: Hoài Ân)

Năm 2022, đề nghị các địa phương tiếp tục rà soát, báo cáo nhu cầu sử dụng sử dụng giáo viên một cách chuẩn xác hơn nữa, để Bộ triển khai sớm việc giao chỉ tiêu cho các trường.

Phó Vụ trưởng khẳng định, năm 2022, việc giao chỉ tiêu cho các cơ sở đào tạo giáo viên sẽ được thực hiện sớm hơn, đúng lịch để các trường xây dựng đề án tuyển sinh của mình.

Đối với việc triển khai thực hiện Nghị định 116, ông Phạm Như Nghệ cho biết, năm 2021, công tác tuyển sinh ngành sư phạm đã đạt được một số tín hiệu đáng mừng khi thí sinh đăng ký vào ngành sư phạm tăng cao và điểm đầu vào cũng tăng lên cao.

Tuy nhiên, vẫn còn một số vướng mắc, đặc biệt khi các địa phương thực hiện nhiệm vụ của mình, đăng ký đặt hàng cho các trường đào tạo giáo viên và thực hiện nghĩa vụ chi trả tiền hỗ trợ cho sinh viên từ kinh phí địa phương.

“Chúng tôi lường trước vấn đề này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phối hợp với các trường tìm các giải pháp để thực hiện Nghị định 116 thuận lợi.

Bộ đã cùng các trường đã tổ chức một hội nghị để triển khai Nghị định 116, có nhiều công văn gửi cho các trường, các địa phương để kết nối cùng thực hiện Nghị định 116 có hiệu quả.

Mặc dù chưa có kinh phí nhưng thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Bộ, Vụ Giáo dục Đại học cũng đã phối hợp với Cục Công nghệ thông tin, với các trường sư phạm xây dựng phần mềm để hỗ trợ cho các địa phương và trường thực hiện Nghị định 116”, Phó Vụ trưởng cho biết.

Ông Phạm Như Nghệ cho biết, thời gian tới sẽ tiếp tục tham mưu với lãnh đạo Bộ để có những giải pháp tốt hơn cho việc triển khai Nghị định 116, đặc biệt yêu cầu các địa phương phải rà soát nhu cầu sử dụng giáo viên để chuyển thông tin về Bộ Giáo dục và Đào tạo. Trên cơ sở đó, Bộ giao chỉ tiêu cho các trường, đồng thời đề nghị các trường có giải pháp trong việc thực hiện cơ chế giao nhiệm vụ, hoặc đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo Nghị định 116.

Đối với vấn đề ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành sư phạm năng khiếu, theo quy chế cũ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào của ngành này sẽ thấp hơn 1 mức so với các ngành đào tạo giáo viên khác.

“Tuy nhiên, một số thầy cô cho rằng vẫn còn khó khăn với thí sinh, năm 2022, trên cơ sở ý kiến của các hội đồng tư vấn cho lãnh đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo, chúng tôi sẽ có ý kiến để các hội đồng cân nhắc việc xác định điểm ngưỡng đầu vào đối với các ngành sư phạm năng khiếu”, ông Phạm Như Nghệ khẳng định.

Giải đáp vấn đề thiếu giáo viên tin học, ngoại ngữ,… của Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Lào Cai, Phó Vụ trưởng cho rằng, đây là tình trạng chung của tất cả các địa phương hiện nay.

Đối với những ngành sư phạm đang thiếu giáo viên trên cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo giao chỉ tiêu tối đa theo đăng ký của các trường.

Dù vậy, các địa phương vẫn xảy ra tình trạng thiếu giáo viên, Vụ Giáo dục Đại học sẽ đề xuất lên lãnh đạo Bộ, đưa ra những giải pháp để các trường, các cơ sở đào tạo giáo viên tăng cường cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên, có thể mở rộng quy mô đào tạo những ngành này, đáp ứng nhu cầu xã hội và việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới.

Đại diện Vụ Giáo dục Đại học cũng cho biết, dự kiến, trong tháng 5/2022, Bộ Giáo dục và Đào tạo sẽ ban hành Quy chế tuyển sinh để các trường và các địa phương có kế hoạch chuẩn bị cho công tác tuyển sinh năm nay.

Phạm Minh