Để học sinh lớp 1 thích nghi với việc học online

24/08/2021 07:31
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Để học trực tuyến hiệu quả rất cần sự đồng hành của phụ huynh. Nhà trường cần giúp phụ huynh hiểu giá trị của việc học online cũng như chia sẻ khó khăn cùng họ.

Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều tỉnh thành đã lên kế hoạch, phương án dạy học trực tuyến trước thềm năm học mới. Tuy nhiên, dạy học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, đặc biệt là học sinh lớp 1 cũng gặp không ít những khó khăn.

Chuẩn bị tâm thế cho học sinh và phụ huynh

Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Tạ Thị Thu - Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn Trường Tiểu học ICS (Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, học online khó có thể đạt hiệu quả như học trực tiếp, đặc biệt với học sinh lớp 1 lại gặp vô vàn những khó khăn.

Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho rằng, dạy học online cho học sinh lớp 1 cần xây dựng quy trình hội nhập cho cả phụ huynh và học sinh. (Ảnh: NVCC)

Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho rằng, dạy học online cho học sinh lớp 1 cần xây dựng quy trình hội nhập cho cả phụ huynh và học sinh. (Ảnh: NVCC)

Do các em bị hụt hẫng từ giai đoạn chia tay trường mầm non, bước vào lớp 1 lại chưa được làm quen, kết nối với thầy cô. Chính vì vậy, để học sinh lớp 1 thích nghi và chấp nhận học online thì phải xây dựng một quy trình hội nhập bài bản cho các em và cho cả phụ huynh, tạo sự đồng thuận để quá trình học trực tuyến hiệu quả.

Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, với học sinh bậc tiểu học, nhất là học sinh lớp 1, sự tham gia của phụ huynh vào quá trình học online chiếm từ 30 - 40%. Tham gia vào quá trình này, phụ huynh cũng sẽ gặp những khó khăn về công việc riêng, về yếu tố kỹ thuật, phần mềm... Nhà trường cần phải chia sẻ, hỗ trợ cùng phụ huynh.

“Dẫu biết rằng học online luôn khó khăn đối với cả nhà trường, thầy cô cũng như phía phụ huynh, học sinh, nhưng với tình hình dịch bệnh hiện nay, chúng ta phải xem đó là điều hiển nhiên cần làm, mở lòng đón nhận và đồng hành cùng nhau.

Muốn phụ huynh đồng thuận, nhà trường phải giúp họ hiểu giá trị của việc học online cũng như chia sẻ những khó khăn cùng họ”, cô Thu chia sẻ.

Mỗi cơ sở giáo dục nên xây dựng quy trình hội nhập kỹ lưỡng cho phụ huynh, bằng các giải pháp cụ thể. Ví dụ như tổ chức các buổi hội thảo trực tuyến để giúp phụ huynh chuẩn bị tâm thế đồng hành cùng con vào lớp 1.

Hội thảo sẽ kết nối phụ huynh với ban chuyên môn của trường, giúp phụ huynh hiểu cách nhà trường tổ chức lớp online. Khi phụ huynh nhìn được định hướng rõ ràng của nhà trường, họ có đánh giá về chất lượng thì sẽ có sự đồng thuận, nhất trí cao. Ngược lại, thầy cô cũng phải tích cực ghi nhận những đóng góp và ý kiến chia sẻ từ phụ huynh.

Bên cạnh đó, nhà trường sẽ cung cấp bộ tài liệu, cẩm nang giúp phụ huynh hướng dẫn học sinh học online với các nội dung như: chuẩn bị cho kỳ học online như thế nào; dụng cụ học tập online; những trang học liệu để phụ huynh tham khảo hỗ trợ cho con; chuẩn đầu ra theo từng tuần, từng tháng mà nhà trường kỳ vọng,...

“Trường ICS đã triển khai những hoạt động này, đến nay, chúng tôi đã tổ chức thành công một số buổi hội thảo cho phụ huynh. Đồng thời, trường tổ chức các buổi giáo viên đến thăm nhà học sinh bằng hình thức trực tuyến, lắng nghe những tâm tư, chia sẻ của phụ huynh để có hỗ trợ kịp thời.

Chuẩn bị tâm thế cho phụ huynh, hai bên cùng thấu hiểu, đồng kiến tạo mới tạo nên giá trị học tập cho các em”, cô Thu khẳng định.

Giáo viên Trường ICS trong một tiết dạy online cho học sinh lớp 1. (Ảnh: NVCC)

Giáo viên Trường ICS trong một tiết dạy online cho học sinh lớp 1. (Ảnh: NVCC)

Về phía học sinh, Thạc sĩ Tạ Thị Thu cho biết, để các con làm quen với việc học online, nhà trường có thể tổ chức hai tuần học hội nhập với ba mục tiêu.

Đầu tiên là trang bị cho các con các kỹ năng ICT, bao gồm cách sử dụng thiết bị số, phần mềm học online, tìm hiểu các thanh công cụ trên lớp học online.

Tiếp theo là giúp các con hình thành kỹ năng tự xây dựng không gian học tập ở nhà, để các con có sự tham gia chủ động, con cần không gian học tập ở nhà thế nào, có thể đề xuất cùng bố mẹ và thầy cô cũng không áp đặt điều này.

Cuối cùng là giúp học sinh làm chủ cảm xúc. Giai đoạn này, các con bị giới hạn kết nối với bên ngoài nên nhu cầu chia sẻ, lắng nghe rất quan trọng. Thầy cô cũng phải dự liệu trước những tình huống phát sinh trong lớp học online để tránh học sinh bị sốc tâm lý, hụt hẫng dẫn tới không muốn tham gia học tập hay học tập không hiệu quả.

Tinh gọn chương trình, chuyển hóa các hoạt động trải nghiệm

Theo Thạc sĩ Tạ Thị Thu, muốn dạy học online hiệu quả cần phải xây dựng khung chương trình với chuẩn đầu ra rõ ràng, cần tinh gọn một số nội dung kiến thức không mang tính bắt buộc để ưu tiên kiến thức quan trọng nhất, nhằm giảm áp lực học tập cho học sinh.

Ví dụ, học sinh có 2 khung giờ học, một khung giờ khoảng 2 - 2,5 tiếng dành cho các môn như Toán, tiếng Việt, tiếng Anh - những môn mang tính học thuật và bắt buộc.

Khung giờ còn lại dành cho những môn học khác. Những môn học này được chuyển thành các câu lạc bộ cho học sinh tự chọn tham gia để thư giãn, giảm bớt áp lực sau những giờ học kiến thức.

Nền tảng ClassIn được Trường ICS ứng dụng trong dạy học trực tuyến, đảm bảo tương tác hai chiều giữa học sinh và giáo viên. (Ảnh: NVCC)

Nền tảng ClassIn được Trường ICS ứng dụng trong dạy học trực tuyến, đảm bảo tương tác hai chiều giữa học sinh và giáo viên. (Ảnh: NVCC)

“Trường ICS xây dựng kế hoạch học tập, chuyển các môn học không đặt nặng kiến thức thành các câu lạc bộ, cho học sinh tự chọn và trải nghiệm khám phá, đó là câu lạc bộ về yoga, Stem, Câu lạc bộ về phát triển tâm lý, tư duy cho trẻ, Câu lạc bộ đọc sách, Câu lạc bộ tiếng Anh,...

Chương trình học online cũng được chuyển hóa đa dạng với các hình thức trò chơi để học sinh có thể tiếp thu các bài học hiệu quả và hứng thú với việc học”, cô Thu cho biết.

Ngoài việc chuẩn bị về chương trình học online, nhà trường và phụ huynh cần phải hỗ trợ các em về nền tảng dạy học trực tuyến. Cùng với đó là sự chuẩn bị tốt nhất về đội ngũ giáo viên, sẵn sàng với kế hoạch, phương án dạy trực tuyến của trường.

Chia sẻ với phóng viên xoay quanh câu chuyện học trực tuyến với học sinh lớp 1, cô giáo Lê Thị Giang - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Song ngữ Quốc tế Horizon (cơ sở Thành phố Hồ Chí Minh) cho biết, việc tinh giản nội dung kiến thức khi dạy học online là điều cần thiết. Bởi lẽ, nếu đưa nguyên chương trình dạy học trực tiếp, học sinh sẽ không thể tiếp thu và khiến các con trở nên mệt mỏi, nhàm chán với việc học.

“Nội dung bài giảng phải được thiết kế đi vào phần kiến thức trọng tâm, đồng thời, phải tăng cường sáng tạo những hoạt động vui chơi trải nghiệm. Tất nhiên, những trò chơi đó cũng phải được xây dựng trên cơ sở nội dung của các môn học.

Khi vừa học vừa chơi, các em sẽ tiếp thu được kiến thức dễ dàng, đồng thời hứng thú với việc học”, cô Giang chia sẻ.

Việc chuẩn bị cho học sinh lớp 1 học online cũng là một khâu đặc biệt quan trọng, đó là sự chuẩn bị về thiết bị, phần mềm, tài liệu và sự chuẩn bị về tâm lý.

Cô Giang cho hay, muốn học sinh lớp 1 làm quen với lớp học online, tuần học đầu tiên nhà trường sẽ không dạy kiến thức mà tổ chức chương trình định hướng cho các em.

Trong tuần học này, học sinh được làm quen với thầy cô, bạn bè, được hướng dẫn sử dụng phần mềm, công cụ bổ trợ cho học online, cách lựa chọn bài học,...

“Trước đó, nhà trường cũng đã tổ chức chương trình định hướng cho phụ huynh để bố mẹ đồng hành cùng các con trong quá trình học trực tuyến. Bên cạnh việc hỗ trợ con học tập, bố mẹ nên trò chuyện, chia sẻ để các con có tâm lý học tập thoải mái nhất.

Học trực tuyến đối với học sinh tiểu học, đặc biệt học sinh lớp 1 rất cần sự hỗ trợ của phụ huynh. Sự đồng hành của bố mẹ sẽ mang lại hiệu quả học tập cho các em.

Trường Tiểu học Song ngữ Quốc tế Horizon đã lên kế hoạch dạy học trực tuyến từ cuối tháng 7. Nhà trường mời chuyên gia quốc tế tập huấn, chia sẻ về cách tổ chức lớp học online hiệu quả, đồng thời triển khai tập huấn đến giáo viên, sẵn sàng cho dạy học trực tuyến trước diễn biến phức tạp của dịch bênh”, Cô Giang khẳng định.

“Bài/Loạt bài tuyên truyền thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ”.

Phạm Minh