Đề án 322 bị dừng: "Nếu cần hãy kiến nghị lên Thủ tướng"

22/05/2012 11:19
Bích Thảo (Thực hiện)
(GDVN) - PGS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo: "Tôi nghĩ rằng việc đã xảy ra rồi thì bức xúc cũng thế thôi, do đó mọi người cần bình tĩnh phản ánh lên với Bộ để có thể tìm ra những hướng giải quyết khác... và tất nhiên nếu cần thiết thì mọi người có thể kiến nghị lên Thủ tướng".
Thông tin việc một nhóm sinh viên thuộc Đề án 322 bị tạm dừng kế hoạch du học ngày càng nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội. Số phận của mấy chục nhân tài sẽ đi đâu về đâu? Báo Giáo dục Việt Nam đã có cuộc trò chuyện với PGS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ giáo dục và Đào tạo về câu chuyện này.


PGS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo
PGS. Trần Xuân Nhĩ - Nguyên Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo

Nếu có thể cắt giảm tham nhũng, lãng phí thì...

Thưa PGS. Trần Xuân Nhĩ, theo ông việc Đề án 322 bị dừng lại sẽ gây ra những hệ lụy như thế nào đối với các ứng viên?


Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ:  Theo tôi, việc dừng một cách đột ngột chắc chắn sẽ gây ra một cú sốc lớn đối với các bạn ứng viên. Vì dù sao thì các ứng viên đã phải dành rất nhiều thời gian và tiền của để chuẩn bị cho kế hoạch đi du học. 

Tuy nhiên, đối với Nhà nước trong hoàn cảnh hiện nay, đang cực kì khó khăn về mặt tài chính nên người ta giảm tất cả những gì có thể giảm được, trong đó có việc đi học này. Nhà nước không có đủ tiền để đưa đi học thì đành phải dừng lại chứ biết trông đợi vào khoản tiền nào bây giờ?

Nếu như nhà nước tính toán cân đối được, nhất là chống tham ô, lãng phí để dành cho việc cho đi du học này thì tốt biết bao. 

Có những quan điểm cho rằng, việc đề án 322 bị dừng đột ngột chẳng khác nào “đem con bỏ chợ”. Còn ông suy nghĩ gì?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ rằng việc cho các học sinh, sinh viên đi du học là muốn đào tạo một nguồn nhân lực phục vụ đất nước lâu dài và chất lượng. Đây là điều quan trọng. Chính nguồn nhân lực có chất lượng là những người có đóng góp lớn đến với nền kinh tế, làm ra của cải lớn cho xã hội. Nhưng quyết định này nằm ở phương diện vĩ mô nên tôi cũng không thể hiểu được. 
Tôi nghĩ rằng, trong điều kiện khủng hoảng khó khăn, nếu đất nước nào khôn ngoan là biết đầu tư vào giáo dục, để có thể gặt hái được mùa màng tốt hơn trong tương lai. Theo tôi Nhà nước nên cắt xén các khoản lãng phí để tiếp tục cho các bạn ứng viên đi du học. 
Thưa ông, với những quyết định như thế này, Cục đào tạo nước ngoài có phải thông qua lãnh đạo Bộ trước khi công bố không?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tất cả là do Bộ quyết định, còn bên Cục đào tạo nước ngoài chỉ là đơn vị thừa hành quyết định này thôi.

Theo ông một kế hoạch đi du học mà ứng viên đã theo đuổi suốt 2 năm trời, nay yêu cầu họ thay đổi chỉ trong 15 ngày có quá vội vàng không?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Cái gì cũng phải tính toán. Khi muốn đi du học ở một nước khác thì phải có một khoảng thời gian nhất định để họ phải sắp xếp mọi thứ từ gia đình, rồi đủ thứ khác. Do vậy nếu cập rập quá thì sẽ không thể nào hoàn chỉnh được. Nhưng rất may là Cục trưởng Nguyễn Xuân Vang khi tiếp các phụ huynh và ứng viên trong diện này cũng đã nói sẽ tạo điều kiện lùi thời gian, đồng thời cũng xin cấp trên kéo dài đề án để các em được đi học. Chúng ta hãy chờ xem.

Trong việc triển khai đề án 322, Bộ Giáo dục & Đào tạo là đơn vị chủ trì, nhưng đơn vị hướng dẫn xây dựng dự toán hàng năm và bố trí ngân sách lại là Bộ Tài chính. Theo ông thì điều này có khiến Bộ Giáo dục rơi vào thế bị động?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Có lần tôi sang Lào và được biết rằng Bộ Giáo dục Lào được tự chủ nguồn tài chính. Khi tự chủ được thì người ta sẽ có thể làm được những việc theo mong muốn của họ. Chỉ khi tự chủ được nguồn tài chính thì mới điều khiển được quân của mình.

Còn ở Việt Nam đâu tự chủ về nguồn tài chính nên không thể quản lí hết, chủ động các việc của mình cũng khó lắm chứ đâu phải dễ. Trước đây tôi cũng đã nhiều lần đề nghị Nhà nước trao quyền tự chủ cho chính Bộ Giáo dục. Không phải tự chủ các trường ĐH mà là tự chủ ngay ở Bộ Giáo dục chỉ khi ấy người ta mới có thể tính toán làm việc này, việc kia theo kế hoạch của mình. 

Tôi sẽ bán tất cả những gì có thể để con được đi du học

Nếu ông còn đương chức và được lãnh đạo Bộ giao xử lý vụ việc này, ông sẽ làm thế nào? 

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tất nhiên là không bao giờ có trường hợp tôi được xử lí việc này vì tôi đã nghỉ từ lâu. Nhưng nếu tôi được giao quyền trước tiên tôi phải giải thích cho được đối với cấp trên của mình để có thể thu xếp theo một hướng khác.

Như tôi nói, đầu tư vào giáo dục chính là đầu tư vì sự phát triển trong tương lai. Mặc dù khó khăn, nhưng chúng ta có thể bớt những khoản nọ, khoản kia, và nên để có sự chuẩn bị sẵn sàng cho mọi người, cho tương lai. Ngân sách dành cho giáo dục cũng không phải là quá nhiều so với các khoản ngân sách khác.

Nếu như cấp trên không chấp thuận thì cũng đành phải chịu thôi và khi ấy tôi sẽ phải có cách làm khéo léo để thông báo đến các ứng viên hạn chế một cách tối đa những cú sốc cho họ.

Nhiều phụ huynh, ứng viên vô cùng bức xúc về việc dừng du học năm 2012
Nhiều phụ huynh, ứng viên vô cùng bức xúc về việc dừng du học năm 2012

Nhiều phụ huynh và ứng viên trong diện này đang rất bức xúc về cách hành xử của Cục đào tạo nước ngoài (Bộ Giáo dục), mà điểm mấu chốt là thông tin này ập đến quá đột ngột, trong khi các ứng viên đã đổ tiền của và thời gian, tâm sức suốt 2 năm qua để học tập và chuẩn bị các điều kiện cần thiết. Ông có lời khuyên gì cho họ không?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tôi nghĩ rằng việc đã xảy ra rồi thì bức xúc cũng thế thôi, do đó mọi người cần bình tĩnh phản ánh lên với Bộ để có thể tìm ra những hướng giải quyết khác.

Mình cần phân tích thế nào để Nhà nước thấy được lợi ích lâu dài của việc này. Và tất nhiên nếu cần thiết thì mọi người có thể kiến nghị lên Thủ Tướng. Khi đưa lên cấp Thủ tướng thì người ta có thể suy nghĩ tính toán để đưa ra hướng giải quyết một cách chính xác hơn.

Nếu con ông thuộc diện 322 bị dừng thì ông sẽ làm gì?

Nguyên Thứ trưởng Trần Xuân Nhĩ: Tôi thấy nhiều bậc phụ huynh đang làm gì thì tôi sẽ làm theo. Cố gắng đi tìm đến nơi nào để kêu gọi cho con mình đi du học được. 

Tôi có tiếp xúc với một số người, họ mong muốn là Nhà nước cần phải tạo điều kiện cho các ứng viên đi du học theo các dạng học bổng khác hoặc là tự túc thì họ cũng sẵn sàng. Vậy nên nếu Nhà nước tạo điều kiện cho đi thì tôi sẽ bán tất cả những gì có thể bán được để cho con mình đi du học, góp phần phát triển đất nước trong tương lai.

Xin trân trọng cảm ơn ông!
Mọi thông tin phản ánh, khiếu nại tiêu cực trong giáo dục, mời quý độc giả gửi về địa chỉ email của tòa soạn:
http://giaoduc.net.vn/Giao-duc-24h/Hom-thu-bay-to-y-kien-to-giac-tieu-cuc-trong-giao-duc/161144.gd

NHỮNG SỰ KIỆN NỔI BẬT

Thêm nhiều tiếng kêu cứu gửi đến Bộ trưởng Bộ Giáo dục

Chùm ảnh: Hộp cơm của học sinh Nhật Bản có hình Tổng thống Mỹ 

Minh Hằng, Phương Thanh, Minh Quân... "tấn công" Trường Lương Thế Vinh

Sinh viên có quyền kiện Giám đốc Học viện BCVT Hồ Chí Minh ra Tòa

Sốc: Hiệu trưởng trường tiểu học ngang nhiên đánh bạc

Vụ tạm dừng Đề án 322: Cục Đào tạo nước ngoài không giữ lời hứa?

ĐIỂM NÓNG

Tuyển sinh 2012

Thi tốt nghiệp THTP 2012

Hoa khôi các trường ĐH

Ngôi sao học đường

Đổi mới Giáo dục

Xem nhiều nhất trong tháng

Bích Thảo (Thực hiện)