Dạy xác suất thống kê từ lớp 2 không có gì đáng lo ngại

07/11/2019 06:41
Thùy Linh
(GDVN) - “Chúng ta không nên lo lắng về vấn đề đưa thống kê, xác suất vào từ lớp 2 mà điều quan trọng là cách dạy của giáo viên như thế nào".

Theo chương trình giáo dục phổ thông mới sắp được áp dụng từ năm học 2020-2021, nội dung cốt lõi của môn Toán được tích hợp xoay quanh 3 mạch kiến thức chính: Số, Đại số và Một số yếu tố giải tích; Hình học và Đo lường; Thống kê và Xác suất.

Trong 3 mạch này, sự thay đổi lớn nhất so với chương trình hiện hành là Thống kê và xác suất. 

Theo chương trình phổ thông mới, thống kê và xác suất sẽ được đưa vào giảng dạy bắt đầu từ lớp 2 cho đến lớp 12. 

Thời lượng của mạch kiến thức Thống kê và xác suất tăng dần theo từng khối lớp. Ở cấp tiểu học, chiếm 3% tổng thời lượng chương trình môn Toán và được nâng dần lên, đến cấp trung học phổ thông chiếm khoảng 17-18 %.

Thông tin này khi đưa ra đã nhận được sự quan tâm cùng nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận.

Tất cả học trò phổ thông học môn tích phân và lượng giác để làm gì?

Trước nội dung này, chia sẻ với Báo điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Nguyễn Xuân Khang - Hiệu trưởng trường Marie Curie (Hà Nội) cho rằng: "Thống kê và xác suất là những vấn đề của cuộc sống thường ngày mà mỗi người đều có thể gặp. 

Khác với giải tích (vi phân, tích phân) chỉ cần cho những người nghiên cứu khoa học ở một số lĩnh vực. 

Do đó, khái niệm thống kê và xác suất có thể hình thành sớm ở bậc phổ thông (từ lớp 2, tùy thuộc lứa tuổi mà độ khó có thể tăng dần. 

Đặc biệt, hiện nay chương trình môn Toán đã được bàn và đi đến thống nhất về phần thống kê, xác suất. Vấn đề còn lại là thể hiện ở sách giáo khoa như thế nào mà thôi". 

Thầy Khang nhấn mạnh: "Nếu các tác giả viết sách giáo khoa phần thống kê, xác suất phù hợp thì học sinh hoàn toàn có thể tiếp thu và vận dụng tốt vào cuộc sống". 

Trong khi đó, Tiến sĩ Nguyễn Thị Thu Huyền - Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan (VFIS) cho rằng, thực chất môn Toán trong chương trình giáo dục hiện hành đã có yếu tố thống kê từ bậc tiểu học ví như những bài về biểu đồ, số trung bình cộng, dãy số, bảng số liệu…

“Khi mở chương trình chi tiết của chương trình Toán Phần Lan ở trường tôi sẽ thấy tuần 16 của lớp 1 đã giới thiệu về các loại biểu đồ cho trẻ rồi”, cô Huyền nhấn mạnh. 

Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng: “Chúng ta không nên lo lắng về vấn đề đưa thống kê, xác suất vào từ lớp 2 mà điều quan trọng là cách dạy của giáo viên như thế nào. (Ảnh nhân vật cung cấp)
Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng: “Chúng ta không nên lo lắng về vấn đề đưa thống kê, xác suất vào từ lớp 2 mà điều quan trọng là cách dạy của giáo viên như thế nào. (Ảnh nhân vật cung cấp)

Chia sẻ thêm về chương trình Toán Phần Lan ở Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan, cô Huyền cho hay, kiến thức về thống kê đã được dạy từ lớp 1-2 (tương ứng với mảng nội dung kí hiệu C4), tiếp nối sau đó là lớp 3-5 (tương ứng tương ứng với mảng nội dung kí hiệu C5). 

Cụ thể, học sinh lớp 1-2 là giai đoạn học sinh bắt đầu phát triển khả năng thu thập và lưu trữ thông tin về các chủ đề theo hứng thú. Khi đó học sinh vẽ và giải thích dữ liệu qua các bảng, biểu đơn giản (biểu đồ cột).

Còn đối với học sinh lớp 3-5 thì các em thu thập dữ liệu một cách hệ thống trên các chủ đề mà các em hứng thú. Từ đó học sinh lưu trữ và trình bày dữ liệu dưới dạng bảng và biểu đồ.

Giáo sư Viện Toán học Toulouse tiếp tục chỉ ra bất cập trong Sách giáo khoa

Trong số các thông số thống kê cơ bản, học sinh được giới thiệu về giá trị nhỏ nhất, lớn nhất, trung vị. Và các em được làm quen với xác suất trong các tình huống hàng ngày bằng cách đưa ra nhận định xem một sự kiện chắc chắn, có thể hoặc không thể xảy ra.

Từ những dẫn chứng này, Phó tổng Hiệu trưởng Trường quốc tế Việt Nam - Phần Lan cho rằng: “Chúng ta không nên lo lắng về vấn đề đưa thống kê, xác suất vào từ lớp 2 mà điều quan trọng là cách dạy của giáo viên như thế nào. 

Giáo viên đừng nhìn thống kê, xác suất theo kinh nghiệm học hồi đại học của mình mà áp dụng vào trẻ bởi trẻ học theo cách của trẻ, nội dung cũng phù hợp theo khả năng nhận thức của trẻ thì chương trình giáo dục phổ thông mới không hề làm khó học sinh”. 




Thùy Linh