Dạy vượt giờ không được tính thù lao, giáo viên tiểu học Châu Thành kêu cứu

31/08/2020 06:28
Phan Tuyết
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Mong rằng các cấp có thẩm quyền tại tỉnh An Giang sẽ giải quyết phù hợp nhất để giáo viên bước vào năm học mới trong một tâm thế thật vui tươi và thoải mái.

Nhiều giáo viên huyện Châu Thành, tỉnh An Giang đã phản ánh đến Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam việc thầy cô giáo nơi đây đã dạy vượt giờ tiêu chuẩn trong năm học 2019-2020 nhưng đến nay vẫn không được tính tiền tăng giờ.

Công văn chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành về việc tính tiền thừa giờ cho giáo viên (Ảnh tác giả).

Công văn chỉ đạo của Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành về việc tính tiền thừa giờ cho giáo viên (Ảnh tác giả).

Chúng tôi cũng đã có bài viết “Giáo viên An Giang phản ánh việc không được nhận dạy thừa giờ năm học 2019-2020” đăng trên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam ngày 9/8 vừa qua.

Chỉ đạo một đằng, thực hiện một nẻo?

Ngày 29/5 vừa qua, tại cuộc họp do bà Huỳnh Thị Thanh Tuyền, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành chủ trì cùng sự góp mặt của các hiệu trưởng các trường tiểu học, lãnh đạo Phòng giáo dục, chuyên viên phụ trách Tổ chức cán bộ để triển khai các văn bản liên quan đến chuyên môn và chi trả tiền thừa giờ đối với nhà giáo lại nêu rất rõ:

Tiếp tục triển khai đến giáo viên trong đơn vị, nhà trường nghiêm túc thực hiện chế độ trả lương dạy thêm giờ đối với giáo viên trong các cơ sở giáo dục công lập đúng theo Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC và các văn bản hiện hành .

Hiệu trưởng đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ tại (Khoản 6-Điều 3-TTLT số 7); Cách tính tiền lương dạy thêm giờ tại Điểm d-khoản 1-Điều 4-TTLT số 7 và đặc biệt khi chỉ đạo phân công giáo viên dạy thay phải đảm bảo chất lượng học tập của học sinh.

Thực hiện hồ sơ, quy trình, thủ tục quyết toán đúng quy định và lưu trữ hồ sơ tại đơn vị.

2. Nghiêm chỉnh chấp hành các văn bản quy định định mức giờ dạy đối với các vị trí việc làm: Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Tổ trưởng, Tổ phó chuyên môn, giáo viên Tổng phụ trách đội

Thông tư liên tịch số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC quy định thế nào?

Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Châu Thành chỉ đạo Hiệu trưởng đảm bảo thực hiện đúng nguyên tắc tính trả tiền lương dạy thêm giờ tại (Khoản 6-Điều 3-TTLT số 7);

Khoản 6 - Điều 3 TTLT nêu rõ: Chỉ thanh toán tiền lương dạy thêm giờ ở đơn vị hoặc bộ môn thiếu số lượng nhà giáo do cấp có thẩm quyền phê duyệt.

Đơn vị hoặc bộ môn không thiếu nhà giáo thì chỉ được thanh toán tiền lương dạy thêm giờ khi có nhà giáo nghỉ ốm, nghỉ thai sản theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội hoặc đi học tập, bồi dưỡng, tham gia đoàn kiểm tra, thanh tra và tham gia những công việc khác (sau đây gọi chung là đi làm nhiệm vụ khác) do cấp có thẩm quyền phân công, điều động phải bố trí nhà giáo khác dạy thay.

Giáo viên ở huyện Châu thành cho biết, người dạy tăng giờ chủ yếu là giáo viên kiêm nhiệm các chức danh Tổ trưởng chuyên môn, công đoàn, thư ký…và những giáo viên dạy khối lớp 1, 2, 3 do dạy 2 buổi/ngày (do trường thiếu giáo viên) nên đã dạy vượt giờ theo quy định.

Nếu thực hiện đúng theo Khoản 6 - Điều 3 TTLT số 07/2013/TTLT-BGDĐT-BNV-BTC thì các thầy cô giáo nơi đây phải được nhận tiền thừa giờ trong 30 tuần mà giáo viên đã dạy.

Thế nhưng, dù hiệu trưởng nhà trường đã xác nhận, Phòng Giáo dục cũng đã chỉ đạo nhưng chuyện trả tiền tăng giờ cho các thầy cô giáo vẫn phải chờ trong vô vọng.

Khó khăn cho nhà trường khi phân công chuyên môn năm học mới

Giáo viên một trường tiểu học trên địa bàn huyện Châu Thành (xin được giấu tên) cho biết: Năm học này, tụi em xin chuyển khỏi khối 1, khối 2 và khối 3 vì 3 khối này sẽ học cả ngày, giáo viên dạy sẽ dư tiết.

Giáo viên An Giang chia sẻ việc không được nhận tăng giờ (Ảnh tác giả)

Giáo viên An Giang chia sẻ việc không được nhận tăng giờ (Ảnh tác giả)

Công sức bỏ ra để dạy dư tiết nhưng không được công nhận thì ai còn muốn dạy nữa?

Nói rồi cô kể mình và một số đồng nghiệp ở cách trường khá xa do đó buổi trưa phải ở lại trường để đến chiều dạy tiếp.

Những bữa cơm ăn ké nhà đồng nghiệp hoặc ra ngoài quán, những giấc ngủ nơi văn phòng chập chờn vì học trò đi học sớm. Vậy mà, những buổi dạy tăng so với nhiều đồng nghiệp khối 4,5 (học sinh chỉ học một buổi) cũng không được ghi nhận.

Có giáo viên vừa dạy 2 buổi vừa kiêm thêm công tác Tổ trưởng hoặc chủ tịch công đoàn…số tiết dư của 30 tuần lên đến gần 200 tiết nhưng cũng không được tính. Sức lực bỏ ra cả năm bị đánh đồng với bao người chỉ dạy đủ số tiết đã làm nhiều thầy cô mất đi sự nhiệt huyết của mình.

Nhưng nếu ai cũng đòi đổi khối để không phải dạy tăng tiết, ai cũng từ chối không nhận kiêm nhiệm công việc khác thì sẽ sao đây?

Mong rằng các cấp có thẩm quyền tại tỉnh An Giang sẽ có cách giải quyết phù hợp nhất để giáo viên nơi đây bước vào năm học mới trong một tâm thế thật vui tươi và thoải mái.

Phan Tuyết